“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

HÃY HUẤN LUYỆN TRẺ EM BIẾT HY SINH

Chiều này 11 tháng 6 năm 1867, Don Bosco nói với các học sinh như sau: “Hôm nay khởi sự tuần chín ngày kính Đức Maria, Đấng An Ủi kẻ âu lo. Cha đề nghị trong tuần chín ngày này các con sẽ dâng cho Đức Mẹ một bó hoa thiêng như sau: chuyên cần chu toàn bổn phận ở nhà trường và nhất là các việc đạo đức ở nhà thờ. Tận dụng thời giờ. Ngoài ra, cha cũng khuyên tất cả các con làm thêm một vài hy sinh nữa.

Bí quyết Don Bosco dùng để bơm tinh thần hy sinh của ngài cho thanh thiếu niên là gợi lên diện mạo hiền dịu của Đức Mẹ. Nhờ đó mỗi lời mời gọi hy sinh của ngài đều thấm vào cõi lòng học sinh cách hữu hiệu hơn. Nhà giáo dục đầu tiên luôn luôn là bà mẹ.

Don Bosco cũng nhắc tới Đức Mẹ để các học sinh có thể hình dung được những phần thưởng lớn lao Chúa dành cho những ai biết hãm mình và phấn đấu sống trong ơn nghĩa Chúa.

Có lần Don Bosco kể: “Vào một đêm cuối tháng Đức Mẹ, có lẽ vào đêm 29 hoặc 30, cha cứ nghĩ đến các học sinh yêu dấu của cha và tự nhủ: “Mong sao mình mơ thấy một điều hữu ích cho chúng”. Và rồi cha ngủ thiếp đi. Bỗng nhiên cha thấy mình ở trong một vùng đất kỳ diệu, trên một cánh đồng xanh tươi, đầy mọi thứ cây cỏ thơm ngát và chi chít những hoa xinh đẹp, có nhiều lùm cây tươi tốt và suối nước trong. Ở đó cha thấy một số trẻ em rất đông, tất cả đều vui tươi và thanh thản. Chúng đang kết các đóa hoa thành một tấm áo choàng rất rộng. Cha hỏi người hướng dẫn:

– Đám trẻ kia là ai vậy?

Anh trả lời:

– Thưa cha, đó là những em sống trong ơn nghĩa Chúa.

A! có thể nói rằng cha chưa bao giờ thấy những con người và sự vật xinh đẹp lộng lẫy như thế; và cũng chưa bao giờ cha có thể tưởng tượng được một sự huy hoàng đến thế.

Lúc ấy cha nói với người hướng dẫn:

– Anh làm ơn cho biết tôi phải nói với trẻ em điều gì?

– Xin cha hãy ghi khắc nơi chúng điều này: nếu chúng biết được đức trong sạch, nhân đức của Mẹ Maria rất quí báu và xinh đẹp đối với Thiên Chúa như thế nào, hẳn chúng sẽ sẵn sàng hy sinh mọi sự để bảo toàn nhân đức ấy. Hãy bảo chúng cố gắng thực hành nhân đức rực rỡ này”.


Đây là bài học rất hữu ích. Các nhà xã hội học đã phát biểu cách đầy lo âu rằng trong xã hội hiện đại, con người ngày nay, nhất là các thanh thiếu niên đã quên đi bài học về hy sinh.

Một đứa trẻ bị bắt quả tang đang ăn cắp tiền trong ví của bà mẹ; nó liền bịa ra một lời nói dối để khỏi bị khiển trách. Còn bà mẹ đáng thương lại biện hộ: “Đó không phải là một cử chỉ mất dạy, tất cả các trẻ em thường ăn cắp như con chim ác là”. Khi em không muốn làm công việc ở nhà, ông bố liền làm thay: sự giúp đỡ ấy thật là một lừa dối tai hại. Nhiều năm sau, lớn lên, em trở thành phó giám đốc một ngân hàng. Trong địa vị đầy trách nhiệm ấy, em đã đầu tư nhiều vụ thua lỗ, rồi đã ngụy tạo những bảng cân đối thu chi. Kết cuộc, em đã chuốc lấy tù tội và làm hại nhiều đồng nghiệp. Mẹ em thú nhận: “Con tôi đã bắt đầu sống gian sảo ngay từ nhỏ, khi em ăn cắp tiền của tôi. Bố em và tôi đã nuông chiều những sự ươn lười của em. Chúng tôi chưa bao giờ đòi hỏi em bất cứ một hy sinh nào, vì thế chúng tôi đã làm hại em”.

Nhắm mắt làm ngơ trước những sai sót thì dễ, nhưng rồi mỗi sơ suất sẽ góp phần vào một tác động nhào luyện ngấm ngầm biến điều tốt nơi ta thành điều xấu.

Thật phước đức nếu lúc nào cũng có được những hy sinh để gợi cho trẻ em thi hành trên bình diện thể lý, tâm lý và thiêng liêng. Đó là mối khích lệ lớn: nó giống như một hớp nước làm dịu bớt cơn khát tự nhiên là muốn tự vượt lên và cải thiện.

Don Bosco đã nói: “Hãy làm đôi việc hy sinh”. “Cuộc chiến đấu để đứng vững không được phép ngừng nghỉ”.

“Làm việc là vũ khí hữu hiệu chống lại mỏi kẻ thù của linh hồn. Các con thân mến, cha không khuyên các con hãm mình và giữ kỷ luật, nhưng khuyên làm việc, làm việc, làm việc.” (Don Bosco)

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG