“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

Hãy dạy trẻ em yêu mến Đức Thánh Cha

Chiều ngày 13-5-1887, Don Bosco yết kiến Đức Thánh Cha Lêô XIII, Đức Thánh Cha mỉm cười tiếp ngài, rồi ra dấu bảo Đức cha Della Volpe đem ghế tới cho Don Bosco. Cái ghế được đặt ở một khoảng xa. Đức Thánh Cha kéo lại gần, mời Don Bosco ngồi xuống. Đức Thánh Cha trìu mến cầm lấy tay ngài, siết mạnh và hỏi:

– Don Bosco yêu dấu, cha có khỏe không? Cha có khỏe không?

Ngừng một lát, ngài tiếp:

– Cha bị lạnh phải không?

Ngài lại giường, vén màn lên, lấy một tấm khăn bông và nói:

– Cha có thấy tấm thảm lông chồn trắng này bao giờ chưa? Người ta mới tặng tôi nhân dịp Kim Khánh linh mục của tôi. Tôi muốn cha là người đầu tiên dùng nó.

Và với trọn cả lòng ưu ái, ngài đặt nó trên đầu gối Don Bosco. Rồi ngài trở lại ngồi vào ghế, siết lấy tay Don Bosco và tiếp tục nói chuyện.

Don Bosco, quá xúc động, đáp lại:

– Kính lạy Đức Thánh Cha, con đã già, 72 tuổi rồi. Đây là cuộc hành trình cuối của con. Tất cả mọi việc của con sẽ kết thúc ở đây.

Cuộc gặp gỡ ấy giữa Don Bosco với Đức Thánh Cha được coi như là sự kết thúc tốt đẹp nhất cho cả một cuộc đời đã tiêu hao để giáo dục thanh thiếu niên biết yêu mến Đức Thánh Cha và Hội Thánh.

Khi Đức Piô IX bị lưu đày ở Gaeta, Don Bosco đã gởi tới Đức Thánh Cha một lá thư cảm động cùng với một món quà gom góp bằng những hy sinh của các trẻ em Ngài. Món quà đó đã làm cho Đức Thánh Cha rơi lệ. Thay vì xấu hổ và sợ hãi, Don Bosco thường hãnh diện nói với mọi người: “Tôi đứng về phía Đức Thánh Cha, và cùng với Đức Thánh Cha, tôi muốn là người công giáo tốt cho đến chết”. Lời dạy ấy đã lan sang tất cả các trẻ em.

Đức Cố Hồng Y Augusto Hlond, giáo chủ Balan, một tu sĩ Salêdiêng, đã hấp thụ lời dạy dỗ ấy tới độ khi chết ngài đã nói: “Tôi luôn trung thành với Hội Thánh và luôn vâng phục Đức Thánh Cha, vì tôi nhìn thấy nơi ngài vị đại diện Chúa Kitô ở trần gian”. Và với một giọng yếu ớt cuối cùng, ngài thì thầm với thư ký của ngài là Đức cha Bariariak, bây giờ là Tổng Giám mục Pozman: “Xin cha nói với Đức thánh Cha là tôi luôn trung thành với ngài”.


* Như Don Bosco, ta hãy dạy trẻ em yêu mến Đức Thánh Cha, vì Đức thánh Cha là Đức Kitô hiền lành trên trần. Chống lại những tuyên bố của người ngoại và nhóm tự do đương thời, và hơn hẳn các giáo sư, các giáo sĩ, các nhà báo công giáo với ngôn ngữ cường điệu của họ. Đấng Sáng lập của chúng ta làm cho nhiều người yêu mến Đức thánh Cha. Khi nhớ tới cuộc gặp gỡ riêng với Don Bosco, Đức Piô IX đã quả quyết: “Tôi có thể đọc thấy nơi trái tim của Don Bosco niềm hãnh diện được làm tôi tớ trung thành của Chúa Giêsu, của Hội Thánh và của Đấng đại diện Ngài”.

* Năm 1867, nhân dịp kỷ niệm Mười Tám Thế Kỷ Cuộc Tử Đạo của Thánh Phêrô, Don Bosco cho in lại cuốn “cuộc đời của vị Tông Đồ trưởng”. Trong lời mở đầu, Ngài viết: “Cứ bắt đầu từ Đức Piô IX, lần lượt tính lên, cuối cùng ta gặp thánh Phêrô, và gặp Chúa Giêsu Kitô, và ai cắt đứt sự hiệp nhất này thì bị chìm trong biển bão táp của lầm lạc và sẽ hư mất đời đời”.

* Như Don Bosco, ta hãy dạy trẻ em yêu mến Đức Thánh Cha, vì Đức Thánh Cha là người dẫn đường không thể sai lầm. Con người rất cần một vị hướng đạo vững chắc, bằng không sẽ không tìm được con đường dẫn họ đến với Thiên Chúa. Hội Thánh bất khả ngộ được ban cho ta như người mẹ và người dẫn đường. Hội Thánh tiến đi như chiếc tàu trên biển. Ở buồng lái chiếc tàu này có Đức Thánh Cha; Ngài bất khả ngộ khi dạy về giáo lý cứu rỗi.

Trong một giấc mơ kỳ diệu, Don Bosco nhìn thấy Đức Thánh Cha đứng đầu chiếc tàu là Hội Thánh. Ngài hướng dẫn con tàu giữa những cuộc tấn công của địch thủ. Và đã chiến thắng. Chiếc tàu ấy bỏ neo giữa hai cột đá hoa cương nổi lên rất cao giữa biển. Trên một cột có tượng Mẹ Vô Nhiễm, và ở dưới có dòng chữ Latinh “Auxilium Christianorum” (Phù hộ các giáo hữu). Trên cột kia, cao và to hơn, một Bánh Thánh tỏa sáng, và ở dưới người ta thấy có dòng chữ Latinh “Salus Fidelium” (Ơn cứu rỗi của các tín hữu).

Sự việc ấy cắt nghĩa lý do tại sao Don Bosco hay lặp lại cho các trẻ em và tu sĩ Salêdiêng của Ngài rằng: “Các con hãy yêu mến Đức Giáo hoàng Rôma. Khi các ngài dạy, các con đừng phân biệt thời gian và nơi chốn; khi các ngài ban một lời khuyên, và hơn nữa, khi các ngài biểu lộ một ước muốn, thì đó chính là mệnh lệnh đối với chúng ta”.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG