“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

HOA THIÊNG 2019: “SỰ THÁNH THIỆN CŨNG DÀNH CHO BẠN”

HOA THIÊNG 2019

«Để anh em được hưởng niềm vui của Thầy» (Ga 15,11)

SỰ THÁNH THIỆN CŨNG DÀNH CHO BẠN!

o 0 o

Mến chào tất cả anh chị em trong Gia Đình Salêdiêng thân thương của cha,

Khi tiếp tục truyền thống xa xưa có cả trăm năm rồi, vào đầu năm 2019 này, chính cha ngỏ lời với từng người anh chị em trên khắp mọi miền của “thế giới Salêdiêng” đây, tức là Gia Đình Salêdiêng đang hiện diện rộng khắp trên hơn 140 quốc gia.

Cha làm điều này bằng việc bình giải một chủ đề rất thân thuộc với chúng ta, với tựa đề trực tiếp lấy từ Tông Huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô về lời kêu gọi nên thánh trong thế giới hôm nay: Gaudete et Exsultate [1] [Vui mừng và Hân hoan].

Khi chọn đề tài này, cha muốn chuyển dịch lời mời gọi mạnh mẽ hãy nên thánh mà Đức Thánh Cha gửi cho toàn thể Giáo Hội [2] sang ngôn ngữ của chính chúng ta và theo sự soi sáng bén nhạy từ đặc sủng của chúng ta. Vì thế, cha muốn nhấn mạnh những điều rất đặc trưng “của chúng ta” trong bối cảnh là linh đạo Salêdiêng; linh đạo này đã được tất cả 31 nhóm thuộc Gia Đình Salêdiêng chúng ta đón nhận như là di sản đoàn sủng nhận được từ Chúa Thánh Thần qua người cha đáng mến Don Bosco. Don Bosco chắc chắn sẽ giúp chúng ta sống cuộc đời của mình với cùng một niềm vui sâu xa đến từ Thiên Chúa: «Để anh em được hưởng niềm vui của Thầy» (Ga 15,11).

Cha ngỏ những lời này với ai?

Cha có thể bảo đảm với anh chị em rằng những lời này được ngỏ cho hết thảy mọi người.

Cho tất cả anh em Salêdiêng thân yêu của cha.

Cho tất cả những chị em và anh em của các hội dòng và tu hội khác nhau sống đời thánh hiến và giáo dân thuộc Gia Đình Salêdiêng chúng ta.

Cho tất cả anh chị em, những thành viên của các hiệp hội và các nhóm khác trong Gia Đình Salêdiêng.

Cho những bậc cha mẹ, cho các thày cô, cho các giáo lý viên và huynh trưởng trong những trung tâm của chúng ta khắp thế giới.

Cha đón nhận lời mời gọi mà Đức Thánh Cha ngỏ với toàn thể Giáo Hội. Tông Huấn của ngài không phải là một khảo luận về sự thánh thiện, mà là một lời mời gọi gởi đến thế giới hiện đại và Giáo Hội cách riêng, để sống cuộc đời này như một ơn gọi và như một lời kêu mời nên thánh; một sự thánh thiện được nhập thể trong hiện tại, ngay hôm nay, ở bất kỳ nơi đâu mà từng người có thể sống, trong hiện trạng của chúng ta/của họ.

Cha làm cho lời mời gọi nên thánh vốn luôn hấp dẫn này thành của chính mình bởi vì “hiện nay” trong Giáo Hội đòi hỏi chúng ta như thế. Cũng như cha, tất cả các Bề Trên Cả gần đây đã đóng góp rất ý nghĩa cho chủ đề về sự thánh thiện Salêdiêng và về các thánh bổn mạng của chúng ta. [3]

Như trong những năm trước kia, cha tin rằng ngoài việc được từng cá nhân đọc, những ý tưởng này có thể là “những hướng dẫn” cho những chương trình giáo dục và mục vụ cần thiết trong nhiều bối cảnh và hiện trạng khác nhau của “thế giới Salêdiêng”, trong đó chúng ta đang hoạt động.

THIÊN CHÚA KÊU GỌI MỌI NGƯỜI NÊN THÁNH

Cha hình dung nhiều người, thậm chí giữa chúng ta, và chắc chắn giữa nhiều người trẻ, khi nghe lời Đức Thánh Cha kêu gọi, đã cảm thấy hạn từ “thánh thiện” nghe thật xa lạ, rất lạc lõng trong ngôn ngữ của thế giới hiện đại. Có những rào cản văn hoá hay những giải thích vốn có khuynh hướng làm lẫn lộn con đường nên thánh với một loại chủ nghĩa duy linh, vốn làm vong thân và trốn chạy thực tại, điều đó hoàn toàn là khả thể. Hay có lẽ chí ít, hạn từ “thánh thiện” được hiểu như một từ ngữ chỉ được áp dụng và có thể áp dụng cho những người đang được tôn kính qua các ảnh tượng trong các nhà thờ mà thôi.

Vì thế, điều Đức Thánh Cha đang làm quả đáng khâm phục và thậm chí còn “táo bạo” nữa, khi cho thấy sự thánh thiện Ki-tô giáo luôn hợp thời; sự thánh thiện ấy là lời mời gọi đến từ chính Thiên Chúa qua Lời Ngài và nó được đề xướng là đích đến trong hành trình của mỗi người. Chính Thiên Chúa «muốn chúng ta nên thánh, chứ không phải miễn cưỡng chấp nhận một cuộc sống nửa vời, nhạt nhẽo, thiếu chất» (GE, 1).

Lời kêu gọi nên thánh vốn rất quen thuộc với truyền thống Salêdiêng chúng ta (thánh Phanxicô Salê). Lời hiệu triệu của Đức Thánh Cha Phanxicô thu hút được sự chú ý trước tiên nhờ sức mạnh và sự quyết liệt mà nhờ đó ngài chủ trương rằng sự thánh thiện là lời mời gọi dành cho mọi người, không phải chỉ cho ít người, bởi vì nó tương hợp với kế hoạch nền tảng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Vì vậy, nó được nhắm tới những người bình dân, tới những người chúng ta đồng hành trong cuộc sống thường nhật thông thường của họ, hệ tại ở những điều đơn giản tiêu biểu của những người bình thường.

Chúng ta không nói tới sự thánh thiện của một ít người anh hùng hay của những vị xuất chúng; ta nói đến cách thông thường để sống đời Kitô hữu bình thường: một cách sống đời Ki-tô hữu được đâm rễ trong hiện tại với những nguy cơ, những thách đố cũng như cơ may mà Thiên Chúa thương ban khi đời sống diễn ra.

Kinh Thánh mời gọi chúng ta hãy nên thánh: «Vậy anh em hãy trở nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn Thiện” (Mt 5,48); và “Các ngươi hãy trở nên thánh thiện, vì Ta (Đức Chúa) là đấng thánh» (Lv 11, 44).

Vậy, có một lời mời gọi minh nhiên để trải nghiệm và làm chứng cho tình yêu trọn hảo, vốn không hề khác gì với sự thánh thiện. Thật vậy, sự thánh thiện hệ tại ở tình yêu trọn hảo; một tình yêu mà tiên vàn đã thành xác phàm nơi Đức Kitô.

Trong thư gởi tín hữu Êphêxô, thánh Phaolô đề cập đến Chúa Cha như sau: «Trong [Đức Kitô Chúa Cha] đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1,4-6). [Anh chị em] Không còn phải là tôi tớ, mà là bạn hữu (xem Ga 15,15). [Anh chị em] Không còn là người xa lạ hay khách trọ, nhưng đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa (xem Ep 2,19). Vì vậy, từng người và hết mọi người chúng ta đều được kêu gọi nên thánh: nghĩa là tới một cuộc đời tròn đầy và được hoàn thành theo kế hoạch của Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với Ngài và anh chị em chúng ta.

Vì thế, đây không phải là sự hoàn thiện dành riêng cho một ít người, nhưng là lời mời gọi dành cho mọi người.

Đây thực là một điều vô giá, song lại không phải là cái gì hiếm hoi; đúng hơn, lại thiết thân với ơn gọi chung của các tín hữu. Đây là lời đề xướng tuyệt đẹp mà Thiên Chúa dành cho hết mọi người nam nữ.

Đây không phải là việc theo đuổi một thứ linh đạo giả tạo vốn tách ta xa khỏi cuộc sống sung mãn, mà chính là việc làm người cách sung mãn được ân sủng làm cho hoàn thiện. Đó là “sự sống tròn đầy”, như Chúa Giêsu đã từng hứa.

Đây không phải là một cách tiếp cận được chuẩn hóa, tầm thường hóa, khắc nghiệt; nhưng là lời đáp trả lại luồng khí luôn mới mẻ của Thánh Thần, Đấng tạo nên sự hiệp thông trong khi trân quý những khác biệt – Thật vậy, chính Chúa Thánh Thần là «cội rễ của mọi lý tưởng và những quyết tâm cao đẹp vốn sinh ích cho nhân loại khi họ lữ hành qua lịch sử». [4]

Đây không phải là một vấn đề tập họp những giá trị trừu tượng được đề xuất và được lộ ra tôn kính bề ngoài, nhưng chính là sự hoà điệu của tất cả những nhân đức vốn làm cho những giá trị chân thật nhập thể trong đời sống của ta.

Đây không chỉ là khả năng chống lại điều xấu để gắn bó với sự thiện, nhưng là một thái độ liên lỷ, sẵn sàng và hân hoan sống tốt cuộc đời tốt lành.

Đây chẳng phải là một mục tiêu mà người ta đạt được trong chốc lát, nhưng là một hành trình liên tục, được Thiên Chúa nhẫn nại và nhân từ đồng hành, và can dự đến sự tự do và dấn thân cá nhân.

Đây không phải là thái độ loại trừ sự khác biệt, nhưng đúng hơn là việc kinh nghiệm một cách cơ bản cái gì là chân thật, thiện hảo, công bằng và đẹp đẽ.

Cuối cùng, sự thánh thiện là sống theo các mối phúc, để trở nên muối và men cho trần gian; nó là hành trình hướng đến việc làm người cách sung mãn, như là mọi kinh nghiệm thiêng liêng chân thật. Do đó, nên thánh không nhất thiết phải gạt bỏ bản tính của mình hay xa cách anh chị em mình, song đúng hơn là sống kiếp người một cách trọn vẹn và can đảm cũng như sống kinh nghiệm (đôi khi vất vả) tình hiệp thông và tương quan với người khác.

“Nên thánh” là bổn phận đầu tiên và khẩn thiết đối với người Ki-tô hữu

Thánh Augustinô khẳng định rằng: «Đời con đầy tràn Ngài mới là cuộc đời chân thật». [5] Chính trong Thiên Chúa ta mới có thể tìm thấy con đường nên thánh trong việc theo Đức Kitô. Con đường thánh thiện có thể có được đối với một Ki-tô hữu là do ơn Thiên Chúa ban tặng trong Đức Kitô: trong Nguời – mà Mẹ Maria và các thánh đã phản chiếu cách tuyệt vời – khuôn mặt viên mãn của Chúa Cha và diện mạo chân thực của con người được tỏ lộ cùng một lúc.

Trong Đức Giêsu Kitô, khuôn mặt Thiên Chúa và khuôn mặt con người “cùng nhau”toả sáng. Nơi Đức Giêsu, chúng ta gặp gỡ chính con người miền Galilê và chính khuôn mặt Chúa Cha: «Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha» (Ga 14,9).

Đức Giê-su, Ngôi Lời đã làm người, là chính Lời sung mãn và chung cuộc của Chúa Cha. Từ giây phút nhập thể, ý muốn của Thiên Chúa được hoàn thành nơi con người Đức Ki-tô. Qua đời sống, lời rao giảng, những thinh lặng của ngài, qua những chọn lựa và hành động của ngài, nhưng trên hết qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài, Ngài tỏ cho chúng ta đâu là kế hoạch của Thiên Chúa cho con người, đâu là ý muốn của Ngài và cách thức đáp lại ý muốn ấy.

Ngày nay kế hoạch này của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta đơn giản là một đời Ki-tô hữu tròn đầy, được đo lường theo mức độ Đức Kitô sống trong chúng ta, theo mức độ mà trong đó, với ơn Thánh Thần, chúng ta mô phỏng đời mình theo cuộc đời của Chúa Giêsu. Như thế, đấy không có nghĩa là làm được những việc lạ thường, nhưng là sống kết hiệp với Chúa, làm cho những hành động, tư tưởng và thái độ của ngài thành của chúng ta. Thực thế, đi Hiệp Lễ có nghĩa là diễn đạt và làm chứng cho sự kiện là chúng ta muốn đảm nhận và làm cho phong thái sống, lối sống và cùng một sứ mệnh của Chúa Giê-su Ki-tô thành của chúng ta.

Trong Hiến Chế về Giáo Hội, chính Công Đồng Vaticanô II đã mạnh mẽ minh xác ơn gọi phổ quát về sự thánh thiện, (mọi người được kêu gọi nên thánh) cũng như tuyên bố rằng không ai bị loại trừ: «Trong nhiều hình thức sống và trong nhiều trách vụ khác nhau, tất cả những ai được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và vâng nghe tiếng Chúa Cha vun trồng cùng một sự thánh thiện duy nhất, khi tôn thờ Ngài trong thần khí và sự thật, khi bước theo Đức Kitô nghèo khó và khiêm hạ vác thập giá, để được nên xứng đáng tham dự vào vinh quang của Ngài» (LG, 41).

Sự “thánh thiện của người hàng xóm kế bên nhà tôi” và ơn gọi phổ quát về sự thánh thiện

Lúc còn là người vô thần, Edith Stein viết về việc nhận được sự thôi thúc quyết liệt hướng đến sự hoán cải từ hai cuộc gặp gỡ: một là với người vợ của một người bạn bị giết trong chiến tranh; Sau khi đã thành góa bụa, bà vẫn chứng tỏ rằng đức tin có một ánh sáng và sức mạnh đến kinh ngạc, bất chấp nỗi buồn xé lòng; và cuộc gặp gỡ thứ hai trong một nhà thờ (nơi Edith đến đó chỉ vì mối quan tâm nghệ thuật) với một bà già; bà đã vào nhà thờ đó, khệ nệ với mấy túi đồ vừa mua, giữa một ngày bận rộn, để dành một thời khắc trong tín thác và thờ lạy Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể.

Don Bosco cũng đã từng có mẹ Margherita Occhiena như là bà giáo đầu tiên: một phụ nữ quê mùa mộc mạc thất học, chẳng được huấn luyện chút thần học nào, nhưng lại có trái tim khôn ngoan và sự vâng phục của đức tin.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu quen nói rằng khi còn nhỏ ngài không hiểu lắm những gì linh mục nói, nhưng đối với thánh nữ, nhìn vào khuôn mặt cha mình là Luy thì hiểu mọi sự.

Không ai trong số những người giáo dân này – Anna Reinach bạn của Edith, người đàn bà vô danh với những giỏ đồ, mẹ Margherita hay người cha Luy Martin –  trong lúc sinh tiền đã từng nghĩ sẽ nên thánh, họ cũng chẳng hay biết tầm ảnh hưởng họ có được trên dân chúng xung quanh qua cách hành xử bình thường của mình.

Sự hiện diện của những con người bình dị và quyết chí này, của những «vị thánh sát bên cạnh nhà» – như Đức Thánh Cha Phanxicô gọi họ (GE, 7) – nhắc nhở chúng ta rằng điều quan trọng trong đời sống này đó là nên thánh, chứ không phải là một ngày kia được tuyên thánh. Hơn nữa, họ giúp chúng ta suy gẫm về việc các thánh đã được tuyên phong trước hết đã đạt đến sự thánh thiện đơn giản của dân Chúa: Tất cả những vị đó đều chia sẻ cùng một vinh quang trong một mối hiệp thông sâu xa và bền vững.

Như vậy, sống thánh thiện là cái kinh nghiệm của việc được tiên liệu và được cứu độ và học để đáp trả lại tình yêu thuỷ chung này. Đó chính là trách nhiệm đáp trả lại một tặng phẩm lớn lao.

Theo nghĩa này, thiết nghĩ một trong những đóng góp tối quan trọng cho nền linh đạo Kitô hữu đó chính là [đóng góp] của giám mục thành Giơnevơ, thánh Phanxicô Salê, người đã đề xướng việc nên thánh cho mọi người bằng tất cả nỗ lực của mình, đưa cái gọi là “lòng sốt mến” từ nội vi các tu viện vào trong thế giới. Trong tác phẩm Dẫn Vào Đời Sống Sốt Mến nổi tiếng của mình, ngài đã viết: «Cũng như khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ra lệnh cho mỗi loài cây cỏ phải sinh hoa trái của mình, tuỳ theo chủng loại, thì cũng thế, Ngài ra lệnh cho các Kitô hữu, những cây xanh tươi sống động của Giáo Hội, sinh hoa trái của lòng sùng mộ, mỗi người theo phẩm tính và ơn gọi của mình. Vậy, lòng sốt mến phải không chỉ được thực thi một cách khác nhau do người quyền quí, kẻ buôn bán, người tôi tớ, các lãnh chúa, kẻ goá bụa, người độc thân hay người lập gia đình. Nhưng nó còn phải được thích ứng với sức mạnh, nghề nghiệp và bổn phận của mỗi người cách riêng. […] vậy, bất kỳ chúng ta ở đâu, chúng ta có thể và phải khát khao tới đời sống trọn hảo». [6]

Lịch sử Giáo Hội được ghi đậm bằng gương của những người nam nữ; với đức tin, đức mến và đời sống của mình, họ đã nên như những ngọn hải đăng đã chiếu sáng và tiếp tục chiếu sáng xuyên qua thời gian kể cả thời hiện tại. Họ là lời chứng sống động cho thấy làm thế nào sức mạnh của Đấng Phục Sinh trong đời họ đã đạt đến tầm mức như thánh Phaolô khẳng định (dù nhiều lần họ không dùng những lời ấy): «Không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20). Họ đã minh chứng điều đó đôi khi bằng những nhân đức anh hùng, đôi khi qua hy lễ là đời sống của họ trong tử đạo, và những lúc khác bằng «một đời sống hiến dâng cho tha nhân cho đến chết» (GE, 5). Cùng một lúc, có một sự thánh thiện không tên tuổi, sự thánh thiện của những người không đạt được sự tôn kính trên bàn thờ; “đời sống của những người ấy có lẽ đã không luôn luôn trọn hảo, nhưng giữa những bất toàn và vấp ngã, họ đã tiếp tục bước tới và họ minh chứng làm đẹp lòng Thiên Chúa» (GE, 3). Đó là sự thánh thiện của chính người mẹ, người bà hay của nhiều người khác quanh chúng ta; đó là sự thánh thiện của đời sống hôn nhân, vốn là một lối đường tăng trưởng tươi đẹp trong tình yêu; Đó là sự thánh thiện của những người cha đang phát triển và tăng trưởng tới sự trưởng thành và trao hiến rộng lượng cho con cái, thông thường với những hy sinh khó lường. Đức Thánh Cha gợi nhắc những người nam và nữ đang cần cù làm việc để kiếm sinh nhai cho gia đình. Những người ốm đang kiên nhẫn gánh lấy bệnh tật và với tinh thần đức tin và kết hợp với Đức Giê-su chịu đau khổ; các tu sĩ cao niên có một đời sống hiến thân mà không bao giờ mất đi nụ cười hay niềm hy vọng của họ. (xem GE, 7).

Chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng, trong mọi thời đại của lịch sử Giáo hội và khắp nơi trên thế giới, đã có và vẫn có những vị thánh ở mọi lứa tuổi, trong mọi điều kiện sống, với những đặc tính cá nhân rất khác biệt nhau.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI diễn tả điều này rất hay khi nói về kinh nghiệm cá nhân của mình; ngài nói: «Tôi muốn nói thêm rằng, đối với tôi, không phải chỉ những vị đại thánh mà tôi hiểu biết và yêu mến mới là “cột mốc chỉ đường”, nhưng cả những vị thánh bình dị, tức là những con người tốt lành mà tôi gặp trong đời, vốn sẽ chẳng bao giờ được phong thánh. Chúng ta có thể nói họ là những con người rất bình thường, không có bất kỳ dấu chỉ anh hùng nào, nhưng trong sự tốt lành hằng ngày của họ tôi nhìn thấy chân lý đức tin». [7]

Chắc chắn chúng ta tìm gặp tất cả điều này là chính con đường (cách thức) mà rất nhiều người đã nhập thể lối đường Ki-tô hữu vào cuộc đời mình. Một số có vẻ xem ra “nhỏ bé”, số khác dường như “vĩ đại”; nhưng tất cả đều theo đuổi (bước theo) một hành trình đầy lôi cuốn và tuyệt diệu.

Chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã kết luận bằng một diễn đạt rất giá trị mà theo cha tóm tắt một cách tuyệt vời sứ điệp của Hoa Thiêng năm nay, khi ngài nói rằng: «Các con thân mến, nhìn ơn gọi Kitô hữu theo ánh sáng này thật đẹp đẽ và lớn lao, nhưng cũng đơn giản biết bao! Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh: đời sống Kitô hữu đúng là như thế đó». [8]

Đức Maria thành Nadarét: một vầng sáng độc đáo trên lối đường nên thánh

Tất cả những lối đường thánh thiện đơn giản và nhiều lúc vô danh này luôn có một khuôn mẫu để nhìn đến và phản ánh. Sự thánh thiện Ki-tô hữu có nơi Đức Maria, người Na-da-ret, Mẹ của Chúa Kitô, Mẹ của Con Thiên Chúa, một mẫu gương xinh đẹp và gần gũi nhất.

Mẹ Maria là người nữ của tiếng “Này Con Đây”, hoàn toàn trọn vẹn sẵn sàng với thánh ý Thiên Chúa. Khi thưa lên «Xin hãy làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38), Mẹ Maria nói rằng ngài tìm thấy niềm hạnh phúc sâu xa và tròn đầy trong mọi sự mà lời “thưa vâng” hàm ý trong đức tin. Không chỉ khi Người Con rời bỏ gia đình và sống xa khỏi Mẹ bởi lẽ ngài phải thực thi sứ mệnh Chúa Cha trao phó; mà cả trong giây phút chung cục khi mẹ kinh nghiệm nỗi buồn đau vì ngài chịu khổ hình thập giá cho đến chết. Một nỗi đau xé lòng mà một người mẹ trải nghiệm.

Nơi Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, chúng ta có thể làm chứng sự giàu có của một cuộc đời biết đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa trong mọi giây phút; một cuộc đời đã trở nên lời thưa “Này con đây” liên lỷ được thốt lên với Thiên Chúa. Từ quan điểm này, chiêm ngắm Mẹ Maria và suy gẫm giá trị của cuộc đời nhân loại và ý nghĩa tròn đầy của nó trong bối cảnh vĩnh cửu quả là lôi cuốn biết bao!

Việc can đảm đón nhận kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa đã đưa Đức Maria trở nên Mẹ của mọi tín hữu, nên mẫu mực cho mỗi chúng ta về thái độ lắng nghe và đón nhận Lời Chúa và là người hướng đạo vững chắc về sự thánh thiện. Sở dĩ như thế là vì Đức Maria đã dạy chúng ta rằng chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm cho cuộc đời chúng ta nên lớn lao. «Con người cũng vĩ đại chỉ với điều kiện Thiên Chúa là vĩ đại. Với Mẹ chúng ta phải bắt đầu hiểu rằng đúng là như thế đó. Chúng ta không được xa rời Thiên Chúa, mà phải luôn sống trước mặt Ngài; cần phải đảm bảo rằng Thiên Chúa thật vĩ đại trong cuộc đời chúng ta; do vậy chúng ta cũng được trở nên thần linh; rồi tất cả vẻ rạng ngời của phẩm giá Thiên Chúa sẽ thuộc về chúng ta». [9]

Vì lẽ đó, không thể có một hành trình nên thánh dễ dàng nào mà các Ki-tô hữu đảm nhận song lại không cần nhìn lên Đức Maria là Mẹ chúng ta. Chiêm ngắm Mẹ chính là học cách tin, cách cậy trông, cách yêu mến. Và nếu chúng ta biết cầu nguyện như Mẹ và cùng với Mẹ, chắc chắn chúng ta sẽ cảm nhận niềm an ủi chỉ đến từ Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Thêm vào đó, khi kêu cầu với Mẹ là Mẹ của Con Thiên Chúa, chúng ta sẽ mở được cánh cửa tâm hồn cho ân ban đổ xuống nhờ lời Mẹ của Con Thiên Chúa và là Mẹ của con cái Người chuyển cầu. [10]

Với sự nhạy bén Salêdiêng…

Như thế, chúng ta có thể nói rằng nên thánh là được tất cả. Không nên thánh là mất tất cả. Đích điểm của sự thánh thiện và lời mời gọi dịu dàng để đạt tới tầm mức ấy cũng chính là sứ điệp lớn lao của Don Bosco, là trục chính chi phối mọi đường lối thiêng liêng và chứng tá đời sống của ngài.

Sự thánh thiện mà Don Bosco đề xuất thật đơn giản và vui tươi, nhưng cũng mạnh mẽ như ngài đề xướng. Trong lời khẳng định của Đaminh Saviô: «Tôi muốn nên thánh, tôi phải nên thánh và tôi chỉ hạnh phúc khi nào tôi nên thánh» [11] phản ánh rất nhiều – thậm chí có thể nói là tất cả – những gì Don Bosco đã tìm cách truyền thụ cho cậu, ngay sau bài giảng mà Đaminh đã được nghe những lời khích lệ: «Nên thánh thật dễ dàng. Tất cả chúng ta đều phải nên thánh. Một phần thưởng lớn lao, THIÊN CHÚA đã chuẩn bị sẵn ở trên trời cho những ai nên thánh». Chính Don Bosco cũng kể thêm rằng bài giảng này đã như một tia lửa vốn làm cho tình yêu dành cho Thiên Chúa trong trái tim của Đaminh Saviô tăng thành một ngọn lửa thiêu đốt.

Với sự khôn ngoan của mình, Don Bosco đã điều chỉnh ước muốn đền tội của cậu Đa Minh. [Thay vì đền tội], trái lại, ngài khuyên cậu trước hết hãy trung thành với đời sống cầu nguyện, học hành và chu toàn tốt đẹp các bổn phận, cũng như siêng năng trong giờ chơi (và chúng ta có thể nói, trong toàn bộ các mối tương quan trong đời sống), nơi đó trồi hiện lên ý thức rất Salêdiêng về lời mời gọi phổ quát tới sự thánh thiện.

Khi sáng lập trước tiên Tu Hội thánh Phanxicô Salê và rồi Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (cùng với Maria Domenica Mazzarello, vị đồng sáng lập), Don Bosco đã đặt sự thánh hoá của các hội viên là chính mục tiêu, ngay đến hôm nay.

Ít lâu sau, Don Rua nhắc nhớ điều này cho các Salêdiêng bằng những lời khích lệ sau: «Điều này cũng được Don Bosco, người cha đáng mến của chúng ta ghi khắc trong khoản 1 của Tu Luật thánh, ở đó ngài nói với chúng ta rằng mục đích của Tu Hội chúng ta trước tiên là sự trọn lành Kitô hữu của các hội viên rồi sau đó mới đến các công cuộc bác ái, cả thiêng liêng lẫn vật chất, cho giới trẻ». [12] Không có điều này toàn bộ nỗ lực tông đồ vì người trẻ sẽ ra vô hiệu. Don Bosco biết rất rõ rằng con đường (cách thức) đầu tiên, triệt để và quyết liệt nhất để giúp đỡ tha nhân là nên thánh.

Trong «ngôi trường linh đạo tông đồ, đầy lôi cuốn và mới mẻ» [13] này, Don Bosco giải thích Tin Mừng dưới khoé nhìn sư phạm và mục vụ độc đáo của riêng mình; nó “muốn là một “tổng luận mới”, gồm những yếu tố chung của sự thánh thiện Kitô hữu rất quân bình, hài hoà và được điều hòa (tổ chức); những nhân đức và các phương thế tới sự thánh thiện có chỗ đứng thích đáng của mình, số lượng, sự đối xứng và vẻ đẹp vốn là đặc trưng». [14]

ĐỨC GIÊSU CHÍNH LÀ NIỀM HẠNH PHÚC

Lời mời gọi nên thánh được dành cho mọi Kitô hữu bởi vì đó là sự sống sung mãn, đồng nghĩa với hạnh phúc, phúc lành viên mãn. Và Kitô hữu chúng ta tìm được hạnh phúc khi bước theo Đức Giêsu Kitô.

Những lời này được nhắm đến các bạn trẻ. Chúng được nói cho họ. Nhưng chúng ta biết rõ rằng «việc nên thánh cũng dành cho chính bạn», liên can đến mọi người: người trẻ, nhà giáo dục, những người cha, người mẹ, nam nữ giáo dân thánh hiến, tu sĩ nam nữ, các linh mục. Nói tóm lại, những lời cha nói đây là dành cho mọi người và mỗi người trong Gia Đình Salêdiêng chúng ta, không loại trừ ai, và đương nhiên chúng liên quan đến toàn thể Dân Thiên Chúa.

Với xác tín mạnh mẽ, các Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Biển Đức XVI và Phanxicô đã gởi đến giới trẻ  những sứ điệp tuyệt đẹp. Chúng ta không được phép để mình nên xa lạ với chúng. Cha chỉ gom lại một mẫu nhỏ của những sứ điệp này, với một mẫu số chung: nơi tất cả những sứ điệp ấy, các Đức Thánh Cha yêu cầu giới trẻ dám liều/nắm lấy cơ hội là đón nhận Đức Giê-su là sự bảo đảm cho hạnh phúc của mình.

Đó là một thách đố lớn lao mà thánh Gioan Phaolô II đã phát đi khi ngài nói với người trẻ trên thế giới rằng: «Thực vậy, khi chúng con ước mơ niềm hạnh phúc, chúng con đang kiếm tìm Đức Giêsu; chính Ngài đang chờ đợi chúng con khi chẳng có gì mà các con tìm được làm chúng con mãn nguyện; chính Ngài là vẻ đẹp thu hút chúng con; chính Ngài khơi lên trong chúng con cơn khát sự sung mãn vốn không cho phép chúng con ổn cố vì sự thỏa hiệp; chính Ngài đã thúc đẩy chúng con tháo bỏ những chiếc mặt nạ của cuộc sống giả dối; chính Ngài đọc thấy trong tâm hồn chúng con những quyết định chân chính nhất mà người khác cố bóp nghẹt. Chính Đức Giêsu khơi lên trong chúng con ước ao làm điều gì vĩ đại bằng cuộc đời mình, ý chí theo đuổi một lý tưởng, sự khước từ để mình bị tán nhỏ bằng sự tầm thường, can đảm song khiêm tốn và trung kiên dấn mình để cải thiện bản thân cũng như xã hội, làm cho nó trở nên ngày một nhân bản và đầy tình người hơn». [15]

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng không kém minh nhiên khi nói với các bạn trẻ: «Chúng con thân mến, niềm hạnh phúc mà chúng con kiếm tìm, niềm hạnh phúc mà chúng con có quyền hưởng nhận có một tên gọi và một khuôn mặt: đó chính là chính Đức Giêsu thành Nadarét, náu mình nơi Thánh Thể […] Chúng con hãy xác tín điều này: Đức Kitô chẳng lấy khỏi các con bất kỳ điều gì đẹp đẽ và lớn lao, Ngài chỉ làm cho tất cả những điều ấy nên hoàn thiện vì vinh danh Thiên Chúa, vì hạnh phúc con người, vì ơn cứu rỗi cho thế giới […]. Hãy để cho Đức Kitô làm cho chúng con ngạc nhiên! Hãy để cho Ngài có “quyền tự do nói với chúng con”». [16]

Còn Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các bạn trẻ rằng hạnh phúc thì không thể thương lượng. Không được giản lược thành những hoài bão để rốt cục hạnh phúc không được đảm bảo theo bất kỳ cách chân chính và nghiêm chỉnh nào, mà chỉ như một điều gì mà ta có thể trải nghiệm trong “những lượng nhỏ”, và rất thường xảy ra nó không kéo dài; cách tự nhiên, nó không phải là hạnh phúc thật cũng chẳng làm con người mãn nguyện tròn đầy: «Hạnh phúc của chúng con thật vô giá. Nó không thể được bán buôn; hạnh phúc đâu phải là cái “app” [phần mềm ứng dụng] mà các con có thể tải xuống trên điện thoại». [17]

Don Bosco muốn các trẻ của ngài được hạnh phúc đời này và đời sau

Ngay đầu (incipit) Lá Thư từ Roma, ngày 10 tháng 5 năm 1884, Don Bosco viết cho trẻ của ngài: «Cha chỉ có một ước nguyện: đó là thấy chúng con hạnh phúc ở đời này và đời sau». [18]

Vào giai đoạn cuối đời, những lời này tóm kết chính tâm điểm của sứ điệp ngài dành cho người trẻ thuộc mọi thời đại trên khắp thế giới. Ngài muốn chúng sống hạnh phúc; đấy là đích nhắm mà mọi người trẻ, hôm nay, ngày mai, luôn mãi, đều mơ ước. Nhưng không chỉ có thế. “Trong đời sau” là cái [hạnh phúc] dư thêm mà chỉ có Chúa Giêsu và lời mời gọi đi vào hạnh phúc của Ngài, chính là sự thánh thiện, mới có thể cống hiến. Đó là câu trả lời cho nỗi khao khát sâu xa về cái gọi là “muôn đời” vốn nung nấu trong tâm hồn mỗi người trẻ.

Thế giới, xã hội của các quốc gia, không thể đề ra cái “muôn đời” này hay hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng Thiên Chúa thì có thể.

Đối với Don Bosco tất cả điều này quả rất rõ ràng; và ngài có khả năng gieo vào tâm hồn thanh thiếu niên nỗi ước ao nên thánh mãnh liệt, ước ao sống cho Chúa và đạt tới thiên đàng: «Ngài đã hướng dẫn các bạn trẻ trên con đường nên thánh rất bình dị, an nhiên và vui vẻ, qua việc nối kết sân chơi, việc học hành nghiêm túc và ý thức bổn phận thành một kinh nghiệm duy nhất về cuộc sống». [19]

Các thánh cho giới trẻ và với giới trẻ

Sự thánh thiện đặc trưng của đoàn sủng Salêdiêng trong đó có đủ chỗ cho mọi người, người thánh hiến và giáo dân, có lối diễn tả biệt loại nhất của nó trong tương quan với sự thánh thiện của người trẻ. Cha Pascual Chávez, vị tiền nhiệm của cha, đã viết vào lúc ngài khởi đầu sứ vụ trong lá thư Các Salêdiêng thân mến, anh em hãy nên thánh! như sau: «Chính những người trẻ đã giúp Don Bosco “khởi sự một phong cách nên thánh mới mẻ trong kinh nghiệm thường ngày, theo những đòi hỏi riêng để một thiếu niên phát triển. Bằng cách này, các em trở nên, tới một mức nào đó, vừa là môn đệ vừa là thầy dạy. Sự thánh thiện của chúng ta là sự thánh thiện vì giới trẻ và với giới trẻ; bởi vì trong khi tìm kiếm sự thánh thiện, “các bạn trẻ và các Salêdiêng sánh bước bên nhau”: hoặc cùng với họ chúng ta thánh hoá bản thân, khi cùng với họ tiến bước và học hỏi, hoặc chúng ta chẳng trở nên thánh gì cả».[20] Trái tim Salêdiêng chân chính của Gia đình chúng ta cần phải thánh thiện để đạt tới giới trẻ, đang khi nó không xao nhãng bổn phận thậm chí còn triệt để hơn là làm cho chính mình nên thánh thiện giữa giới trẻ và cùng với giới trẻ.

Đây là ước ao được gởi đến cho mọi người và từng người trong 31 nhóm thuộc Gia Đình Salêdiêng. Với sự chú tâm chân thành, cha đã tìm kiếm những điểm quy chiếu về sự thánh thiện trong Hiến Luật và Quy Chế của nhiều hội dòng khác nhau trong Gia Đình chúng ta, trong Kế Hoạch Đời Sống Tông Đồ của các Cộng tác viên Salêdiêng, trong Quy Chế của tất cả các nhóm thuộc về cây đoàn sủng chúng ta. Cha có thể bảo đảm rằng, cách này hay cách khác, tất cả đều coi sự thánh thiện như điểm nhắm và như mục đích vì đó mà chúng ta được sinh ra và cũng như những hiệp hội tu sĩ, với ý định là đạt đến nó trong cuộc đời chúng ta. Vì vậy, một sự thánh thiện được đề xuất cho từng thành viên như mục tiêu của việc tông đồ hướng tới những người khác.

Tuổi trẻ, thời để nên thánh

Với niềm xác tín rằng «sự thánh thiện là diện mạo xinh đẹp nhất của Giáo Hội» (GE, 9), trước khi truyền đạt lời mời gọi này đến với giới trẻ, tất cả chúng ta được kêu gọi sống và làm chứng về sự thánh thiện này, để trở nên một cộng đoàn “đáng yêu”, như sách Tông Đồ Công Vụ từng kể lại (xem GE, 93). Chỉ khi chúng ta sống sự nhất quán này, chúng ta mới có thể dẫn giới trẻ đi trên con đường nên thánh.

Khi thánh Ambrôxiô từng khẳng định rằng «mỗi tuổi đời đều là tuổi để nên thánh», [21] thì chắc chắn tuổi trẻ cũng là thế! Qua sự thánh thiện của rất nhiều người trẻ, Giáo Hội nhận ra ân sủng của Chúa vốn đi trước và đồng hành với câu chuyện cuộc đời của từng người, [nhận biết] giá trị giáo dục của các Bí Tích Thánh Thể và Hoà Giải, hiệu năng của việc chia sẻ những kinh nghiệm đức tin và đức mến, ảnh hưởng ngôn sứ của những “nhà quán quân” thường đóng ấn trong máu mình việc họ là những môn đệ của Chúa Kitô và những nhà thừa sai của Tin Mừng. Ngôn ngữ được giới trẻ ngày nay yêu cầu nhất là chứng tá về một cuộc sống đúng nghĩa. Vì lẽ này, đời sống của những vị thánh trẻ chính là lời chân thật của Giáo Hội; và lời mời gọi đảm đương một cuộc đời thánh thiện là lời mời gọi tối cần thiết mà giới trẻ ngày này đang cần. Một sự năng động thiêng liêng đúng nghĩa và một khoa sư phạm hữu hiệu về sự thánh thiện không làm cho những khát vọng thâm sâu của người trẻ ra thất vọng: chúng cần sự sống, tình yêu, sự tăng trưởng, niềm vui, tự do, tương lai cũng như lòng thương xót và sự hoà giải.

Chắc chắn, lời mời gọi này luôn mang hương vị của một thách đố. Nếu một mặt nó rất lôi cuốn, thì mặt khác nó có thể nảy sinh sợ hãi và băn khoăn. Nó đòi hỏi nỗ lực phải tránh những rủi ro song lại không «ổn định với một đời sống nửa vời, nhạt nhẽo và thiếu chất» (GE, 1); nó hàm ý việc vượt thắng cám dỗ «sống cho qua ngày» (tồn tại) bởi vì thách đố của việc nên thánh không có gì khác với cuộc sống hàng ngày, nhưng là chính đời sống bình thường được sống một cách phi thường và được ân sủng làm nên xinh đẹp. Thật vậy, hoa trái của Chúa Thánh Thần là một cuộc đời được sống trong niềm vui và yêu thương, và đó chính là sự thánh thiện. Về điều này, gương sáng mà Giáo hoàng cống hiến cho chúng ta trong Tông huấn, thật quí báu. Đó là chứng tá đời sống của Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận; ngài đã trải qua nhiều năm trong lao tù. Ngài đã khước từ việc phí giờ chờ đợi ngày ra tù, nhưng ngài đã làm một quyết định khác: «tôi sẽ sống giây phút hiện tại, lấp đầy tràn bằng tình yêu […] và tôi sẽ nắm bắt lấy những cơ hội bày ra mỗi ngày; tôi sẽ chu toàn những hành động bình thường một cách phi thường» (GE, 17).

Những vị thánh trẻ tuổi và tuổi trẻ của những vị thánh

«Chúa Giê-su mời gọi mỗi người môn đệ Ngài trao hiến cả cuộc đời, không kỳ vọng bất kỳ lợi thế hay phúc lợi nhân loại nào. Các thánh đón chào đòi hỏi này và khiêm cung cũng như hiền lành bắt đầu bước theo Đức Ki-tô Đấng chịu đóng đinh và phục sinh. Giáo Hội ngắm nhìn trên bầu trời thánh thiện một chòm sao rộng lớn và lấp lánh gồm những người trẻ nam nữ, những thánh nhân và chân phước trẻ, kể từ thời của những cộng đoàn Ki-tô hữu sơ khai mãi cho đến hôm nay. Khi khẩn cầu với họ như những người bảo trợ Giáo Hội, Giáo Hội chỉ các ngài cho giới trẻ như những qui chiếu cho cuộc đời họ».[22] Trong nhiều cuộc khảo sát, kể cả những khảo sát chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về giới trẻ, các bạn trẻ đã thừa nhận rằng họ thấy «dễ tiếp thu hơn khi nghe “câu chuyện đời sống” so với một bài giảng thần học trừu tượng»[23] và họ coi đời sống các thánh thì rất thích đáng đối với họ. Vì thế, trình bày các thánh theo một cách được thích ứng với lứa tuổi và hoàn cảnh của người trẻ chắc chắn là quan trọng.

Cũng đáng ghi nhớ rằng nhất thiết phải trình bày cho giới trẻ “tuổi trẻ của những vị thánh” cũng như “những vị thánh trẻ”. Thật vậy, tất cả các thánh đã từng là trẻ và chỉ ra cho giới trẻ biết các thánh đã sống cuộc đời của họ như những người trẻ như thế nào quả là hữu ích cho giới trẻ ngày nay. Bằng cách này, ta có thể bắt đầu bàn đến nhiều hoàn cảnh giới trẻ vốn không đơn giản hay dễ dàng; tuy nhiên, nơi đó Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và sinh động cách nhiệm mầu. Việc cho thấy rằng ân sủng Chúa luôn hoạt động, qua những bước đường phức tạp khi kiên nhẫn xây dựng một sự thánh thiện vốn chín mùi lúc thời gian qua đi theo nhiều cách thức không tiên liệu được, có thể giúp cho hết mọi người trẻ, không luật trừ, vun trồng niềm hy vọng vào một sự thánh thiện vốn luôn luôn là có thể được.

Tương hợp với những gì chúng ta đang nói, số cuối cùng trong tài liệu chung cục của Thượng Hội Đồng khẳng định rằng sự thánh thiện của giới trẻ cũng tạo nên thành phần của sự thánh thiện của Giáo Hội, bởi vì «người trẻ là một thành phần toàn vẹn của Giáo Hội. Vì thế, sự thánh thiện của họ cũng vậy; sự thánh thiện này trong nhiều thập kỷ gần đây đã trổ sinh hoa màu đủ loại trên khắp thế giới: Trong Thượng Đội Đồng, chiêm ngắm và suy niệm về lòng can trường của rất nhiều người trẻ đã hiến mạng sống mình khi luôn trung trinh với Tin Mừng quả là xúc động đối với chúng ta; lắng nghe những chứng từ của các bạn trẻ hiện diện tại Thượng Hội Đồng, mà giữa những bách hại họ đã chọn để thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su đã mang đến sự sống. Qua sự thánh thiện của những người trẻ, Giáo Hội có thể canh tân nhiệt tâm thiêng liêng và sức sống tông đồ của mình».[24]

«SỰ THÁNH THIỆN CŨNG DÀNH CHO CẢ BẠN » GIÁO HỘI NGHĨA LÀ GÌ?

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô diễn tả điều này cách đơn giản và trực tiếp:

Sau khi khẳng định rằng để nên thánh không cần thiết phải là giám mục, linh mục hay tu sĩ, ngài thêm rằng: «Tất cả chúng ta được mời gọi nên thánh qua việc sống yêu thương và làm chứng trong mọi việc chúng ta làm, ở bất kỳ nơi nào chúng ta sống. Bạn được gọi tới đời sống thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng việc sống vui tươi sự cam kết của mình. Bạn là người có gia đình ư? Hãy nên thánh bằng việc yêu thương và chăm sóc chồng hoặc vợ mình, như Đức Ki-tô đã làm như thế với Hội Thánh. Bạn lao động kiếm kế sinh nhai ư? Hãy nên thánh bằng việc lao động cách liêm khiết và khéo léo trong sự phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hay ông bà ư? Hãy nên thánh qua việc kiên nhẫn dạy trẻ thơ cách thức theo Đức Giê-su. Bạn có quyền bính ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc cho công ích và từ khước tư lợi» (GE, 14).

Điều này khích lệ chúng ta diễn đạt thách đố mà chúng ta gặp phải bằng những lời giản dị – một thách đố vốn là một khiêu khích có giá trị cho từng người và mọi người, ở mọi lứa tuổi và giai đoạn của cuộc sống.

Vì vậy sự thánh thiện nghĩa là gì, một sự thánh thiện vốn rất gần gũi và có thể tới đạt được với người trẻ, người nam và người nữ hôm nay?

→ Sự thánh thiện là điều gì rất gần gũi, rất thực, cụ thể và trong tầm tay. Thực vậy, đó là ơn gọi nền tảng để yêu mến như Công Đồng Va-ti-can II đã nhìn nhận (LG, 11); linh hồn và bản chất của ơn gọi nên thánh dành cho từng người này chính là sống yêu thương cách trọn vẹn: «Thiên Chúa là tình yêu; ai ở lại trong tình yêu là ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy» (1 Ga 4, 16).

→ Sự thánh thiện chính là việc làm cho ân sủng của Bí Tích Thánh Tẩy trổ sinh bông trái mà không phải sợ Thiên Chúa đòi hỏi mình quá mức: «Hãy để cho ân sủng của Bí Tích Thánh Tẩy sinh hoa trái qua một hành trình nên thánh. Hãy để cho tất cả được rộng mở trước Thiên Chúa; hãy quay về Ngài trong mọi hoàn cảnh” (EG, 15).

Cụ thể, sự thánh thiện chính là việc sống trong Thánh Thần, để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong sự đơn giản của đời sống hằng ngày, không ngại hướng thượng cũng như để cho chính Thiên Chúa yêu thương mình và làm cho mình được tự do.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi các bạn trẻ hãy «mở lòng ra với hoạt động của Chúa Thánh Thần, để Người biến cải đời sống chúng ta, hầu chúng ta có thể trở thành những mảng nhỏ của bức tranh lắp ghép vĩ đại của sự thánh thiện mà Thiên Chúa muốn tạo nên trong lịch sử, hầu khuôn mặt Đức Ki-tô có thể chiếu toả trong tất cả vẻ rạng ngời/ sung mãn của nó. Chúng ta đừng sợ hãi việc vươn lên cao, hướng đến những chiều cao của Thiên Chúa; chúng ta đừng sợ Thiên Chúa sẽ đòi hỏi chúng ta quá mức».[25]

→ Đó là việc biến mình thành những vị thánh hạnh phúc vì Thiên Chúa ước mong điều này

«Không chút sợ sệt, buồn tẻ, chua chát hay u uất, hay mang bộ mặt ảm đạm, các thánh thật vui tươi và đầy tính khôi hài. Dù hoàn toàn thực tế, các ngài chiếu tỏa một tinh thần tích cực và hy vọng» (GE, 122). Lúc còn trẻ, Thánh Gio-an Bosco đã lập Hội Vui. Đa Minh Savio đã quen nói với các bạn mới đến nguyện xá rằng: «Ở đây chúng ta làm cho sự thánh thiện hệ tại ở việc sống rất vui tươi.»[26] (Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu đây không phải là một niềm vui bên ngoài, nhưng được cắm rễ sâu trong nội tâm và trong một cảm thức về trách nhiệm trước cuộc sống và trước chính Chúa).

Don Bosco đã rất thấu hiểu và vì vậy đã truyền thụ lại cho các trẻ của ngài rằng bổn phận và niềm vui luôn đi đôi với nhau, rằng sự thánh thiện và vui tươi là hai điều không thể tách rời. Vì thế, ngài mời gọi vươn đến “sự thánh thiện của niềm vui” và niềm vui được thể hiện bằng cuộc đời thánh thiện. Điều này không có nghĩa lãng quên sự kiện rằng việc dấn thân sống thánh đòi hỏi can đảm, bởi vì, nói một cách khác, nó là một hành trình đi “ngược dòng”, một lối đường đôi khi dẫn đến chống đối, đối diện với nó đôi khi chúng ta phải nên như Chúa Giê-su là “dấu chỉ của sự chống đối”.

→ Đó là một hành trình đòi hỏi đón nhận chiều kích thập giá

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắc nhở chúng ta cần phải có sức mạnh nội tâm để kiên trì và liên lỷ làm tốt; ngài gợi nhắc cần phải tỉnh thức: «chúng ta cần nhận biết và chiến đấu những khuynh hướng hung hãn và ích kỷ và không cho chúng cắm rễ trong mình» (EG, 114); ngài khích lệ sự hiên ngang của Tin Mừng để không bị sợ hãi thống trị; trên hết, ngài mời gọi liên lỉ chiêm ngắm Đấng Chịu Đóng Đinh, nguồn ân sủng và giải thoát: «Nếu như trước chân dung Đức Ki-tô mà bạn vẫn không thể để cho Ngài chữa lành và biến đổi, vậy thì hãy đi sâu vào lòng Chúa, tiếp chạm những thương tích của Ngài, vì đó chính là nơi cư ngụ của Thiên Chúa giàu lòng xót thương» (EG, 151).

Ngày nay, việc quy chiếu về Thập Giá không quá thường xuyên giữa chúng ta, nhưng chắc chắn chúng ta cần phải thay đổi. Không thể sống một đời Ki-tô hữu đúng nghĩa và theo lối đường thánh thiện trong đời sống hằng ngày nếu gạt bỏ Thập Giá sang một bên.

Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới vừa rồi, sau khi tham dự lễ tuyên thánh cho Đức Thánh Cha Phao-lô VI được cử hành cùng với sáu vị thánh khác, cha đã đọc thấy những lời rất thích hợp này: «Tin Mừng và Ki-tô giáo sẽ ra sao nếu không có thập giá, không có đau khổ, không có hy tế của Chúa Giê-su? Có lẽ sẽ là một Tin Mừng, một Ki-tô giáo không có Sự Cứu chuộc, không có Ơn Cứu Độ, điều mà chúng ta tuyệt đối cần đến. Chúa đã cứu chuộc chúng ta bằng Thập Giá; Ngài đã ban lại cho chúng ta hy vọng, quyền đón nhận sự sống bằng cái chết của Ngài. Vác thánh giá! Các con thân mến, đó là một chuyện hệ trọng, chuyện hệ trọng! Nó có nghĩa là can đảm, không yếu đuối, không hèn nhát, đối diện với cuộc sống; nó có nghĩa là biến cải những khó khăn không thể tránh khỏi của cuộc đời thành những năng lực luân lý; nghĩa là biết cách nào để hiểu biết đau khổ của con người và sau hết biế làm thế nào để yêu thương chân thật!»[27].

→ Đó là sống sự thánh thiện để không chia tách chúng ta và các bổn phận, những mối bận tâm, những tình cảm, nhưng gom tất cả những điều đó trong lòng mến. Sự thánh thiện chính là đức ái trọn hảo và vì thế tương xứng với nhu cầu cơ bản của con người: nhu cầu yêu thương và được yêu thương. Một người càng thánh thiện, người đó càng nhân bản hơn, bởi vì «cuộc đời không phải có một sứ mệnh, mà đúng hơn […] chính là sứ mệnh» (GE, 27).

Như vậy, sự thánh thiện là một hành trình nên người hơn. «Chúng ta cần có một tinh thần thánh thiện có khả năng làm đầy cả sự cô đơn lẫn sự phục vụ của chúng ta, cả đời sống cá nhân lẫn những cố gắng loan báo Tin mừng của chúng ta, để mỗi giây phút có thể diễn đạt tình yêu hy sinh chính mình  theo con mắt của Chúa Giêsu. Theo đó, mỗi giây phút đời sống là một bước tiến trên lối đường tới sự thánh hoá bản thân» (GE, 31).

Sự thánh thiện luôn trùng khớp với việc trổ sinh hoa trái tròn đầy của con người nhân bản. Nó không đề xuất một cách sống đưa tới việc tách mình xa khỏi phận người và những hoàn cảnh của nó; nhưng nó làm chúng ta có thể trải nghiệm ngày càng sung mãn và chân thực hơn bản tính nhân loại của chính mình và của anh chị em mình. Đối diện với một vị thánh chân thực, chúng ta luôn nhận rõ họ thật sự là chính những người nam người nữ, với tất cả những nét khác biệt của tình cảm, ý chí, lý trí và cách tương quan: «Nơi các vị thánh, chúng ta thấy rõ một điều: ai đến gần Thiên Chúa thì không thể xa lánh con người, song đúng hơn họ càng gần gũi với con người hơn».[28]

Ở phần cuối, khi cha nói về các thánh, các chân phước cũng như các đấng đáng kính và đầy tớ Chúa trong Gia Đình Sa-lê-diêng chúng ta, cha mời gọi chúng con từ nay hãy ghi nhớ những chứng từ quý giá mà các vị cống hiến cho chúng ta bằng chính cuộc đời của các ngài.

Chính Don Bosco, với tính nhân bản sâu xa, là người đầu tiên đã tìm thấy, chữa lành, hoà giải những trẻ thường đến Nguyện Xá vốn đã trải qua những hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm, nghèo đói kinh tế, côi cút và bơ vơ. Ngài đã trao cho chúng một gia sản giàu có về tình gia đình và Hệ Thống Giáo Dục Dự Phòng, trong một bầu khí tuyệt vời và lại rất thiêng liêng, một bầu khí có khả năng chữa lành. Phải, những vết thương được chữa lành bởi lối tiếp cận hiền phụ của Don Bosco, bởi bầu khí gia đình, bởi niềm vui và bởi đức tin cũng như tình bạn với Chúa Giê-su, Đấng mà Don Bosco dẫn các trẻ của ngài đến.

Ở Mornese, mẹ Mazzarello và các chị em đầu tiên đã sống lối tiếp cận này đối diện với hiện trạng đời sống của các trẻ nữ nghèo khổ, được mang vào căn nhà đầu tiên của các Con Đức Mẹ Phù Hộ, với sự nhạy bén riêng của người nữ.

Như thế, lịch sử chúng ta được lặp lại không ngừng trong rất nhiều nhóm của Gia Đình Sa-lê-diêng, với một phong thái đặc trưng của chúng ta mà cũng là của Tin Mừng; điều đó cho phép chúng ta chăm lo và chữa lành nhân tính của từng nhân vị mà chúng ta tiếp xúc.

→ Sự thánh thiện ấy vừa là một “bổn phận” vừa là một “hồng ân” (nghĩa là một ơn gọi, một trách nhiệm, một cam kết và là một hồng ân). Nên thánh là tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, chứ không phải là một sự hoàn hảo theo chủ nghĩa luân lý mà ta tự hào là tới đạt được chỉ bằng những nỗ lực của riêng mình. Thực vậy, một cuộc đời thánh thiện chính yếu không phải là hoa trái của nỗ lực riêng, của các hành động thuộc riêng mình. Chính Thiên Chúa, Đấng được gọi là ‘Thánh, Thánh, chí Thánh’ (xem Is, 6, 3), mới làm cho ta nên thánh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho ta chính sức mạnh và ý chí.

Nên thánh là một cam kết và trách nhiệm. Đó là điều mà chỉ mình bạn mới có thể làm được: «Ước gì anh chị em nhận ra lời mời gọi và sứ điệp của Chúa Giê-su mà Thiên Chúa ước ao nói với thế giới qua cuộc đời của anh chị em» (GE, 24).

Bổn phận này trở nên nhất thiết đối với những người được thánh hiến trong Gia Đình Sa-lê-diêng chúng ta. Đức Phao-lô VI đã nói về điều này cách dứt khoát: «Đời sống thánh hiến phải thánh thiện, bằng không nó chẳng có lý do để tồn tại».[29]

Một vài DẤU chỉ CHO THẤY CÓ THỂ SỐNG THÁNH THIỆN

Cha đưa ra cho chúng con một vài gợi ý thích hợp với từng người cũng như với sứ mệnh chung của chúng ta. Cha thiết nghĩ cần nhấn mạnh đến một vài điểm đặc biệt sau đây:

Sống cuộc đời thường nhật như là chốn gặp Thiên Chúa

Tâm điểm của tinh thần Sa-lê-diêng, nét riêng biệt của chúng ta như một Gia Đình đoàn sủng, được nhận diện bởi sự kiện là tinh thần ấy nhìn cuộc đời cách tích cực và ngày qua ngày coi cuộc đời như là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Chính nơi này được dệt bởi một mạng lưới gồm các mối tương quan sâu đậm, công việc, niềm vui và giải trí, đời sống gia đình, phát triển các kỹ năng bản thân, trao ban và phục vụ…, tất cả được sống dưới ánh sáng của Thiên Chúa. Điều này được Don Bosco diễn đạt một cách giản dị nhưng đầy niềm xác tín rất Sa-lê-diêng: để nên thánh, các con cần làm thật tốt điều mình phải làm.

Đó là lời đề xuất nên thánh trong cuộc sống hàng ngày. Nếu như thánh Tê-rê-sa A-vi-la tìm thấy sự nên thánh giữa những chén đĩa của nhà bếp, còn thánh Phan-xi-cô Sa-lê chứng thực rằng người Ki-tô hữu có thể sống giữa thế gian, giữa những bận rộn và lo toan của cuộc sống mà vẫn nên thánh, thì Don Bosco cùng với các trẻ của ngài đã lập một ngôi trường đích thực dạy sống thánh thiện tại Valdocco, bằng sự vui tươi đơn sơ, bằng việc chu toàn xác đáng các bổn phận của mình và sống cuộc đời hoàn toàn vì yêu mến Thiên Chúa.

Là những con người và những cộng đoàn cầu nguyện

Sự thánh thiện là món quà lớn lao nhất mà chúng ta có thể trao ban cho giới trẻ, và cha muốn thêm rằng ngày nay giới trẻ và gia đình của họ đang rất cần chứng tá đời sống của chúng ta. Và như cha đã nói, sự thánh thiện đơn sơ sẽ là món quá quý giá nhất mà chúng ta có thể trao ban cho họ.

Tuy nhiên, hành trình trao bao sự thánh thiện này không thể thực hiện được nếu không vun trồng một chiều sâu đời sống, nếu không có một đức tin chân thật và không có lời cầu nguyện như là lối diễn tả chính đức tin này. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khẳng định rằng: «Cha không tin vào một sự thánh thiện không cầu nguyện» (GE, 147). Và thực tế tất cả điều này đều không thể thực hiện được nếu không có đời sống mật thiết với Chúa Giê-su: cầu nguyện tạ ơn diễn tả sự nhìn nhận Thiên Chúa thật siêu vượt; cầu xin diễn tả tâm hồn tín thác; cầu khẩn cho người khác diễn đạt tình thương dành cho anh chị em, cầu nguyện thờ lạy diễn tả rằng mình chân nhận Thiên Chúa cao sâu; nguyện gẫm Lời Chúa diễn tả con tim dễ dạy và vâng lời; cầu nguyện Thánh Thể là cao điểm và suối nguồn của mọi sự thánh thiện.

Làm lớn mạnh hoa trái của Chúa Thánh Thần trong đời sống mình:

Tình yêu, bác ái, niềm vui, bình an, nhẫn nại, từ tâm, khoan dung, trung tín, hiền hậu, làm chủ chính mình… Sự thánh thiện không phải là cãi cọ, chống đối, ghen tuông, chia rẽ, hấp tấp. «Sự thánh thiện đâu có làm cho chúng ta ít nhân bản hơn, bởi vì đó là cuộc gặp gỡ giữa sự mỏng dòn với sức mạnh của ân sủng» (GE, 34).

Thực hành các nhân đức

Không chỉ là chống lại sự dữ và theo đuổi sự thiện, nhưng cần phải đam mê sự thiện hảo, làm tốt những việc thiện, làm mọi sự thiện hảo… Cầu nguyện và hành động trong thế giới, phục vụ và hiến thân cũng như dành thời gian sống sự thinh lặng. Đời sống gia đình và cảm thức trách nhiệm khi làm việc «Tất cả đều có thể được đón nhận và nhập hiệp vào cuộc đời dương thế, và trở thành thiết thân của bước đường thánh hoá bản thân. Chúng ta được gọi để là những người thần nghiệm giữa các hoạt động và tăng trưởng sự thánh bằng việc thực thi đầy trách nhiệm và quảng đại  chính sứ mệnh riêng của mình» (GE, 26).

Và rồi, theo đuổi một cuộc đời tốt lành theo Tin Mừng qua việc thực thi cách vui tươi và liên lỉ các nhân đức sẽ là con đường nên thánh thực sự giản dị.

Làm chứng về tình hiệp thông

Hành trình nên thánh được cùng nhau theo đuổi; con đường thánh thiện là con đường được sống trong cộng đoàn cũng như được cùng nhau theo đuổi. Các thánh luôn cùng với nhau, là một cộng đoàn. Ở đâu có một vị thánh, ở đó chúng ta luôn tìm gặp được những vị thánh khác. Sự thánh thiện trong cuộc sống hàng ngày làm cho tình hiệp thông đâm bông và nuôi dưỡng “những tương quan”. Chúng ta cùng nhau nên thánh. Không thể nên thánh một mình và Thiên Chúa cũng không cứu rỗi ai một mình: «không ai được cứu độ một mình, như một cá nhân tách biệt » (GE, 6). Sự thánh thiện được nuôi dưỡng qua các mối tương quan, qua sự tin tưởng, qua tình hiệp thông bởi vì linh đạo Ki-tô hữu cốt yếu mang tính cộng đoàn, có tính Giáo Hội, và khác biệt sâu xa song không hề có một khóe nhìn sự thánh thiện mang tính xuất chúng hay anh hùng.

Trái lại, không thể có sự thánh thiện Ki-tô giáo nơi đâu người ta quên lãng tình hiệp thông với người khác, nơi đâu người ta lảng tránh tìm kiếm và nhìn vào diện mạo của anh chị em, nơi đâu người ta gạt bỏ tình huynh đệ và cuộc cách mạng của lòng dịu hiền.

Hiểu rằng đời mỗi người là một sứ mệnh

Đức Thánh Cha mạnh mẽ mời gọi chúng ta hãy nhận diện toàn thể cuộc đời mình như một sứ mệnh. Đôi lúc, lâm vào khốn khó, người ta tự hỏi ý nghĩa đời tôi là gì, tôi sống đây vì lý do gì, động lực nào khiến tôi tồn tại trong thế giới, đâu là điều tôi cần ghi dấu cho cuộc đời này… Tuy nhiên, khi tự đặt ra các câu hỏi trên chính là lúc người ta đang băn khoản về câu hỏi nền tảng nhất: sứ mệnh của tôi là gì? Với khoé nhìn này, chúng ta khám phá rằng «người Ki-tô hữu không thể thấu hiểu sứ mệnh của mình trên mặt đất này nếu không lãnh hội nó như là một hành trình nên thánh» (GE, 19), luôn trao ban điều tốt nhất của chính mình trong sự cam kết này.

Một số nhà Sa-lê-diêng như Valdocco, Mornese, Valsalice, Nizza, Ivrea, San Giovannino… từ những buổi đầu tiên, đã chứng thực về sự thánh thiện vốn là việc chia sẻ kinh nghiệm, đâm bông kết trái trong tình bạn, trong sự dấn thân và phục vụ (ngày nay, chúng ta nói rằng cuộc đời là “ơn gọi và sứ mệnh”).

Tìm kiếm lối sống giản dị (không phải sự dễ dãi) của các Mối Phúc (xem GE, 70-91)

Khi công bố các Mối Phúc, Chúa Giê-su đã cống hiến một lối đường nên thánh đích thực. Các Mối Phúc «là tấm thẻ căn cước [thẻ chứng minh nhân dân] của người Ki-tô hữu» (GE, 63).

Qua các Mối Phúc, chúng ta có được lối sống bao gồm những bước tiến đi từ tâm hồn nghèo khó, vốn là cuộc sống nhiệm nhặt, tới việc phản ứng bằng sự hiền lành khiêm tốn trong một thế giới nơi đó những cãi vã dễ dàng nảy sinh trên điều nhỏ nhen nhất; từ lòng can đảm cho phép chính mình “bị đâm thâu” bởi nỗi khổ của người khác và tỏ lòng thương xót họ đến việc tìm kiếm bằng niềm đói khát đích thật sự công chính, trong khi người khác vẫn cứ lo chia chác những chiến lợi phẩm chiếm được nhờ sự bất công, suy đồi đạo đức và lạm dụng quyền lực.

Các Mối Phúc dẫn người Ki-tô hữu đi vào cách nhìn và hành động bằng lòng xót thương, vốn là việc nâng đỡ và cả tha thứ cho người khác nữa; chúng thúc đẩy người Ki-tô hữu gìn giữ cõi lòng tinh tuyền và ly thoát khỏi những gì làm dơ bẩn tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Lời mời gọi của Chúa Giê-su đòi chúng ta phải gieo hạt giống an bình và công lý cũng như xây dựng những cây cầu nối giữa người với người. Nó cũng đòi hỏi chúng ta đón nhận sự hiểu lầm, giả dối xảy ra với mình, và hơn hết những bắt bớ, ngay cả những bắt bớ tế vi nhất, của thời đại hôm nay.

Lớn lên nhờ những nghĩa cử nhỏ bé (GE, 16)

Đó là một dấu hiệu đơn giản khác, thực tiễn và trong tầm với của mọi người. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta nên thánh bằng những nghĩa cử nhỏ bé, qua những điều giản đơn mà chúng ta khám phá được nơi người khác và thực hiện nó nơi chính mình trong cuộc sống hàng ngày; cũng được khích lệ bởi sự kiện rằng lối đường thánh thiện không là độc nhất cũng không như nhau cho mọi người.

Chúng ta tiến bước trên hành trình nên thánh trong chính hiện trạng là một người nam hoặc người nữ của mình. Theo nghĩa này, sự dịu dàng  nữ tính, sự chú tâm trong những chi tiết và hành vi nhỏ bé là một điển hình tuyệt vời cho chúng ta. Vì thế, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói rằng: «Tôi cũng muốn nhắc riêng rằng “thiên tài phái nữ” đã chứng tỏ những cách thức nữ tính của sự thánh thiện, vốn không thể thiếu để giúp chúng ta suy tư về sự thánh thiện của Thiên Chúa trên trần thế này và […] cha cần phải nhắc đến rất nhiều người nữ vô danh hoặc bị lãng quên, mỗi người trong họ đã gánh vác và biến đổi gia đình cũng như cộng đoàn theo cách thức riêng bằng tất cả sức mạnh của đời sống chứng tá của mình» (GE, 12).

Mọi sự, trừ việc khước từ việc bay cao vì chúng ta sinh ra để chinh phục những đỉnh cao!

Có rất nhiều bước nho nhỏ có thể giúp chúng ta thực hiện hành trình nên thánh, một sự thánh thiện đơn sơ, âm thầm nhưng uốn nắn cuộc đời chúng ta một cách rất đẹp. Như cha đã nói, tất cả đều có thể giúp ta; Phải, mọi sự, trừ việc khước từ bay cao khi mà chúng ta sinh ra để chinh phục những đỉnh cao! Bởi vì chúng ta đã «được Thiên Chúa chọn thánh hóa và yêu thương» (Cl 3, 12).

Điều mà cha muốn nói chính là những gì Mamerto Menapace[30] đã diễn tả cách tuyệt vời trong câu chuyện hay, một hình ảnh ấn tượng nói về song luận giữa việc ở lại trên mặt đất hay bay về phía Thiên Chúa, về phía sự thánh thiện, về phía đỉnh cao.

Câu chuyện như sau:

Một ngày nọ, một người nông dân đang rảo bước trên con đường mòn lên núi cao, ông nhìn thấy giữa những phiến đá ở gần đỉnh núi có một quả trứng kỳ lạ: nó quá lớn so với trứng gà và quá nhỏ so với trứng đà điểu.

Không biết đó là thứ gì, ông quyết định đem nó về nhà.

Về tới nhà, ông ta đem cho vợ mình xem quả trứng. Cô vợ có một con gà tây đang ấp. Thấy quả trứng hơn kém lớn bằng những quả trứng khác, nên bà vợ đặt quả trứng vào dưới cánh con gà tây đang ấp.

Khi những chú gà con bắt đầu mổ vỏ trứng chui ra thì con vật nhỏ bé từ quả trứng lấy về trên núi cũng mổ vỏ chui ra. Xem ra nó thuộc một giống khác, nhưng những điểm khác biệt cũng chẳng lớn lắm để có thể làm nó nổi bật giữa đàn gà con, dù nó là một con chim kềnh kềnh [đại bàng?] bé nhỏ. Cả khi được ấp nở bởi một con gà tây, chú gà này vẫn có nguồn gốc khác.

Vì con kềnh kềnh [đại bàng] con chẳng có mẫu gương nào để bắt chước, nó chỉ biết học theo những gì nó thấy những con gà tây làm. Nó lẽo đeo theo con gà tây tìm giun, tìm hạt và bới rác. Nó bươi đất và nhảy nhót tìm hạt quanh những lùm cỏ. Nó sống trong chuồng gà và sợ những con chó hay đến cắp thức ăn của nó. Tối đến, nó trèo lên mấy cành ca-rốp ngủ vì sợ chồn và mấy con thú săn mồi khác. Nó sống mỗi ngày như thế, bắt chước những gì nó thấy các con gà khác làm.

Đôi khi nó cảm thấy cái gì đó là lạ, nhất là khi có cơ hội ở một mình. Nhưng điều đó không thường xảy ra. Thật vậy, những con gà tây không ở một mình nhiều. Đó là loài thích đi theo bầy, phồng ngực lên khi giật mình, xoè đuôi ra rồi kéo lê đôi cánh trên mặt đất. Gặp bất kỳ cái gì xảy ra, nó đáp lại bằng một tiếng kêu rất to.

Đặc điểm của gà tây là đây: dù lớn xác, nhưng chúng không bay.

Một buổi trưa, khi bầu trời quang đãng với những làn mây trắng lướt qua, con vật nhỏ bé ngạc nhiên nhìn thấy những con chim lạ đang xoải cánh cách oai nghi bay trên đầu mình, chúng lượn vòng điêu luyện đến gần như không cần vỗ cánh. Nó cảm thấy xốn xang trong lòng. Có thứ gì đó như một lời mời gọi vốn đã ngủ sâu nay bỗng thức dậy, làm rung từng mạch máu tận bên trong. Đôi mắt nó vốn đã quen cắm xuống mặt đất tìm thức ăn, không quen phân định rõ những gì đang diễn ra trên cao ấy. Tâm hồn nó bừng tỉnh với một nỗi nhớ nhung mạnh mẽ: tại sao mình lại không thể bay như thế chứ? Tim cậu đập mạnh và cậu bỗng thấy nôn nao.

Đúng lúc ấy, một con gà tây tiến lại và hỏi xem cậu đang làm gì. Con gà tây mỉa mai cười nhạo khi nghe cậu kể mọi chuyện. Con gà bảo rằng nó thật lãng mạn, phải ngừng bỡn cợt thôi. Bọn chim đó thuộc loại khác. Phải về lại thực tế thôi. Và chú gà tây bảo nó hãy đi theo mình tới chỗ có nhiều trái mọng chín và vô số giun dế sâu bọ.

Mất phương hướng, con vật đáng thương đã tỉnh khỏi sự mê đắm, theo bạn lững thững về lại chuồng gà.

Nó về lại cuộc sống mỗi ngày, song luôn bị dày vò bởi một nỗi bất an vốn đã làm cho nó cảm thấy có điều gì rất lạ.

Con chim đó đã chẳng thể khám phá ra bản chất của mình là một con kềnh kềnh [đại bàng].

Nó già đi, rồi ngày kia đã chết. Vâng, thật không may nó đã chết y đúc những gì nó đã sống.

Và nghĩ rằng mình được sinh ra để chinh phục những đỉnh cao!

Câu chuyện đó nói về con đường tăng trưởng của Kitô hữu đến sự thánh thiện: «Chúng ta không sợ nhắm hướng lên cao,  tới đỉnh cao vời của Thiên Chúa; chúng ta không sợ Chúa sẽ đòi hỏi chúng ta quá mức».[31]

NHỮNG BƯỚC ĐƯỜNG NÊN THÁNH NGÀY NAY DƯỚI ÁNH SÁNG LỊCH SỬ GIA ĐÌNH SALÊDIÊNG

Hành trình nên thánh có nhiều con đường

Chúng ta biết một số vị thánh, nhưng chúng ta không thể biết được ai thánh thiện hơn ai. Chỉ có Chúa mới rõ lòng ta. Mỗi người có nét đẹp riêng. Ta không thể xin một người điều họ không thể và không nên cho. Nói ra điều này có giá trị khích lệ và chữa lành. Nếu không, chúng ta cứ cho rằng mình không thể nên thánh được, vì chúng ta không bao giờ có thể nên giống những thánh được đặt làm mẫu gương cho ta. «Không cần đòi hỏi phải đưa vào sự thánh thiện sự hoàn hảo hơn sự thánh thiện thực sự phải có».[32] Nghĩa là: tính anh hùng Ki-tô giáo đâu phải là chuyện của các bậc anh hùng, sự hoàn thiện Ki-tô giáo chẳng phải là sự hoàn thiện của kẻ siêu anh hùng (siêu nhân). «Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở» (Ga 14, 2). Thiên Đàng vốn như một khu vườn: có loài hoa tím khiêm hạ, cũng có nhánh huệ hay đoá hồng đài các. Không bậc sống nào biểu thị một ngáng trở không thể vượt thắng tới niềm vui và sự sống dư đầy.

Với Don Bosco, chúng ta gặp gỡ không chỉ Đa Minh Savio, Gio-an Massaglia hay Phan-xi-cô Besucco; mà cả Mi-ca-e Magone và nhiều đứa trẻ khó dạy khác; những vết thương sâu nặng làm đặc nét chuyện đời của họ.

Trong những cơ sở đầu tiên của các Sa-lê-diêng và của Con Đức Mẹ Phù Hộ, chúng ta tìm thấy ngôi nhà cô nhi thực sự và nhiều người đủ loại là những nạn nhân của bất công và thương tổn tinh thần (Carlo Braga, Laura Vicuña…).

Có người với những vết thương đặc biệt cá nhân: chẳng hạn Beltrami hay Czartoryski đều biết rõ họ sẽ chẳng thể sống những sinh hoạt bình thường nơi nguyện xá nữa, vì bệnh tật. Artemide Zatti cũng bị từ khước khỏi đời linh mục vì bệnh tật. Francesco Convertini từng cho thấy khả năng tri thức rất khiêm tốn và chính sự thánh thiện toả sáng của cậu mới thuyết phục được các bề trên cho phép cậu theo đuổi đời linh mục. Alexandrina Maria da Costa bị giam mình trên giường bệnh vì chứng bại liệt ngày càng trầm trọng. Hoàn cảnh tương tự cũng xảy ra với Nino Baglieri. Nhà thần bí Sa-lê-diêng Vera Grita đã sống một cuộc đời tương tự như hành trình Can-vê, sau khi bị thương tật trong một tai nạn.

Như thế đấy, trong ngôi nhà của Don Bosco có đủ chỗ để đón tiếp toàn bộ những kẻ bị thương khác nhau, thuộc đủ cách thức do gia đình thảm thương hay những biến cố cá nhân; theo những tiêu chuẩn thận trọng và hiệu quả bình thường của nhân loại có lẽ chẳng bao giờ nên tiếp nhận những người ấy. Nhìn thoáng vội, những con người này hoàn toàn đối chọi lại tính năng động vui tươi và thậm chí “mạnh bạo” của tinh thần Sa-lê-diêng. Vậy mà với ánh sáng đức tin các sự kiện minh chứng rằng không một tình trạng cá nhân nào lại khiến trở ngại tới sự thánh thiện.

Mỗi vị thánh là một lời của Thiên Chúa nhập thể

Không hề có hai vị thánh giống nhau. Noi gương các thánh không phải là lặp lại y chang họ. Mỗi người cần đến thời gian và lối đường riêng và hành trình riêng, bởi vì «các nẻo đường nên thánh đều mang tính cá vị».[33]

Giải ngân hà của sự thánh thiện vốn rất rộng lớn và phong phú: vì thế chúng ta đừng khuôn đúc thành một định hướng đơn điệu về phía sự thiện, mà phải nhìn nó như một nguồn cảm hứng vô tận của những dự phóng đầy sáng tạo. Là những hình ảnh sống của Tin Mừng, các thánh diễn đạt nét tinh thần chân thật nhất và là tấm gương phản chiếu khuôn mặt Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Thánh của Thiên Chúa. Họ trải rộng hồng ân của lòng nhân lành và vẻ đẹp cuộc đời, họ không thả mình cho những kiểu cách chóng qua và tạm bợ của thời đại, và với sức năng động của một cõi lòng luôn luôn tươi trẻ họ cho thấy thế nào là phép lạ của tình yêu thương. Với sức mạnh của Ân Sủng, các Thánh đã biến đổi thế giới, và cả Giáo Hội nữa, bằng việc khiến cho Giáo Hội trở nên đậm chất Tin Mừng hơn và đáng tin hơn nhờ chứng tá của mình.

Chính Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng cho các thánh ký, sinh động các Thánh để các ngài biết cách hiến dâng cuộc đời vì Tin Mừng. Những cách thức khác nhau của họ để “nhập thể” sự thánh thiện tạo nên con đường vững chắc để đảm nhận việc thông diễn lại Lời Chúa cách sống động và đầy hiệu năng.

Mỗi vị thánh của Gia Đình Sa-lê-diêng nói rằng nên thánh là có thể được

Mỗi một vị Thánh, Chân Phước, Đấng Đáng Kính, Đầy Tớ Chúa trong Gia Đình chúng ta mang theo với mình muôn vàn yếu tố tốt đẹp để chúng ta xem xét và trân quí hơn. Điều này giống như việc ngắm nghía một viên kim cương dưới nhiều góc cạnh, một số sắc cạnh hấp dẫn và sáng loá hơn, một số sắc cạnh khác thì kém hơn, nhưng không vì thế mà kém thực sự và thúc bách hơn. Biết đến những gương ngoại thường này của những tín hữu và làm cho người ta biết đến chúng đưa tới sự can dự ngày một tiệm tiến hơn đến hành trình của họ, một sự quan tâm nóng cháy đến những biến cố cuộc đời họ, vui tươi tham gia vào các dự phóng và ước mơ vốn đã hướng dẫn những bước họ đi.

Cha muốn nêu lên với chúng con một vài ví dụ.

→ Sự thánh thiện của các trẻ “ở nhà chúng ta”

Với chứng tá của Đa Minh Savio, Laura Vicuña, Zeffirino Namuncurá, của năm bạn trẻ ở nguyện xá Poznan, của Alberto Marvelli và nhiều bạn trẻ khác, có tất cả 46 vị Thánh và Chân Phước trẻ dưới 29 tuổi trong Gia Đình Sa-lê-diêng.

Cách riêng, rất đáng nêu bật một vài khía cạnh trong chứng từ của Đa Minh Savio

  • Một lời nhắc nhớ rằng ý tưởng về khía cạnh dự phòng không chỉ là một yếu tố sư phạm giáo dục, mà còn mang tính thần học. Như chính Don Bosco làm chứng, ta có thể thấy một ân sủng dự phòng (liệu) hoạt động trong cuộc đời của vị thánh này.[34]
  • Giá trị mang tính quyết định được thể hiện qua biến cố Rước Lễ Lần Đầu.[35]
  • Thực tế là cậu đã thành người hướng đạo và thầy dạy các lối đường của Thiên Chúa (như Don Bosco đã từng thấy cậu trong giấc mơ Lanzo năm 1876), như được xác định trong cuộc đời của rất nhiều vị chân phước, đấng đáng kính và đầy tớ Chúa khi họ làm cho những đề xướng của Đaminh thành của mình: Laura Vicuña, Zefirino Namuncurá, Giu-se Kowalski, Alberto Marvelli, Giu-se Quadrio, Ottavio Ortiz Arrieta.
  • Vai trò của cậu Đa Minh trong việc thành lập Hội Vô Nhiễm, mảnh đất huấn luyện những thành viên Tu Hội Sa-lê-diêng sau này, trong mối tương quan với Gio-an Massaglia, người bạn chân thật trong những vấn đề về linh hồn, và Don Bosco đã từng nói về cậu: «Nếu cha phải viết về gương lành và các nhân đức của Gio-an Massaglia, cha phải lặp lại rất nhiều điều mà cha đã dùng để nói về Savio, người mà cậu ấy muốn trung thành theo chân bao lâu cậu còn sống».[36]

→ Sự thánh thiện mang tính truyền giáo của đoàn sủng Sa-lê-diêng, được diễn tả nơi rất nhiều người nam và nữ, thánh hiến và giáo dân; họ minh chứng: loan báo Tin Mừng, hội nhập đức tin vào văn hoá, thăng tiến phu nữ, bảo vệ quyền của người nghèo và thổ dân, thành lập các giáo hội địa phương. Quả là ấn tượng khi, trong Gia Đình Sa-lê-diêng chúng ta, một phần rất lớn những anh chị em đang trong tiến trình được nhìn nhận những nhân đức anh hùng và sự thánh thiện đều là các thừa sai (Chân Phước Romero Meneses, FMA; Chân Phước Maria Troncatti, FMA; Đấng Đáng Kính Vinh-sơn Cimatti).

→ Sự thánh thiện mang tính ‘hiến tế’ của “hiến vật”, diễn tả cội rễ sâu xa của “Da mihi animas, coetera tolle”. Người đi đầu trong chiều kích này chính là Đấng Đáng Kính linh mục An-rê Beltrami (1870-1897); gương sáng của ngài cung cấp một khuôn mẫu gồm một danh sách dài của những người sống sự thánh thiện Sa-lê-diêng theo lối này. Nó bắt đầu từ bộ ba An-rê Beltrami, Au-gus-tinô Czartoryski, Lu-y Variara, rồi tiếp tục theo năm tháng với những con người vĩ đại như Chân Phước Eusebia Palomino, Chân Phước Alexandria Maria da Costa, Chân Phước Laura Vicuña, và dĩ nhiên không thể quên đạo quân vô số những vị tử đạo (trong đó cần nhắc đến 95 vị trong nội chiến Tây Ban Nha, và trong các vị này có rất nhiều tu sĩ trẻ đang trong quá trình đào luyện cũng như những linh mục trẻ).

→ Chiều kích “gia đình gặp tổn thương”: các gia đình thiếu vắng ít nhất một trong hai người bố hoặc mẹ, hoặc vì lý do nào đó (thể lý, tâm lý, luân lý hoặc thiêng liêng) người cha, hoặc mẹ, hoặc cả hai chính là người gây tổn thương cho con cái. Chính Don Bosco, đã từng kinh nghiệm về cái chết yểu của cha mình, đã từng sống xa gia đình theo quyết định đầy thận trọng của mẹ Margherita, đã muốn rằng công cuộc Sa-lê-diêng phải đặc biệt dành cho «giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi».

Chân Phước Laura Vicuña, sinh năm 1891 tại Chi-lê, không biết cha mình và có mẹ đã chung sống ở Ác-hen-ti-na với một điền chủ giàu có Manuel Mora, đau khổ do tình trạng luân lý bất thường mẹ mình, Laura đã dâng hiến đời mình vì người mẹ.

Đầy Tớ Chúa Carlo Braga, sinh tại Valtellina (Bắc Ý) năm 1889. Bị cha bỏ rơi khi còn rất bé và mẹ ngài cũng bị đuổi đi vì do quên lãng và lời đàm tiếu, bà bị coi là bất ổn về cảm xúc. Carlo bị coi thường và nhiều lần nghi ngờ ơn gọi Sa-lê-diêng của mình; nhưng sau đó, thông qua nỗi đau này ngài đã có thể đã biết làm chín muồi khả năng hoà giải rất mạnh mẽ và cống hiến một chứng tá về tình cha và lòng nhân hậu sâu sắc, cách riêng đối với các bậc cha mẹ của các hội viên.

→ Chiều kích ơn gọi: trong bối cảnh của dịp 200 năm ngày sinh Don Bosco, đã có hai cuộc phong chân phước cho hai hội viên tử đạo, vốn gợi nhắc một số yếu tố cấu thành nên đoàn sủng chúng ta.

Te-pha-nô Sándor (1914-1953), được phong chân phước năm 2013 (án phong thánh bắt đầu từ 2006), gợi nhắc tính bổ sung của hai hình thức sống trong cùng một ơn gọi thánh hiến Sa-lê-diêng: hình thức giáo dân (người sư huynh) và hình thức giáo sĩ. Chứng tá sáng ngời của Te-pha-nô Sándor, trong tư cách là Sa-lê-diêng sư huynh, đã diễn tả một chọn lựa ơn gọi rõ ràng và dứt khoát, một mẫu mực về đời sống, một sự chuyên môn về giáo dục và một hiệu năng tông đồ, qua đó người ta có thể nhìn thấy một lời trình bày về ơn gọi và sứ mệnh của người sư huynh Sa-lê-diêng, với tình ưu ái dành cho các trẻ học nghề và giới lao động.

Titus Zeman (1915-1969), được phong chân phước tại Bratislava ngày 30 tháng 9 năm 2017 (án phong thánh khởi sự năm 2010). Tháng 4 năm 1950, khi chế độ cộng sản Tiệp Khắc cấm các dòng tu và bắt đầu đày ải những người thánh hiến vào các trại tập trung, này sinh nhu cầu phải tổ chức những chuyến di tản bí mật về Torino để giúp các Sa-lê-diêng trẻ hoàn thành việc học. Titus đã lãnh nhận công việc nguy hiểm này và đã sắp xếp trót lọt hai chuyến với khoảng 20 Sa-lê-diêng trẻ. Trong khi tổ chức chuyến đi thứ ba, cha Zeman và những người vượt biên khác bị bắt. Ngài chịu một quá trình điều tra tàn bạo, trong đó ngài bị mô tả là tên phản quốc và là gián điệp của Vatican, rồi bị hết án tử hình. Ngài đã sống kinh nghiệm đồi Can-vê bằng một tinh thần hy sinh và tự hiến mạnh mẽ: «Ngay cả khi phải mất mạng sống, tôi thấy chẳng có gì là phung phí cả, vì tôi biết rằng ít nhất một trong những người được tôi đưa đi đã trở thành linh mục thế chỗ cho tôi».

→ Chiều kích “tình phụ tử và mẫu tử Sa-lê-diêng»: Theo gương tình phụ tử tuyệt vời của Don Bosco, chúng ta nhớ đến những tấm lòng khác như Thánh Maria Domenica Mazzarello, Chân Phước Mi-ca-e Rua, Chân Phước Phi-lip Rinaldi, Chân Phước Giu-se Calasanz, Đấng Đáng Kính Mẹ Margherita, Đấng Đáng Kính Vinh-sơn Cimatti, Đấng Đáng Kính Teresa Valsè, Đấng Đáng Kính Au-gus-tinô Arribat, Đầy Tớ Chúa cha Carlo Braga, Đầy Tớ Chúa cha An-rê Majcen…

→ Chiều kích giám mục: trong những gương sáng thánh thiện khác nhau trổ bông ở ngôi trường Don Bosco, có con số đáng kể của các giám mục;  các ngài đã nhập thể cách đặc biệt đức ái mục tử, vốn là điểm đặc trưng của đoàn sủng Sa-lê-diêng, vào trong tác vụ giám mục của mình: Thánh Tử Đạo Lu-y Versiglia (1873-1930); Đấng Đáng Kính Lu-y Olivares (1873-1943); Đấng Đáng Kính và là Đấng Sáng Lập Te-pha-nô Ferrando (1895-1978); Đấng Đáng Kính Ottavio Ortiz Arrieta (1878-1958); Đấng Đáng Kính hồng y Au-gus-ti-nô Hlond (1881-1948); Đầy Tớ Chúa An-ton de Almeida Lustosa (1886-1974); Đầy Tớ Chúa Oreste Marengo (1906-1998).

→ Chiều kích “nghĩa tử theo đặc sủng”. Cũng rất thú vị ghi nhận rằng chúng ta tôn kính một số vị thánh đã từng sẻ chia với Don Bosco một vài giai đoạn nào đó của đời mình, các vị ấy quý trọng sự thánh thiện, sự đâm bông kết trái tông đồ và giáo dục của ngài, nhưng rồi lại bước theo một hành trình khác với sự tự do Tin Mừng, và đã trở thành những đấng sáng lập, với những trực giác sáng suốt của riêng mình, với tình yêu chân chính dành cho người nghèo và lòng tín thác vô bờ vào Đấng Quan Phòng: Thánh Leonardo Murialdo, Thánh Lu-y Guanella, Thánh Lu-y Orione.

Thực tại ta vừa miêu tả thật xinh đẹp đến nỗi nó làm chúng ta đầy tràn một cảm thức về trách nhiệm cũng như khích lệ. Chúng ta thấy rõ mình là những người gìn giữ một gia sản quý giá, đáng để chúng ta biết rõ hơn và trân quý thêm. Nguy cơ nằm ở chỗ chúng ta hay giản lược gia sản thánh thiện này thành những nghi lễ phụng vụ mà thôi, không trân trọng đầy đủ những tiềm lực của nó trong sứ mệnh thiêng liêng, mục vụ, giáo hội, giáo dục, văn hoá, lịch sử, xã hội, truyền giáo. Các Thánh, Chân Phước, Đấng Đáng Kính và Đầy Tớ Chúa là những thỏi ngọc quý được đãi ra từ đống quặng mỏ đen đủi, để tỏa sáng và phản chiếu ánh quang chân lý và đức ái của Đức Ki-tô trong Giáo Hội và trong Gia Đình Sa-lê-diêng.

→ Khía cạnh mục vụ của những con người này được liên kết với tính hiệu năng của họ như là những gương lành thành đạt của Kitô giáo được sống trong những hoàn cảnh văn hoá, xã hội và chính trị đặc trưng của thế giới, của Giáo Hội và của Gia Đình Sa-lê-diêng.

→ Khía cạnh thiêng liêng can dự đến lời mời gọi noi theo nhân đức của các ngài, như là nguồn gợi hứng và khả năng hoạch định cho phong thái đời sống và sứ mệnh của chúng ta. Công việc mục vụ và thiêng liêng liên hệ đến một án phong thánh là một hình thức giáo dục chân chính tới sự thánh thiện mà dựa vào đoàn sủng chúng ta, chúng ta phải đặc biêt nhạy cảm và chú tâm tới.

Cha xin tóm kết bài giải thích Hoa Thiêng với những thông tin rộng rãi và cập nhật từ Văn Phòng Thỉnh Nguyện của chúng ta. Chắc chắn mối quan tâm lớn của Gia Đình Sa-lê-diêng chúng ta, cách riêng là tất cả các nhánh của cây linh đạo Sa-lê-diêng xinh đẹp này, đó là được thấy ai đó của nhóm mình được tiến hành án phong thánh. Như Don Rua đã từng viết, sự thánh thiện của tất cả chúng ta, những người con, sẽ là bằng chứng về sự thánh thiện mà Don Bosco – người cha đáng mến của toàn thể Gia Đình Sa-lê-diêng trên khắp thế giới – đã sống và đã để lại cho chúng ta làm gia sản.

Anh chị em thân mến của cha, cha có thể tin tưởng khẳng định rằng điều cần thiết nhất và cấp bách nhất của chúng ta trong thế giới Sa-lê-diêng ngày nay không phải là làm thêm nhiều việc, không phải là lập kế hoạch hoặc tái kế hoạch các sáng kiến mới, cũng không phải là khởi sự những cơ sở mới…, nhưng đúng hơn chính là làm cho thấy được rằng điều cuộc sống cá nhân cũng như tập thể chúng ta thông truyền, lối sống Tin mừng của chúng ta vốn đang phát triển và lan rộng theo thời gian là sự tiếp nối chính con đường (lối sống) mà Đức Ki-tô đã sống.[37] Điều thật sự đang lâm nguy là sự thánh thiện của chúng ta!

Chúng ta là các thánh, như người cha và là Đấng Sáng Lập của Gia Đình Sa-lê-diêng xinh đẹp đang trải rộng khắp thế giới này đã sống thánh thiện!

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, nay đã được tuyên thánh, đã từng dành cho chúng ta lời hiệu triệu đầy tâm huyết và cha nghĩ chúng có giá trị cho toàn thể Gia Đình Sa-lê-diêng cũng như từng người trong mỗi nhóm, mặc dù lúc ấy ngài ngỏ riêng cho các Sa-lê-diêng. Chúng ta cùng nghe lại những lời này:

Một lần nữa, chúng con can đảm muốn «đề xuất việc “hướng đến sự thánh thiện” như là lời đáp trả căn cốt trước những thách đố của thế giới đương đại. Rõ ràng, việc này không phải là vấn đề đảm nhận những hoạt động mới cho bằng là sống và làm chứng cho Tin Mừng không chút thỏa hiệp, hầu khích lệ những người trẻ mà chúng con gặp gỡ vươn tới sự thánh thiện. Các Sa-lê-diêng của thiên niên kỷ thứ III! Chúng con hãy trở thành những bậc thầy và những nhà hướng đạo nhiệt huyết, những con người thánh thiện và những nhà đào tạo các vị thánh, như thánh Gio-an Bosco».

Chúng ta hãy xin Mẹ Maria, Đấng Phù Hộ Các Giáo Hữu, ban cho chúng ta ánh sáng cần thiết để thấy tỏ tường và hết lòng trung thành tiến theo đường thánh thiện. Xin Mẹ nâng đỡ việc dấn bước của từng người chúng ta và của toàn thể Gia Đình Sa-lê-diêng theo lối đường đạt đến sự thánh thiện Sa-lê-diêng, vì những người chúng ta được sai tới và vì chính chúng ta nữa.

Xin Mẹ, chuyên viên trong Chúa Thánh Thần, thực hiện những kỳ công của Ân Sủng trong chúng ta như đã từng làm trong tất cả các thánh của chúng ta.

Xin Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu đồng hành và dẫn lối chúng ta.

Cha mến chúc chúng con một năm tràn đầy hoa trái của sự thánh thiện.

Thân ái,

Ángel Fernández Artime
Bề Trên Cả


SỰ THÁNH THIỆN TRONG ĐOÀN SỦNG SA-LÊ-DIÊNG

Từ nay trở đi, khẩu lệnh của chúng ta phải là đây: Ước chi sự thánh thiện của con cái là bằng chứng người cha chúng ta thật thánh thiện (Don Rua)

DANH SÁCH TÍNH ĐẾN 31 THÁNG 12 NĂM 2018

Văn Phòng Thỉnh Nguyện đề cập đến 168 vị Thánh, Chân Phước, Đấng Đáng Kính, Đầy Tớ Chúa.
Các án phong thánh do Văn Phòng Thỉnh Nguyện trực tiếp tiến hành là 50.
Ngoài ra, có 5 án khác được giao phó cho Phòng Thỉnh Nguyện của chúng ta.

CÁC THÁNH (9 vị)

Thánh Gio-an Bosco, linh mục (phong thánh ngày 1 tháng 4 năm 1934) – (Ý)
Thánh Giu-se Cafasso, linh mục (ngày 22 tháng 6 năm 1947) – ( Ý)
Thánh Maria Domenica Mazzarello, trinh nữ (ngày 24 tháng 6 năm 1951) – (Ý)
Thánh Đa Minh Savio, thiếu niên (ngày 12 tháng 6 năm 1954) – (Ý)
Thánh Leonardo Murialdo, linh mục (ngày 3 tháng 5 năm 1970) – (Ý)
Thánh Lu-y Versiglia, giám mục, tử đạo (ngày 1 tháng 10 năm 2000) – (Ý-Trung Hoa)
Thánh Callisto Caravario, linh mục, tử đạo (ngày 1 tháng 10 năm 2000) – (Ý- Trung Hoa)
Thánh Lu-y Orione, linh mục (ngày 16 tháng 5 năm 2004) – (Ý)
Thánh Lu-y Guanella, linh mục (ngày 23 tháng 10 năm 2011) – (Ý)

CÁC CHÂN PHƯỚC (118 vị)

Chân phước Mi-ca-e Rua, linh mục (phong chân phước ngày 29 tháng 10 năm 1972) – (Ý)
Chân phước Laura Vicuña, thiếu niên (ngày 3 tháng 9 năm 1988) – (Chi-lê – Ác-hen-ti-na)
Chân phước Phi-lip Rinaldi, linh mục (ngày 29 tháng 4 nắm 1990) – (Ý)
Chân phước Ma-dale-na Morano, trinh nữ (ngày 5 tháng 11 năm 1994) – (Ý)
Chân phước Giu-se Kowalski, linh mục, tử đạo (ngày 13 tháng 6 năm 1999) – (Ba Lan)
Chân phước Phan-xi-cô Kęsy, giáo dân, và 4 bạn tử đạo (ngày 13 tháng 6 năm 1999) – (Ba Lan)
Chân phước Pio IX, giáo hoàng (ngày 3 tháng 9 năm 2000) – (Ý)
Chân phước Giu-se Calasanz Marqués, linh mục, và 31 bạn tử đạo (ngày 11 tháng 3 năm 2001) – (Tây Ban Nha)
Chân phước Lu-y Variara, linh mục (ngày 14 tháng 4 năm 2002) – (Ý- Colombia)
Chân phước Artemide Zatti, tu sĩ (ngày 14 tháng 4 năm 2002) – (Ý- Ác-hen-ti-na)
Chân phước Maria Romero Meneses, trinh nữ (ngày 14 tháng 4 năm 2002) – (Nicaragua – Costa Rica)
Chân phước Au-gus-ti-nô Czartoryski, linh mục (ngày 25 tháng 4 năm 2004) – (Pháp – Ba Lan)
Chân phước Eusebia Palomino Yenes, trinh nữ (ngày 25 tháng 4 năm 2004) – (Tây Ban Nha)
Chân phước Alexandrina Maria Da Costa, giáo dân (ngày 25 tháng 4 năm 2004) – (Bồ Đào Nha)
Chân phước Alberto Marvelli, giáo dân (ngày 5 tháng 9 năm 2004) – (Ý)
Chân phước Bronislao Markiewicz, linh mục (ngày 19 tháng 6 năm 2005) – (Ba Lan)
Chân phước Enrico Sáiz Aparicio, linh mục, và 62 bạn tử đạo (ngày 28 tháng 10 năm 2007) – (Tây Ban Nha)
Chân phước Zeffirino Namuncurá, giáo dân (ngày 11 tháng 11 năm 2007) – (Ác-hen-ti-na)
Chân phước Maria Troncatti, trinh nữ (ngày 24 tháng 11 năm 2012) – (Ý – Ecuador)
Chân phước Tê-pha-nô Sándor, tu sĩ, tử đạo (ngày 19 tháng 10 năm 2013) – (Hung-ga-ry)
Chân phước Tito Zeman, linh mục, tử đạo (ngày 30 tháng 9 năm 2017) – (Slo-vác-ki-a).

CÁC VỊ ĐÁNG KÍNH (17 vị)

Đấng Đáng Kính An-rê Beltrami, linh mục, (ngày công bố sắc lệnh super virtutibus: 15 tháng 12 năm 1966) – (Ý)
ĐĐK. Teresa Valsè Pantellini, trinh nữ (ngày 12 tháng 7 năm 1982) – (Ý)
ĐĐK. Dorotea Chopitea, giáo dân (ngày 9 tháng 6 năm 1983) – (Tây Ban Nha)
ĐĐK. Vinh-sơn Cimatti, linh mục (ngày 21 tháng 12 năm 1991) – (Ý – Nhật Bản)
ĐĐK. Si-mon Srugi, tu sĩ (ngày 2 tháng 4 năm 1993) – (Palestina)
ĐĐK. Rodolfo Komorek, linh mục (ngày 6 tháng 4 năm 1995) – (Ba Lan- Brazil)
ĐĐK. Lu-y Olivares, giám mục (ngày 20 tháng 12 năm 2004) – (Ý)
ĐĐK. Margherita Occhiena, giáo dân (ngày 23 tháng 10 năm 2006) – (Ý)
ĐĐK. Giu-se Quadrio, linh mục (ngày 19 tháng 12 năm 2009) – (Ý)
ĐĐK. Laura Meozzi, trinh nữ (ngày 27 tháng 6 năm 2011) – (Ý – Ba Lan)
ĐĐK. Attilio Giordani, giáo dân (ngày 9 tháng 10 năm 2013) – (Ý-Brazil)
ĐĐK. Giu-se Augusto Arribat, linh mục (ngày 8 tháng 7 năm 2014) – (Pháp)
ĐĐK. Tê-pha-nô Ferrando, giám mục (ngày 3 tháng 3 năm 2016) – (Ý-Ấn Độ)
ĐĐK. Phan-xi-cô Convertini, linh mục (ngày 20 tháng 1 năm 2017) – (Ý-Ấn Độ)
ĐĐK. Giu-se Vandor, linh mục (ngày 20 tháng 1 năm 2017) – (Hung-ga-ry – Cuba)
ĐĐK. Ottavio Ortiz Arrieta, giám mục (ngày 27 tháng 2 năm 2017) – (Perù)
ĐĐK. Au-gus-ti-nô Hlond, hồng y (ngày 19 tháng 5 năm 2018) – (Ba Lan)

CÁC ĐẦY TỚ CHÚA (24 vị)

Elia Comini, linh mục (Ý)
Ig-na-ti-ô Stuchly, linh mục (Cộng Hoà Séc)
An-ton De Almeida Lustosa, giám mục (Brazil)
Carlo Crespi Croci, linh mục (Ý – Ecuador)
Costantino Vendrame, linh mục (Ý-Ấn Độ)
Gio-an Świerc, linh mục và 8 bạn tử đạo (Ba Lan)
Oreste Marengo, giám mục (Ý-Ấn Độ)
Carlo Della Torre, linh mục (Ý-Thái Lan)

Đang chờ Sắc Lệnh chuẩn thuận hoàn thành án ở cấp giáo phận

Anna Maria Lozano, trinh nữ (Colombia)

Đang trong tiến trình án ở cấp Giáo phận

Matilde Salem, giáo dân (Siria)
An-rê Majcen, linh mục (Slovenia)
Carlo Braga, linh mục (Ý – Trung Hoa – Philippines)
An-ton Baglieri, giáo dân (Ý)
Antonietta Böhm, trinh nữ (Đức – Mê-xi-cô)
Rodolfo Lunkenbein, linh mục (Đức – Brazil) và Simão Bororo, giáo dân (Bra-xin), tử đạo

___________________
[1] Từ giờ sẽ được viết tắt là GE.
[2] Cha xin được bày tỏ lòng biết ơn đến cha Pier Lu-y Cameroni, Tổng Thỉnh Viên của các án phong thánh, và đến bà Lodovica Maria Zanet, chuyên viên cộng sự của Văn Phòng Tổng Thỉnh Viên. Nhờ có khóe nhìn của các vị này, cha đã có thể tạo thêm chất liệu cho bài viết này với những yếu tố và nội dung mà chỉ có phòng Tổng Thỉnh Viên mới có thể soi sáng cho chúng ta.
[3] P. Chávez, Chúng ta hãy kín múc nơi kinh nghiệm thiêng liêng của Don Bosco, để tiến bước trong sự thánh thiện theo ơn gọi chuyên biệt của chúng ta, Công Báo Trung Ương 417 (2014); P. Chávez,“Các Sa-lê-diêng thân mến, các con hãy nên thánh”, Công Báo Trung Ương 379 (2002); J.E. Vecchi, Việc phong chân phước cho sư huynh Artemide Zatti: một bước ngoặc mới, Công Báo Trung Ương 376 (2001); Santità e martirio all’alba del terzo millennio Sự thánh thiện và cuộc tử đạo đầu thiên niên kỷ thứ ba, Công Báo Trung Ương 368 (1999); E. Viganò, Don Bosco thánh thiện, Công Báo Trung Ương 310 (1983); Riprogettiamo insieme la santità Chúng ta hãy cùng nhau tái dự phóng sự thánh thiện, Công Báo Trung Ương 303 (1982); L. Ricceri, Don Rua lời gợi mở về sự thánh thiện, Công Báo Trung Ương 263 (1971).
[4] Gioan Phao-lô II, Thông điệp Redemptoris Missio, Vatican, 7 tháng 12 năm 1990, 28.
[5] Augustino, Lời tự thú, 10,28.
[6] Francesco di Sales, Introduzione alla vita devota I, 3.
[7] Benedetto XVI, Giáo lý buổi tiếp kiến chung 13 tháng 4/2011: Insegnamenti VII (2011), 451.
[8] Sđd., 450.
[9] ĐTC Biển Đức XVI, Bài giảng lễ Mẹ Lên Trời, 15 tháng 8 năm  2005.
[10] Để tiếp nối chính hành trình Maria này, chúng ta sẽ cử hành một Hội Nghị Quốc Tế về Mẹ Maria Phù Hộ lần thứ VIII với đề tài Đức Maria, người nữ của đức tin, tại Buenos Aires từ 7 đến 10 tháng 11 năm 2019.
[11] ISS, Nguồn liệu Sa-lê-diêng. 1. Don Bosco e la sua opera. Raccolta antologica, LAS, Roma 2014, 1047. Đoạn viết cha đề cập đến nói rằng: «Có một hôm, cha đang tìm lời giải thích nghĩa một số từ ngữ theo nguyên ngữ của chúng. “Và cậu bé hỏi: Đa Minh có nghĩa là gì?” Câu trả lời là: “Đa Minh có nghĩa là của Thiên Chúa”. “Cậu nói thêm, xem này, thế còn lý do gì mà không xin Ngài giúp con nên thánh: ngay cả tên của con cũng đã nói rằng con thuộc về Chúa. Cho nên, con phải và con muốn hoàn toàn thuộc về Chúa và con muốn nên thánh, con sẽ chẳng thể hạnh phúc được nếu không nên thánh”».
[12] Sđd., 1046.
[13] Gio-an Phao-lô II, Bài nói chuyện nhân dịp thăm Trường Đại Học Giáo Hoàng Sa-lê-diêng, 31 tháng 1 năm 1981, trên báo L’Osservatore Romano, 8 tháng 2 năm 1981,1.
[14] E. Viganò, Tái khám phá tinh thần Mornese, trong Công Báo Trung Ương 301 (bản tiếng Ý) (1981), 24-25.
[15] Giovanni Paolo II, Đêm canh thức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới thứ XV, Roma Tor Vergata, 19 tháng 8 năm 2000.
[16] Biển Đức XVI, Bài nói chuyện trong lễ đón tiếp các bạn trả tại Cologne, 18 tháng 8 năm 2005.
[17] ĐGH Phan-xi-cô, Bài giảng lễ năm thánh dành cho các thiếu niên nam nữa, Roma 24 tháng 4 năm 2016.
[18] ISS, Fonti Salesiane. 1. Don Bosco e la sua opera. Raccolta antologica, LAS, Roma 2014, 444.
[19] J. E. Vecchi, Andate oltre. Temi di spiritualità giovanile, Elle Di Ci, Leumann (TO) 2002.
[20] P. Chávez, Các Sa-lê-diêng thân mến, chúng con hãy nên thánh, trong Công Báo Trung Ương 379 (2002), 22.
[21] Ambrogio, De Virginitate, 40.
[22] Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới XV, I giovani, la fede e il discernimento vocazionale. Instrumentum Laboris (Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi. Tài liệu làm việc), LEV, Roma 2014, 214.
[23] Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới XV, I giovani, la fede e il discernimento vocazionale. Instrumentum Laboris. Riunione pre-sinodale. Documento finale (Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi. Tài liệu làm việc. Cuộc họp tiền thượng hội đồng. Văn bản cuối cùng) (19-24 tháng 3 năm 2018), Phần II, dẫn nhập. Có tại: http://press.vatican.va/content/salastampa/it/bollettino/pubblico/2018/03/24/0220/00482.html
[24] Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới XV, I giovani, la fede e il discernimento vocazionale. Documento finale (Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi. Văn kiện đúc kết), LEV, Roma 2018, 167.
[25] Biển Đức XVI, Bài giáo lý buổi triều kiến chung ngày 13 tháng 4 năm 2011: Insegnamenti VII (2011).
[26] MB V, 356.
[27] Phao-lô VI, Bài nói chuyện trong nghi thức «đàng thánh giá», 24 marzo 1967.
[28] Biển Đức XVI, Thông Điệp Deus caritas est, LEV, Roma 2005, 42.
[29] Phao-lô VI, Bài nói chuyện ngày 27 tháng 6 năm 1965, trong E. Viganò, Riprogettiamo insieme la santità, in Công Báo Trung Ương 303 (1981).
[30] M. Menapace, Cuentos rodados, Patria Grande, Buenos Aires 1986 (bản dịch của chúng tôi).
[31] Biển Đức XVI, Bài giáo lý buổi tiếp kiến chung ngày 13 tháng 4 năm 2011: Insegnamenti VII (2011).
[32] P. Catry, «Le tracce di Dio», in Aa. Vv., La missione ecclesiale di Adrienne von Speyr. Atti del 2° Colloquio Internazionale del pensiero cristiano, Jaca Book (= Già e non ancora), Milano 1986, 32 citato in L. M. Zanet, La santità dimostrabile. Antropologia e prassi della canonizzazione, Dehoniane, Bologna 2016, 204.
[33] Gio-an Phao-lô II, Tông Thư Novo Millennio Ineunte, Roma 2001, 31.a
[34] Don Bosco nhắc nhở: «Cha nhận thấy ở trong cậu ấy có một tâm hồn hoàn toàn thuộc về Chúa, và cha kinh ngạc không ít khi nghĩ đến công việc mà Ân Sủng Chúa đã làm trên mảnh đất tâm hồn ấy», G. Bosco, Vita del giovanetto Savio Domenico allievo dell’Oratorio di S. Francesco di Sales con appendice sulle grazie ottenute per sua intercessione, Ed. 5, Torino, Tipografia e Libreria Salesiana 1878 in ISS, Fonti Salesiane. 1. Don Bosco e la sua opera. Raccolta antologica, LAS, Roma 2014, 1039.
[35] Trong tiểu sử Đa Minh Savio, điều kinh ngạc mang tên đặc trưng là Thánh Thể và cậu ấy đã sống giây phút ân sủng trong ngày Rước Lễ Lần Đầu, như một hạt giống, nếu được vun xới nó trở nên nguồn sống vui tươi và trổ sinh những quyết tâm can đảm: «Đó là ngày đáng ghi nhớ của cậu ấy và chúng ta có thể gọi đó là một khởi đầu, mà đúng hơn là một sự tiếp diễn, của một cuộc đời vốn trở thành gương mẫu cho bất cứ một Ki-tô hữu nào. Nhiều năm sau, mỗi lần được nói đến lần rước lễ đầu tiên, cậu ấy vẫn còn lộ vẻ sống động và vui tươi trên khuôn mặt. “Ồ – cậu bắt đầu say sưa – đó là ngày đẹp nhất đời của tôi, một ngày tuyệt vời. Cậu ấy đã ghi lại những điều cần ghi nhớ và giữ nó cách cẩn trọng trong một cuốn sách đạo đức mà cậu đọc thường xuyên […]:  1° Tôi sẽ xưng tội rất thường xuyên và tôi sẽ rước lễ bất cứ khi nào cha giải tội cho phép. 2° Tôi muốn thánh hoá những ngày lễ. 3° Chúa Giê-su và Mẹ Maria là bạn của tôi. 4° Thà chết chứ không phạm tội”. Những điểm ghi nhớ này được cậu lặp đi lặp lại thường xuyên và đã trở thành chỉ nam cho những hành vi của cậu mãi đến cuối đời» (G. Bosco, Vita del giovanetto Savio Domenico allievo dell’Oratorio di S. Francesco di Sales con appendice sulle grazie ottenute per sua intercessione, Ed. 5, Torino, Tipografia e Libreria Salesiana 1878 in ISS, Fonti Salesiane. 1. Don Bosco e la sua opera. Raccolta antologica, LAS, Roma 2014, 1032).
[36] Sđd., 1067.
[37] x. VC, 62.

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG