“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

GIÁO DỤC ĐỨC TIN CHO TUỔI THIẾU NIÊN

“Một đứa trẻ mỗi chiều lên đồi thả diều, một tay cuốn chặt sợi dây dù, nó thả chiếc diều lên cao tít. Trong khi con diều chao liệng với gió, thì hai con chim bay gần đến, rủ diều bay thi xem ai nhanh nhất. Tuy nhiên, con diều từ chối với lý do là nó bị gắn với ông chủ nhỏ. Nghe vậy, hai con chim nhìn xuống, nhưng chúng chẳng thấy ai. Con diều nói chính nó cũng không thấy, nhưng chắc chắn là có, vì thỉnh thoảng nó vẫn cảm thấy mình bị giật mạnh bởi sợi dây dù”.

Đời người chúng ta luôn có đó những cú giật mạnh của các biến cố giữa những suông sẻ của dòng đời, khiến ta phải dừng lại suy nghĩ và để nhận ra rằng có một can thiệp nào đó ngoài ta, siêu vượt, chi phối cuộc sống con người.

Người Kitô hữu sống đức tin chính là sống dưới sự hiện diện của một Đấng Siêu Việt trong đời sống mình. Đây là một hành trình dài của sự phản tỉnh, trải nghiệm và luyện tập.

Trong hành trình sống đức tin thì tuổi thiếu niên là lứa tuổi gặp nhiều thách đố nhất, do thiếu kinh nghiệm, do đời sống nội tâm còn đang được định hình và phát triển, hơn nữa, tâm sinh lý của thiếu niên đang trong độ tuổi bùng nổ. Vì thế, trong giai đoạn này, các nhà giáo dục đức tin cần hiểu biết tâm lý trẻ để giúp các em nội tâm hoá các giá trị, đồng thời đi đến một bước xa hơn, đó là đi vào tương quan tình bạn với Thiên Chúa.

Có nhiều con đường giúp trẻ lớn lên trong đức tin, thông thường là dậy giáo lý. Tuy nhiên, những “cử hành niềm tin” trong đời sống mới làm cho trẻ sống những điều mình tin một cách thành thạo. Cho nên, trong phạm vi chia sẻ này sẽ không bàn đến vấn đề dậy giáo lý, nhưng cung ứng chìa khoá giúp tuổi thiếu niên sống đức tin, đó là làm thế nào để hướng dẫn các thiếu niên khám phá ra sự hiện diện gần gũi của một Thiên Chúa yêu thương trong đời sống của họ.

Trước hết, ta điểm nét một vài đặc tính tâm lý của lứa tuổi này, để qua đó, ta có thể giáo dục đức tin cho các em cách hiệu quả.

  1. Tâm lý tuổi thiếu niên

Tuổi thiếu niên có thể xem là tuổi ‘trăng chưa tròn’. Các em tuy không còn là trẻ con nhưng lại chưa thành người lớn, chưa có những bản lãnh của người lớn. Giai đoạn này gặp nhiều khủng hoảng nhất,

  • do những biến đổi phức tạp về tâm sinh lý.
  • do sự bùng phát về năng lực bên trong
  • các kích thích tố tăng trưởng

Với những thay đổi ấy, các em có những phản ứng khác nhau như có em bối rối lo lắng; có em cáu kỉnh hung bạo, dễ gây sự, cư xử lệch lạc; có em lại trầm tư khép kín. Nhưng cách chung, các em thích kết bạn, tạo nhóm với phong cách riêng qua hình thức trang phục, kiểu tóc, cách phát ngôn. Tương quan với gia đình giảm thiểu, muốn tự lập, tách khỏi sự quản lý của cha mẹ. Muốn khẳng định mình trong xã hội nhưng thiếu kinh nghiệm và độ bền.

Một số tính cách riêng của lứa tuổi cần để ý như

  • Bồng bột, dễ quên những quy luật, dễ mệt dễ hứng.
  • Dễ thần tượng một ai đó.
  • Thiếu kinh nghiệm, thiếu suy nghĩ thận trọng nên dễ sa vào cám dỗ làm điều xấu.
  • Thích chuyển động, thích vui chơi giải trí, văn nghệ, kịch tuồng, dã ngoại
  • Sinh động, có thiện cảm tự nhiên đối với sự thiện nhưng ngại và chán cầu nguyện.

Ngoài ra, tuổi thiếu niên nổi bật với hai đặc tính là có ý thức sống động về công lý và có tình cảm mãnh liệt. Do vậy, với ngôn ngữ của cõi lòng và khả năng trình bày nét đẹp của sự thiện, nhà giáo dục sẽ dễ dàng chinh phục các thiếu niên.

  1. Kinh nghiệm giáo dục đức tin trong đời sống thực tế

Dựa vào đặc điểm tâm sinh lý của tuổi thiếu niên, xin đề xuất một vài phương cách giúp trẻ tăng trưởng trong đức tin:

a. Khám phá Thiên Chúa trong thiên nhiên, âm nhạc, nhóm bạn

Thiên nhiên là cuốn sách tuyệt vời kể về Thiên Chúa, khi tiếp xúc với thiên nhiên hùng vĩ, các em sẽ dễ cảm thụ được khái niệm về sự cao đẹp và toàn năng của Thiên Chúa, vượt quá những gì có thể đụng chạm, và những ‘mì ăn liền’ trong cuộc sống hiện đại. Chính sự rộng lớn của thiên nhiên làm cho tâm hồn các em mở ra, nhận ra vẻ đẹp của vũ trụ bao la mà chiêm ngắm, thán phục, yêu mến và ca ngợi.

Trong kinh nghiệm giáo dục thanh thiếu niên, Don Bosco đã từng vào nhà tù, xin phép vị Bộ trưởng cho ngài đưa các phạm nhân tuổi trẻ đi dã ngoại mà không cần sự canh chừng của cảnh sát. Chính sự tiếp xúc với thiên nhiên đẹp đẽ và rộng lớn đã làm tâm hồn khô cằn, khổ đau của họ được chữa trị và thay đổi. Ngài đưa việc đi dạo vào trong kế hoạch giáo dục, và luôn thắp lên từ bên trong lòng người trẻ niềm say mê cái đẹp và hạnh phúc. Trong mỗi cuộc đi dạo của Don Bosco, thanh thiếu niên được sống hoà với thiên nhiên, cả nhóm trẻ khuấy lên bầu khí vui tươi, sôi động với đội kèn đồng, đội trống, những tuồng kịch nghệ vui nhộn, lành mạnh khiến người ta tiếp cận được nét tinh khôi của sự thánh thiện.

Tình bạn, niềm vui là hai yếu tố quan trọng trong khoa giáo dục của Don Bosco. Ngài không ngại phá vỡ quan điểm nghiêm khắc đối với giới nhà tu lúc bấy giờ, để rong ruổi với trẻ vô gia cư trên đường phố, con hẻm, một khoảng đất hoang… Đối với Don Bosco, mỗi địa điểm đều có thể trở thành sân chơi, tại đó, ngài thiết lập tình bạn với các thanh thiếu niên và chung hưởng với chúng niềm vui dù chỉ với trái banh da, hay cái bập bênh, những cặp nạng cà khoeo cao lênh khênh…

Ngày hôm nay, để việc giáo dục đức tin cho tuổi thiếu niên trở nên dễ được chấp nhận, chúng ta không thể không tận dụng những điều mà người trẻ cho là giá trị. Do vậy, trong hành trình giáo dục đức tin cho tuổi này, ta hãy mạnh dạn tổ chức những buổi dã ngoại, dùng âm nhạc và cùng thiếu niên hình thành các nhóm bạn với mục đích giúp nhau sống tốt, mà Don Bosco thường gọi là những “Hội lành”.

b. Đi vào tình bạn với Thiên Chúa qua thái độ cầu nguyện

Con đường giúp tăng trưởng đức tin hiệu quả nhất là cầu nguyện. Một việc tưởng chừng dễ nhưng khó, và cũng có khi tưởng khó nhưng lại dễ. Tất cả tuỳ thuộc vào “chiến lược” và sự đồng hành của nhà giáo dục. Bởi cầu nguyện là đi vào mối tương quan với một “Đấng Vô hình”, rất khó để đạt đến mối tương quan này nếu nhà giáo dục đức tin không chú tâm, không kiên trì giúp trẻ từ từ đi vào đời sống thiêng liêng bằng thói quen đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày, hoặc có vài phút thinh lặng để nhìn lại hay cảm tạ cuối ngày.

Một cách thức khác cũng rất hiệu quả, đó là giúp trẻ ý thức về những hành vi tôn giáo, chẳng hạn ‘làm dấu Thánh giá’ mà các tín hữu thường làm nhiều lần trong ngày. Các em cần nhớ khi mình làm dấu nghĩa là một lời tuyên xưng về Thiên Chúa Ba Ngôi, cho nên khi hiểu điều này, các thiếu niên tự nhiên mặc lấy một tâm tình cao quý khi ăn, khi nghỉ ngơi, khi làm việc, khi sống ngày mới… Tức là em dần có ý thức về sự có mặt của một Thiên Chúa trong đời sống, tạo lập mối tương quan với Ngài và dễ dàng đi vào cuộc đối thoại với Chúa.

Cùng một cách thức đó, nhà giáo dục đức tin hoặc cha mẹ nên kiên nhẫn giúp trẻ ý thức trong các nghi thức tôn giáo mình tham dự, như Thánh lễ và việc lãnh nhận các bí tích. Với những ý nghĩa tích cực như thế, việc “cử hành” những hành vi tôn giáo đầy ý thức sẽ giúp tuổi thiếu niên đi vào cầu nguyện một cách hồn nhiên và sâu xa.

c. Sống linh đạo đời thường: “Chúa nhìn con và yêu con”

Don Bosco xác tín rằng “định mệnh” của người trẻ là vui tươi, vì thế hơn ai hết, ngài biết rõ bí quyết của hạnh phúc chính là niềm bình an người ta có trong tâm hồn, và bình an thật chỉ đến từ Thiên Chúa. Do vậy, câu châm ngôn ngài luôn nhắc các em sống, ngài cho dán khắp nơi, đó là “Chúa nhìn con và yêu con”. Nếu một thiếu niên luôn sống cảm thức “Chúa nhìn con”, em sẽ sống trong sự thật, ngay thẳng, không dối trá hay giả hình. Sự “trong sáng của cõi lòng” đem lại cho em sự bình an. Đàng khác, nếu một thiếu niên biết Thiên Chúa đang dõi nhìn em bằng con mắt yêu thương thì em sẽ tự tin, an bình và không còn bồn chồn. Em vượt qua được những thách đố bùng nổ của tuổi mới lớn, đón nhận cách thanh thản mọi sự cố, sẵn sàng chia sẻ với người có trách nhiệm.

“Tin rằng Chúa có mặt trong đời sống mình” tạo nên nơi người trẻ thái độ tin tưởng, phó thác. Nhà giáo dục đức tin hãy kiên trì ‘vạch ra” cho em nhận biết những dấu chỉ này, giúp em hướng tâm hồn về Chúa, với những can thiệp nho nhỏ, như nhắc các em hãy chọn những thời điểm nhất định trong ngày để ‘gọi điện thoại’ cho Chúa, dưới hình thức “những lời nguyện tắt” như “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa!”, “Chúa đang ở đây với con, con tạ ơn Chúa”, hoặc “Chúa nhìn con và yêu con” …

d. Nhận ra tình yêu Chúa ngang qua việc đọc lại ngày sống

Ý nghĩa của việc đọc lại ngày sống. Đọc lại ngày sống tức là việc dừng lại mấy phút để nhìn lại những sự kiện trong ngày, để nhận ra bàn tay hành động của Chúa, để nhận ra biết bao ơn lành đang bao bọc cuộc sống, mà vì vội vã, chúng ta đã chẳng nhận ra. Lời cảm tạ hay xin lỗi là tâm tình người ki-tô hữu có sẽ  tuỳ thuộc lối phản ứng họ có trước các sự kiện. Thực sự, cả những người ngoài Ki-tô giáo cũng có những phút nhìn lại, và họ lấy lương tâm như tiêu chuẩn để đánh giá và điều chỉnh cuộc sống, nhưng cái khác biệt là nơi người ki-tô hữu thì ngoài lương tâm, họ đối diện với chính Thiên Chúa. Tiêu chuẩn họ xét là có “chút Chúa” nào đó trong ngày sống không.

Việc đọc lại ngày sống giả định một cái nhìn đức tin, biết nhận ra hành động cứu độ của Thiên Chúa ẩn giấu trong đời sống, nghe được tiếng nói yêu thương của Chúa cho chính con người mình. Don Bosco thường giúp người trẻ đọc lại ngày sống qua việc cho “huấn từ tối”, đó là một lối chia sẻ kinh nghiệm đức tin bằng cách lược lại một số sự kiện trong ngày dưới ánh sáng đức tin, hay ngài dùng một câu chuyện, một câu Lời Chúa và giúp trẻ đối chiếu với ngày sống của mình.

Nhà giáo dục hãy tập cho các thanh thiếu niên đọc lại ngày sống, dùng khoảng thinh lặng cuối ngày để cảm ơn và xin lỗi Chúa.

Kết luận

Các nhà giáo dục đức tin hãy tận dụng những đặc điểm tâm lý của lứa tuổi này để tuỳ vào điểm mạnh hay yếu của lứa tuổi mà có cách giáo dục đức tin cho thích hợp, để các em tiếp nhận các chân lý đức tin một cách tự nhiên và tự do nhất. Hãy cho trẻ thấy Chúa Giê-su là người bạn đáng yêu nhất, người bạn ấy có mặt và can thiệp vào từng biến cố lớn nhỏ trong đời sống em. Tình bạn không phải là một điều to lớn- mà là một triệu điều bé nhỏ gộp lại. Hơn nữa, định mệnh của người trẻ là hạnh phúc và Thiên Chúa muốn các em vui tươi, tích cực.

Tuy nhiên, lối giáo dục đức tin hiệu quả nhất vẫn là chính con người của nhà giáo dục. Nhà giáo dục phải trau giồi kỹ năng sống đức tin, để giúp các thiếu niên có thể hiểu cái vô hình trong những cái hữu hình nơi đời sống của người hướng dẫn. Và chắc chắn, lối giáo dục đức tin hiệu quả nhất chính là gương sáng, là niềm tin vào CHÂN – THIỆN – MỸ, tắt một lời, nhà giáo dục đức tin hãy làm cho những cung đàn Chân – Thiện – Mỹ rung lên nơi tâm hồn người trẻ. Hãy để Thiên Chúa hát lên nơi lòng các thiếu niên.

Ferreo Bruno, SDB

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG