Một chiều nọ đang khi cả trăm trẻ em đang say mê chơi đùa trong một cánh đồng ở Tôrinô, bỗng một thiếu nhiên mười lăm tuổi xuất hiện bên cạnh hàng rào. Hình như em muốn vượt rào để nhập bọn với đám trẻ đang chơi nhưng không dám. Em đứng nhìn với vẻ mặt buồn rầu và u uất. Don Bosco thấy em, Ngài tiến lại gần và hỏi em vài câu, nhưng em không trả lời. Don Bosco tưởng em bị câm và đã nghĩ cách nói với em bằng cử chỉ. Ngài thử lần cuối cùng: âu yếm đặt tay trên đầu em và hỏi:
– Con đang ốm phải không?
Với một giọng yếu ớt em trả lời:
– Thưa Cha, con đói!
Don Bosco liền cho người đi lấy bánh mì và vài thứ khác. Khi cậu bé ăn no, Don Bosco trở lại hỏi chuyện, thì ra em là một đứa trẻ bụi đời, làm đồ thắng ngựa, bị ông chủ sa thải vì đã gây lộn. Đêm qua em đã ngủ trên vỉa hè nhà thờ Chính Tòa Tôrinô. Và vài giờ trước đây em định đánh cắp một thứ gì đó để ăn. Nhưng chưa kịp thực hiện mưu đồ thì lại gặp được Don Bosco. Em không chỉ cần bánh vật chất, mà còn cần sự cảm thông. Don Bosco đã hiểu và đã cứu em.
Tuổi mười lăm: tuổi khủng hoảng. Từ mười hai đến mười lăm tuổi, trẻ em phải trải qua một giai đoạn bão táp. Gương mặt đầy những đường nét trẻ thơ hồn nhiên trước đây bắt đầu nhường chỗ cho những nét trang nghiêm, vụng về và mất cân đối.
* Tiếp sau sự hòa hợp của thời thơ ấu là sự vụng về của thời niên thiếu. Người lớn dễ dàng tha thứ những điều thiếu lịch sự của con nít vì chúng dễ thương, nhưng lại tỏ ra rất khó chịu đối với sự ngỗ nghịch của thiếu niên. Đôi khi đứa trẻ ngỗ nghịch gay gắt nói với mẹ nó: “Con không muốn mẹ truyền lệnh cho con như thế”. Nó thường xúc phạm đến bà mẹ và hay nổi cơn bực tức, khiến bà phải phiền lòng suy nghĩ: “Đó là cách con tôi đáp trả tất cả những gì tôi đã làm cho nó. Nó chửi rủa tôi”. Rồi khoảng gần một giờ sau bà mẹ đang chăm chú lau nhà, thì đứa con lại gần dịu dàng lấy tay bịt mắt mẹ và nói: “Mẹ ơi, mẹ có cái gì ăn không: Con đói lắm!” Bà mẹ giận dỗi không đáp. Đứa trẻ khóc và tự tố cáo: “Mẹ ơi, con biết, con xấu lắm”. Nửa giờ sau, vì bà mẹ lại từ chối, nên đứa con lớn tiếng: “Con phải đi khỏi ngôi nhà bất hạnh này”. Và một lần nữa nó đi ra và đóng sầm cửa lại! Quả là một tai họa. Dường như em muốn đạp đổ mọi luật lệ, chống lại mọi người. Cha mẹ và nhà giáo dục biết rõ em: em cứng đầu như đứa trẻ lên ba hay như con lừa, nhưng lại nguy hiểm hơn. Em đã vĩnh biệt thiên đàng của tuổi thơ, nhưng chưa được chuẩn bị để gia nhập vào thế giới của người lớn. Em cảm thấy rất bất an. Một đứa trẻ 14 tuổi đã chán nản thốt lên: “Mọi người khác đều có giá, còn tôi thì chẳng ra gì”.
* Mười lăm tuổi là giai đoạn đứa trẻ hạ bệ mọi thần tượng trước đây của em: em muốn phá đổ mọi khuôn khổ xã hội. Một số phụ huynh đã trốn tránh trách nhiệm đối với các đứa con trong lứa tuổi khủng hoảng ấy và để chúng muốn làm gì thì làm. Còn đứa trẻ thì muốn tách khỏi cha mẹ. Điều ấy đương nhiên làm cho cả hai bên đau khổ. Phần lớn các bà mẹ thường không hiểu rằng đó là lúc đứa trẻ tách khỏi người mẹ, để rồi sau này sẽ yêu mến nhiều hơn, nhưng yêu một cách hoàn toàn khác. Thành ra họ thường thất vọng thốt lên: “Con tôi đã lăng mạ tôi”.
* Đó là ba năm cam go phải trải qua. Ở trường đứa trẻ khó dạy hơn; trong gia đình em thành người xa lạ. Em tỏ ra kiêu căng và hỗn láo. Nhưng khi chiều tới “ông” kiêu ngạo ấy lại sợ chính mình, em cảm thấy yếu đuối không làm chủ được những bản năng và lời nói của mình. Mẹ em cố gắng vỗ về em trước mặt những đứa khác như thường làm, nhưng em thét lên: “Bỏ tay xuống, con không còn muốn nghe mẹ nữa”. Thật đáng giận. Em cần phải bị phạt ngay lập tức. Thế nhưng thật ra điều em đang cần là có một người cha hay một người giáo dục như Don Bosco, biết nói với em bằng sự cảm thông và kính trọng cao độ. Em cần người cha đến ngồi bên cạnh và nói với em: “Con yêu dấu, cha hiểu con, cha biết điều đó. Chính cha cũng đã làm như thế khi ở vào lứa tuổi của con”. Em cần người cha đặt tin tưởng nơi em và biết giữ im lặng khi em im lặng, biết trả lời khi em gợi ý trong thầm lặng, mà không cảm thấy bị xúc phạm chi hết.
* Các trẻ nữ cũng có những năm khủng hoảng ghê gớm của chúng. Cha mẹ phải bình tĩnh trước các thay đổi về tính khí, những cái cười vô nghĩa, những khủng hoảng thần kinh đầy nước mắt. Các em thường hay thích giữ kín “điều bí mật” hoặc tình bạn bất quân bình. Chúng trở nên lười biếng, mơ mộng, nói nhiều, thờ ơ. Nhưng tận thâm tâm chúng cảm thấy nỗi u buồn và kinh hãi. Thái độ ấm ớ như thế chỉ cốt để quên đi nỗi lo sợ. Trong thực tế, chúng rất cần được cảm thông.
Một chiều nọ, Don Bosco âu yếm đặt tay trên đầu một cậu bé 15 tuổi và hỏi: “Con ơi, con làm sao vậy? Hãy nói cho cha nghe: Con ốm có phải không?” Cậu bé ấy đã thoát ra khỏi sự câm lặng của em và trả lời: “Con đói”. Tuổi 15: tuổi khủng hoảng. Trẻ em đói sự cảm thông. “Những em có vẻ như ít muốn được yêu lại cần đến lòng yêu thương nhiều hơn”.
“Hãy để cho trẻ em tự do chạy nhảy, kêu la mặc sức. Thể thao, âm nhạc, kịch nghệ, đi dạo là những phương pháp rất hữu hiệu để giữ kỷ luật, có lợi cho đạo đức và sức khỏe. Chỉ nên lưu ý sao cho các tiết mục liên hoan, những người tham gia và những lời nói không có gì đáng trách”. (Don Bosco)
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô, SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB