- Con xin nghỉ việc rồi mẹ ạ! – Nam rụt rè nói.
- Nghỉ nữa hả? Rồi con định làm ở đâu? – Mẹ Nam buông đũa.
- Con chưa biết nữa, để con tính!
Mẹ Nam thở dài. Lần thứ 13 trong năm nay – mà thực ra là mới có nửa năm – Nam tuyên bố xin nghỉ việc. Bố lên tiếng hỏi: “Lý do lần này là gì thế?
- A, ông sếp bảo là con không thích hợp với môi trường ở đây – Giọng Nam thay đổi hẳn – Đang lúc con cũng cảm thấy thế nên con nộp đơn xin nghỉ luôn.
- Người ta nói “An cư lạc nghiệp”, con cứ thay đổi như thế chắc là khó “lạc nghiệp” lắm – Bố nhẹ nhàng nói.
Mẹ chỉ cắm cúi đan áo mà không nói. Đợi Nam đi khỏi, mẹ nói:
- Anh à… Con mình hình như hơi… sao đó.
- Ý em nói là nó mát, là thần đồng hay là do nó làm mọi việc một cách thật đặc biệt?
- Thần đồng gì mà thần đồng. Nó 23 tuổi rồi vậy mà cứ lông bông.
Nghe tiếng bước chân, cả bố và mẹ quay ra nhìn thấy Nam đang ôm mấy thùng xốp đựng đầy những chậu cây đi ra. Mẹ nói:
- Có vẻ chỉ có mấy cái cây đó là gắn bó với nó lâu nhất, từ thời đại học tới giờ.
- Biết đâu một ngày nào đó nó lại chẳng làm nên trò gì đó với mớ cây này. Thực ra, nó có khác người một chút, anh nghĩ, em là phụ nữ gần con hơn, thử xem có gì thì trợ giúp con.
Mẹ Nam không đáp, tiếp tục công việc của mình. Nam đã 23 tuổi. Vừa ra trường được một năm. Tuy học không giỏi, nhưng bù lại Nam rất cần mẫn chịu khó, lại hiền lành nên được mọi người quý mến. Chỉ có điều anh chàng chẳng bền tâm trong việc nào cả. Đi làm, các sếp ưng tính tình anh chàng, nhưng để làm việc thì họ cảm thấy dường như Nam không có lửa. Và ở mỗi chỗ làm, Nam đều nhận được lời nói nhẹ từ giám đốc nhân sự: “Chắc là môi trường làm việc ở đây không phù hợp với em”.
Chỉ có một thứ níu kéo được niềm đam mê của Nam là trồng cây. Những chậu sen đá, những chậu xương rồng tai thỏ mới có thể gây nên niềm vui bất tận đối với Nam. Anh chàng cặm cụi chăm sóc, đem ra phơi nắng, tưới tắm cho chúng. Lủi thủi bên các gốc cây, Nam trò chuyện huyên thuyên với chúng. Hình như đám cây cối nhờ thế mà nghe được nghe đủ chuyện bên ngoài bức tường rào màu xanh ngọc rất đỗi yên bình.
Sáng hôm sau, mẹ Nam xuống nhà để chuẩn bị bữa sáng thì thấy mẩu giấy kẹp trên một chậu xương rồng tai thỏ trên bàn ăn. “Con lên Đà Lạt mấy ngày, nhờ bố mẹ chăm hộ con mấy em sen đá với tai thỏ nhé, sáng mẹ đi làm mẹ đem mấy em ấy ra để ngoài thành cửa sổ, tối về đem em ấy vào là được. Bố mẹ đừng lo, con ổn”.
- Anh ơi! – Mẹ gọi giật giọng.
- Sao thế. Có chuyện gì à? – Bố Nam vừ dắt xe đi làm vừa nói.
- Con mình bỏ nhà đi này! – Mẹ chìa tờ giấy cho bố. Bố đọc xong, phì cười: “Ái dà. Em an tâm. Con nó đi Đà Lạt chứ đi đâu mà lo toáng lên thế. Em nhớ là nó 23 tuổi rồi chứ không còn 3 tuổi nữa.
- Nhưng mà con mình… – Mẹ cố chống chế.
- À…con mình đặc biệt. Em muốn nói thế phải không? Nếu không an tâm thì gọi điện cho con. Anh nghĩ chuyến này cu cậu lại lo tìm việc làm thôi. Biết đâu nó chẳng tìm đến nông trại nào đó…!
- Được rồi. Để em gọi điện xem sao – Mẹ nói như để trấn an mình.
Mẹ Nam chỉ có cậu là con một và quan tâm lớn nhất của bà là Nam có công việc làm ổn định, chứ suốt ngày đi tìm việc thế này làm bà phát hoảng.
* * *
Nam về sau một tuần, gương mặt rạng rỡ. Cậu còn mua vài ký dâu lấy lòng bố mẹ.
- Bố mẹ ơi, lần này chắc là bố mẹ không còn phải lo lắng cho con nữa đâu! Con mới tìm được một công việc mà con thấy rất thuận lợi và phù hợp với con.
- Việc gì thế? – Mẹ nói giọng ái ngại trước sự hào hứng của Nam.
- Cả tuần vừa rồi trên Đà Lạt con đã đến nông trại của gia đình bạn Quân. Mọi sự ở đó làm con say mê. Con đã tiếp cận với việc trồng tỉa và con nhận ra cả một tương lai sán lạn đang chờ đợi. Hiện tại, gia đình Quân chỉ làm theo kiểu sản xuất gia đình, nhưng trong thời gian tới, chúng con sẽ nghiên cứu việc trồng rau củ theo trang trại và công nghệ mới. Bố mẹ ủng hộ con chứ?
Bố ngồi yên lặng nghe Nam nói. Có lẽ ông đã từng chứng kiến cu cậu nổi hứng rồi xẹp chẳng bao lâu, nên không nỡ làm Nam vỡ mộng, ông nhẹ nhàng nói: “Ý của con hay lắm, dĩ nhiên bố ủng hộ con rồi…, nhưng con cần phải nghiên cứu kỹ, vì một khi mình đã bắt tay vào việc thì đừng dễ dàng bỏ cuộc”.
Nghe bố nói, Nam thoáng buồn vì quả thật, quá khứ Nam đã làm cho bố mẹ mất niềm tin. Ai đời, chỉ 6 tháng mà có tới 13 chỗ làm! Tuy nhiên, anh chàng cố thuyết phục:
- Bố mẹ à! Có lẽ tính khí con không hợp với sự nhộn nhịp của thành phố này! Nó quá ồn ào và quá sức với con. Con chẳng thể hoàn thành tiến độ công việc mà người ta yêu cầu. Con chẳng thể xốc vác, cũng chẳng muốn cạnh tranh. Con không biết lanh chanh chào mời. Mọi thứ nó cứ ngoài tầm với của con thế nào ấy.
- Thế con tìm thấy gì ở Đà Lạt? – Bố ngắt lời.
- Ở đấy mọi thứ tuyệt lắm bố ạ. Có thể đơn giản là nó thích hợp với con! Mỗi sáng con dậy sớm, chăm cây, làm đất, bắt sâu… Ôi, bố mẹ có thể tưởng tượng cả một vườn rau xanh ngắt có ý nghĩa gì với con không? Vâng, tất cả đều tinh khôi, đầy sức sống.
- Con à! Con đừng có mơ mộng nữa có được không? Làm ở văn phòng sung sướng con còn chẳng làm được, thì mong gì… – Mẹ chán nản can thiệp…
Tối hôm đó, cả nhà đã thảo luận rất thẳng thắn về quyết định của Nam. Có lẽ chưa bao giờ Nam lại thấy mình lớn và trưởng thành thế! Và có lẽ chưa bao giờ cả nhà lại hiểu và yêu thương nhau thế!
Không còn sự thương hại, cũng chẳng có tham vọng bắt người này người kia phải làm theo ý mình. Quả thật “Yêu thương là tự do. Yêu thương là chấp nhận người khác hoàn toàn, như họ là!”.
Nam háo hức chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi “làm ăn xa” lần đầu tiên trong đời. Con đường phía trước với Nam còn rất dài, nhưng Nam tin, một khi đã tìm được những người đồng cảm và tìm được một nơi phù hợp với mình, mọi việc sẽ ổn cả thôi. Nam sinh ra với một sự khác biệt, nên những thứ xung quanh Nam đều khác biệt và cách Nam chọn hạnh phúc cho mình cũng rất khác biệt. Quan trọng là cạnh Nam có bố mẹ, có những người biết tôn trọng sự khác biệt đó của Nam, để Nam sống đúng với con người và mong muốn của mình chứ không phải sống theo ý muốn của một ai đó khác.
Ai cũng có quyền chọn một cách sống cho riêng mình mà, và tuyệt vời nhất là mọi người xung quanh ủng hộ và tin vào cách sống đó của mình. Vậy thôi! Còn lại mọi chuyện sẽ ổn cả!
Tuỳ Phong