“CHỈ CẦN CÁC CON CÒN TRẺ LÀ ĐỦ ĐỂ CHA HẾT LÒNG YÊU MẾN CÁC CON.”
Cậu bé Gioan Bosco sinh ngày 16 tháng 8 năm 1815 tại một xóm nhỏ Castelnuovo D’Asti, ở Piedmont, thường được gọi là “Becchi”.
Khi cậu còn là một đứa trẻ, cái chết của người cha đã khiến cậu trải nghiệm nỗi đau của rất nhiều trẻ mồ côi đáng thương mà cậu sẽ trở thành một người cha yêu thương chúng cách đặc biệt. Gioan Bosco đã tìm thấy một mẫu gương về cuộc sống Kitô hữu nơi người mẹ của cậu là mẹ Magarita, bà đã ghi khắc cách sâu sắc trong tâm hồn cậu Gioan.
Lúc 9 tuổi, Gioan Bosco có một giấc mơ tiên tri: cậu dường như đang ở giữa rất đông trẻ em đang chơi đùa, tuy nhiên trong số đó có một số trẻ chửi thề, la mắng và thóa mạ các bạn khác. Ngay lập tức, Gioan nhảy vào giữa chúng, dùng lời nói và nắm đấm để ngăn cấm họ không được chửi thề, nói tục; nhưng rồi, một người đàn ông uy nghiêm xuất hiện nói với cậu: “Con sẽ phải thu phục những người bạn của con không phải bằng roi vọt nhưng bằng sự dịu hiền và tình thương … Ta sẽ ban cho một Bà giáo. Dưới sự hướng của Bà, con có thể trở nên khôn ngoan. Nếu không có sự hướng dẫn đầy khôn ngoan của Bà, mọi thứ chỉ là ngu xuẩn”. Người đàn ông oai nghiêm này là Chúa Giêsu và Bà giáo chính là Đức Maria, người sẽ hướng dẫn Gioan trong suốt cuộc đời của cậu và là Đấng mà cậu tôn kính với tước hiệu “Phù Hộ Các Giáo hữu”.
Biến cố này ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống Gioan Bosco kể từ đó. Và vì thế mà Gioan đã học cách để trở thành một người nhào lộn, một nhà ảo thuật, một ca sĩ, một người tung hứng để thu hút những người bạn đồng trang lứa và giúp chúng tránh xa những dịp phạm tội. Gioan nói với mẹ Magarita: “Nếu chúng ở lại và vui chơi với con, chúng không nói tục”.
Muốn trở thành một linh mục, để cống hiến hết mình cho việc cứu rỗi trẻ em, ban ngày làm việc, ban đêm với đèn sách, cho đến năm 20 tuổi, Gioan Bosco được vào chủng viện ở Chieri và được phong chức linh mục ở Tôrinô năm 1841, ở tuổi hai mươi sáu.
Trong thời điểm đó, thành Tôrinô có rất nhiều cậu bé mồ côi nghèo khổ hoặc bị bỏ rơi đang tìm việc làm, phải đối mặt với nhiều nguy hiểm về tâm hồn và thể xác. Don Bosco bắt đầu qui tụ chúng vào các ngày Chúa Nhật, đôi khi ở Nhà nguyện, đôi khi ở đồng cỏ, hoặc trong quảng trường để chúng vui chơi với nhau và để ngài có thể hướng dẫn chúng về Giáo lý, sau 5 năm vô cùng khó khăn, Don Bosco đã ổn định được chỗ ở vùng ngoại ô thành Tôrinô tại Valdocco và mở ra Nguyện xá đầu tiên của mình.
Ở đó, các cậu bé có được những bữa ăn và chỗ ở, được học văn hóa hoặc học những nghề đơn giản, nhưng trên hết, chúng học được cách yêu mến Thiên Chúa: Thánh trẻ Đaminh Saviô là một trong số họ.
Don Bosco được yêu mến bởi “những chú nhóc ranh con” của ngài (như cách gọi của chúng). Đối với những người hỏi ngài về bí quyết giúp trẻ thăng tiến trong cuộc sống, Don Bosco đã trả lời: “Với lòng nhân từ và tình thương mến, tôi cố gắng thu phục những người bạn của tôi cho Thiên Chúa”. Đối với chúng, Don Bosco đã hy sinh tất cả số tiền ít ỏi mà ngài có, thời gian, sự khéo léo và sức khỏe của ngài. Với chúng, ngài đã trở thành một vị thánh. Vì chúng, ngài thành lập Tu hội Salêdiêng gồm các linh mục và sư huynh muốn tiếp tục công việc của ngài và được ngài trao ban như là người với “mục đích chính là ủng hộ và bảo vệ uy tín của Đức Thánh Cha”.
Vì muốn mở rộng việc tông đồ cho các thiếu nữ, cùng với Mẹ Thánh Maria Domenica Mazzarello, ngài đã thành lập Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu.
Tu hội Salêdiêng và Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu đã lan rộng khắp thế giới và phục vụ người trẻ, người nghèo và người đau khổ, với các trường học ở mọi cấp độ, các học viện kỹ thuật và nghề nghiệp, bệnh viện, trạm xá, nguyện xá và giáo xứ.
Ngài dành tất cả thời gian rảnh rỗi của mình, cả kể những giờ ngủ, để viết lách và phổ biến những cuốn sách nhỏ dễ đọc nhằm mục đích giáo dục Kitô giáo cho dân chúng.
Ngoài việc là một người rất tích cực làm công việc từ thiện, Don Bosco còn là một trong những nhà thần nghiệm vĩ đại.
Tất cả công việc của Don Bosco bắt nguồn từ sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Ngay từ thời trẻ, Don Bosco đã nuôi dưỡng và phát triển ước mơ dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và trung thành với kế hoạch mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ngài, được hướng dẫn từng bước bởi Đức Trinh Nữ Maria, Đấng truyền cảm hứng và hướng dẫn mọi công việc của ngài.
Nhưng sự kết hợp hoàn hảo của Don Bosco với Thiên Chúa, có lẽ giống như một số vị thánh, được kết hợp với rất nhiều sự tốt lành của con người, trí thông minh và sự quân bình, mà chúng ta có thể thêm công trạng tri thức đặc biệt về tâm hồn, một sự hiểu biết đã trưởng thành qua từng giờ trong ngày sống với việc mục vụ giải tội, chầu Thánh Thể và gặp gỡ thường xuyên với giới trẻ và mọi người ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh.
Don Bosco đã tạo ra những thế hệ các vị thánh, vì ngài mời gọi những người trẻ của ngài đến với tình yêu của Thiên Chúa, thực tại của cái chết, sự phán xét của Thiên Chúa, sự hiện hữu của Thiên đàng và Địa ngục, khát vọng cầu nguyện, tránh tội lỗi và các dịp phạm tội, và tiếp cận với Bí tích thường xuyên.
“Các chàng trai yêu mến của cha, cha yêu chúng con bằng cả trái tim, và chỉ cần chúng con con trẻ là đủ để cha yêu mến chúng con hết lòng”. Don Bosco yêu mến người trẻ theo cách mà mỗi người trong chúng đều cảm thấy mình được yêu thương đặc biệt.
“Chúng con sẽ tìm thấy những tác giả đạo đức và uyên bác hơn cha rất nhiều, nhưng chúng con khó có thể tìm thấy ai yêu mến chúng con nhiều hơn cha trong Chúa Giêsu Kitô, hoặc người khao khát chúng con được thực sự hạnh phúc hơn cha.”
Kiệt sức với việc hoạt động không mệt mỏi của mình, không lâu sau đó, Don Bosco đổ bệnh nặng. Một chi tiết cảm động: nhiều người trong số những người trẻ của Don Bosco đã thay mặt ngài dâng hiến mạng sống của họ cho Thiên Chúa. “… Những gì con đã làm, con đã làm cho Chúa … Có thể làm nhiều hơn thế … Nhưng những đứa trẻ của con sẽ làm công việc này.”
Trước khi qua đời nhiều năm sau đó, một trong những lời khuyên nhủ của Don Bosco là: “Hãy nói với những người trẻ rằng cha chờ đợi họ trên Thiên đàng …”.
Don Bosco mất vào ngày 31 tháng 1 năm 1888 trong căn phòng tồi tàn của mình tại Valdocco, hưởng thọ 72 tuổi.
Vào ngày 1 tháng 4 năm 1934, Đức Piô XI, người có may mắn được biết Don Bosco một cách riêng tư, đã tôn phong ngài là một vị Thánh.
Gia Thi, SDB tổng hợp