Hồi mười tuổi, Gioan Bosco đã xin mẹ cho phép đi dự hội chợ tại những làng cách Becchi không xa lắm. Cậu muốn học các xảo thuật của những người làm xiếc. Tất cả mọi người đều đi dự những hội chợ ấy: vì nhu cầu, vì thói quen, vì ngày lễ.
Bà Margherita hiểu rõ con bà. Bà biết cậu bồng bột, đầu óc cậu luôn nghĩ ra một vài tư tưởng mới, ấp ủ ước muốn học hỏi và hiểu biết thật nhiều. Bà đã không từ chối cậu, nhưng vặn hỏi cậu:
– Này Gioan của mẹ, mẹ không có tiền, nên con không được xin tiền mẹ đấy nhé!
– Mẹ khỏi lo, con sẽ tự liệu lấy.
Giữa quảng trường, những tay múa rối, những người làm ảo thuật, những kẻ bán thuốc rong, những chàng làm xiếc gây cho dân chúng biết bao kinh ngạc. Họ há hốc miệng nhìn. Để được đứng ở hàng đầu, cậu Gioan đã phải mua một vé đặc biệt: mỗi vé hai đồng. Cậu quan sát những ngón tay đang di động của tay múa rối, những bước họ nhảy, cách họ giữ thăng bằng. Khi về nhà, cậu bắt chước làm những điều mình đã thấy. Nếu thất bại, cậu bắt đầu lại.
Cạnh làng Becchi, có một đồng cỏ: một triền dốc có nhiều cây trái. Một chỗ lý tưởng cho cuộc biểu diễn.
Một Chúa nhật nọ, dân chúng tụ tập tại đồng cỏ ấy và vây quanh cậu bé Gioan; cậu trải trên cỏ một tấm thảm cho những bước nhảy, đặt trên bàn nhỏ một cái bị chứa những điều kỳ diệu, buộc sợi dây giữa hai cây to để đi trên không. Dân chúng quí mến cậu bé tóc quăn đón cậu có giọng nói rõ ràng và có biệt tài thu hút mọi người. Hồi mười tuổi, cậu đã tổ chức cho dân chúng những cuộc giải trí nhằm tôn vinh Thiên Chúa: cậu bé Gioan đã sớm học được cách sử dụng thời giờ rảnh rỗi. Sau này, khi là linh mục, Gioan thường nhắc cho các học sinh: “Chớ gì ma quỉ không khi nào bắt gặp các con ở nhà. Hãy nhớ rằng kỳ nghỉ là mùa gặt của ma quỉ”.
Dùng giờ rảnh thế nào? Don Bosco khuyên như sau:
* Hãy luôn tìm việc để làm và bắt đầu làm ngay. Xét theo tâm lý, điều này rất đúng. Nếu bắt đầu ngay, người ta sẽ dễ dàng vượt thắng những trở ngại đầu tiên. Cảm nghĩ sẽ thành công trong việc ấy lúc đầu đang mãnh liệt sẽ làm cho mình thỏa mãn đến độ có thể đương đầu với các khó khăn trước mắt. Cứ lặp đi lặp lại, cách hành động này sẽ trở thành tự nhiên, dễ dàng.
* Hãy hứng khởi trong việc đang làm. Kẻ nào hứng khởi về việc mình đang làm thì không có gì phải sợ. Mọi chuyện đều trở thành cơ hội tốt đẹp đối với người yêu thích điều mình đang làm. Sự hứng khởi là một đức tính kỳ diệu: nó chiến thắng tính uể oải, khử trừ sự chán nản, khuyến khích hành động. Hơn nữa, nó cũng hay lây: thấy một người hứng khởi, nhiều người sẽ được thúc đẩy bắt chước theo.
* Hãy tìm cách làm một điều gì đó bạn ưa thích. Chúng tôi xin nói rõ: hãy tìm cho bạn một “hobby” (sở thích). Chẳng hạn sở thích sưu tầm tem, sưu tầm bươm bướm, thám hiểm một khu rừng hay một bãi biển bí mật. Ông Leonard da Vinci thường dừng lại để vẽ một cây hoa, một cọng cỏ hoặc cẩn thận tách lấy một khoảnh đất với những cỏ cây tiêu biểu như một khu rừng thu nhỏ và đem về nhà vẽ một cách say mê.
Nhiều nhà nghiên cứu có uy tín về giờ rảnh đã lập được danh sách những điều nên làm hay không nên làm trong giờ rảnh. Thông thường, họ đặt vào hàng thứ yếu những công việc giải trí như câu cá, xem truyền hình, xem thể thao; trái lại, họ khuyên nên tham dự những khóa nghiên cứu, dấn mình vào việc học một ngoại ngữ hay đọc một cuốn sách tốt. Có lẽ Don Bosco đã có lý nhất khi ngài khuyên các học sinh của ngài trở nên hữu ích cho người khác trong kỳ nghỉ. Ngài đã nói với một em: “Con không thể tưởng tượng được mình sẽ hạnh phúc biết chừng nào khi giúp được một người bên cạnh mình”. Các hướng đạo sinh biết rõ kỹ thuật này: vì thế, họ đã quyết định làm mỗi ngày một việc tốt. Tốt hơn hết là làm việc đó không tìm một ích lợi nào cho bản thân mình. Chúa Giêsu đã phán: “Cha trên trời, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ thưởng công cho ngươi”.
“Một giờ kiếm được vào ban sáng là một kho tàng cho ban chiều. Mỗi một phút là một kho tàng quí báu; nó có giá trị vô cùng, nó có giá trị như chính Thiên Chúa”. (Don Bosco)
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB