Ngày 24-6-1877, lễ thánh Gioan Tẩy giả, toàn thể Nguyên xá Valdocco rộn ràng mừng lễ bổn mạng của Don Bosco. Dự tiệc với Don Bosco có một Giám mục nước Achentina và một kinh sĩ. Vào lúc nâng ly chúc mừng, một em bé mặc trang phục thời Trung cổ ra ngâm mấy vần thơ chúc mừng Don Bosco và vị Giám mục. Mọi người đều vỗ tay. Đang khi em đang cúi chào tất cả mọi hướng, vị kinh sĩ đứng lên, tiến lại gần em và trao cho em một đồng. Em cám ơn vị kinh sĩ, đón nhận đồng tiền, nhảy cò cò tới Don Bosco và trao lại cho Ngài. Vị kinh sĩ nhận xét:
– Cha cho con mà! Đây, một đồng khác. Con hãy giữ lấy.
Em bé nhận lấy và nhảy cò cò mang lại cho Don Bosco.
Vị kinh sĩ ngạc nhiên hỏi:
– Tại sao con không giữ lại cho con?
– Dạ thưa tất cả chúng con đều chịu ơn Don Bosco – Em thẳng thắn đáp lại – Chúng con phải biết ơn Ngài.
Tên em là Carôlô Gastini. Khi còn bé, em sống bơ vơ một mình, sau đó được Don Bosco nhận và đưa về Nguyện xá, ở đó em sống vui tươi và hạnh phúc. Don Bosco đã dành cho em nhiều tình thương mến và em tự động phải có lòng biết ơn Ngài. Về sau, khi đã trưởng thành, Gastini luôn nhớ câu nói mà Don Bosco thường lặp đi lặp lại như một điệp khúc: “Chúng ta hãy khóc thương kẻ vô ơn, vì họ không được hạnh phúc”.
Chẳng mất mát gì khi nói lời cám ơn. Lòng biết ơn là một trong những cách biểu lộ cao đẹp nhất của tình yêu. Cho nên phải dạy dỗ và vun trồng lòng biết ơn trong tâm hồn của các trẻ nhỏ.
* Cha mẹ và nhà giáo dục phải dạy cho trẻ em biết biểu lộ lòng biết ơn bằng lời nói. Một lời cám ơn được nói lên sẽ làm phát sinh nơi người lãnh nhận và lắng nghe một dấu ấn huyền diệu của niềm vui, hạnh phúc và rộn rã.
* Phải dạy trẻ em nói cám ơn bằng cái nhìn, bằng cử chỉ và nụ cười. Đôi khi một nụ cười cũng đủ để diễn tả lòng biết ơn.
* Cần dạy trẻ em biết tỏ ra mình là người biết ơn qua lời cầu nguyện. Cầu nguyện cho người đã làm điều tốt cho mình là cách đáp trả cách tế nhị nhất. Cầu nguyện giống như đem một gói quà cho Chúa và xin Ngài xác nhận. Hễ Ngài xác nhận là ta nhận được liền.
* Cần dạy trẻ em biết cám ơn qua thư từ. Đôi khi lời không diễn tả hết lòng biết ơn. Vì thế, phải viết thư, một lá thư đơn sơ: nó giúp sưởi ấm lại tâm hồn của người đọc.
* Cần dạy trẻ em biết cám ơn bằng cách biếu quà. Món quà nào cũng được, miễn là được biếu với lòng yêu mến. Một văn sĩ đã viết: “Món quà đẹp nhất dành cho ngày sinh của bà mẹ là để cho bà được nghỉ cả ngày hôm đó. Vì thế, hôm nay ba tôi, các chị em tôi và tôi đã mau mắn làm hết mọi việc trong nhà. Chính chúng tôi dọn bữa, làm tất cả, kể cả rửa chén dĩa. Sau cùng bà mẹ đã nói với chúng tôi: “Cám ơn các con, các con đã không có thể biếu mẹ một món quà nào đẹp hơn món quà các con đã biếu mẹ: một ngày nghỉ”.
* Cần dạy trẻ em biết cảm tạ Thiên Chúa sáng tối. Thiên Chúa là Cha, là Chúa và là Đấng Sáng Tạo. Ông Luy đã viết lời kinh tạ ơn tuyệt diệu này: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho con sống trên trần gian giàu đẹp này. Con cảm tạ Chúa vì niềm vui do âm nhạc đem lại, cũng như những niềm vui do con cái, do tư tưởng, do những cuộc trò chuyện với người khác, do cuốn sách con đọc bên lò sưởi hay trên giường khi trời mưa rơi trên mái nhà hay khi tuyết xuống ngoài cửa sổ. Con cảm tạ Chúa vì nụ cười rạng rỡ trên gương mặt, vì một cái đặt tay nhân ái, vì tiếng cười của em bé, vì tiếng chó sủa. Con cảm tạ Chúa vì tất cả những điều đó và vì biết bao điều khác nữa. Nhưng trước hết con cảm tạ Chúa vì mọi người con gặp, vì lòng tốt và sự cảm thông của họ đã vượt thắng sự hận thù, lừa đảo và dối trá”.
Carôlô nhớ rất rõ rằng Don Bosco thường lặp lại: “Chúng ta phải khóc thương những người vô ơn, vì họ không được hạnh phúc”.
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB