Don Bosco thường lặp lại câu nói độc đáo của thánh Philíp Nêri, với một vài sửa đổi: “Các con cứ chơi, cứ chạy nhảy, cứ vui đùa thỏa thích, miễn là đừng phạm tội”. Don Bosco đã từng là linh hồn của các cuộc chơi trên sân nhiều năm. Ngài chơi với các học sinh. Một niên sử gia đã mô tả trong nhật ký của ông cảnh tượng sau đây: “Năm 1868, Don Bosco đã 53 tuổi. Khi còn trẻ ngài là một lực sĩ; giờ đây ngài đã bước vào tuổi già, đã tàn tạ cơ thể, nhưng vẫn trẻ trung nơi tâm hồn. Nên dù ở tuổi 53, ngài vẫn chấp nhận một cuộc chạy đua với các học sinh. Ngài làm thế để gây hứng khởi cho các cuộc chơi. Ngài không được liệt kê trong danh sách vì chân ngài đang sưng và nhức nhối. Dù vậy, ngài vẫn xếp hàng vào vạch xuất phát. Khi hiệu báo, ngài liền lao chạy. Chỉ chạy một vài bước, ngài đã bỏ lại đàng sau hàng trăm em”. Niên sử gia ấy đã thêm: “Mặc dù nhiều em chạy nhanh kinh khủng”.
Don Bosco biết rõ giá trị giáo dục của trò chơi. Đối với trẻ em, trò chơi trở nên nguồn mạch của niềm vui và bình an.
* Ngăn cản trẻ em chơi là ngăn cản nó sống. Đối với trẻ em, trò chơi không phải để cho qua thì giờ hay để nô đùa vô nghĩa. Khi chơi, trẻ em bộc lộ mình, xây dựng mình, xây dựng thế giới riêng; khi chơi, em vượt thắng tính nhút nhát tự nhiên của mình, ý thức về những năng lực ẩn tàng nơi mình; khi chơi, nó giải thoát mình khỏi tinh thần gây cấn, đánh tan sự cô độc.
* Những đứa trẻ không chơi được là những đứa trẻ bệnh hoạn. Những đứa trẻ không được tự do chơi sẽ dễ dàng trở thành những người lớn nóng nảy và tự ti. Mọi hình thức hạn chế trong khi chơi đều đáng ghét đối với trẻ em. Don Bosco không hài lòng về sự tự do thông thường khi chơi, ngài đòi phải dành cho một sự “tự do rộng rãi”. Ngài chỉ đặt một giới hạn, đó là tội lỗi, vì nó làm tổn thương sự tự do. Nên ghi nhận câu châm ngôn của ngài: “Một ngày chơi đùa mà để lại những ray rứt trong tâm hồn và lo sợ bị Thiên Chúa phán xét thì không gọi được là giải trí”.
* Các nhà tâm lý học tiết lộ: “Khi còn trẻ, ai càng được chơi nhiều và chơi cách đúng đắn, thì sau này trong cuộc sống, sẽ càng tỏ ra mình là người hơn. “Chơi nhiều” và “chơi cách đúng đắn” có nghĩa là gì? “Chơi nhiều” có nghĩa là cần nhiều giờ để chơi, chẳng hạn, một em bé bình thường, trước khi đến tuổi đi học, cần phải chơi mỗi ngày ít là tám tiếng đồng hồ. Còn “chơi cách đúng đắn” có nghĩa là để cho nó tự do lựa chọn trò chơi nào nó ưa thích nhất, trong cách thức nó ưa thích nhất; hơn nữa, cổ vũ nó, chớ không ngăn cản. Không được xâm phạm sự tự do của trẻ em, nhưng phải trông coi khung cảnh và bạn bè cùng chơi. Thiếu kiểm soát về bạn bè là nguyên nhân thường xuyên gây nên những hậu quả tiêu cực của biết bao trò giải trí. Don Bosco luôn chủ trương sự tự do rộng rãi trong khi chơi, nhưng lại mạnh mẽ quả quyết: “Đừng cho phép chơi những trò có hại cho sức khỏe và luân lý của học sinh”.
* Biết bao cha mẹ hoảng sợ khi thấy lúc chơi con cái họ tự do như ngựa đứt cương! Trong trường hợp này, lắm người đã tiên báo cho trẻ em một tương lai đen tối. Họ than phiền: con chơi nhiều quá. Chơi không bao giờ quá nhiều, nếu được tổ chức tốt. Các nhà giáo dục và tâm lý học nhấn mạnh rằng chơi đùa có âm hưởng rất lớn đến sức khỏe thể lý: nhờ chơi mà có được và giữ được sức khỏe, hơn là nhờ trí khôn và ý chí. Trong thực tế, các nhà giáo dục và cha mẹ phải tìm xem điều gì đang làm một số trẻ em bận tâm, khiến chúng tỏ ra ngần ngại, khép kín và ưu sầu. Trái lại, sự vui vẻ huyên náo của những trẻ em chạy nhảy, tranh đua trong bầu khí tự do và lành mạnh ở giữa cánh đồng và ngoài trời, thật tốt đẹp biết bao. Ông Faber nói: “Niềm vui của con người là niềm vui được Đấng Tạo Hóa quí trọng hơn hết, vì nó là một chứng cớ cho thấy chúng ta hài lòng về Ngài”. Nụ cười của trẻ em là âm nhạc của Thiên Chúa.
* Nếu cấm trẻ chơi, điều gì sẽ xảy ra? Trẻ em sẽ trốn tránh và lén lút đi chơi một mình. Nhưng nó làm điều đó với một cảm thức tội lỗi. Và như vậy là bạn đã đầu độc linh hồn nó. Trẻ em cần được để cho những năng lực dồi dào đang thôi thúc trong nó được giải tỏa nhờ cuộc chơi. Nó cần được tập luyện mình, biết đánh giá mình, và so sánh mình với các bạn. Một nhà giáo dục vĩ đại đã không lầm khi nói rằng: “Chính nhờ chơi mà trẻ em gia nhập làm phần tử của xã hội”.
Lời mời gọi của Don Bosco khôn ngoan biết bao: “Các con hãy chơi, hãy chạy nhảy, hãy giải trí thỏa thích, miễn là đừng phạm tội”.
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB