“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

HÃY DẠY TRẺ EM TRỞ NÊN “NGƯỜI BÊN CẠNH” ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC

Don Bosco gặp một cựu học sinh. Ngài hỏi:

– Làm thế nào để tạo cho học sinh của tôi biết sống vui tươi và hồn nhiên?

– Với tình thương.

– Với tình thương à? Vậy… chúng không được yêu thương đủ sao?

– Còn thiếu điều quan trọng nhất.

– Điều nào vậy?

– Yêu thương trẻ em thôi chưa đủ. Các em còn phải biết chúng được ta yêu mến. Nếu chúng được thương mến trong những điều chúng ưa thích, chúng sẽ nhận ra tình thương ngay trong những điều chúng không thích, chẳng hạn kỷ luật, việc học hành và hy sinh. Chúng sẽ làm tất cả những điều đó với lòng hăng say và yêu mến. Cần phải thích điều trẻ em thích và chúng sẽ học biết thích điều các nhà giáo dục thích. Như vậy, việc giáo dục nặng nhọc sẽ nên dễ dàng.


Đây là qui luật hệ trọng: “Nếu nhà giáo dục làm gương trước bằng cách trở nên “người bên cạnh” của học sinh, thì tới lượt chúng, các em sẽ biết trở nên “người bên cạnh” của chúng bạn và của người khác.

Một luật sĩ đã hỏi chúa Giêsu: “Nhưng ai là người bên cạnh của tôi?” Chúa Giêsu đã kể cho ông câu chuyện về một người bất hạnh bị bọn cướp bỏ lại nửa sống nửa chết. “Một tư tế Do Thái có việc ngang qua đó và bỏ đi. Thầy Lêvi cũng thế. Người Sa-ma-ri-ta-nô tới và lại gần người bị nạn. Theo ý ông, ai trong ba người đó đã trở nên người bên cạnh của kẻ đã rơi vào tay bọn cướp?”

Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu đã đem lại cho từ ngữ “người bên cạnh” một ý nghĩa sinh động mà có lẽ chúng ta đã không suy nghĩ cho đủ. Ai là người bên cạnh của tôi? Ông luật sĩ đã hỏi. Và Chúa Giêsu trả lời ông: “Hãy trở nên người bên cạnh của mọi người”, nghĩa là tới gần họ với tình thương mến; nghĩa là với lòng tốt, nghiêng mình xuống nhìn sự khốn khó và đau khổ của người khác, kể cả người lần đầu tiên đến với mình, thậm chí người thù nghịch với mình, như người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu đã làm với người hấp hối ấy. Hãy trở nên người bên cạnh của người khác bằng cách yêu mến họ. Chính bằng cách đó trẻ em sẽ học được bài học.

* Hãy dạy trẻ em trở nên người biết lưu tâm đến tha nhân, biết giúp đỡ họ trong những nhu cầu của họ, không chờ đợi họ van xin; và như Đức Mẹ ở tiệc cưới Cana, có cặp mắt rộng mở và đôi tai chăm chú, không phải để thỏa mãn tính tò mò của mình, nhưng là để nắm bắt những nỗi lo âu của thế giới, để đoán ra được vào lúc nào và bằng cách nào mình có thể nên hữu ích cho người khác mà không so đo, và phục vụ không tính toán.

* Hãy dạy trẻ em biết kính trọng và cảm thông với người bên cạnh cách sâu xa. Tuy nhiên, thái độ nội tâm này cũng chỉ thành chuyện khoa trương và dối trá, nếu đức ái không sinh động, không trổ bông bằng việc phục vụ người bên cạnh và hành động vì lợi ích của anh em. Đức ái là một trạng thái tâm hồn, nhưng là một trạng thái có những bàn tay để phục vụ.

* Có người đã hỏi ông Mark Twain: “Quan tâm đến tha nhân là gì?” Và ông đã trả lời cho họ một cách khá dí dỏm: “Khi lên 16 tuổi, tôi không quan tâm đến cha tôi một chút nào, vì tôi tin rằng cha tôi không biết gì cả. Khi lên 22 tuổi, tôi bắt đầu quan tâm đến cha tôi, và tôi rất ngạc nhiên khám phá ra rằng cha tôi đã học được rất nhiều điều chỉ trong vòng có sáu năm”.

Các con chim mẹ thường đẩy những con chim non ra khỏi tổ. Chúng ta cũng phải đẩy con em chúng ta ra khỏi cái tổ ích kỷ của chúng và khuyến khích chúng trở nên người bên cạnh của tất cả mọi người.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB

_______________
[1] Chữ “người bên cạnh” xuất phát từ Kinh Thánh: “Hãy yêu thương người bên cạnh con như chính mình con”. Chữ này có thể dịch là “người lân cận” hoặc “anh em”. Xin hiểu như vậy cho toàn bài.

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG