Hoàng Miên là một học sinh xuất sắc lớp 9. Gia đình em thuộc hàng khá giả, em là con một, ngoan ngoãn và được mọi người thương mến. Không hiểu lý do gì mà gần một năm nay em tỏ ra bẳn gắt, rất khó chịu. Ba mẹ em cũng đã ngồi lại để xem vấn đề, họ thấy em có mọi sự, chẳng có lý do gì để gọi là khủng hoảng. Trong lớp, thầy cô vẫn thấy em đứng đầu bảng, và chỗ đứng của em hầu như ‘vô đối’. Bạn bè vẫn kính nể thương mến em. Vậy thì tại sao?
Vấn đề là chính em cũng chẳng hiểu tại sao mà mình thay đổi như thế nữa. Thỉnh thoảng mẹ dò hỏi về bạn trai, nhưng tuyệt nhiên Hoàng Miên chẳng hề nghĩ đến. Rất may, Hoàng Miên có thể tâm sự với thầy chủ nhiệm. Tuy còn trẻ, nhưng thầy điềm đạm và đáng tín nhiệm. Đem những băn khoăn chia sẻ với thầy một cách chân thành. Sẵn lòng trả lời những thắc mắc thầy nêu, cuối cùng, hai thày trò đã tìm ra vấn đề. Thật may!
Lý do đơn giản nhưng tinh tế, là bởi năm nay có một bạn mới chuyển đến. Vi Vân, cô bạn mới xinh đẹp như một hotgirl, lại còn đàn hay và có duyên, mà chuyện học thì chẳng hề kém cạnh Hoàng Miên. Chính vì thế Hoàng Miên cảm thấy dường như người bạn này lấy mất chỗ của em. Sự chú tâm của các bạn dành cho em bị giảm đi vì hình như bởi bị chia cho người khác. Tận trong thâm tâm em ghen tị với bạn. Sự hiện diện của bạn làm em buồn phiền, em nghĩ rằng chỗ đứng quan trọng của mình trong lòng mọi người không còn nữa. Sự có mặt của người bạn mới này làm em có cảm giác giá trị bản thân mình kém đi và hình ảnh em bị lu mờ. Một cảm xúc sâu xa như thế thật không dễ gọi tên và cũng không dễ để bộc bạch nó cho người khác.
Thấu hiểu cảm xúc
Cảm xúc là một động thái tình cảm rất quan trọng không chỉ đối với mỗi cá nhân, nhưng nó còn giúp xây dựng những mối tương quan giữa người với người cách dễ dàng, thân tình và ý nghĩa.
Những trải nghiệm nơi con người được xem như lớp bạc tráng dưới tấm gương, và cách họ phản ứng bằng lời hay hành động chính là sự phản chiếu tấm gương của tấm gương kinh nghiệm mà họ có trong đời. Vì vậy, khi ai đó có khả năng hiểu mình một cách thâm sâu thì cũng sẽ có khả năng hiểu và nhận ra nhu cầu, sự mong đợi của người khác. Khả năng thấu hiểu tình cảm được thể hiện ngang qua việc biết nhận diện rõ những cảm xúc đang diễn ra trong thế giới nội tâm của bản thân và thái độ của ta đối với những người xung quanh.
Vấn đề là nhiều khi ta gọi sai tên những tình cảm thầm kín đang diễn ra ở nơi bản thân. Nguyên nhân có thể là vì ta không dám đối diện với chính mình, với con người thật của mình, mà lại an lòng với hình ảnh lý tưởng mà mình cố vẽ cho người xung quanh thấy về mình. Khi không dám gọi tên những tình cảm thật mà ta đang trải qua, thì rất dễ dàng đẩy ta đến chỗ bám vào những nguyên nhân gián tiếp của vấn đề. Vì thế nhiều khi ta cảm thấy dường như không có lối thoát.
Một chân lý mỗi người cần nhớ là chuẩn bệnh đúng mới chữa đúng, còn không sẽ dễ tiền mất tật mang. Cũng vậy, muốn điều chỉnh bản thân, hoặc muốn có một giao tiếp tốt cần phải có khả năng thấu hiểu được cảm xúc nội tâm của ta.
Làm thế nào để giáo dục khả năng hiểu được cảm xúc?
Chúng tôi xin gợi ý chia sẻ đến các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh điều này, rằng trong khi chúng ta chú ý đến việc truyền đạt kiến thức khoa học và những giá trị luân lý cho người trẻ, thì tiên vàn, chúng ta cần giúp chúng biết cách đón nhận bản thân, biết cách đón nhận những tình cảm rất người của họ.
Đón nhận bản thân chính là tiền đề cho việc đón nhận người khác. Hiểu được cảm xúc bản thân là nền tảng để thấu hiểu cảm xúc người khác. Điều này không chỉ giúp người trẻ phát triển chính mình mà còn giúp chúng có khả năng đi vào mối tương quan hài hòa với tha nhân, để họ không chỉ biết làm việc mà còn biết sống với người khác nữa. Để luyện tập kỹ năng thấu hiểu này, Nhật Tâm xin lưu ý quý phụ huynh:
Chúng ta phải là người đầu tiên biết lắng nghe tình cảm thật của mình, để có sự thấu cảm, thông cảm với người khác.
Tạo cơ hội cho con cái chúng ta biết sống thật với chính mình. Để được như thế, phụ huynh đừng quá chăm chú để rồi xét nét con cái, bởi gặp tình huống như thế, các em dễ giấu kín cảm xúc tiêu cực, dễ rút kinh nghiệm cho việc chân thành diễn tả cảm xúc và kết quả là bị giáo huấn dài dòng.
Khi con cái phản ứng với thái độ không thích trước lối cư xử của chúng ta, quý phụ huynh đừng lấy đó làm tổn thương hay cho rằng mình bị mất danh dự, rồi tìm cách chữa lỗi. Tốt hơn, hãy trò chuyện với con, tìm ra giải pháp, hoặc đơn giản là xin lỗi nếu nhận ra lỗi ở phía mình.
Kết luận
Với những suy tư này, nhà giáo dục cần lưu ý đến cảnh báo của các nhà tâm lý học rằng khả năng thấu hiểu tình cảm là một yếu tố rất quan trọng, giúp xây dựng những mối tương quan liên vị tốt. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng. Đồng thời, chúng ta cần nhớ rằng mình không thể giúp người khác hiểu và đón nhận cảm xúc của họ, nếu chính bản thân chúng ta không có khả năng thấu hiểu và đón nhận chính mình.
Nhật Tâm