“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

HÃY CỨU TRẺ EM KHỎI NHỮNG BĂNG NHÓM XẤU

Vào một buổi chiều tháng tư năm 1847, Don Bosco đi thăm một bệnh nhân và trở về rất muộn. Tới gần khu phố Dora Grossa, nay là đường Garibaldi, ngay tại góc khu Valdocco, ở Torinô, ngài gặp một nhóm trẻ bụi đời. Vừa thấy bóng vị linh mục, lũ trẻ tức khắc văng ra những lời thật lỗ mãng:

– Mấy ông linh mục chỉ là lũ keo kiệt.

– Đểu cáng và khó tính, khó nết.

– Bọn mình thử sức cái ông linh mục này xem sao.

Dường như muốn né tránh, Don Bosco chậm bước lại, nhưng thấy mình ở thế kẹt, ngài điềm tĩnh tiến về phía chúng. Ngài nhoẻn miệng chào khiến bọn chúng ngạc nhiên:

– Chào các bạn thân yêu nhé! Các bạn khỏe cả chứ?

– Chẳng khỏe tí nào, ông ơi. Đứa đầu sỏ đáp.

– Khát bỏ xừ mà chẳng có một xu nào cả. Bao đi. Một xị, một lít càng hay.

– Phải đó, có ngon thì mua cho chúng tôi ít là một chai.

Cả lũ trẻ lao nhao to tiếng:

– Một xị, một xị thôi cũng đủ. Bằng không, ông đừng hòng thoát khỏi nơi này.

Cả bọn liền vây quanh và Don Bosco không còn đi thêm được một bước nào nữa.

Don Bosco điềm tĩnh đáp:

– Ừ, được! Sẵn sàng! Nhưng các bạn đông quá, phải hai lít mới đủ. Nhưng với điều kiện là tôi cùng uống với các bạn.

– Còn phải nói! Tuyệt quá đi chứ! Ông là một linh mục tuyệt vời. Ước gì tất cả các linh mục đều giống như ông.

– Thôi, chúng ta đến quán Alpi nhé!

Thế là Don Bosco kéo bọn chúng đi theo ngài. Sau khi vào quán, ngài gọi hai chai rượu. Khi thấy chúng khá hào hứng và hiền hòa hơn, ngài nói:

– Thế này nhé. Bây giờ các bạn hãy giúp tôi một việc.

– Việc gì? Xin ngài cứ nói. Một chứ hai hay ba cũng cân. Kể từ giờ phút này chúng tôi là bạn của ngài.

– Vậy hả? Nếu quả thật là bạn của tôi, thì xin các bạn đừng chửi thề, nói tục và cũng đừng xúc phạm đến Danh Thánh Chúa như một người trong các bạn đã làm hồi nãy.

Một đứa trong bọn chúng thưa lại:

– Vâng, ngài có lý. Nhưng biết làm sao được. Những lời tục tĩu luôn tự động phát ra từ cửa miệng. Mà thôi, từ nay dứt khoát phải chừa. Chúng tôi sẽ cắn lưỡi để khỏi đèo tục.

Tất cả cùng hứa. Don Bosco liền kết thúc cuộc gặp gỡ:

– Thôi nhé! Các bạn hãy ngoan ngoãn về nhà ngay đi.

– Có nhà đâu mà về! – Một đứa trẻ tủi thân thốt lên.

– Cả tôi nữa, tôi cũng chẳng có nhà cửa gì cả! – Đứa khác cũng nói thêm vào. Tiếp đến, những đứa khác cũng nói y hệt như vậy.

Nhìn thấy mối nguy của bọn trẻ, Don Bosco lập tức đề nghị một phương thức chữa trị:

– Vậy các bạn hãy về nhà của tôi mà ở.

Ngài dẫn chúng về nhà tại Valdocco, nơi mẹ ngài đang nóng lòng mong đợi.


* Thời nào cũng có các băng nhóm thanh thiếu nhiên. Từ 8 tuổi, trẻ em đã có thể rủ nhau kéo bè, kéo lũ họp thành băng nhóm với những tên gọi tùy hứng. Chúng đề ra những mục tiêu mà chúng không bao giờ có thể đạt được, đại ca thay đổi mọi sự hằng ngày tùy hứng. Thế rồi, thường xuyên xảy ra những vụ tranh cãi, đánh lộn giữa băng nhóm này với băng nhóm nọ. Đối với một đứa trẻ, kết thành băng nhóm thường là một giai đoạn bình thường để vượt qua nhu cầu đua đòi của nó.

* Ở lứa tuổi khủng hoảng, các thiếu niên cũng như các thiếu nữ thường họp thành băng, với một loại qui luật mô phỏng theo các hiệp hội của người lớn, nhưng phần chủ yếu là nhằm chống lại những luật lệ của người lớn. Chúng tìm cách gạt bỏ những chỉ tiêu rườm rà để tạo ra một thứ kỷ luật danh dự nào đó. Khi còn bé, đứa trẻ thường “đồng hóa mình” với cha mẹ và đòi phải được sắp xếp mọi việc theo sở thích của mình. Đến tuổi thiếu niên, em thích “hòa mình” vào băng nhóm và vâng lời băng nhóm hơn cha mẹ và thầy cô. Ở trong băng nhóm, em cảm thấy đầy sức mạnh; ra khỏi băng nhóm, em cảm thấy yếu đuối.

* Như vậy, băng nhóm là vấn đề xã hội: trẻ em muốn dùng băng nhóm để tấn công người lớn và dùng rìu tự mở ra một lối đi qua cánh rừng hoang của xã hội đang làm cho em đau khổ và đang hạn chế em. Một nhà phân tâm đã nghiên cứu về nhiều băng nhóm gây nên tội ác. Ông đã khám phá thấy rằng hầu hết các thành viên đều có một nét giống nhau: cha mẹ chúng đã dửng dưng không quan tâm đến chúng; chúng thường là những đứa trẻ thuộc gia đình rạn nứt hay là những đứa mồ côi. Nói chung, chúng là những kẻ bất hạnh trong cuộc sống, rõ ràng chúng đã sớm xung khắc với xã hội và pháp luật.

* Lẫn trong một đám đông, thấy ai cũng giống với mình, đứa trẻ ít thấy mình đáng trách. Thường thường, con đường hư hỏng và phạm pháp bắt đầu với một thử thách về lòng can đảm mà băng nhóm đòi hỏi nơi đứa tập sự. Nó phải tỏ ra mình không nhát gan và bất chấp luật lệ của người lớn. Vì thế, nó có thể đi trêu chọc một anh công an, lái một chiếc xe ăn cắp chạy bạt mạng trên đường phố.

* Phải làm thế nào để giúp được trẻ em trong giai đoạn khủng hoảng của tuổi thiếu niên? Phải làm như Don Bosco đã làm: tìm gặp các em trên đường phố hoặc tại những nơi tối tăm chúng hay tụ họp; chinh phục chúng và làm trung gian cho chúng nơi thế giới của người lớn, một thế giới có vẻ quá thờ ơ đối với chúng; luôn sẵn sàng lắng nghe khi các em tới tâm sự về những mối bận tâm của chúng; đôi khi cũng phải biết rút lui khi các em muốn gặp gỡ riêng giữa chúng với nhau mà thôi; cư xử với chúng cách kính trọng như với những nhân vị đích thật.

* Xã hội ngày nay tốn nhiều giờ vào việc phân tích tâm lý tuổi trẻ đang nổi loạn, nhưng lại ít giúp đỡ chúng. Phải chi họ tiếp tay cho những đứa trẻ đã tách khỏi các băng nhóm. Nếu phải xử phạt, thì đừng bao giờ phạt như một sự trả thù, nhưng phải nhằm huấn luyện và giáo dục. Như Don Bosco, phải “dẫn trẻ em về nhà mình”.

“Bạn xấu là:

1) những người hay nói điều tục tĩu, hoặc làm những điều trái với đức nết na;

2) những người nói xấu tôn giáo;

3) những người xúi bạn xao nhãng bổn phận”. (Don Bosco)

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG