Một chiều thứ bảy đẹp trời của năm 1973, tôi đi dạo một mình trên đại lộ Lê Lợi, ghé vào tiệm kem Mai Hương để giải khát và ngắm nhìn thiên hạ dập dìu qua lại. Vừa ngồi xuống ghế thì một đứa trẻ khoảng mười hai tuổi xách một thùng gỗ đến ngồi thụp xuống kế chân tôi:
– Con xin đánh giày nghe ông?
Thấy mặt đứa bé sáng sủa dễ thương, giọng nói nhỏ nhẹ lễ phép, tôi không nỡ từ chối, vội kéo ghế ra khỏi bàn, ngồi nghiêng lại và đưa hai chân mang giày cho em. Đứa bé mở thùng dụng cụ và bắt đầu làm việc. Tôi hỏi:
– Em đi đánh giày lâu chưa?
– Dạ khoảng hai năm nay.
– Em có đi học không?
– Dạ trước đây, con đi học tới lớp bốn thì má con đau nặng, con phải nghỉ học, theo tụi nó đi đánh giày để mỗi ngày đem tiền về cho má.
Nhìn gương mặt sáng sủa, non nớt của đứa bé, tôi cảm thấy xót xa.
– Em có cha không?
– Dạ có. Ba con đạp xích lô. Bây giờ có nhiều tắc xi nên ba con không kiếm đủ tiền để nuôi ba anh em con đi học.
– Trước khi bị bịnh, mẹ em không làm việc gì giúp cha em sao?
– Dạ có. Má con bán cá ở chợ Bà Chiểu.
– Chắc là lời ít lắm phải không?
– Má con đâu biết chuyện lời lỗ vì má con làm thuê cho chủ vựa cá, lương ít lắm, cộng thêm với tiền đạp xích lô của ba con cũng chỉ nuôi được hai đứa em con đi học. Vì vậy, con là đứa lớn nhất phải đi làm. Má con còn nói lớn lên con đạp xích lô như ba con hay đi làm thợ thì chẳng cần học cho nhiều.
Là thầy giáo nên khi nghe em bé phải bỏ học để đi kiếm sống thì tôi cảm động vô cùng. Tôi hỏi em:
– Ngày mai là Chúa nhật có đông du khách, có lẽ em sẽ kiếm được nhiều tiền hơn về cho mẹ phải không?
Đứa bé lắc đầu:
– Không, Chúa nhật, con không đi làm.
– Vậy em ở nhà chơi với hai em hả?
– Không, con không ở nhà, con đi suốt ngày.
– Đi đâu vậy?
– Đi chơi ở nhà dòng Đông Bốt Cô (Don Bosco) từ sáng đến chiều tối. Nhà dòng đó ở Thủ Đức, gần Chùa Một cột.
Nghe đứa bé nói đến Dòng Don Bosco, tôi thoáng giật mình vì tôi cũng đang dạy học tại đó, nhưng lúc này tôi không nói ra với em vì tò mò muốn dò cho biết ý nghĩ của em về ngôi trường mà tôi đang dạy.
– Em đến nhà dòng Don Bosco để làm gì vậy?
– Vui lắm ông ơi. Có rất nhiều đứa nhà nghèo như con, làm đủ thứ nghề ngoài đường: đánh giày, bán cà rem, kẹo bánh, bán vé số và cả ăn xin nữa. Từ sáng sớm, tụi con tụ họp tại nhà dòng và cả ngày được các anh ở trong đó cho ăn uống, dạy ca hát và tổ chức chơi thể thao. Trong đó có tới hai sân đá banh lận. Có nhiều sân bóng chuyền, bóng rổ, nhiều bàn “binh bông” và có cả bàn “bi da” nữa. Chơi thiệt là vui.
– Trong đó không ai dạy các em học sao?
– Dạ không, chỉ có chơi rồi ăn uống. Đến chiều, mấy anh cho xà bông tắm rửa và có khăn lau sạch sẽ, khoái lắm. À quên, có lần, một ông cha mặc áo dòng dài đen tập họp tụi con lại, biểu ngồi im để ổng giảng cho nghe. Ổng nói tụi con được như thế nầy là do ý muốn của ông Thánh Đông Bốt Cô. Ông Thánh chết lâu rồi và khi còn sống ở Âu châu, ông Thánh đã đem cả cuộc đời mình để lo cho nhũng đứa trẻ bụi đời bên đó. Tụi con nghe thì thương ông Thánh lắm. Con nghĩ: “Ước gì ông Thánh còn sống, qua Việt Nam chơi thì con sẽ đánh giày cho ông Thánh mà không lấy tiền”.
Nói xong, đứa bé ngẩng đầu lên:
– Cả hai chiếc giày của ông con đánh xong rồi, ông nhìn xem.
– Ừ, tốt lắm, cám ơn em. Bao nhiêu tiền đây em?
– Con xin ông hai trăm đồng.
Tôi gọi cô bán kem đến, xin một cái bao đựng tất cả số bánh ngọt trên bàn. Tôi trao tiền và gói bánh cho đứa bé:
– Tôi gởi chút quà về cho hai đứa em của em đang ở nhà.
Qua giây phút ngạc nhiên, em đứng nhìn sững tôi với đôi mắt ngây thơ rồi cầm tiền và gói bánh, nói lí nhí trong miệng:
– Con cám ơn ông.
Nói xong, em xách thùng đồ nghề rồi đi lẫn vào dòng người lũ lượt trên đường phố Sài Gòn. Tôi ngồi lặng im, thấy mắt mình cay cay, vội rút khăn tay chậm vào hai mí mắt.
Võ Phá