“Xin cô giúp, chứ chúng tôi chẳng biết phải làm sao. Nó lơ mơ quá!”. Nhiều phụ huynh và cả thày cô cảm thấy không ít khó khăn đối với tuổi teen, khi các em dường như không “hiện diện” trong lớp học, lúc nghe giảng và ngay cả trong gia đình. Em không hiểu, không nhớ được những điều cha mẹ hay thày cô dặn dò, dạy dỗ. Em như luôn ở trên mây!
Thiết nghĩ, mối bận tâm này thực là chính đáng khi năm học mới đã bắt đầu. Việc trẻ không có khả năng tập trung cao ảnh hưởng đến việc học tập thì không chỉ là vấn đề tâm lý lứa tuổi, mà còn là kết quả tác động của nền văn hóa hiện đại. Một nền văn hóa “lướt”, “trượt”. Để giúp trẻ tập trung là điều cần thiết và cần có một suy tư mang tính hệ thống, vì thế, chúng ta sẽ bàn về ba điểm mấu chốt: nhìn về thời đại chúng ta; nhìn về nỗ lực cần có nơi người trẻ; và những giải pháp khắc phục.
1. Thời đại của chúng ta là thời đại của sự đãng trí
Ta thử đưa ra một khái niệm về sự tập trung. Tập trung có thể nói là khả năng sàng lọc, khả năng đưa mọi thông tin từ thực tế đến với ta vào một điểm và sắp xếp những chúng để có thể thanh thản hướng vào điều đó mà không bị lạc mất.
Trong nền văn hóa hiện tại, tập trung đang là một thách đố mà chúng ta phải đối diện. Thật vậy, sự phong phú và những tiện ích đem lại từ thế giới công nghệ mới: nghe, nhìn, cảm xúc đã cung ứng cho chúng ta nhiều thông tin và sự giải trí, nhưng đồng thời chúng cũng có thể biến thành hiện tượng tiêu cực, tác động trực tiếp trên nhóm tuổi thiếu niên. Trong giai đoạn mà tâm trí và văn hóa của các em đang được hình thành, thì việc bị nhúng chìm trong một mạng lưới hỗn độn những âm thanh, bị chèn ép bởi đủ loại sóng điện từ, đã có tác động không nhỏ trong lối sống và lối hành xử của các em. Ta có thể thấy điện thoại di động, mp3,mp4 là những dụng cụ mà các em không rời trong mọi nơi, mọi lúc và theo nhịp điệu ngày càng điên cuồng hơn.
Nếu người lớn không ý thức về áp lực thời gian cần dành cho gia đình sẽ rơi vào nguy cơ sống một đời sống luôn tăng tốc, vội vã không ngừng nghỉ và truyền cả thái độ này cho con cái. Những thiếu niên trở nên giống như chiếc lò xo ngày càng bị ép chặt lại và đến lúc nào đó sẽ bị bật tung ra. Các trẻ sẽ chỉ có một ước muốn duy nhất là “vất bỏ, phá đổ” tất cả, với mọi cách.
2. Những người trẻ cần biết làm chủ chính mình và biết định hướng với một sự chắc chắn đối với thế giới đang vây quanh em. Sự xáo trộn của tính đãng trí làm chúng lúng túng. Nhiều thanh thiếu niên thường xuyên không tập trung. Các em cần một “chiếc la bàn” giúp biết định hướng và luyện khả năng tập trung. Ngày nay chẳng hiếm để bắt gặp một người trẻ vừa ngồi học vừa đeo tai nghe nhạc, và mắt vẫn liếc nhìn vào cái tivi đang mở, bên cạnh chiếc ipad nối kết internet…
Vì tập trung là khả năng sàng lọc, là chú mục và sắp xếp lại những nguồn sự kiện đến từ bên ngoài nhằm giúp con người có thể định hướng đến điều mình muốn đạt mà không bị chìm ngập trong đó, đồng thời lại tận dụng được mọi cơ hội cung ứng, hầu phục vụ cho sự tăng trưởng bản thân và cho chính đời sống nên người trẻ cần biết làm chủ chính mình. Đây là một công việc lớn, một sự cố gắng thực sự, điều mà người trẻ phải đối diện hàng ngày vì kỳ thực, sự tập trung không có trong nền văn hóa hiện nay.
Về mặt này, cha mẹ có thể cung ứng cho con cái một sự trợ giúp không thể thiếu, và đây cũng là điều duy nhất họ có thể làm và phải làm cách sớm nhất. Công thức duy nhất để bắt đầu là sự mời gọi dứt khoát: “Này, con cần phải tập trung một chút!”. Người trẻ muốn có thái độ này, nhưng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu, cho nên cha mẹ hãy nói với con rằng: “Ba/mẹ cùng làm với con, để giúp con tập trung tốt hơn nhé!”.
3. Cung cấp cho con cái một khung sinh hoạt và một nhịp độ của ngày sống
Sự tập trung của các thiếu niên phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố. Nhân tố sinh học, trước hết là sự quân bình giữa giờ ngủ và thức, giờ ăn và cả một chút chay tịnh để không bị sa lầy vào sự vô độ.
Cần chú trọng nhiều đến yếu tố môi trường, như tiếng ồn ở khu xóm, sự quấy nhiễu bởi bạn bè, việc sử dụng các phương tiện truyền thông trong gia đình. Chẳng hạn tivi thường được xem là “con dê gánh tội”, bị coi là đầu mối tội đầu gây ra sự chia trí, nhưng thực tế, nó phụ thuộc vào người sử dụng. Một mặt, tivi có thể làm cho đứa trẻ trở nên thụ động và hút vào mọi điều được trình chiếu, nhưng mặt khác, màn hình nhỏ bé này lại có thể giúp cho đứa trẻ làm giầu về kiến thức, sự hiểu biết.
Tôi vẫn nhớ có lần khi nhà trường đốn một số cây sọ khỉ ở sân trường. Hôm ấy, cô trò ngồi chơi trong lúc đợi phụ huynh đón, một em lớp ba nói: “Gỗ này bán đắt lắm đó cô!”. Tôi hỏi lại: “Sao con biết là gỗ này đắt?”. Bé trả lời ra vẻ rành rẽ lắm: “Gỗ này là gỗ đỏ. Nó lớn lên chậm nhưng rất rắn chắc, người ta dùng để đóng vật dụng trong nhà nên giá mắc!”. “À, ra thế. Vậy thì gỗ nào sẽ rẻ hơn?”, tôi chất vấn. Bé nói chắc nịch: “Gỗ trắng rẻ hơn. Ví dụ gỗ thông, nó lớn nhanh nhưng không rắn chắc, người ta chỉ dùng nó để chế biến giấy vở”. Tôi hỏi bé: “Sao con biết?”. “Trên tivi ấy! Tối nào con cũng coi tivi”.
Vì thế, chúng ta không thể phủ nhận được những đóng góp của phương tiện truyền thông này, nhưng phụ huynh cần lưu ý cảnh tỉnh trong việc đưa ra những nội quy trong gia đình về việc xem tivi, để trẻ đừng chìm đắm và tiêu trọn thời gian vào hoạt động này. Cụ thể là quy định giờ cho trẻ xem tivi và chọn chương trình phù hợp với trẻ. Ta thấy nếu một trẻ luôn quen với sự chuyển động của hình ảnh, sôi nổi của âm thanh, những cảnh đánh đấm bạo lực, siêu hoạt động sẽ rất khó để mà chịu đựng được sự chán nản, khó khăn trong việc học, tiếp thu kiến thức trên lớp học.
Đối với vi tính hay trò chơi điện tử cũng thế, cha mẹ không nên cấm cản vì đây là một phần khó có thể thiếu trong xã hội ngày nay, tuy nhiên, cần ra luật để trẻ biết chúng có thể chơi loại trò chơi nào và đâu là thời gian giới hạn cho những trò chơi này.
Bài tập về nhà của trẻ là những cơ hội vô cùng thuận tiện để cha mẹ có thể đồng hành với con trẻ trong bước đường luyện tập để có sự tập trung. Cha mẹ cần giúp các trẻ nắm được phương pháp học tập, cách thức tốt nhất để giải quyết khó khăn mà các em gặp trong nhiều môn học khác nhau, hỗ trợ các em về mặt tâm lý và hiểu được nguyên nhân những thất đảm cụ thể của con cái.
Tuy đề xuất nêu trên thật đẹp, nhưng phần đa các cha mẹ gặp khó khăn trong việc hướng dẫn con trong học tập, do nhiều nguyên nhân khác nhau như không có thời gian, không nắm phương pháp, không có trình độ… Dẫu thế, nếu cha mẹ thực sự muốn giúp con luyện tập sự tập trung vẫn có những phương cách riêng để thực hiện.
Kết luận
Cha mẹ không thể đòi hỏi con trẻ một sự “tập trung hoàn toàn”, vì không thể. Tuy nhiên, họ có thể khơi dậy và giúp con cái thưởng thức được niềm vui khám phá , thú vị của tìm tòi, thao thức nếu còn thắc mắc và muốn tìm lời giải đáp. Song song, những trẻ có khả năng tập trung sẽ có được thái độ này.
Một điều quan trọng mà phụ huynh cần nhớ là tập trung không phải là một điều có sẵn, mà là một thái độ cần phải vun trồng và tập luyện từ khi còn tuổi nhỏ. Cần có môi trường tốt hỗ trợ cho việc này. Vì vậy, cha mẹ cần nỗ lực chăm sóc để có một bầu khí gia đình thanh thản, thứ tự, và an bình. Cũng cần quan tâm đến những giờ phút thinh lặng, khi đặt câu hỏi cho con phải rõ ràng, nói chậm và dành giờ cho trẻ phản tỉnh, tránh trả lời quá nhanh một câu hỏi. Hãy quan tâm lặp lại, lắng nghe, và khích lệ trẻ suy nghĩ.
Chúc quý phụ huynh thành công trong việc giúp con biết tập trung, hầu đem lại kết quả tốt đẹp.
Nhật Tâm