Khung cảnh Chúa giáng sinh có lẽ quá quen thuộc, nên chúng ta thường bỏ lỡ ý nghĩa biểu tượng đầy đủ của nó.
Làm thế nào để chúng ta có thể khám phá lại mầu nhiệm Giáng sinh? Và làm thế nào chúng ta có thể nuôi dưỡng hồng phúc của Chúa giáng sinh trong suốt năm nay? Thầy Eric Bidot, Capuchin, coi sóc tu viện Clermont-Ferrand (ở Puy-de-Dôme, Pháp) đã chia sẻ về điều đó cho chúng ta.
1- Vào năm 1223, tại sao thánh Phanxicô đã tạo ra một khung cảnh Chúa giáng sinh sống động?
Thánh Phanxicô đã kết hợp với Chúa Giêsu. Ngài nhìn thấy Chúa Giêsu trong những biến cố và cuộc gặp gỡ trong đời thường, nhận ra Chúa Giêsu nơi anh em mình, nhất là những người nghèo nhất. Thánh Phanxicô chỉ có một ước muốn duy nhất: gặp gỡ, nhìn thấy, chạm vào Thiên Chúa. Trong Tin Mừng, có hai mầu nhiệm về cuộc đời của Đức Kitô khiến người ta phải rơi lệ: Sự đóng đinh và Chúa giáng sinh. Thánh Phanxicô tự thể hiện mình là một người “giản dị”: thánh nhân là một nghệ sĩ, nhà thơ, một tâm hồn nhạy cảm. Để hiểu Tin Mừng, thánh nhân cần phải nhìn thấy nó, chạm vào nó, và để trải nghiệm nó.
2- Mọi người đã đáp trả như thế nào?
Chắc hẳn họ đã nói về khung cảnh Giáng sinh rất nhiều trong những ngôi nhà mái tranh của họ! Mặc dù chúng ta không có nhiều dấu vết về những gì thánh Phanxicô đã nói trong lời tuyên bố của ngài, nhưng truyền thuyết phổ biến kể rằng người dân đã cảm động đến mức mang theo những sợi rơm về nhà, đến mức không còn một sợi nào. Cách mà thánh nhân nói về Chúa Giêsu đã đánh thức đức tin và lòng nhiệt thành của họ.
Tôi có xu hướng nghĩ rằng, thánh Phanxicô đã giảng về sự khiêm nhường của Thiên Chúa: làm sao Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, Đấng tạo dựng vũ trụ, Chủ thời gian và lịch sử, trở thành con người và sinh ra như một kẻ bị ruồng bỏ? Khung cảnh Chúa giáng sinh đã cách mạng hóa hình ảnh mà chúng ta có về Thiên Chúa: một Thiên Chúa hạ mình vì ơn cứu độ của chúng ta.
3- Làm thế nào để chúng ta đi vào chiêm ngưỡng mầu nhiệm này?
Chúng ta nên để cho mình an lòng và say đắm bởi mầu nhiệm trước mắt. Chúng ta nên chấp nhận trường học về sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Để ca vang phép lạ vĩ đại nhất trong lịch sử, chúng ta phải khám phá lại tâm hồn trẻ thơ của mình. Chúng ta nên chìm dắm bởi máng cỏ. Và vì điều đó, khung cảnh Chúa giáng sinh của chúng ta sẽ không bao giờ đủ đẹp. Hãy cố gắng biến chúng thành biểu tượng thực sự. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng chúng và vô cùng ngạc nhiên trước một mầu nhiệm lớn lao như vậy.
Điều quan trọng là trong khung cảnh Chúa giáng sinh, các hoạt động bình thường và cụ thể của con người hôm qua và hôm nay, đang hòa mình vào cuộc sống hàng ngày, cần được thể hiện. Tại sao không thêm vào các bức tượng truyền thống bác sĩ, công nhân xây dựng, nông dân, chủ cửa hàng, v.v…? Tại máng cỏ, toàn bộ Thụ tạo được qui tụ: vũ trụ, các yếu tố tự nhiên, lớn nhỏ của thế giới này. Thiên Chúa trở thành con người để đổi mới và hòa giải mọi Thụ tạo từ bên trong.
4- Đâu là trọng tâm của thông điệp trong khung cảnh Chúa giáng sinh?
Khung cảnh Chúa giáng sinh là một mầu nhiệm của sự đơn sơ. Chúng ta thực sự nhận ra rằng những người chăn chiên – những nhân chứng đầu tiên cho sự ra đời của Đấng Cứu Độ – là những người nghèo nhất và bị miệt thị nhất trong số những người Do Thái vào thời của họ. Nếu chúng ta có tấm lòng và bàn tay của người nghèo, chúng ta sẽ dễ dàng bước vào niềm hân hoan khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm cao cả này.
Vào lễ Giáng sinh, sự hiện diện của Đấng Emmanuel (“Thiên Chúa ở cùng chúng ta”) mặc khải chúng ta thấy sự đơn sơ của Tình yêu. Thiên Chúa thật giản dị. Chính chúng ta mới là những người trở nên rắc rối và phức tạp bởi tội lỗi của mình. Tại máng cỏ, Thiên Chúa ở đó – một mầu nhiệm như lặp lại câu cảm thán của thánh Augustinô: “Ngài ở trong con, còn con ở bên ngoài, và chính ở đó mà con tìm kiếm Ngài. Ngài đã ở với con nhưng con không ở với Ngài; những thứ tạo ra đó đã giữ con lại với Ngài, nhưng nếu chúng không ở trong Ngài thì chúng sẽ không ở đâu cả!”
5- Làm thế nào chúng ta có thể nuôi dưỡng ân sủng của Giáng sinh trong suốt năm nay?
Bằng cách để Thiên Chúa biến đổi tất cả các mối quan hệ của chúng ta: mối quan hệ của chúng ta với Ngài, với bản thân và với người khác. Đây không phải là một phương pháp điều trị tâm lý, nó là một sự biến đổi tâm linh thực sự. Và đối với điều này chỉ có một cách: cầu nguyện cá nhân. Không có nó, không thể sống bằng ân sủng của Giáng sinh. Tuy nó hơi phiến diện, nhưng đó là sự thật. Mỗi ngày, Thiên Chúa chỉ xin được đổi mới chúng ta, để ban cho chúng ta sự bình an và niềm vui của Giáng sinh. Đây không phải là bề ngoài của hòa bình và niềm vui phấn khởi, mà là sự bình an sâu sắc và niềm vui khi biết rằng chúng ta được yêu thương. Tại sao chúng ta không dành ít nhất 5 phút mỗi ngày để cho phép Thiên Chúa đổi mới chúng ta sao?
6- Nghe có vẻ ngây ngô khi một câu hỏi được đặt ra: tại sao Thiên Chúa lại nhập thể?
Để nói với chúng ta rằng mỗi người đều là con cái của Thiên Chúa! Để mặc khải cho chúng ta khuôn mặt thật của Thiên Chúa và do đó khôi phục mối quan hệ của chúng ta với Cha trên trời. Thánh I-rê-nê vào thế kỷ thứ 2 nói: “Thiên Chúa trở thành người để con người có thể trở thành Thiên Chúa”. Chúa Giêsu thực sự là Thiên Chúa và thực sự là con người, đã giao hòa con người với Thiên Chúa và dẫn chúng ta đến chiều kích đích thực và trọn vẹn của mình. Bằng cách nhập thể, Ngôi Lời vĩnh cửu mặc khải quyền năng của sự tốt lành, lòng thương xót và sự dịu dàng của Ngài. Trong Chúa Giêsu, Ngài làm cho chính Ngài trở nên gần gũi, nhỏ bé để không làm chúng ta sợ hãi. Máng cỏ, giống như Bí tích Thánh Thể, là mạc khải của một Thiên Chúa, Đấng tự biến mình thành tôi tớ của mọi người để cho chúng ta thấy tất cả quyền năng tình yêu của Người. Như một trong những bài hát mừng Giáng sinh cổ nhất nói: “Từ máng cỏ đến khi bị đóng đinh, Thiên Chúa ban cho chúng ta một mầu nhiệm vĩ đại”.
Phỏng vấn bởi Emmanuel Pellat
Khai Sáng chuyển ngữ