“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

EM MUỐN SỐNG CHÂN THÀNH VỚI LÒNG MÌNH

Nguyễn Chánh là một trò cũ của tôi, năm nay vừa được 60 tuổi. Từ lâu, anh là giám đốc của một công ty tư nhân chuyên sản xuất các dụng cụ sành sứ và thủy tinh, cung cấp cho các phòng thí nghiệm trong nước và ngoài nước. Cách nay vài năm, môt hôm, Chánh mời tôi đến thăm cơ sở kinh doanh của anh. Sau khi dạo qua khu sản xuất, chúng tôi trở về văn phòng. Đang ngồi chuyện trò với nhau, tôi thấy một thanh niên còn rất trẻ bước vào, cậu báo cáo công việc trong vài phút rồi đi ra. Bỗng dưng tôi quan tâm vì vẻ trí thức trong cử chỉ và lời nói của người thanh niên nên sau đó tôi tò mò hỏi Chánh:

– Cậu đó là công nhân của em phải không? Trông có vẻ dân trí thức chứ không phải lao động thuần túy.

Chánh gật đầu:

– Thày đã đi dạy học nhiều năm nên có nhận xét con người rất xác đáng, dù mới nhìn sơ qua một lần. Đúng đó thày, cậu Thịnh này là một trí thức thực sự, đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, hiện đang làm thủ kho cho công ty của em.

Tôi ngạc nhiên:

– Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, sao không dạy học mà lại đi làm công nhân?

– Vâng, đây là một trường hợp đặc biệt và rất đáng thương. Em xin trình bày cho thày rõ. Cách đây hơn một năm, Thịnh xin vào làm công nhân trong công ty em. Trong đơn xin việc, ở mục “trình độ văn hóa”, Thịnh ghi “Tốt nghiêp Đại học Sư phạm”. Em đọc và ngạc nhiên nên cho mời vào để đích thân phỏng vấn. Thịnh cho biết cậu rất yêu nghề dạy học, do cảm phục tư cách của vài thày cô trong những năm ngồi ghế trung học. Lấy bằng tú tài xong, Thịnh thi tuyển và đậu vào Đại học Sư phạm. Sau bốn năm say mê học tập, cậu ấy tốt nghiệp thủ khoa.

– Thành đạt như thế, tại sao cậu ta không xin đi dạy mà lại đi làm công nhân?

– Dạ, nguyên nhân là thế nầy. Thịnh là con trai duy nhất trong gia đình. Cha mẹ đã về hưu và đang bước vào tuổi già, vì vậy Thịnh cần phải sống gần gũi song thân. Cậu đi hỏi thăm các trường trung học trong địa phương và mừng rỡ khi được hiệu trưởng của một trường cho biết đang cần một giáo viên dạy đúng với môn tốt nghiệp của Thịnh. Ông sẵn sàng nhận Thịnh nếu được cấp trên bổ về. Thịnh rất phấn khởi và đi nạp đơn ngay. Tuy nhiên, cậu nóng lòng đợi ngày này qua ngày nọ, cho đến gần ngày khai trường mà chẳng thấy kết quả. Sau cùng, có một người đến tận nhà để xin gặp mặt. Đó là một tên “cò mồi”. Hắn nói thẳng vói Thịnh rằng muốn được bổ nhiệm theo nguyện vọng thì phải chịu “chung” năm chục triệu đồng. Hắn quả quyết nếu Thịnh đồng ý thì chỉ trong vài ngày thôi chắc chắn có kết quả, còn nếu tiếc tiền thì đừng mong được bổ nhiệm theo nguyện vọng. Nghe xong, Thịnh vừa chán nản vừa tức giận, mời tên “cò mồi” ra khỏi nhà. Sau một đêm thức trắng để suy nghĩ, Thịnh quyết định bỏ nghề dạy học.

Đã từng theo nghề dạy học mấy chục năm nên nghe đến đó, tôi cảm động thở dài:

– Có lẽ gia đình của Thịnh không có tiền để chung chi phải không?

– Thưa thày, không phải thế. Thịnh cho biết cha mẹ cậu suốt đời làm việc siêng năng và sống tằn tiện, nên có thể gom góp số tiền đó cho cậu. Tuy nhiên, Thịnh quả quyết với em rằng cậu chọn ngành sư phạm đâu phải chỉ là kế sinh nhai nhưng còn là ước mong có cơ hội truyền đạt cho tuổi trẻ kiến thức, lối sống lương thiện và chân thật. Nếu bây giờ cậu chấp nhận hối lộ thì hành vi xấu xa đó đã bôi đen tâm hồn của cậu rồi; sau này, phải truyền đạt đạo đức cho học sinh theo tư cách nhà giáo thì hóa ra mình là kẻ dối trá đáng khinh bỉ biết bao, và không biết cậu có tự tin để nói về lối sống đạo đức không nữa. Do vậy, Thịnh dứt khoát bỏ lý tưởng mà cậu ôm ấp từ thuở mới lớn và quyết định đến xin làm công nhân ở công ty này.

Tôi buồn rầu lắc đầu:

– Thật là đáng thương cho một người trẻ tuổi có lý tưởng cao đẹp.

Chánh tiếp lời:

– Vâng, tội nghiệp cho cậu ấy. Có lần em hỏi Thịnh bỏ nghề dạy học như thế có buồn không, và cho đến nay có khi nào cậu ấy hối hận về quyết định của mình hay không. Thịnh cúi mặt trả lời em rằng: “Dạ thưa, lúc đó cháu buồn lắm, có lúc không cầm được nước mắt. Tuy nhiên cháu không hối hận vì quyết định bỏ nghề dạy học. Được sống một cách chân thành với suy tư trong lòng mình cũng là nguồn an ủi rất lớn của cháu, dù phải từ bỏ nguyện vọng tha thiết ấp ủ trong bao nhiêu năm trời.”

Chánh dừng lại một chút rồi kết luận:

– Đêm đó em nằm suy nghĩ và cảm phục người bạn trẻ tuổi nầy đã can đảm bỏ nghề mình yêu quý từ thuở bé để được sống chân thành với lòng mình Bây giờ, sau hơn một năm làm công nhân, đời sống của người thanh niên đáng thương nầy cũng tạm ổn với công việc cùng lương bổng ở đây và không có ý định trở lại nghề dạy học nữa. Thôi thế cũng xong.

Tôi đứng dậy, cám ơn sự tiếp đón ân cần của Thịnh rồi bắt tay từ giã. Trên đường về, trí óc tôi cứ miên man nhớ đến mấy chữ “sống chân thành” trong lời nói của người thanh niên đáng thương và đáng kính phục đó.

Võ Phá

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG