HOA THIÊNG 2024
“Giấc mơ kiến tạo ước mơ”
Một trái tim biến đổi “sói” thành “chiên”
ο 0 ο
Trong thời gian phục vụ nhà Dòng với chức vụ Bề Trên Cả, cha nhận thấy rằng Hoa Thiêng là một trong những món quà đẹp nhất mà hàng năm Don Bosco và những người kế vị ngài trao ban cho toàn thể Gia đình Salêdiêng. Hoa Thiêng là sự hướng dẫn và trợ giúp để toàn thể Gia đình Salêdiêng cùng nhau bước đi và vươn đến những nơi xa xôi nhất. Đồng thời, Hoa Thiêng cũng để lại cho những thực tại cá vị tự do đón nhận, nếm hưởng và làm cho có giá trị những điều được đề xuất cho hành trình của từng cộng đoàn giáo dục mục vụ.
Trong năm 2024, chúng ta sẽ kỷ niệm 200 năm “giấc mơ – thị kiến – của Gioan Bosco khi cậu lên chín hoặc mười tuổi tại ngôi nhà Becchi”[1] vào năm 1824: giấc mơ chín tuổi.
Cha nghĩ rằng việc kỷ niệm 200 năm về một giấc mơ vốn đã “quyết định toàn bộ lối sống và suy nghĩ của Don Bosco; và đặc biệt, cách cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi người và trong lịch sử thế giới”,[2] xứng đáng được đặt làm trung tâm của Hoa Thiêng sẽ định hướng cho năm giáo dục mục vụ của toàn thể Gia đình Salêdiêng. Giấc mơ đó có thể được tìm hiểu và đào sâu trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng, trong việc giáo dục mục vụ và trong việc thăng tiến xã hội ở mọi nơi trên thế giới thuộc về gia đình của chúng ta, một gia đình tìm thấy nơi Don Bosco dung mạo của người truyền cảm hứng và là người cha của chúng ta.
“Cha muốn nhắc lại giấc mơ chín tuổi. Đối với cha, dường như những trang tự truyện của Don Bosco trình bày một cách đơn sơ, nhưng mang tính ngôn sứ về tinh thần và sứ mệnh của ngài. Giấc mơ xác định cánh đồng làm việc được trao phó cho ngài: giới trẻ; xác định mục tiêu hoạt động tông đồ của ngài: giúp giới trẻ trưởng thành như những con người thông qua việc giáo dục; xác định phương pháp giáo dục: Hệ thống Dự phòng; xác định chân trời cho mọi hoạt động của ngài và của chúng ta: kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa, Đấng trước hết và hơn ai hết, yêu thương giới trẻ”.[3] Cha nguyên Bề Trên Cả Pascual Chávez Villanueva đã viết như vậy khi kết thúc phần chú giải Hoa Thiêng 2012 dành cho Gia đình Salêdiêng trong năm đầu tiên chuẩn bị cho việc kỷ niệm hai trăm năm (năm 2015) sinh nhật của Don Bosco.
Đoạn văn trên là một tổng hợp tuyệt vời trình bày bản chất của giấc mơ chín tuổi với tính đơn giản và ngôn sứ, cũng như giá trị đoàn sủng và giáo dục của giấc mơ. Trong suốt năm nay, chúng ta sẽ cố gắng mang giấc mơ chín tuổi của Don Bosco đến với tâm hồn và cuộc sống của toàn thể Gia đình Salêdiêng. Đó là một giấc mơ, một “giấc mơ – thị kiến – nổi tiếng sẽ trở nên và cấu thành một trụ cột quan trọng, gần như là một huyền thoại nền tảng của Gia đình Salêdiêng”.[4] Chúng ta cần đặt giấc mơ này trong bối cảnh của nó và nhãn quan đánh giá phê bình, như Don Bosco và các chuyên gia về lịch sử Salêdiêng của chúng ta đã làm, để có thể chú giải và hướng dẫn việc học hỏi, nghiên cứu giấc mơ chín tuổi theo một lối giải thích thực tế, sống động và hiện sinh. Chắc chắn Don Bosco đã giữ giấc mơ chín tuổi trong tâm trí suốt cuộc đời mình, như chính ngài khẳng định: “Ở độ tuổi đó, cha có một giấc mơ đã khắc ghi trong tâm trí suốt cuộc đời”.[5] Vì vậy, đó là một giấc mơ đã hiện diện nơi ngài và trong toàn bộ hành trình của dòng Don Bosco cho đến ngày nay và chắc chắn sẽ chạm đến toàn thể Gia đình Salêdiêng của chúng ta.
Cha Philip Rinaldi viết nhân dịp kỷ niệm 100 năm đầu tiên của giấc mơ: “Quả thật, nội dung của giấc mơ chín tuổi quan trọng đến mức, trong dịp kỷ niệm 100 năm này, chúng ta phải có bổn phận nghiên cứu và đào sâu giấc mơ với những suy tư nghiêm túc trong từng chi tiết và quảng đại áp dụng những giáo huấn trong giấc mơ vào thực tế nếu chúng ta muốn xứng đáng với danh hiệu là những người con đích thực của Don Bosco và những người Salêdiêng hoàn hảo”.[6] Chúng ta đang mãnh liệt sống sự kiện đặc biệt của dịp kỷ niệm 200 năm giấc mơ chín tuổi, một sự kiện chắc chắn sẽ có nhiều biểu hiện trên khắp thế giới Salêdiêng. Ước gì tất cả những việc biểu lộ đó hướng đến niềm vui cử hành và lễ hội, nhưng cũng là cơ hội để nhìn lại cuộc đời của chúng ta cách sâu xa và tràn đầy hy vọng, giúp chúng ta có những đề xuất can đảm cho giới trẻ để giúp họ có những ước mơ “vĩ đại”, tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa Giêsu và “tay trong tay” với Đức Trinh Nữ Maria, bà giáo và là Mẹ của chúng ta.
1. “Cha đã có một giấc mơ”: một giấc mơ rất đặc biệt
Đúng vậy, 200 năm trước, cậu bé Gioan Bosco đã có một giấc mơ, giấc mơ “ghi dấu ấn” cho toàn bộ cuộc đời cậu. Giấc mơ ấy để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong tâm hồn cậu bé Gioan Bosco, và cậu chỉ hiểu đầy đủ ý nghĩa vào cuối đời mình. Chúng ta tường thuật ở đây giấc mơ do chính Don Bosco kể lại theo ấn bản phê bình của cha Antonio da Silva Ferreira SDB.[7]
(Dẫn nhập) “Vào độ tuổi đó, cha có một giấc mơ đã khắc ghi trong tâm trí suốt cuộc đời.
(Thị kiến về giới trẻ và sự can thiệp của Gioan Bosco) Trong giấc mơ, cha thấy mình ở gần nhà, trong một cái sân rất rộng, nơi nhiều trẻ em quy tụ vui chơi với nhau. Đứa thì vui cười, những đứa khác vui chơi, một số khác chửi thề. Khi nghe những lời chửi thề, cha lập tức xông vào chúng, dùng nắm đấm và lời nói của mình để làm cho chúng câm miệng.
(Thị kiến về người thanh niên đáng kính) Ngay lúc đó, một người đáng kính xuất hiện, độ tuổi thanh niên, ăn mặc sang trọng. Một chiếc áo choàng trắng phủ lên toàn bộ thân hình, và khuôn mặt ngài sáng chói, đến nỗi cha không thể nhìn ngắm ngài. Người thanh niên đáng kính đó gọi đích danh tên của cha và truyền cho cha đứng đầu những đứa trẻ đó. Ngài nói: “Không phải bằng những cú đánh cú đá, mà bằng sự dịu hiền và đức ái, con sẽ chinh phục những bạn trẻ của con. Vì vậy, con hãy lập tức dạy cho chúng biết về sự xấu xa của tội lỗi và sự quý giá của các nhân đức”. Bối rối và sợ hãi, cha nói rằng cha là một đứa trẻ nghèo và ngu dốt, không có khả năng dạy giáo lý cho những đứa trẻ này. Ngay lúc đó, đám trẻ ngừng vui đùa, hết la hét và chửi thề, tất cả quy tụ bên người thanh niên đáng kính đang nói.
(Đối thoại về căn tính người thanh niên) Hầu như không biết mình phải nói gì, cha lên tiếng: “Ngài là ai mà truyền cho con những điều con không thể làm được?”.
“Chính vì những điều dường như là không thể đối với con, thì con phải biến nó trở thành khả thể, bằng sự vâng lời và tiếp thu kiến thức”.
“Con có thể tiếp thu kiến thức ở đâu và bằng phương tiện nào?”.
“Ta sẽ trao cho con một bà giáo, dưới sự hướng dẫn của bà, con có thể trở nên khôn ngoan, mà nếu không có bà giáo này, thì mọi sự khôn ngoan đều trở thành ngu xuẩn”.
“Nhưng ngài là ai mà nói cho con những điều như thế?”.
“Ta là Con của Đấng mà mẹ của con dạy con phải chào mỗi ngày ba lần”.
“Mẹ của con dạy con không được kết giao với những người con không quen biết, nếu không có phép của mẹ; vì vậy, ngài hãy cho con biết tên của ngài”.
“Tên của Ta à, con hãy hỏi mẹ của Ta”.
(Sự xuất hiện của người nữ dáng vẻ uy nghi) Ngay lúc đó, cha nhìn thấy bên cạnh người thanh niên đáng kính là một người nữ uy nghi, mặc chiếc áo choàng rực sáng, như thể toàn bộ chiếc áo choàng được đính bằng những ngôi sao sáng ngời. Thấy cha lúng túng trong các câu hỏi và trả lời, người nữ ra hiệu cho cha tiến lại gần, âu yếm cầm tay cha và nói: “Con hãy nhìn xem!”.
Cha nhìn và cha thấy đám trẻ đã biến mất, và thay vào đó là rất nhiều động vật, nào là dê, chó, mèo, gấu và nhiều động vật khác. Người nữ nói với cha: “Đây là cánh đồng của con, là nơi con phải làm việc. Hãy trở nên khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường. Những gì con thấy giờ đây đang xảy ra với những con vật này, con cũng sẽ phải làm như vậy cho các con của Ta”.
Cha quay lại nhìn, và kìa, thay vì những con vật hung dữ, lại xuất hiện những con chiên dịu dàng, chúng nhảy tung tăng và kêu be be, như thể để chào đón người thanh niên đáng kính và người nữ đó.
Đến lúc này trong giấc mơ, cha bật khóc và cha cầu xin người nữ giải thích cho cha mọi chuyện, bởi vì cha không hiểu những gì đang xảy ra có nghĩa là gì. Người nữ đặt tay lên đầu cha và nói: “Đến thời của nó, con sẽ hiểu tất cả”.
(Kết luận) Sau khi người nữ nói xong câu đó, một tiếng động làm cha tỉnh giấc, và mọi sự biến mất. Cha hoàn toàn sửng sốt, cảm thấy tay chân mình đau nhức vì những cú đấm cú đá, đồng thời mặt của cha cũng đau vì những cái tát của đám trẻ đó; rồi nhân vật đáng kính đó là ai? Người phụ nữ kia là ai? Những điều xảy ra và những điều đã nghe trong giấc mơ chiếm hết tâm trí cha đến nỗi đêm đó cha không tài nào ngủ thêm được.
Sáng hôm sau, cha lập tức kể lại giấc mơ đó, trước tiên cho các anh của cha, họ bắt đầu cười. Sau đó, cha kể cho mẹ và bà nội nghe. Mỗi người giải thích giấc mơ đó theo suy nghĩ riêng của mình.
Anh Giuse nói: “Em sẽ trở thành người chăn dê, chăn chiên hoặc chăn dắt các loài động vật khác”.
Mẹ của cha thì nói: “Biết đâu con sẽ trở thành linh mục”.
Anh Antôn lên tiếng cộc lốc: “Mày sẽ là thủ lĩnh của bọn cướp”.
Bà nội, người biết nhiều về giáo lý và thần học dù hoàn toàn không biết chữ, nói lên lời phán quyết cuối cùng: “Không nên để ý tới mộng mị”.
Cha cũng đồng ý với bà nội, tuy nhiên cha không bao giờ có thể gạt bỏ giấc mơ đó ra khỏi tâm trí mình. Những điều cha sắp trình bày ra đây sẽ mang lại ý nghĩa cho giấc mơ này. Cha luôn giữ im lặng về mọi chuyện này; những người thân của cha cũng không lưu tâm đến nó. Nhưng vào năm 1858, khi cha đến Rôma để yết kiến Đức Giáo Hoàng Piô IX, trình bày cho ngài về việc thành lập dòng Salêdiêng Don Bosco, ngài yêu cầu cha thuật lại chi tiết tất cả những điều thậm chí mang dáng vẻ siêu nhiên. Thế là lần đầu tiên cha kể lại giấc mơ mà cha đã mơ vào năm chín hay mười tuổi. Đức Giáo Hoàng truyền lệnh cho cha viết lại giấc mơ một cách chi tiết, từng lời từng chữ, và để lại như một lời khích lệ cho các tu sĩ Salêdiêng, bởi vì việc thành lập dòng Salêdiêng Don Bosco là mục đích chuyến viếng thăm Rôma của cha năm đó”.
Giấc mơ chín tuổi sẽ tái diễn nhiều lần trong cuộc đời của Don Bosco và chính ngài đã lần đầu tiên thuật lại cho chúng ta trong quyển Hồi ký Nguyện xá về giấc mơ mà ngày nay chúng ta kỷ niệm hai trăm năm. Những năm sau, Don Bosco cũng nhiều lần kể lại giấc mơ này. Quả thật, giấc mơ chín tuổi không phải là một giấc mơ đơn lẻ, mà thuộc về một chuỗi các giai đoạn giấc mơ bổ sung cho nhau trong cuộc đời Don Bosco. Chính ngài đã kết nối, tổng hợp ba giấc mơ chính lại với nhau: giấc mơ năm 1824 (tại Becchi), giấc mơ năm 1844 (ở Học viện giáo sĩ) và giấc mơ năm 1845 (tại công cuộc của nữ bá bước Barolo). Trong các giấc mơ đó có những yếu tố liên tục và thành tố mới mẻ. Trong giấc mơ, chúng ta luôn có thể nhận ra hình ảnh và khung cảnh đầu tiên của cánh đồng Becchi, nhưng với những chi tiết, phản ứng, thông điệp mới, liên kết với những giai đoạn của cuộc đời, không phải là cậu bé Gioan Bosco lúc chín tuổi mà là Don Bosco đang thực hiện và sống trọn vẹn sứ mệnh của mình.
Nhiều năm sau, Don Bosco kể lại giấc mơ cho cha Giulio Barberis vào năm 1875 khi Don Bosco đã ở tuổi sáu mươi. Vào thời điểm đó, Don Bosco đã chứng kiến sự ra đời của Dòng Salêdiêng Don Bosco (ngày 18 tháng 12 năm 1859), Hiệp hội lòng sùng kính Đức Mẹ Phù Hộ (ADMA, ngày 18 tháng 4 năm 1869), Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (ngày 5 tháng 8 năm 1872) và Hiệp hội đạo đức Cộng tác viên Salêdiêng (tên gọi ban đầu do Don Bosco đặt) được phê duyệt vào ngày 9 tháng 5 năm 1876.
Khi giấc mơ này xuất hiện lần cuối cùng, Don Bosco đã lớn tuổi, và như cha đã nói, là một người trưởng thành: ngài đã trải qua nhiều tình huống, đối diện và vượt qua muôn vàn khó khăn, cảm nghiệm Ân Sủng và Tình Yêu của Đức Trinh Nữ Maria đã thực hiện cho các thanh thiếu niên của ngài, chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa Quan Phòng, và chịu đựng không ít đau khổ. “Giấc mơ chín tuổi đã tiên báo cho Don Bosco rằng ‘đến thời của nó, con sẽ hiểu tất cả’. Thật vậy, vào năm 1887, trong dịp cung hiến Đền thờ Thánh Tâm ở Rôma, Don Bosco đã nghe thấy những lời đó vang vọng bên tai và ngài đã bật khóc vì vui mừng. Ngài đã khóc khi chiêm ngưỡng những kỳ công tuyệt vời của đức tin bất khuất của mình”.[8]
2. Một giấc mơ mà tất cả các Bề Trên Cả đều nhắc đến
Cha đặc biệt ấn tượng bởi sự kiện là tất cả các vị Bề Trên Cả, ngoại trừ Don Rua mà cha không thể tìm thấy bất kỳ trích dẫn nào, đều đề cập đến giấc mơ chín tuổi của Don Bosco. Một giấc mơ ghi dấu ấn cho nhà Dòng chúng ta và Gia đình Salêdiêng. Ở đây, cha tham khảo công trình nghiên cứu tuyệt vời của thầy Marco Bay.[9]
Cha Phaolô Albera, đấng kế vị thứ hai của Don Bosco, cho rằng Nguyện xá Valdocco là Nguyện xá của Don Bosco, là công cuộc đầu tiên và duy nhất trong nhiều năm của ngài; đồng thời cha Albera xác tín rằng giấc mơ chín tuổi là một giấc mơ huyền nhiệm mà Chúa Quan Phòng trao phó sứ mệnh cho Don Bosco: “Công cuộc đầu tiên, thực ra trong nhiều năm đó là công cuộc duy nhất của Don Bosco là Nguyện xá ngày Chúa Nhật và ngày lễ trọng, mà ngài đã nhìn thấy trong giấc mơ huyền nhiệm khi ngài lên chín tuổi và trong những giấc mơ tiếp theo soi sáng cho tâm trí cho ngài về công cuộc mà Chúa Quan Phòng trao phó cho ngài”. [10]
Cha Philip Rinaldi, đấng kế vị thứ ba của Don Bosco, nhân dịp kỷ niệm 100 năm giấc mơ chín tuổi, đã hướng dẫn toàn thể nhà Dòng thấm nhuần ân sủng để sống kinh nghiệm về sự kiện này. Cha Rinaldi khích lệ chúng ta như sau:
Trong Thư luân lưu về Năm Thánh của Hiến Luật dòng chúng ta, cha đã đề cập với anh em về việc kỷ niệm 100 năm giấc mơ chín tuổi của Don Bosco. Cha mời gọi anh em suy gẫm và thực hành giấc mơ này. […]. Anh em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại câu chuyện của Don Bosco, người cha yêu dấu của chúng ta, đã viết lại theo lệnh truyền của Đức Giáo Hoàng, để giáo huấn chúng ta. Vâng, chúng ta hãy đọc giấc mơ chín tuổi với lòng tôn kính tận sâu thẳm tâm hồn và hãy ghi khắc trong tâm trí chúng ta từng chữ một. Những trang viết này mô tả cho chúng ta về nguồn gốc siêu nhiên, bản chất sâu xa và hình thức chuyên biệt của ơn gọi chúng ta theo Tin Mừng. Càng đọc chúng ta càng thấy ơn khai sáng và tính mới mẻ. [11]
Cũng trong lá thư này, cha Rinaldi giúp chúng ta hiểu rằng, giống như Don Bosco trong giấc mơ chín tuổi được Thiên Chúa trao cho một sứ mệnh, thì cũng vậy, chúng ta cũng được kêu gọi, với sự hướng dẫn nhân từ của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng nắm lấy tay chúng ta, chỉ cho chúng ta cánh đồng làm việc và giúp chúng ta bằng muôn vàn cách thế khác nhau để đạt được ân sủng về sự khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường. Chúng ta hiểu rất rõ lời mời gọi trở nên khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường quan trọng đối với chúng ta. Đó là lời mời gọi mà Đức Maria dành cho cậu bé Gioan Bosco trong giấc mơ chín tuổi.
Chúng ta cũng được mời gọi phải thủ đắc những phương tiện cần thiết để áp dụng phương pháp này vào thực tế, nghĩa là cần thủ đắc sự vâng phục và sự khôn ngoan, dưới sự hướng dẫn của Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta đã (hoặc đang) thủ đắc những ơn thiêng trong những năm đào tạo tu sĩ và linh mục. Trong những năm hạnh phúc đó, Đức Trinh Nữ Maria nhân lành nắm lấy tay chúng ta và chỉ cho chúng ta cánh đồng làm việc trong tương lai, mời gọi chúng ta thủ đắc sự khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường. Đó là những phẩm chất cần thiết cho mọi người con đích thực của Don Bosco. Chúng ta cũng sẽ nhận thấy Thiên Chúa trao cho chúng ta muôn vàn người trẻ, trước đây hoàn toàn không biết gì về Thiên Chúa, và có lẽ đã là những nạn nhân của sự dữ, nhưng hiện nay đang được soi sáng, chữa lành và hân hoan tôn vinh Chúa Giêsu và Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu.[12]
Và, gần như là một sự khích lệ để cử hành lễ kỷ niệm hai trăm năm giấc mơ chín tuổi một cách tuyệt vời và đầy ý nghĩa, cha trích dẫn Bản tin Salêdiêng thời cha Philip Rinaldi, thuật lại việc cử hành ở Rôma với sự hiện diện của ngài:
Tờ báo Corriere d’Italia viết vào hôm qua ngày 2 tháng 5 rằng: vì một giấc mơ, vì vẻ đẹp lý tưởng của một giấc mơ mà hàng ngàn tâm hồn khao khát và vui mừng đã quy tụ tại công cuộc Don Bosco ở Rôma. Đức Hồng Y Cagliero, nhà truyền giáo đáng kính, cha Philip Rinaldi, đấng kế vị thứ ba của Don Bosco, và bộ trưởng giáo dục Pietro Fedele, đại diện cho tất cả những tâm hồn cảm động, tỏ lòng tôn kính Don Bosco, vị thầy tuyệt vời mà với lòng khiêm nhường sáng chói của đức tin, đã đi theo con đường rạng ngời của giấc mơ cao cả đó (…). Đám đông sinh động gồm các bạn trẻ, thanh thiếu niên nam nữ, các cựu học sinh của Don Bosco, đông đảo người dân thuộc mọi tầng lớp: những chuyên gia, giáo viên, quân đội, linh mục, tu sĩ, tất cả đều quy tụ nhân danh vị thầy nhân lành.
Một trăm năm trước (một Năm Thánh, tại sao chúng ta lại lãng quên?), cậu bé Gioan Bosco đã có giấc mơ ngọt ngào và huyền nhiệm. Trước hết, Gioan Bosco nhìn thấy một nhóm trẻ em đang đánh nhau và chửi thề, cậu cố gắng can ngăn chúng bằng những cú đấm cú đá. Sau đó, cậu nhìn thấy một người nữ quý phái và một người nam đáng kính dẫn cậu đến bên những con thú dữ, rồi các động vật bao gồm các loại chó và mèo, vốn đang sủa in ỏi và cắn nhau, nhưng trước một dấu hiệu huyền nhiệm của hai người đáng kính, chúng trở nên những con chiên hiền lành.
Một trăm năm sau, giấc mơ đó thành hiện thực: huy hoàng, rực rỡ và vĩ đại. Đó là một câu chuyện tuyệt vời ảnh hưởng đến số phận của hàng triệu con người nơi trường học, nơi các vùng truyền giáo, trong cuộc sống, trong cầu nguyện và trong niềm hy vọng. Tất cả mọi người đã chào đón và tiếp tục chào đón Don Bosco như vị thầy vĩ đại và thánh thiện nhất về sự sống mà Giáo Hội và nước Ý đã ban tặng cho thế giới trong thời đại của chúng ta.[13]
Cha Pietro Ricaldone, đấng kế vị thứ tư của Don Bosco, nhận thấy hạt giống của Nguyện xá ngày lễ[14] và của toàn bộ công cuộc Salêdiêng trong giấc mơ chín tuổi của Don Bosco. Cha Ricaldone nói rằng, chúng ta sẽ bước theo nhiều giai đoạn khác, nhiều chặng đường của hành trình trước khi Don Bosco đến khu nhà Pinardi.
Như cha đã nói, chắc chắn rằng hạt giống đầu tiên của Nguyện xá ngày lễ và của toàn bộ công cuộc Salêdiêng là giấc mơ chín tuổi của Gioan Bosco. Từ đó trở đi, người nữ với dáng vẻ uy nghi nói với cậu bé chăn cừu Becchi: “Đây là cánh đồng làm việc của con: hãy khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường. Những gì con thấy giờ đây đang xảy ra với những con vật này, con cũng sẽ phải làm như vậy cho các con của Ta”. Becchi, Moncucco, Castelnuovo, Chieri, là những điểm dừng chân khác nhau, nhưng Gioan Bosco chỉ mới bắt đầu hành trình của mình. Cậu đang hướng đến một mục tiêu xa hơn. Ngày 8 tháng 12 năm 1841 không phải là một điểm đến, nhưng là một điểm khởi đầu khác. Don Bosco phải thực hiện những hành trình mới trước khi đến khu nhà Pinardi, ở Valdocco, miền đất hứa của ngài. Trở lại hình ảnh đầu tiên, thân cây non nhỏ bé dịu dàng cuối cùng đã tìm được mảnh đất của riêng mình. Từ hôm nay trở đi, chúng ta sẽ thấy nó ngày càng mạnh mẽ và lớn mạnh hơn mọi dự phóng của con người.[15]
Cha Ricaldone thậm chí còn xác tín rằng tình yêu và lòng nhiệt thành của Don Bosco đối với ơn gọi cũng bắt nguồn từ giấc mơ chín tuổi:
Tình yêu và lòng nhiệt thành của Don Bosco đối với ơn gọi có nguồn gốc đầu tiên từ giấc mơ chín tuổi, được tái hiện theo nhiều cách khác nhau theo cùng một nội dung trong khoảng thời gian gần hai mươi năm. (…). Quả vậy, sau giấc mơ này, Gioan Bosco khát khao đi học để trở thành linh mục và tận hiến đời mình cho phần rỗi của giới trẻ. [16]
Cha Renato Ziggiotti, đấng kế vị thứ năm của Bosco, nhấn mạnh một cách rất đặc biệt về Đức Maria, là Bà giáo, như món quà tuyệt vời dành cho Don Bosco. Quả vậy, chính Chúa Giêsu là Đấng ban tặng món quà là Mẹ của Người cho Don Bosco, nhất là trong vai trò Bà giáo và người hướng dẫn. Cha Renato Ziggiotti viết:
Ta sẽ trao cho con một bà giáo, dưới sự hướng dẫn của bà, con có thể trở nên khôn ngoan, mà nếu không có bà giáo này, thì mọi sự khôn ngoan đều trở thành ngu xuẩn” là những lời ngôn sứ mà người thanh niên đáng kính, “con của Đấng mà mẹ của con dạy con phải chào mỗi ngày ba lần”, nói cho Gioan Bosco trong giấc mơ chín tuổi. Vì thế, chính Chúa Giêsu đã trao ban cho Don Bosco người Mẹ của mình như một bà giáo và người hướng dẫn chắn chắn trên con đường đầy khó khăn của cuộc đời ngài. Làm thế nào chúng ta có thể tri ân Thiên Chúa cho đủ về món quà đặc biệt mà Ngài đã ban tặng cho Gia đình Salêdiêng chúng ta? [17]
Đức Mẹ, bà giáo, Đức Trinh Nữ Maria, người nữ uy nghi trong giấc mơ chín tuổi sẽ là tất cả đối với Don Bosco. Cha Zigiotti rất xác tín mạnh mẽ và chắc chắn về điều này và ngài cũng nói với các tu sĩ Salêdiêng:
Đức Maria, Đấng mà mẹ Margherita đã dâng Gioan Bosco khi cậu mới được sinh ra, đã soi sáng tương lai của cậu trong giấc mơ chín tuổi, tiếp tục khuyên dạy và nâng đỡ cậu dưới muôn vàn hình thức trong những giấc mơ, trong thần khí ngôn sứ, trong những thị kiến nội tâm của linh hồn, trong vô số phép lạ và ân sủng mà Don Bosco đã thực hiện nhờ việc cầu khẩn Đức Mẹ. Đức Maria là tất cả đối với Don Bosco, và người Salêdiêng muốn có được tinh thần của Đấng sáng lập cũng phải noi gương ngài trong lòng sùng kính Đức Maria. [18]
Cha Luigi Ricceri, đấng kế vị thứ sáu của Don Bosco, diễn đạt tuyệt vời về ý nghĩa của giấc mơ chín tuổi. Cha Ricceri nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc mơ này đối với Don Bosco qua việc giấc mơ đã khắc ghi vào trái tim và tâm trí ngài mãi mãi, và qua giấc mơ này, Don Bosco nhận thấy rằng ngài được Thiên Chúa kêu gọi:
Giấc mơ chín tuổi, như Don Bosco viết trong quyển Hồi ký nguyện xá, “đã khắc ghi trong tâm trí cha suốt cuộc đời” (MO, 20). Ấn tượng không thể xóa nhòa về giấc mơ – thị kiến – này là bởi vì giấc mơ giống như một nguồn sáng bất chợt soi tỏ ý nghĩa về sự hiện hữu của Don Bosco và vạch ra hành trình cho ngài. Giống như cậu bé Samuel, Don Bosco cảm nghiệm rằng ngài được Thiên Chúa kêu gọi và sai đi để thực hiện sứ mệnh cứu rỗi giới trẻ ở mọi nơi và mọi thời: gới trẻ ở các quốc gia Kitô giáo và “muôn vàn” những người trẻ đang sống ở những nơi chưa biết Chúa vẫn đang chờ Chúa đến.[19]
Theo cha Ricceri, giấc mơ chín tuổi là giấc mơ mà khi đó Don Bosco vẫn chưa hiểu rõ bởi vì ngài còn quá nhỏ, nhưng ngài trực giác được giá trị vĩ đại của việc cứu rỗi các linh hồn, và niềm xác tín này hình thành trong cuộc sống, trong tâm trí, tinh thần của ngài và luôn là một tặng phẩm của Thiên Chúa. Chính nhờ biến cố quyết định này trong cuộc đời mà Don Bosco đã có trực giác đầu tiên về hệ thống dự phòng. “Không phải bằng những cú đấm cú đá, mà bằng sự dịu hiền và đức ái, con sẽ chinh phục những bạn trẻ của con”. Don Bosco lắng nghe những lời đó từ người thanh niên đáng kính và Đức Trinh Nữ Maria. Sau này chúng ta có thể nói về mối tương quan quý giá giữa Don Bosco và Đức Mẹ. Cha Ricceri viết: “Bắt đầu từ giấc mơ này, mối tương quan giữa hai người, sự cộng tác liên lỉ, đặc trưng cho cuộc đời của vị tông đồ tương lai, đã được thiết lập giữa Don Bosco và Đức Mẹ”.[20]
Cha Egidio Viganò, đấng kế nhiệm thứ bảy của Don Bosco, cho chúng ta những suy tư không kém phần quan trọng. Cha vui mừng khi thấy tính liên tục của tất cả các Bề Trên Cả trong việc đọc, suy ngẫm và giải thích giấc mơ một cách tuyệt vời, rút ra được những ý tưởng hữu ích cho thời điểm hiện tại. Giống như những đấng kế vị Don Bosco trước ngài, cha Viganò khẳng định rằng, Đức Maria là người truyền cảm hứng thực sự, là bà giáo và là người hướng dẫn ơn gọi của Don Bosco, cha của chúng ta.
Thật là thú vị khi biết rằng vào lúc chín tuổi, trong giấc mơ nổi tiếng (sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần và giấc mơ này được Don Bosco đặc biệt quan tâm trong cuộc đời ngài), Đức Maria xuất hiện trong lương tâm đức tin của Don Bosco như một nhân vật quan trọng liên hệ trực tiếp đến sứ mệnh cuộc đời ngài. Đức Maria là một người nữ quý phái và uy nghi thể hiện sự quan tâm “mục vụ” đặc biệt đối với giới trẻ: quả vậy, Mẹ xuất hiện trong giấc mơ như “một Nữ Mục Tử”. Ở đây, chúng ta lưu ý ngay rằng không phải Gioan Bosco là người chọn Đức Maria, mà sáng kiến đến từ Đức Maria: theo yêu cầu của Con mình, Đức Maria sẽ là người truyền cảm hứng và bà giáo cho ơn gọi của Don Bosco.[21]
Kinh nghiệm tuyệt vời của cuộc sống cho phép Don Bosco hình thành một mối tương quan cá vị với Đức Maria – người nữ trong giấc mơ chín tuổi – và chính vì lý do này mà Don Bosco sẽ trải nghiệm một cách thân thương trong suốt cuộc đời ngài và rất nhiều lần, tình cảm đặc biệt và vĩ đại đến từ Đức Maria. Đó là một mối tương quan thực sự đặc biệt của Don Bosco với Đức Trinh Nữ Maria.
Cha Juan Edmundo Vecchi, đấng kế vị thứ tám của Don Bosco, cũng lưu ý rằng, bởi vì Don Bosco xác tín về sứ mệnh được sai đến với giới trẻ, nên phải tập trung vào một mục đích thiêng liêng duy nhất là giới trẻ, và ngài phải cống hiến tất cả sức lực của mình. Đây là điều mà Don Bosco tường thuật trong Hồi ký Nguyện xá bắt đầu từ giấc mơ chín tuổi: “Thiên Chúa đã sai cha đến với giới trẻ, vì thế cha phải từ bỏ những điều khác để hiến thân cho họ”.[22] Don Bosco luôn xác tín rằng ngài là một khí cụ của Thiên Chúa và toàn bộ cuộc đời ngài được đánh dấu bởi ơn gọi và sứ mệnh giữa giới trẻ. Cha Pietro Stella, một chuyên gia vĩ đại về Don Bosco xác nhận điều này: “Niềm xác tín trở nên khí cụ của Thiên Chúa cho một sứ mệnh chuyên biệt đã vững chắc và sâu xa nơi Don Bosco. Điều này tạo nên nơi ngài thái độ phục vụ đặc trưng của người tôi tớ theo Kinh Thánh, của vị ngôn sứ không thể chạy trốn thánh ý Thiên Chúa”.[23]
Sau cùng, cha Pascual Chávez Villanueva, đấng kế vị thứ chín của Don Bosco, đã cống hiến cho cha chúng ta một bản văn rất cảm động. Đó là một bài ca tôn vinh người mẹ của Don Bosco. Với ơn Chúa, mẹ Margherita đã đồng hành với cậu bé Gioan Bosco bằng cách giải thích giấc mơ chín tuổi, trực giác về việc Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ Maria tuyển chọn người con bé bỏng của mẹ cho một ơn gọi rất đặc biệt. Cha Pascual Chavez khẳng định rằng chúng ta có thể nói về mẹ Margherita như một nhà giáo dục “Salêdiêng” thực sự.
Chính nghệ thuật giáo dục giúp mẹ Margherita xác định được tài năng tiềm ẩn trong những đứa con của mình, khơi dậy những tài năng đó, giúp phát triển và đặt chúng vào cuộc đời của con cái mình. Điều này áp dụng trước hết cho hoa trái phong phú nhất của mẹ là Gioan Bosco. Mẹ Margherita ý thức rõ ràng về “trách nhiệm làm mẹ”, đồng hành với Gioan Bosco trong tinh thần Kitô giáo, trong khi để cậu tự quyết định về ơn gọi của mình. Đồng thời mẹ cũng liên lỉ đồng hành với Gioan Bosco trong mọi giai đoạn của cuộc đời cho đến khi mẹ qua đời.
Nếu giấc mơ chín tuổi của Don Bosco mang tính mặc khải đối ngài, thì chắc chắn cũng (nếu không muốn nói là trước tiên) là mặc khải đối với mẹ Margherita. Chính mẹ là thốt lên: “Biết đâu con sẽ trở thành linh mục”. Vài năm sau, khi nhận thấy môi trường gia đình không mấy tốt đẹp đối với Gioan Bosco do sự thù địch của người anh cùng cha khác mẹ là Antôn, mẹ Margherita đã chấp nhận hy sinh, gửi Gioan Bosco đến làm việc tại trang trại Moglia ở Moncucco. Một người mẹ để đứa con trai út còn nhỏ của mình đi làm xa nhà thực sự là một sự hy sinh, nhưng mẹ sẳn sàng làm điều đó, để xóa bỏ sự bất hòa trong gia đình và để giúp Gioan Bosco đi theo con đường mà giấc mơ đã mặc khải cho mẹ (và cho Gioan Bosco). Thiên Chúa Quan Phòng đã ban để mẹ Margherita trở thành một nhà giáo dục “Salêdiêng”.[24]
3. Một giấc mơ mang tính ngôn sứ: viên ngọc quý trong đoàn sủng của Gia đình Don Bosco
Trên đây, chúng ta đọc thấy cha Philip Rinaldi mời gọi các tu sĩ Salêdiêng Don Bosco đọc và đào sâu giấc mơ chín tuổi của Don Bosco. Chắc chắn rằng vào thời điểm đó cha Rinaldi cũng mời gọi các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA), các Cộng tác viên Salêdiêng, Hiệp hội lòng sùng kính Đức Mẹ Phù Hộ (ADMA) và các cựu học sinh, đọc giấc mơ này để đào sâu, nội tâm hóa và cảm nhận tiếng vang của nó trong tâm hồn họ. Cha không nghi ngờ về điều đó. Chắc chắn rằng nội dung của các bản văn mang tính thống nhất khi nhìn nhận rằng giấc mơ chín tuổi không chỉ đơn thuần là một giấc mơ, cho dẫu đó là bản văn nghiên cứu hay bản văn phê bình lịch sử, hoặc bản văn suy tư về linh đạo Salêdiêng hay các bản văn mang tính mục vụ giáo dục. Quả vậy, giấc mơ chứa đựng rất nhiều yếu tố đoàn sủng đến nỗi cha dám định nghĩa nó như một viên ngọc quý trong đoàn sủng chúng ta và là “kim chỉ nam” đích thực cho Gia đình Don Bosco.
Chúng ta có thể nói rằng không có điều gì thiếu sót trong giấc mơ đó và không có gì dư thừa. Chúng ta hãy cùng nhau đề cập đến điều này.
3.1. Chiêm ngắm giấc mơ
Lúc này chúng ta chiêm ngắm điều gì? Trước hết, chúng ta chiêm ngắm chính giấc mơ chín tuổi, vì giấc mơ này chứa đựng sự phong phú đoàn sủng tuyệt vời. Như cha đã nói, giấc mơ rất ngắn gọn và nhưng đầy đủ. Rõ ràng hơn là nỗ lực của Don Bosco khi viết lại giấc mơ này nhằm thông truyền cho chúng ta biết rằng, đó không chỉ là một giấc mơ như bất kỳ giấc mơ nào, mà chúng ta phải coi đó là “giấc mơ” ghi dấu ấn cho toàn bộ cuộc đời của ngài, cho dẫu lúc đó ngài còn rất nhỏ và chưa thể hình dung tất cả .
“Khi gần sáu mươi tuổi, cảm thấy đã già và quả thật vào thời điểm đó sáu mươi tuổi là tuổi đã già, Don Bosco đối diện với vấn đề là phải xây dựng nền tảng lịch sử tinh thần cho dòng tu của ngài. Còn điều gì tốt hơn là “kể” cho các con của mình nghe về “Nguyện xá” trong quá trình hình thành, phát triển, mục đích và phương pháp, là một kỳ công mà Thiên Chúa muốn sử dụng làm công cụ cứu rỗi giới trẻ trong thời đại mới”.[25] Quả vậy, Hồi ký Nguyện xá, trong đó Don Bosco kể lại giấc mơ, không gì khác hơn là giấc mơ diễn ra câu chuyện cuộc đời ngài, tại Nguyện xá và trong nhà Dòng. Đây là lý do tại sao Don Bosco nhấn mạnh trong phần giới thiệu quyển sách đó của mình:
Giờ đây cha trình bày những chi tiết bí mật để giúp soi sáng và hữu ích cho công cuộc mà Chúa quan phòng đã đoái thương trao phó cho dòng Salêdiêng Don Bosco.[26]
Quyển Hồi ký Nguyện xá này dùng để làm gì? Trước hết, quyển Hồi ký Nguyện xá là những quy tắc giúp vượt thắng những khó khăn trong tương lai, nhờ rút tỉa những bài học từ quá khứ. Thứ đến, quyển sách này giúp cho các Salêdiêng nhận biết Thiên Chúa là Đấng hướng dẫn mọi sự trong mọi thời. Sau cùng, quyển Hồi ký Nguyện xá sẽ giúp cho các con cái Salêdiêng của cha giải trí, khi họ có thể đọc được những điều mà người cha của họ đã dấn thân, và họ sẽ sẵn sàng đọc nhiều hơn nữa, khi cha được Thiên Chúa kêu gọi để trả lời về những hoạt động của cha, nghĩa là lúc cha không còn ở giữa họ trên cõi đời này nữa. [27]
Tường thuật Hồi ký Nguyện xá (trong đó có giấc mơ chín tuổi) có tầm quan trọng đến mức nó thu hút các chuyên gia Salêdiêng nghiên cứu suốt cuộc đời họ, suy tư những chiều kích khác nhau. Chẳng hạn, một ví dụ điển hình cho sự phong phú đó là cha Pietro Braido, chuyên gia vĩ đại về khoa sư phạm Salêdiêng, đã nghiên cứu tác phẩm Hồi ký nguyện xá trong nhiều thập kỷ. Hồi ký nguyện xá là “một câu chuyện nền tảng do Don Bosco, Đấng sáng lập, để lại cho các hội viên của một dòng tu tông đồ và giáo dục, những người phải duy trì công cuộc và phong cách của nhà Dòng, tuân theo những chỉ thị, hướng dẫn và giáo huấn của ngài” (1965); Hồi ký nguyện xá là “lịch sử của Nguyện xá mang tính “thần học” và sư phạm hơn là thực tế, có lẽ là tài liệu “mang tính lý thuyết” về sinh động được Don Bosco suy ngẫm và mong muốn lâu nhất” (1989); “có lẽ Hồi ký nguyện xá là cuốn sách phong phú nhất về nội dung và những định hướng dự phòng” mà Don Bosco đã viết: “một cẩm nang về sư phạm và thiêng liêng” được “tường thuật”, “kể lại” theo nhãn quan Nguyện xá” (1999); đó là bản văn truyền tải “dụ ngôn và sứ điệp”, “vượt trên lịch sử”, biểu lộ hoạt động của Thiên Chúa trong cuộc sống con người, và vì thế, quyển sách mang tính giải trí và vui tươi, “an ủi và củng cố các môn đệ” theo nhãn quan Nguyện xá (1999).[28]
Một trong những viên ngọc quý giá mà cha đang đề cập đến, cho phép chúng ta bước vào giấc mơ chín tuổi với trái tim Salêdiêng trên con đường Kitô giáo hay trong Gia đình Don Bosco. Chúng ta hãy tự chất vấn rằng, chúng ta có sẵn lòng học hỏi, chúng ta có sẵn lòng để mình ngạc nhiên trước Thiên Chúa, Đấng đồng hành với cuộc sống chúng ta, như Ngài đã hướng dẫn cuộc đời của Don Bosco; chúng ta có cảm thấy mình là những người con trước tình Cha bao la của Thiên Chúa xuất phát từ dung mạo của Don Bosco, người cha chúng ta? Tại sao:
– Nếu chúng ta không trở thành những tín hữu và nếu không tin rằng Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử, cách riêng trong lịch sử của Don Bosco và trong lịch sử cá nhân của mỗi người, thì chúng ta sẽ hiểu rất ít hoặc không hiểu gì về Hồi ký Nguyện xá và giấc mơ, và tất cả sẽ chỉ là một “câu chuyện tuyệt vời”.
– Nếu chúng ta không trở thành những người con, thì chúng ta sẽ không thể thấm nhập vào tình phụ tử mà Don Bosco muốn truyền đạt qua Hồi ký Nguyện xá.
– Nếu chúng ta không trở thành môn đệ, sẵn sàng học hỏi, thì chúng ta không thực sự thấm nhập vào tinh thần của Hồi ký Nguyện xá và của giấc mơ.
Theo cha, ba thái độ ban đầu của tâm hồn (đức tin, tình con và môn đệ) là “chìa khóa thiết yếu” để chúng ta thấu hiểu điều mà Don Bosco đã tường thuật và để lại cho chúng ta như một di sản thiêng liêng. Những gì đã xảy ra trong cuộc đời Don Bosco, ghi dấu ấn và soi sáng cho ngài mãi mãi, ngài muốn những điều đó trở thành một di sản thiêng liêng để giúp cho các tu sĩ Salêdiêng của ngài và tất cả chúng ta, là những người mà nhờ ân sủng, chúng ta cảm nhận và là một phần của gia đình ngài.
3.2. Giới trẻ, nhân vật chính của giấc mơ
Ngay từ giây phút đầu tiên của giấc mơ, “sứ mệnh Nguyện xá” được trao phó cho Gioan Bosco là một sự kiện hiển nhiên, cho dẫu cậu không biết cách thực hiện hoặc diễn đạt điều đó. Như chúng ta có thể thấy, khung cảnh giấc mơ chín tuổi bao gồm các thanh thiếu niên. Giới trẻ hoàn toàn có thật trong giấc mơ của Gioan Bosco.
Vì vậy, có thể nói rằng giới trẻ là nhân vật chính của giấc mơ chín tuổi, và cho dẫu họ không cất tiếng nói một lời nào, nhưng mọi thứ đều xoay quanh họ. Hơn nữa, những nhân vật thần linh và chính Gioan Bosco đều hiện diện nhờ giới trẻ và vì giới trẻ. Do đó, toàn bộ giấc mơ chín tuổi là giới trẻ và dành cho họ: dành cho những bạn trẻ. Nếu chúng ta loại trừ những người trẻ ra khỏi giấc mơ này thì sẽ chẳng có ý nghĩa cho sứ mệnh của chúng ta.
Nhưng điều thú vị là giới trẻ không giống như một bức ảnh được chụp lại trong tích tắc. Những thanh thiếu niên này luôn di chuyển và hoạt động: khi hung hãn (như bầy sói) và không thể chịu đựng được nhau, khi biến đổi theo cách mà người nữ quý phái trong giấc mơ mời gọi Gioan Bosco, chúng sẽ trở thành (những con chiên) những thanh thiếu niên bình thản, hiền lành và thân thiện. Điều quan trọng nhất xảy ra trong giấc mơ và chính Don Bosco cũng như tất cả chúng ta, những người bước theo ngài, học được là khám phá ra rằng tiến trình biến đổi luôn luôn có thể thực hiện được. Đó là một tiến trình, theo cách nói của cha, một tiến trình “vượt qua” của sự hoán cải và biến đổi từ những con sói thành những con chiên, và chúng ta có thể nói theo ngôn ngữ ngày nay, từ những con chiên thành một cộng đoàn giới trẻ tôn vinh Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Đối với cha, điều này chắc chắn là một yếu tố nền tảng và trung tâm của giấc mơ.
3.3. Tiếng gọi rõ ràng về ơn gọi
“Hãy trở nên khiêm tốn, mạnh mẽ, kiên cường. Những gì con thấy giờ đây đang xảy ra với những con vật này, con cũng sẽ phải làm như vậy cho các con của Ta”.[29] Những gì xảy ra trong giấc mơ trước hết là một tiếng gọi, một lời kêu mời, một ơn gọi vốn dường như không thể thực hiện. Gioan Bosco thức dậy mệt mỏi, thậm chí còn khóc; và khi tiếng gọi đến từ Thiên Chúa (nhân vật đáng kính trong giấc mơ là Chúa Giêsu), hướng đi của tiếng gọi đó là bất ngờ và gây bối rối.
Tiếng gọi này là một điều gì đó rất đặc biệt trong giấc mơ chín tuổi, thuộc về một kho tàng duy nhất. Cha nói điều này bởi vì dường như, Gioan Bosco tuổi còn nhỏ, mồ côi cha, gần như hoàn toàn thiếu nguồn lực, gia đình nghèo, những vấn đề khó khăn trong nội bộ gia đình, những cuộc cãi vã với người anh cùng cha khác mẹ.
Người anh cùng cha khác mẹ của Don Bosco là Antôn không được đi học, bởi vì phải làm việc trên cánh đồng và vì trường học xa xôi. Vì thế, đối với anh, Don Bosco cũng chẳng có tương lai nào khác ngoài việc ở nhà, làm việc trên nương đồng và chăn gia súc. Đối với chúng ta cũng vậy, giấc mơ chín tuổi có thể là một giấc mơ xa vời, không thể thực hiện được, có lẽ đã được định sẵn cho một người khác, chứ không phải cho Don Bosco. Đó cũng là cách mà những người trong gia đình giải thích giấc mơ, được thể hiện qua lời nói của bà nội: “Không nên để ý tới mộng mị”.[30]
Tuy nhiên, chính hoàn cảnh khó khăn này đã làm cho Don Bosco (vào thời điểm đó là cậu bé Gioan Bosco) trở nên rất con người và cần được giúp đỡ, nhưng cũng rất mạnh mẽ và nhiệt tâm. Ý chí mạnh mẽ, tính cách, khí chất, sự dũng cảm và quyết tâm của mẹ Margherita, niềm tin sâu xa của mẹ và của Don Bosco, đã biến giấc mơ thành hiện thực. Giấc mơ sẽ luôn ở đó, và Don Bosco sẽ khám phá nó trong suốt cuộc đời: từng bước từng bước một, ngài đã hiểu cách thức làm cho mọi thứ trở nên hiện thực. Không có phép thuật nào! Đó không phải là giấc mơ mang tính “cổ tích”, không có tiền định, mà là một cuộc sống tròn đầy ý nghĩa, đầy lời mời gọi, hy sinh, nhưng cũng đầy niềm tin và hy vọng, thúc đẩy chúng ta khám phá và sống nó mỗi ngày.
Trong giấc mơ, một thanh niên đáng kính xuất hiện nói chuyện với Don Bosco, đưa ra những câu hỏi và đặt Don Bosco vào bàn tay người mẹ của chàng thanh niên. Chắc chắn có một sứ mệnh được trao phó cho Don Bosco. Sứ mệnh của người mục tử và nhà giáo dục, trong đó cũng chỉ ra phương pháp thực hiện dựa trên lòng dịu hiền và bác ái. Đây là một ví dụ về lời đáp trả của Don Bosco đối với tiếng gọi của Thiên Chúa:
Trung thành với ơn soi sáng của Thiên Chúa ngay từ khi còn nhỏ, Don Bosco đã bắt đầu làm việc trong cánh đồng được Chúa Quan Phòng trao phó. Khi đó cho dẫu chưa tròn mười tuổi, Don Bosco đã là vị tông đồ cho những người bạn đồng trang lứa ở làng Murialdo. Có lẽ đó không phải là một “Nguyện xá ngày lễ”, mặc dù còn trong giai đoạn sơ khai, nhưng vào năm 1825 cậu bé Gioan Bosco đã bắt đầu sử dụng các phương tiện phù hợp với độ tuổi và trình độ học vấn của mình?
Được phú ban cho một trí nhớ phi thường, yêu mến việc đọc sách và học tập, chăm chú lắng nghe các bài giảng, Don Bosco biến những hướng dẫn, sự kiện, mẫu gương, thành kho tàng cho mình để lặp lại cho khán thính giả của mình, truyền đạt một cách hiệu quả lòng mến các nhân đức cho những ai đến chiêm ngưỡng khả năng về trò chơi và lắng nghe những lời nói từ một đứa trẻ như cậu, nhưng làm ấm áp tâm hồn họ.[31]
3.4. Mẹ Maria mãi mãi in dấu vào giấc mơ của Gioan Bosco và cuộc đời của Don Bosco
Chúng ta bàn đến thời khắc trung tâm của giấc mơ chín tuổi: sự trung gian tình mẹ của người nữ quý phái (gắn liền với mầu nhiệm của tên gọi). Đối với cậu bé Gioan Bosco, mẹ Margherita và Mẹ Maria, mẹ của Đấng mà Gioan Bosco chào mỗi ngày ba lần, sẽ là nơi nhân loại có thể nghỉ ngơi, tìm được sự an toàn và nơi nương tựa trong những thời khắc khó khăn nhất.
“Ta sẽ trao cho con một bà giáo, dưới sự hướng dẫn của bà, con có thể trở nên khôn ngoan, mà nếu không có bà giáo này, thì mọi sự khôn ngoan đều trở thành ngu xuẩn”. Quả vậy, chính người nữ quý phái là người chỉ cho Gioan Bosco cánh đồng và phương pháp làm việc: “Đây là cánh đồng của con, là nơi con phải làm việc. Hãy trở nên khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường”. Ngay từ đầu, Đức Maria đã được Thiên Chúa kêu gọi khai sinh một đặc sủng mới, cách đặc biệt là Mẹ cưu mang trong lòng và sinh con: vì lý do này, khi nói đến một Đấng sáng lập dòng tu, là người đón nhận từ Chúa Thánh Thần ánh sáng nguyên thủy của đặc sủng, thì Đức Giêsu tiên liệu để mẹ của Người, Đức Trinh Nữ của ngày lễ Ngũ Tuần, mẫu gương trinh khiết của Giáo Hội, làm bà giáo của Đấng sáng lập. Vì thế, chỉ một mình Đức Maria, Đấng “đầy ân sủng”, hiểu được mọi đặc sủng từ bên trong, giống như một người biết tất cả các ngôn ngữ và nói như thể đó là ngôn ngữ của mình”.[32] Như thể người thanh niên đáng kính trong giấc mơ đã nói với Gioan Bosco: “Từ giờ trở đi, con hãy hòa hợp với mẹ của Ta”.
“Ở đây, chúng ta lưu ý ngay rằng không phải Gioan Bosco là người chọn Đức Maria, mà chính Đức Maria là người đưa ra sáng kiến chọn lựa: theo yêu cầu của người Con, Đức Maria sẽ là người truyền cảm hứng và bà giáo cho ơn gọi của Don Bosco”.[33]
Chiều kích người nữ – tình mẹ – Maria này có lẽ là một trong những chiều kích quan trọng nhất của giấc mơ. Khi chúng ta nhìn thực tại này một cách an bình, chiều kích này sẽ trở nên đẹp đẽ. Chính Đức Giêsu đã ban cho Gioan Bosco một bà giáo, là Đức Maria, Mẹ của cậu, và là người cậu phải hỏi tên: “Tên của Ta à, con hãy hỏi mẹ của Ta”. Gioan Bosco phải làm việc “với con cái của Đức Maria”, và chính Ngài sẽ là người tiếp nối giấc mơ trong cuộc đời Gioan Bosco, là người sẽ cầm tay cậu cho đến hết cuộc đời, cho đến thời điểm mà cậu sẽ thực sự hiểu được mọi sự.
Có một chủ ý lớn khi muốn nói rằng, trong đoàn sủng Salêdiêng phục vụ những trẻ em nghèo nhất, thiếu thốn tình cảm nhất, chiều kích “dịu dàng” với sự hiền lành và đức ái, cũng như chiều kích “Maria”, là những yếu tố thiết yếu cho những ai muốn sống đoàn sủng này. Đức Maria liên quan đến việc huấn luyện “sự khôn ngoan của đoàn sủng”. Và đây là lý do tại sao thật khó hiểu rằng trong đoàn sủng Salêdiêng có ai đó (người, nhóm hoặc tổ chức) lại bỏ quên sự hiện diện của Đức Maria. Nếu không có Đức Maria, thì chúng ta sẽ nói về một đoàn sủng khác, không phải đoàn sủng Salêdiêng, cũng không phải về con cái của Don Bosco. Cha Renato Ziggiotti đã đề cập đến điều đó cách tuyệt vời. Chúng ta trích dẫn ở đây suy tư của ngài về giấc mơ chín tuổi:
Cha muốn thuyết phục tất cả các tu sĩ Salêdiêng về sự kiện rất quan trọng này, sự kiện chiếu soi sáng toàn bộ cuộc đời của Don Bosco bằng ánh sáng trên trời và do đó mang lại một giá trị độc đáo cho những điều ngài nói và làm trong suốt cuộc đời: Đức Maria, Đấng mà mẹ Margherita đã dâng Gioan Bosco khi cậu mới được sinh ra, đã soi sáng tương lai của cậu trong giấc mơ chín tuổi, tiếp tục khuyên dạy và nâng đỡ cậu dưới muôn vàn hình thức trong những giấc mơ, trong thần khí ngôn sứ, trong những thị kiến nội tâm của linh hồn, trong vô số phép lạ và ân sủng mà Don Bosco đã thực hiện nhờ việc cầu khẩn Đức Mẹ. Đức Maria là tất cả đối với Don Bosco, và người Salêdiêng muốn có được tinh thần của Đấng sáng lập cũng phải noi gương ngài trong lòng sùng kính Đức Maria. [34]
3.5. Dễ dạy với Chúa Thánh Thần, tín thác vào Chúa Quan Phòng
Chắc chắn có rất nhiều điều để học hỏi. “Trở nên khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường” có nghĩa là chuẩn bị cho tương lai. Don Bosco sẽ phải vâng phục, dễ dạy trước sự khôn ngoan của người Thầy. Ngài sẽ phải học cách chiêm ngắm và khám phá tiến trình biến đổi, biết rằng hành trình, con đường mà ngài cùng bước với các thanh thiếu niên sẽ dẫn họ đến sự sống, và gặp gỡ với người thanh niên đáng kính trong giấc mơ chín tuổi và với người mẹ, nghĩa là đồng hành với giới trẻ và dẫn họ đến Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Don Bosco đã khám phá ra tất cả những điều này.
Chúng ta bàn đến ở đây về sự vâng phục Thiên Chúa và sự dễ dạy với Chúa Thánh Thần. Cũng như Đức Maria là người “để cho mọi việc xảy ra”, là người để cho những gì Thiên Chúa đã nghĩ và mơ ước xảy ra nơi mình, sẵn sàng thốt lên lời “xin vâng” với Thiên Chúa, rằng “Thiên Chúa đã làm cho tôi những điều cao cả”, thì các tu sĩ dòng Salêdiêng Don Bosco, các nữ tu Con Đức Mẹ Phù Hộ, các Cộng tác viên Salêdiêng, những thành viên của Hiệp hội ADMA, mỗi thành viên trong Gia đình Salêdiêng của chúng ta, nghĩa là Gia đình Don Bosco, sẽ phải kín múc sự dễ dạy đối với Chúa Thánh Thần. Cha muốn nói thêm rằng, phong cách này phải trở thành xác thịt và cuộc sống trong mọi giai đoạn đào luyện ban đầu và đào luyện liên tục trong mọi nhóm, hội đoàn và dòng Salêdiêng Don Bosco. Chúng ta đừng quên rằng những “nhà đào luyện” và những “người được đào luyện” phải trước tiên là những người “để cho Chúa Thánh Thần đào tạo” giống như Đức Maria.
Không giống như những thực tại khác, giấc mơ chín tuổi trao ban cho chúng ta điều mà cha xác tín rằng có thể được định nghĩa là những hướng dẫn thiết yếu về DNA của đoàn sủng. Chính những hướng dẫn hay “nguyên tắc” này có thể giúp chúng ta đọc, phân định và hành động cách hòa hợp với lòng trung thành sáng tạo.
Chúng ta đừng quên rằng đây là một nhiệm vụ của nhà Dòng và toàn thể Gia đình Salêdiêng chúng ta phải cùng nhau thực hiện nó “một cách đồng nghị” (hiệp hành) theo ngôn từ của Thượng Hội Đồng về tính hiệp hành.
Đồng hành với Don Bosco trong suy tư về giấc mơ chín tuổi của ngài cũng nhấn mạnh đến việc ngài tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, để giúp chúng ta, giống như Don Bosco, “đến thời của nó, con sẽ hiểu tất cả”. Đối với Don Bosco, giấc mơ chín tuổi là một hành động của Chúa Quan Phòng. Đây là niềm xác tín nền tảng, sự lựa chọn căn bản của cuộc đời, là “yếu tính của tâm hồn Don Bosco”, là tâm điểm và phần sâu xa và thân mật nhất của ngài. Chắn chắn rằng, sự tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, như Don Bosco học được từ người mẹ của mình, có tính quyết định đối với ngài, thì đối với chúng ta sẽ phải là sự bảo đảm cho tính liên tục của linh đạo Salêdiêng. Tín thác vào Thiên Chúa, tin tưởng vào Ngài, bởi vì Thiên Chúa mà Don Bosco học cách yêu mến là một Thiên Chúa đáng tin cậy. Thiên Chúa thực sự hành động trong lịch sử, và Ngài đã làm như vậy trong lịch sử của Nguyện xá. Don Bosco đã xác tín điều đó khi nói với các giám đốc Salêdiêng vào ngày 2 tháng 2 năm 1876:
Những Dòng tu khác ngay từ đầu đã có một cảm hứng nào đó, một thị kiến hay một sự kiện siêu nhiên thúc đẩy bảo đảm cho việc thành lập; nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở một hoặc một vài sự kiện trong số đó. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra rất khác cho dòng tu của chúng ta. Có thể nói rằng, không có gì mà trước đây chưa từng biết đến. Hành trình của Dòng chúng ta đều có sự hiện diện và hướng dẫn của những sự kiện siêu nhiên; không có sự biến đổi hay hoàn thiện, không có sự tăng triển mà không có lệnh truyền của Thiên Chúa. Chẳng hạn, chúng ta có thể viết ra tất cả những điều đã xảy ra với chúng ta trước khi chúng trở thành hiện thực, và chúng ta có thể viết ra một cách chi tiết và chính xác.[35]
3.6. “Không phải bằng những cú đấm cú đá”. Nghệ thuật của lòng dịu hiền và kiên nhẫn trong giáo dục
Giấc mơ chín tuổi không chỉ nói với chúng ta về quá khứ mà còn về hiện tại, về hiện tại của ngày hôm nay. Những lời nói “không phải bằng những cú đấm cú đá” dành cho Gioan Bosco trong giấc mơ cũng là một lời mời gọi cho chúng ta ngày nay, giúp chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về cách giáo dục Salêdiêng cho giới trẻ của chúng ta, bởi vì sự hận thù và bạo lực tiếp tục gia tăng trong xã hội chúng ta đang sống. Thế giới của chúng ta đang ngày càng trở nên bạo lực hơn, và chúng ta, những nhà giáo dục và rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ, phải có giải pháp cho những gì mà Gioan Bosco đã từng trăn trở trong giấc mơ và đó cũng là điều ảnh hưởng và khiến cho chúng ta trăn trở hôm nay. Như cha Pascual Chávez từng trình bày trong Hoa Thiêng 2012,[36] chắc chắn chúng ta sẽ phải “đối diện với những con sói” muốn nuốt chửng đàn chiên: chủ nghĩa thờ ơ, chủ thuyết tương đối về luân lý, chủ nghĩa tiêu thụ hủy hoại giá trị của sự vật và kinh nghiệm sống, những ý thức hệ sai lầm và những điều khác thực sự gây chấn động và là bạo lực thực sự.
Cha tin rằng ngày nay sứ điệp này vẫn có giá trị cũng như thời của Gioan Bosco (sau này là Don Bosco, cha và thầy của chúng ta).
Việc “nói không với những cú đánh cú đá” là “không” một cách tuyệt đối. Điều đó rất rõ ràng, và đó là sự sửa dạy duy nhất mà Don Bosco nhận được trong giấc mơ. Đối với chúng ta, trước hết, đó là một điều chắc chắn, một sự chắc chắn lớn lao rằng, con đường sức mạnh và bạo lực không dẫn chúng ta đi đúng hướng của đoàn sủng. “Việc đánh đập” (bạo lực) trong giấc mơ chín tuổi ngày nay có thể mặc lấy muôn vàn hình thức. Quả vậy, cha lưu tâm đến việc đọc, suy ngẫm và chỉ ra nhiều hình thức bạo lực ít nhiều tinh vi đang vây quanh chúng ta và chúng ta phải loại bỏ những hình thức này phải khỏi chân trời giáo dục mục vụ và khỏi đoàn sủng của chúng ta.
“Không phải bằng những cú đánh cú đá” có nghĩa là chúng ta phải chiến đấu với bất kỳ hình thức bạo lực nào và không có lý do để biện minh:
– Bạo lực thể lý gây tổn thương cơ thể (đẩy, đá, tát, đấm, trói, nhốt, ném đồ vật vào người khác).
– Bạo lực tâm lý và lời nói làm tổn hại đến người khác. Hình thức bạo lực này lăng mạ và loại trừ, cô lập, kiểm soát, điều khiển và thiếu tôn trọng người khác. Bạo lực và lạm dụng tâm lý khiến một số người cảm thấy họ không bao giờ cống hiến hết mình; bạo lực đó khiến con người luôn cho rằng mình khác biệt và sai lầm, thậm chí họ cảm thấy non nớt khi nghĩ về những gì họ thật lòng suy nghĩ. Hình thức bạo lực và lạm dụng này là của những người chỉ muốn trục lợi người khác.
– Bạo lực tình cảm và tình dục gây tổn hại đến thể xác, trái tim và những tình cảm thân thiết nhất. Hình thức bạo lực này để lại những dấu vết đau đớn không thể xóa nhòa. Hình thức này có thể biểu hiện bằng lời nói hoặc bằng chữ viết, với ánh mắt hoặc dấu hiệu biểu thị sự tục tĩu, quấy rối, đe dọa và lạm dụng.
– Bạo lực về kinh tế trong đó tiền bạc hoặc là của tôi hoặc là tiền được sử dụng để làm việc tốt bị giữ lại, tham ô hoặc bị đánh cắp.
– Bạo lực còn là bạo lực trên mạng xã hội, “bắt nạt trên mạng internet” với hành vi quấy rối được thực hiện thông qua internet, website, blog, bằng tin nhắn, email hoặc video.
– Bạo lực phát sinh từ việc loại trừ của xã hội, khiến mọi người, học sinh, thanh thiếu niên không được tôn trọng, bị loại trừ hoặc bị sỉ nhục một cách công khai.
Bạo lực biểu hiện ra bên ngoài bởi sự ngược đãi, bởi các động từ như đe dọa, thao túng, hạ thấp giá trị, từ chối, phủ nhận, chất vấn, làm nhục, lăng mạ, loại bỏ, chế nhạo, thờ ơ.
Chắc chắn rằng đoàn sủng chúng ta chứa đựng những phương thuốc chữa trị cho những tình huống hủy hoại cuộc sống này. Điều này muốn nói đến thiên tài mục vụ của Don Bosco: “Chúng ta hãy nhớ rằng sự can thiệp của Đức Maria trong giấc mơ chín tuổi của Gioan Bosco chính là điều đã hình thành nên “thiên tài tông đồ” đặc trưng của chúng ta trong Giáo Hội. Điều đó cũng mời gọi chúng ta cùng nhau suy tư về kế hoạch tông đồ đặc trưng cho việc mục vụ của chúng ta: Hệ thống Dự phòng”.[37]
3.7. Đức Maria, bà giáo và người mẹ
Người nữ uy nghi (Đức Maria) trong giấc mơ chín tuổi là Bà giáo và người Mẹ. Đức Maria là mẹ của người thanh niên đáng kính trong giấc mơ (Chúa Giêsu) và là mẹ của chính Gioan Bosco; người mẹ đó – cho phép cha diễn giải – là người đã nắm lấy tay cậu bé Gioan Bosco và nói: “Con hãy nhìn xem”.
“Hãy nhìn”. Thật quan trọng đối với chúng ta là việc học biết cách nhìn, và thật là sai phạm nghiêm trọng khi chúng ta không “nhìn thấy” người trẻ trong hoàn cảnh thực tế của họ, về những gì họ là, cả trong hình thức chân thực và đẹp đẽ nhất cũng như trong sự bi thảm và đau đớn nhất của họ.
“Hãy nhìn” là lời đầu tiên mà “người nữ uy nghi, mặc chiếc áo choàng rực sáng, như thể toàn bộ chiếc áo choàng được đính bằng những ngôi sao sáng ngời” nói với Gioan Bosco.
Cho dẫu không muốn “giải thích” quá nhiều một động từ, nhưng đối với cha, dường như có một dấu chỉ về tính “dự phòng” cho con đường thực sự mà Don Bosco, người cha của chúng ta sẽ bước đi, trên hết là kín múc từ kinh nghiệm sống. Chúng ta hãy nghĩ xem “đôi mắt” có ý nghĩa biết bao trong cuộc đời của Don Bosco. Chính những gì Don Bosco nhìn thấy khi đến Tôrinô, hay đúng hơn là những gì cha Cafasso giúp cho ngài nhìn thấy, đã khai sinh sứ mệnh của chúng ta. Đó là cách mà Don Bosco nhìn nơi thanh thiếu niên (chúng ta hãy nhớ lại những cuộc gặp gỡ đầu tiên trong các cuốn tiểu sử do Don Bosco viết): khởi điểm giống như một phép lạ được nối tiếp bởi những điều khác, điều đó đúng cho Đaminh Saviô, Micae Magone, Gioan Cagliero, Micae Rua. Trong bảo tàng của thành phố Chieri có một tác phẩm điêu khắc biểu trưng cho đôi mắt và khóe nhìn của Don Bosco, được đặt bên cạnh bàn thờ của ngài vào năm 1988. Khóe nhìn của Don Bosco rất độc đáo và lời nói “hãy nhìn” của Đức Maria cũng không kém phần nguyên thủy và độc đáo.
Xung quanh việc “nhìn xem”, chúng ta có thể tìm thấy một tham chiếu rõ ràng cho một khái niệm nền tảng của chúng ta đó là “hộ trực”. Tất cả chúng ta đều biết việc “hộ trực” quan trọng như thế nào.
Tuy nhiên, lưu tâm của cha là cánh đồng trong giấc mơ ở Becchi, bởi vì, cho dẫu Gioan Bosco không nhận ra điều đó, nhưng cậu sẽ hình thành nó qua kinh nghiệm: Don Bosco sẽ học hỏi từ cuộc sống, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn và lao nhọc nhất.
“Hãy nhìn” dẫn con người ra khỏi trung tâm, đến một chân trời mới, lãnh hội một điều gì đó vượt quá tầm nhìn và sức tưởng tượng riêng, và trở thành một lời mời gọi, thách đố, lời kêu gọi và hướng dẫn. Bởi vì nó mời gọi sự tham gia đầy đủ và toàn diện, qua đó Don Bosco sẽ làm hết sức mình vì lợi ích giớ trẻ. Từ đây chúng ta cũng hiểu được tầm quan trọng của môi trường trong phương pháp sư phạm Salêdiêng.
Việc chăm sóc đời sống nội tâm và sự thinh lặng thật sự quan trọng. Chúng ta được mời gọi “hãy nhìn xem” khi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa cũng như khi chúng ta gặp người anh em “đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp” (Lc 10,30). Và đây chính là điều đặc trưng cho nhân vị của Don Bosco, từ thời thơ ấu cho đến cuối đời.
“Hãy học hỏi” để trở nên khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường, bởi vì chúng ta cần sự đơn sơ, khiêm tốn để đối diện với quá nhiều kiêu ngạo; chúng ta cần sức mạnh để đối diện với rất nhiều điều mà chúng ta phải đương đầu trong cuộc sống; và chúng ta cần sự kiên cường, là khả năng phục hồi, nghĩa là khả năng không để mình bị nản lòng, không để cánh tay buông xuôi như một dấu hiệu cho thấy mình bất lực và không thể làm gì được.
Thật thú vị khi lưu ý rằng điều khiến cậu bé Gioan Bosco trở nên “hiền lành” (khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường) chính là những sự kiện (kinh nghiệm) mà Thiên Chúa Quan Phòng (qua bàn tay của Đức Maria) gởi đến cho cậu trong hành trình cuộc đời. Chẳng hạn, một thời gian sau giấc mơ, vào tháng 2 năm 1828 (khi Gioan Bosco mới 12 tuổi), mẹ Margherita buộc phải đưa cậu đi học xa nhà do mâu thuẫn với anh Antôn. Vào buổi chiều, Gioan Bosco đến trang trại Moglia, nơi cậu được chủ trang trại nhận làm việc vì thương hại hơn là vì nhu cầu thực sự, bởi vì đang là mùa đông, ít việc làm, nên họ không cần người giúp việc. Trang trại này khá xa gia đình, nhưng đồng thời cũng rất gần Moncucco, nơi có một trong những linh mục quản xứ giỏi nhất của giáo phận Tôrinô là cha Francesco Cettino (các chuyên viên Salêdiêng của chúng ta cho đến nay ít đề cập đến vị linh mục này). Gioan Bosco gặp cha Cettino vào mỗi Chúa Nhật. Đó là cuộc gặp gỡ “diện đối diện” đầu tiên, cuộc gặp gỡ đầu tiên với vị linh hướng thực sự dành cho Gioan Bosco. Vì vậy, một sự kiện xem ra đáng buồn và đen tối lại trở thành một cơ hội rất quan trọng cho hành trình của cậu. Sau đó chúng ta biết rằng vào ngày 3 tháng 11 năm 1829, người cậu Michele đưa Gioan Bosco trở về với gia đình ở Becchi. Và vào ngày 5 tháng 11, Gioan Bosco gặp cha Giuse Calosso trên đường mục vụ trở về từ Buttigliera.
Vì thế, việc nhấn mạnh đến sự hướng dẫn và đồng hành đáng kinh ngạc của Chúa Quan Phòng là rất quan trọng. Don Bosco đáp lại sự đồng hành và hướng dẫn của Thiên Chúa một cách tự do. Tuy nhiên, những biến cố và những con người “đúng thời đúng buổi” nối tiếp nhau mới là người tạo nên sự “khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường” không thể thiếu cho cảm thức về sứ mệnh đang ngày càng trưởng thành trong ngài.
Tính ưu việt của ân sủng là hiển nhiên, áp dụng trước hết cho chúng ta nếu chúng ta để cho mình được đào luyện và nhờ đó sẽ trổ sinh hoa trái dồi dào cho sứ mệnh. Sẽ không còn những giới hạn hay khó khăn nào có thể cản trở chúng ta thăng tiến và vươn đến sự sống hoàn hảo là sự thánh thiện, bất kể bối cảnh nào, ngay cả những lúc gian nan thử thách nhất.
Tất cả những điều này không có nghĩa là chúng ta không nỗ lực hết mình để thăng tiến cuộc sống và khắc phục những bất công. Quả vậy, Don Bosco sẽ kết hiệp mật thiết với Chúa Quan Phòng nhưng vẫn tiếp tục nỗ lực của mình, các cuộc gặp gỡ, soạn thảo các hợp đồng làm việc để bảo vệ các thanh thiếu niên của Nguyện xá. Trên hết, Don Bosco giúp họ vươn tới bầu trời của họ, giúp cho họ biết rằng có “một điều gì đó cao cả hơn”, một mục tiêu cao hơn mà họ có thể tiếp chạm.
Bài học tương tự được thánh Têrêsa Calcutta mời gọi với những công việc mà mẹ cho là “vô dụng” của mẹ đối những người đang hấp hối của thành phố Calcutta (Ấn độ). Hơn nữa, trên một tấm bảng do mẹ viết và treo trong phòng khi bắt đầu cuộc sống dành cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo, mẹ đã viết những dòng chữ: “Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác xin cứ lấy đi”.
“Hãy kiên nhẫn”: dành thời gian cho mọi sự và để Thiên Chúa là chính Ngài.
4. Một giấc mơ kiến tạo ước mơ
Anh chị em trong Gia đình Salêdiêng thân mến,
Cha không thể kết thúc việc chú giải Hoa thiêng mà không bày tỏ cho giới trẻ và cho từng người chúng ta biết bao giấc mơ mà cha ấp ủ trong lòng. Những giấc mơ này có thể đồng nhất với ước muốn tiếp tục phát triển lòng trung thành trong đoàn sủng chúng ta; hoặc với niềm khao khát và bình thản trước những biến đổi mà đối với chúng ta rất khó khăn, với những kháng cự có thể bóp nghẹt ngọn lửa sống động của đoàn sủng chúng ta, nhưng những giấc mơ đó sẽ thúc đẩy khát khao muốn biến giấc mơ của Don Bosco thành hiện thực hai trăm năm sau.
Cha chia sẻ với anh chị em những giấc mơ của cha, với hy vọng rằng bất cứ ai đọc những giấc mơ đó, dù ở nơi đâu trong thế giới Salêdiêng rộng lớn này đều có thể cảm nhận được rằng, điều gì đó đang viết ở đây cũng là dành cho từng người. Đối với cha, đây là một số yếu tố cụ thể để hiện thực hóa giấc mơ chín tuổi của Don Bosco:
1) Trong suốt cuộc đời, Don Bosco đã cho chúng ta thấy rằng chỉ có những mối tương quan đích thực mới có thể biến đổi và cứu rỗi chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói với chúng ta điều tương tự: “Việc có các cấu trúc là chưa đủ nếu nơi đó không có các mối tương quan đích thực. Chính phẩm chất của mối tương quan ấy truyền giảng Tin Mừng”.[38] Vì thế, cha ước mơ rằng mọi công cuộc, từng ngôi nhà trong Gia đình Salêdiêng của chúng ta trên thế giới sẽ trở thành một môi trường giáo dục thực sự, một không gian của những tương quan tôn trọng lẫn nhau, giúp chúng ta phát triển một cách lành mạnh. Chúng ta có thể và phải tạo ra sự độc đáo ở điểm này, bởi vì những mối tương quan đích thực là nguồn gốc của đoàn sủng chúng ta, là nguồn gốc cho cuộc gặp gỡ với Bartolomeo Garelli, nguồn gốc của chính ơn gọi Don Bosco.
2) Mọi lựa chọn của Don Bosco đều là một phần của một kế hoặc lớn hơn: kế hoạch của Thiên Chúa dành cho ngài. Vì vậy, không có lựa chọn nào đối với Don Bosco là hời hợt hay tầm thường. Giấc mơ của ngài không phải là một giai thoại trong cuộc đời, hay một sự kiện đơn giản, mà là một sự đáp trả lại tiếng gọi của Thiên Chúa, một sự lựa chọn, một con đường, một chương trình sống được Don Bosco thực hiện cách tiệm tiến và sống. Vì thế, cha ước mơ rằng mọi tu sĩ dòng Salêdiêng Don Bosco, những thành viên của Gia đình Don Bosco, bằng ơn gọi và sự lựa chọn, cảm thấy sự bất tiện của đau khổ và trực tiếp trải nghiệm nỗi đau, sự mệt nhọc và khó khăn của rất nhiều gia đình và người trẻ, đang vật lộn với cuộc sống hằng ngày để nuôi sống bản thân và gia đình, để sống có phẩm giá hơn; và cha ước mơ rằng không ai trong chúng ta trở nên những con người thụ động, thờ ơ trước nỗi đau và nỗi thống khổ của rất nhiều người trẻ.
3) “Giấc mơ đầu tiên là giấc mơ tạo dựng của Thiên Chúa, Cha chúng ta, đi trước và đồng hành với đời sống của con cái Ngài”.[39] Thiên Chúa của chúng ta có một giấc mơ cho từng người chúng ta, cho từng người trẻ, một kế hoạch tốt lành, là điều Thiên Chúa mong muốn và được chính Ngài “thiết kế” phù hợp cho chúng ta. Bí mật của hạnh phúc được mong chờ chính xác nằm trong cuộc gặp gỡ và sự tương ứng giữa hai giấc mơ: giấc mơ của chúng ta và giấc mơ của Thiên Chúa.
Hiểu được giấc mơ của Thiên Chúa là gì đối với chúng ta trước hết tương đương với việc nhận ra rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống vì Ngài yêu thương chúng ta như chúng ta là, bất kể chúng ta có cả những giới hạn. Như thế, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa muốn làm những điều vĩ đại với mỗi người chúng ta! Tất cả chúng ta đều quý giá, đều có giá trị lớn lao, bởi vì nếu không có mỗi người chúng ta thì sẽ thiếu một điều gì đó trong thế giới và trong Giáo Hội. Quả vậy, có những con người mà chỉ riêng tôi mới có thể yêu thương, những lời mà chỉ mình tôi mới có thể nói, những khoảnh khắc mà chỉ bản thân tôi mới có thể cảm nhận và chia sẻ.
4) Không có giấc mơ thì không có cuộc sống. Đối với con người, đối với tất cả chúng ta, giấc mơ (ước mơ) có nghĩa là dự phóng cho bản thân, có một lý tưởng, một ý nghĩa trong cuộc sống. Sự nghèo khó tồi tệ nhất của giới trẻ là họ không có ước mơ, ngăn cản và tước đoạt ước mơ của họ hoặc áp đặt những giấc mơ bịa đặt lên họ. Mỗi người chúng ta là một giấc mơ của Chúa, điều quan trọng là phải tìm ra giấc mơ của tôi là gì, giấc mơ nào mà Thiên Chúa dành cho tôi. Chúng ta phải cố gắng phát triển và thực hiện giấc mơ đó, bởi vì đó là hạnh phúc của chúng ta và của anh chị em chúng ta.
Chúng ta hãy nhớ rằng Don Bosco đã bật khóc vì cảm động và vui mừng như thế nào khi, vào ngày 16 tháng 5 năm 1887, ngài “thấy” giấc mơ xác định cuộc đời, ơn gọi và sứ mệnh của ngài đã được thực hiện.
5) Thiên Chúa thực hiện những điều vĩ đại bằng những “công cụ đơn sơ”. Thiên Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách, ngay cả trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta, qua những cảm xúc dâng trào trong lòng chúng ta, qua Lời Chúa được đón nhận với đức tin, được đào sâu với sự kiên nhẫn, được nội tâm hóa với tình yêu, theo đuổi với lòng tin tưởng.
Chúng ta hãy giúp chính mình và các thanh thiếu niên nam nữ, giới trẻ của chúng ta lắng nghe trái tim mình, giải mã những chuyển động nội tâm của họ, nói lên những gì đang khuấy động bên trong họ và trong chúng ta, nhận ra những dấu hiệu hay “giấc mơ” nào tiết lộ tiếng nói của Thiên Chúa, và giúp nhận ra những điều là kết quả của những lựa chọn sai lầm.
6) “Những vất vả và mỏng manh của tuổi trẻ thúc đẩy chúng ta phải trở nên tốt hơn, những khúc mắc của họ thách đố chúng ta, những ngờ vực của họ chất vấn về phẩm chất niềm tin của chúng ta. Ngay cả những phê phán từ họ cũng thật cần thiết, bởi qua đó chúng ta nghe được tiếng Chúa mời gọi chúng ta hoán cải con tim và đổi mới chính mình”.[40] Một nhà giáo dục đích thực là người, bằng sự khôn ngoan và kiên nhẫn, biết khám phá ra những gì mỗi người trẻ mang trong mình, và như vậy sẽ hành động với sự hiểu biết và tình yêu, để làm cho mình được yêu mến.[41]
Cha mơ ước và khao khát mỗi ngày được gặp gỡ, nơi từng nhà Salêdiêng trên thế giới, những tu sĩ Salêdiêng Don Bosco và giáo dân tin vào phép lạ mà nền giáo dục và rao giảng Tin Mừng Salêdiêng có khả năng đạt được.
7) Sống là “trở thành”, là hiện thực hóa chính mình, nếm hưởng những hoa trái từ sự kiên nhẫn mà Thiên Chúa thực hiện và can thiệp vào cuộc sống của chúng ta. Cha ước mơ rằng niềm đam mê giáo dục của chúng ta giống với niềm đam mê của Don Bosco, “người cha của lòng thương mến Salêdiêng”, để nơi tất cả sự hiện diện của chúng ta trên thế giới, các thanh thiếu niên và giới trẻ có thể gặp gỡ không chỉ các chuyên gia, mà cả các nhà giáo dục đích thật, là người anh, người bạn và những người cha người mẹ thật sự.
8) Don Bosco là vị “linh mục đường phố” trước khi hạn từ này xuất hiện, đã thực sự hiến thân cho sứ mệnh này. Những người Salêdiêng (và những người được Don Bosco truyền cảm hứng) thực sự là “những đứa con của một người cha ước mơ về tương lai”, nhưng của một tương lai được xây dựng trong niềm tin vào Thiên Chúa cũng như trong việc dấn thân và phục vụ cho giới trẻ, giữa những khó khăn và bất ổn hàng ngày.[42] Và đây là lý do tại sao cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống sẽ giúp từng người trẻ khám phá giấc mơ của mình, giấc mơ của Thiên Chúa dành cho từng người, và trợ giúp họ trên hành trình hiện thực hóa giấc mơ đó. Như thế, Thiên Chúa là món quà quý giá nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho những người trẻ. Cha ước mơ điều này có thể hiện thực hóa nơi tất cả các nhà và các công cuộc của chúng ta.
9) Trong khi trái tim Don Bosco đập từng giây phút, chúng ta “tin chắc rằng mọi người trẻ đều ước mong giấc mơ của Thiên Chúa ghi khắc trong trái tim mình. Chúng ta được mời gọi tạo cơ hội cho giới trẻ gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng là sự sống và niềm vui cho mọi người trẻ”.[43] Don Bosco không thể chấp nhận rằng trong nhà Salêdiêng, các tu sĩ của ngài không giúp các thanh thiếu niên nam nữ và giới trẻ, với sự tự do mà chúng ta sử dụng để giáo dục đức tin trong những bối cảnh đa dạng nhất, gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô.
Ngày nay chúng ta được kêu gọi để làm cho giới trẻ biết Chúa Giêsu Kitô, khám phá cách thức Ngài hấp dẫn mỗi người, giúp những người trẻ thuộc các tôn giáo khác trở thành những tín hữu khởi đi từ niềm tin và lý tưởng của chính họ. Cha ước mơ rằng điều này sẽ trở thành hiện thực trong tất cả các nhà Salêdiêng trên khắp thế giới.
10) “Tất cả công cuộc Salêdiêng ở khắp nơi trên giới phải hướng tới giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi trong xã hội, và phải sử dụng những phương tiện phục vụ với lòng bác ái. Don Bosco đã bật khóc khi thấy rất nhiều người trẻ lớn lên hư hỏng và thiếu niềm tin; và ngài muốn quan tâm chăm sóc tất cả giới trẻ trên thế giới: thức tỉnh, khuyên dạy, hướng dẫn, phòng ngừa. Vì lý do này, khi mở những công cuộc mới, ngài ưu tiên những nơi có giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi”.[44]
Cha thực sự mơ ước một ngày nào đó được nhìn thấy toàn thể dòng Salêdiêng Don Bosco với cùng một sự hiến thân cho giới trẻ nghèo giống như Don Bosco. Cha ước mơ mỗi tu sĩ Salêdiêng vui tươi hy sinh mạng sống của mình vì lợi ích của những người nghèo và những người yếu kém nhất. Cha đã chứng kiến nhiều anh em thực hiện điều đó. Cha ước mơ rằng mỗi nhà Salêdiêng của chúng ta tràn ngập “mùi chiên” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói đến khi đề cập đến ơn gọi tông đồ; và cha cũng cầu chúc điều đó cho tất cả Gia đình Salêdiêng chúng ta: từng người đều cảm thấy mình được đón nhận lời mời gọi này.
11) “Cuộc đời của Don Bosco trước khi được truyền chức linh mục thực sự là một kiệt tác về hành trình ơn gọi”.[45] Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với giới trẻ về ơn gọi: “Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này; và vì thế mà tôi có mặt trong đời. Vì thế, phải quan niệm rằng mọi hoạt động mục vụ phải hướng đến ơn gọi, mọi hoạt động đào tạo phải hướng đến ơn gọi và mọi nền linh đạo phải hướng đến ơn gọi”.[46]
Như Don Bosco, cha luôn xem nhiệm vụ của chúng ta là giúp đỡ giới trẻ, với những đề xuất của chúng ta, giúp người trẻ khám phá những gì Thiên Chúa mong đợi nơi họ, để có những lý tưởng khiến họ “vươn lên cao”, cống hiến hết khả năng của mình, ước muốn sống dâng hiến và trao ban.
12) Đức Maria ngời sáng bởi vì Ngài là một người mẹ và Đấng phù hộ các giáo hữu. Khi còn rất trẻ, được sứ thần báo tin, Đức Maria đã không ngại nêu ra những thắc mắc, nhưng với tâm hồn luôn sẵn sàng, Mẹ đã thưa “Xin vâng” một cách dứt khoát, chấp nhận rủi ro và mạo hiểm. Mẹ là người phụ nữ ân cần, mau mắn lên đường khi biết rằng người chị họ cần đến mình, chẳng bận tâm về các kế hoạch của mình, “vội vã” ra đi phục vụ. Mẹ sát cánh với nỗi đau của Con mình, nâng đỡ Con bằng ánh mắt và che chở Con bằng quả tim, đồng hành với Con đến cùng. Đức Maria, là người Mẹ và là bà giáo, đoái nhìn thế giới người trẻ mà Mẹ yêu thương, giới trẻ tìm kiếm Mẹ trong cõi lặng của tâm hồn, ngay cả khi trong cuộc hành trình có nhiều ồn ào và bóng tối trên đường đi; Mẹ nói với chúng ta trong thinh lặng và giữ cho ngọn lửa hy vọng luôn bừng cháy.[47]
Cha thực sự mơ ước rằng trong lòng trung thành với Don Bosco và giống như ngài, chúng ta sẽ làm cho các thanh thiếu niên nam nữ và giới trẻ của chúng ta yêu mến Đức Maria, bởi vì “Đức Maria là tất cả đối với Don Bosco; và người Salêdiêng muốn có được tinh thần của Đấng sáng lập phải noi gương ngài trong việc sùng kính Đức Trinh Nữ Maria”. [48]
5. Từ giấc mơ chín tuổi đến bàn thờ Bon Bosco khóc
Giờ đây, vào cuối bài chú giải Hoa Thiêng, cha muốn bổ sung một số điều, nhưng cha tin rằng những gì cha đang viết ra có thể chạm đến trái tim mọi người. Nếu điều này xảy ra, thì đó là một điều tuyệt vời.
Cha muốn mời gọi anh chị em dành một ít phút để nội tâm hóa và suy niệm những dòng chữ trong quyển Hồi ký tiểu sử thánh Gioan Bosco mô tả ngắn gọn điều mà Don Bosco đã cảm nhận, đã rơi nước mắt và bật khóc trước bàn thờ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu trong Đền thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Rôma vài ngày sau khi Đền thờ này được cung hiến.
Trong giây phút đó, Don Bosco đã nhìn thấy và nghe thấy giọng nói của mẹ Margherita, những lời nhận xét của anh em và bà nội về giấc mơ chín tuổi, thậm chí họ còn tranh luận về giấc mơ đó. Sáu mươi hai năm sau, Don Bosco đã hiểu mọi chuyện, đúng như bà giáo trong giấc mơ đã tiên báo cho ngài.
Câu chuyện này luôn làm cha cảm động và chính vì lý do này mà một lần nữa cha mời gọi anh chị em cùng cha đọc lại và suy ngẫm.
Không dưới 15 lần trong Thánh Lễ, Don Bosco đã dừng lại, xúc động mạnh, nghẹn ngào và rơi nước mắt. Cha Viglietti, người giúp Don Bosco dâng Thánh Lễ, thỉnh thoảng phải nhắc nhớ Don Bosco để ngài có thể tiếp tục.
Cha Viglietti hỏi xem rằng nguyên nhân gì khiến Don Bosco xúc động đến thế, ngài trả lời: “Cha đã thấy trước mắt cảnh tượng sống động khi cha lên chín hay mười tuổi và mơ về Hội dòng chúng ta. Cha thực sự đã nhìn thấy và nghe thấy mẹ và các anh bàn luận về giấc mơ”.
Trong giấc mơ, Đức Maria nói với Don Bosco: “Đến thời của nó, con sẽ hiểu tất cả”. Giờ đây, sáu mươi hai năm làm việc vất vả, hy sinh và chiến đấu không ngừng đã trôi qua kể từ ngày đó, trong Đền thờ Thánh Tâm ở Rôma, một tia sáng bất ngờ mặc khải cho Don Bosco vinh quang của sứ mệnh đã được tiên báo một cách mầu nhiệm ngay từ thuở đầu của cuộc đời ngài.[49]
Cha thực sự xác tín rằng Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu vẫn tiếp tục là Mẹ và bà giáo đích thực của toàn thể Gia đình chúng ta. Cha xác tín rằng những lời tiên báo trong giấc mơ chín tuổi của Chúa Giêsu và Mẹ Maria tiếp tục hiện thực hóa ở tất cả những nơi mà đặc sủng của Don Bosco, ân sủng của Chúa Thánh Thần, đã bén rễ. Cha xác tín rằng nơi mọi nhà Salêdiêng, ngoài công sức và nỗ lực của chúng ta, những gì Don Bosco nói về Đền thờ Đức Mẹ Phù Hộ ở Valdocco đều có thể được áp dụng: “Mỗi viên gạch là một ân huệ của Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu; chúng ta không thể làm được gì nếu không có sự can thiệp trực tiếp của Mẹ. Chính Đức Maria đã xây dựng ngôi nhà của mình và đó là một điều kỳ diệu trong mắt chúng ta”.
Lạy Mẹ Maria, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và Phù Hộ Các Giáo Hữu, xin tiếp tục đồng hành và hướng dẫn tất cả chúng con. Amen.
Tôrinô – Valdocco, ngày 8 tháng 12 năm 2023
Hồng Y Ángel Fernández Artime, S.D.B.
Bề Trên Cả
_____________________
[1] Francesco Motto, Il sogno dei nove anni. Redazione, storia, criteri di lettura, in «Note di pastorale giovanile» 5 (2020), 6.
[2] Pietro Stella, Don Bosco nella storia della religiosità cattolica. 1. Vita e opere, LAS, Roma 1979, 31.
[3] Pascual Chávez Villanueva, Conoscendo e imitando Don Bosco, facciamo dei giovani la missione della nostra vita, in ACG 412 (2012), 35-36.
[4] Francesco Motto, Il sogno dei nove anni. Redazione, storia, criteri di lettura, 6.
[5] Giovanni Bosco, Memorie dell’Oratorio di S. Francesco di Sales dal 1815 al 1855, in Istituto Storico Salesiano, Fonti salesiane 1. Don Bosco e la sua opera, LAS, Roma 2014, 1176.
[6] X. Filippo Rinaldi, Lettera circolare pubblicata su ACS Anno V – N. 26 (24 Ottobre 1924), 312-317.
[7] Giovanni Bosco, Memorie dell’oratorio di san Francesco di Sales dal 1815 al 1855, in Istituto Storico Salesiano, (saggio introduttivo e note storiche a cura di A. da Silva Ferreira), “Fonti”, serie prima, 4, marzo 1991. X. Andrea Bozzolo, Il sogno dei nove anni, 3.1 Struttura narrativa e movimento onirico in Andrea Bozzolo (a cura di), I sogni di Don Bosco. Esperienza spirituale e sapienza educativa, LAS-Roma, 2017, 235.
[8] Renato Ziggiotti (a cura di Marco Bay), Tenaci, audaci e amorevoli. Lettere circolari ai salesiani di don Renato Ziggiotti, LAS, Roma 2015, 575.
[9] Marco Bay là một tu sĩ dòng Don Bosco theo ơn gọi sư huynh. Thầy từng là giáo sư tại Đại học Giáo hoàng Salêdiêng ở Rôma và hiện là giám đốc Văn khố Trung ương Salêdiêng ở Rôma (UPS). Thầy đã quảng đại gởi cho cha bản nghiên cứu mà thầy đã thực hiện về việc các cha Bề Trên Cả nói đến giấc mơ chín tuổi của Don Bosco.
Cha cũng muốn nhân cơ hội này cám ơn cha Luis Timossi, SDB, thuộc Trung tâm đào luyện Liên tục ở Quito, và cha Silvio Roggia, SDB, giám đốc cộng đoàn thần học chân phước Ceferino Namuncurá ở Rôma, vì những ghi chú và đề xuất của họ.
[10] Paolo Albera, Direzione Generale delle Opere Salesiane, Lettere Circolari di don Paolo Albera ai salesiani, Torino 1965, 123; 315; 339.
[11] Filippo Rinaldi, Lettera circolare pubblicata su ACS Anno V – N. 26 (24 Ottobre 1924), 312-317.
[12] Filippo Rinaldi, Lettera circolare pubblicata su ACS Anno V – N. 26 (24 Ottobre 1924), 312-317.
[13] La commemorazione di un “sogno”, in Bolettino Salesiano Anno XLIX, 6 (Giugno 1925), 147.
[14] Nguyện xá ngày Chúa Nhật và lễ trọng (chú thích của người dịch).
[15] Pietro Ricardone, Anno XVII, 24 Marzo 1936 N. 74.
[16] Pietro Ricardone, Anno XVII, 24 Marzo 1936, N. 78.
[17] Renato Ziggiotti (a cura di Marco Bay), Tenaci, audaci e amorevoli. Lettere circolari ai salesiani di don Renato Ziggiotti, 129.
[18] Renato Ziggiotti (a cura di Marco Bay), Tenaci, audaci e amorevoli. Lettere circolari ai salesiani di don Renato Ziggiotti, 264.
[19] Luigi Ricceri, La parola del Rettor Maggiore. Conferenze, Omelie Buone notti, v. 9, Ispettoria Centrale Salesiana, Torino 1978, 27.
[20] Luigi Ricceri, La parola del Rettor Maggiore. Conferenze, Omelie Buone notti, v. 9, 28.
[21] Edigio Viganò, Lettere circolari di don Egidio Viganò ai salesiani, vol. 1, Roma, Direzione Generale Opere Don Bosco, 1996, 10.
[22] MB VII, 291. Trích dẫn trong Juan Edmundo Vecchi, Educatori appassionati esperti e consacrati per i giovani. Lettere circolari ai Salesiani di don Juan E. Vecchi. Introduzione, parole chiave e indici a cura di Marco Bay, LAS, Roma 2013, 380.
[23] Pietro Stella, Don Bosco nella storia della religiosità cattolica. Vol. II, 32. Trích dẫn trong Juan Edmundo Vecchi, Educatori appassionati esperti e consacrati per i giovani, 381.
[24] Pascual Chavez Villanueva, Lettere circolari ai salesiani (2002-2014). Introduzione e indici a cura di Marco Bay. Presentazione di don Ángel Fernández Artime, Roma, LAS, 2021, 450.
[25] Francesco Motto, Il sogno dei nove anni. Redazione, storia, criteri di lettura, 8.
[26] Francesco Motto, Il sogno dei nove anni. Redazione, storia, criteri di lettura, 10.
[27] Giovanni Bosco, Memorie del Oratorio, trích trong Francesco Motto, Il sogno dei nove anni, 9.
[28] X. Francesco Motto, Il sogno dei nove anni. Redazione, storia, criteri di lettura, 10.
[29] Trích trong Pietro Ricaldone, Anno XVII. 24 Marzo 1936 N. 74.
[30] Giovanni Bosco, Memorie dell’Oratorio di S. Francesco di Sales dal 1815 al 1855, 1177.
[31] Pietro Ricaldone, Anno XX Novembre–Dicembre 1939 N. 96.
[32] Andrea Bozzolo (ed.), Il Sogno dei nove anni. Questioni ermeneutiche e lettura teologica, LAS, Roma 2017, 264.
[33] Edigio Viganò, Lettere circolari di don Egidio Viganò ai salesiani, vol. 1, Roma, Direzione Generale Opere Don Bosco, 1996, 10.
[34] Renato Ziggiotti (a cura di Marco Bay), Tenaci, audaci e amorevoli. Lettere circolari ai salesiani di don Renato Ziggiotti, 264.
[35] Francesco Motto, Il sogno dei nove anni, 7.
[36] X. Pascual Chavéz, «Conoscendo e imitando Don Bosco facciamo dei giovani la missione della nostra vita». Primo anno di preparazione al Bicentenario della sua nascita. Strenna 2012, in ACG 412 (2012), 3-39.
[37] Edigio Viganò, Lettere circolari di don Egidio Viganò ai salesiani, vol. 1, Roma, Direzione Generale Opere Don Bosco, 1996, 31.
[38] Sinodo dei Vescovi, I giovani, la fede e il discernimento vocazionale. Documento finale. Elledici, Torino, 2018, nº128.
[39] Francesco, Christus vivit. Esortazione apostolica Postsinodale ai giovani e a tutto il Popolo di Dio, LEV, Città del Vaticano 2019, nº194.
[40] Sinodo dei Vescovi, I giovani…. o.c., nº116.
[41] X. Capitolo Generale Salesiano XXIII, Educare ai giovani nella fede, CCS, Madrid, 1990, nº 99. [GC23, no. 90].
[42] X. Francesco Motto, Il sogno dei nove anni. Redazione, storia, criteri di lettura, 14.
[43] Rossano Sala, Il sogno dei nove anni. Redazione, storia, criteri di lettura, in «Note di pastorale giovanile» 5 (2020), 21.
[44] Filippo Rinaldi, Il sac. Filippo Rinaldi ai Cooperatori ed alle Cooperatrici Salesiane. Un’altra data memoranda, in BS Anno XLIX, 1 (Gennaio 1925), 6.
[45] Edigio Viganò, Lettere circolari di don Egidio Viganò ai salesiani, vol. 2, Roma, Direzione Generale Opere Don Bosco, 1996, 589.
[46] Francesco, Christus vivit, nº254.
[47] X. Francesco, Christus vivit, nº 43-48, 298.
[48] Renato Zigiotti, Tenaci, audaci e amorevoli. Lettere circolari ai salesiani di don Renato Ziggiotti, 264.
[49] MB XVIII, 341.