“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

HÃY DẠY TRẺ EM CHỐNG LẠI TÍNH ƯU SẦU

Có lẽ không có một vị thánh nào trong Hội thánh thích sự vui tươi náo nhiệt của trẻ em hơn Don Bosco. Đaminh Saviô nên thánh ở tuổi mười lăm, vì đã sớm hiểu rõ điều đó khi cậu thốt lên câu nói lịch sử này: “Ở đây, với Don Bosco, chúng tôi coi sự nên thánh hệ tại việc sống vui tươi”.

Ngày 31 tháng 1 năm 1886, Don Bosco nói với đám trẻ tụ họp chung quanh ngài như sau: “Cách đây mấy năm, cha đã mơ thấy một thánh lễ cộng đoàn, cha đi lại giữa các thanh thiếu niên đang thích nghe lời cha nói. Nhưng có một em quay lưng lại phía cha. Cha bảo em quay mặt lại: em liền quay lại với diện mạo ưu sầu khủng khiếp. Chỉ được một lát, em lại quay lưng về phía cha. Vài ngày sau, cha thấy một đứa trẻ giống với đứa cha đã mơ thấy: em đang ở giữa các con.

Tất cả liền tò mò hỏi ngài:

– Thưa cha, ai vậy?

Don Bosco đáp:

– Không nên chỉ em ấy cho các con, vả lại cha chưa biết cắt nghĩa giấc mơ đó như thế nào. Tuy nhiên cha còn nhớ rằng trong giấc mơ em cầm một bó hoa.

Đang khi đám trẻ rời khỏi Don Bosco, một em đến hỏi xem đứa trẻ với bó hoa ấy có làm cho ngài lo lắng không. Don Bosco trả lời:

– Cha rất lo lắng!

Bỗng dưng ngài tóm lấy em Calzini và nói nhỏ vào tai em vài lời. Đứa trẻ vốn hay trốn Don Bosco đã tái mặt khi nghe những lời ấy; sau đó em đáp lại:

– Thưa cha, vâng!

Bóng tối ưu sầu bao trùm gương mặt em đã biến mất. Em trở lại chơi bình thản và vui vẻ. Nhiều năm sau, khi đã lớn, Calzini viết: “Tôi không hề quên được sự bình thản của Don Bosco và những lời ưu ái của ngài. Don Bosco đã làm cho tôi bỏ được lỗi lầm tôi hay mắc phải và xua tan chứng ưu sầu do những sa ngã luân lý liên tục gây nên. Tôi đã lấy lại can đảm và tin tưởng”.


* Các nhà tâm lý học ghi nhận rằng chứng ưu sầu và sự chán nản có thể xâm chiếm cõi lòng người ta với một nhịp độ đều đặn đáng kinh ngạc. Có người thì cứ khoảng mười lăm ngày một lần; có người khoảng hai tháng. Mức trung bình cho thanh thiếu niên và người lớn là khoảng năm tuần một lần. Đối với thiếu nữ và các bà, chu kỳ thường xuyên hơn, đồng thời còn có sự dễ tức bực và suy nhược.

Sau một cuộc điều tra rộng rãi nơi các sinh viên đại học, một nhà nghiên cứu ghi nhận rằng tính ưu sầu và suy nhược thường xảy ra vào nửa giờ đầu và nửa giờ cuối của mỗi ngày, mãnh liệt hơn vào ngày thứ hai trong tuần và đạt tới điểm báo động trong ba tháng đầu năm.

* Don Bosco nói rằng sự nhàn rỗi là vùng đất thuận lợi nhất để cây nấm đen ưu sầu phát triển. Do đó, ngài khuyên trẻ em tham dự các trò chơi với chúng bạn, hoặc làm bất cứ việc gì còn hơn gieo mình vào chứng ưu sầu. Ngài xác quyết: “Giải trí giúp tâm trí xua tan ưu sầu”.

Một danh nhân đã khuyên các thanh thiếu niên: “Hãy tránh sự cô đơn và nhàn rỗi. Nếu các bạn nhàn rỗi, thì đừng ở cô đơn; nếu các bạn cô đơn, thì đừng ở nhàn rỗi”.

Tính ưu sầu giống như màng nhện, thường xâm chiếm những nơi tối tăm và bẩn thỉu của tâm hồn chúng ta.

* Đối với Don Bosco, khí giới kỳ diệu để chống lại chứng ưu sầu là sống trong ơn nghĩa Chúa. Đó là điều mà Đaminh Saviô, học sinh ưu tú của Don Bosco, đã nói: “Chúng tôi coi sự nên thánh hệ tại việc sống vui tươi”.

* Cũng có những phương thế hữu hiệu khác để chiến thắng sự suy nhược: đi dạo hay cắm trại, đọc một cuốn sách hoặc chơi thể thao, nghe âm nhạc và nhất là làm một vài việc hữu ích cho người khác.

Ý muốn làm cho người khác vui, ngay cả khi không thể chia sẻ niềm vui của họ, là phương thuốc tốt chữa trị chứng ưu sầu: gọi điện thoại hay viết thư cho người cô độc, gởi một cuốn sách hay một món quà cho người đang ốm, mang bánh kẹo tới cho đứa bé mà bạn muốn điều tốt cho nó. Không có niềm vui nào to lớn hơn niềm vui làm cho người khác vui và hạnh phúc.

“Cha không mong đợi thanh thiếu niên điều gì khác hơn là chúng sống tốt và luôn vui vẻ. Như vậy, các con hãy sống vui vẻ mặc sức, miễn là không phạm tội”. (Don Bosco)

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG