Ai đến Valdocco (Torino) để thăm Nhà Mẹ của Tu Hội và đến viếng Đền Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu đều có thể nhìn từ phía trên mái vòm của Đền thờ, tượng Mẹ Maria Vô nhiễm mạ vàng. Đền thờ, được xây dựng bởi Don Bosco như một biểu hiện của lòng yêu mến vô biên và lòng biết ơn của ngài đối với Đức Mẹ. Cho đến ngày nay, các tín hữu đến thăm viếng đền thờ có thể được nhìn thấy bên trong nét tuyệt đẹp của kiến trúc, nhất là bức hoạ Đức Mẹ Phù Hộ ngay chính giữa cung thánh. Riêng phần bên ngoài, trên đỉnh của mái vòm, giữa bầu trời lồng lộng là một bức tượng mạ vàng xinh đẹp của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Mẹ Phù hộ các Kitô hữu – một ở bên ngoài, một ở bên trong – là hai danh hiệu mà Don Bosco muốn tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, bởi vì cả hai đều liên quan đến đặc sủng và sứ mệnh của ngài: sự cứu rỗi giới trẻ thông qua một nền giáo dục toàn diện, một lối giáo dục với tính chất dự phòng giúp họ tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, sự trưởng thành nhân bản và hạnh phúc đời đời, làm cho bạn trẻ lớn lên trong sự tốt lành, hướng tất cả năng lượng của họ tới mục tiêu này. Chúng ta hãy cùng lắng nghe cha Pascual Chávez nói về Mẹ Vô nhiễm – một trong những chủ đề rất gắn bó với Don Bosco.
Tước hiệu “Vô Nhiễm Nguyên Tội” của Mẹ Maria
Đã hơn 150 năm kể từ ngày Giáo Hội ban hành tín điều Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, và Lễ Mẹ Vô nhiễm luôn là một cơ hội tuyệt vời để làm tăng thêm lòng sùng kính của chúng ta với Đức Maria – một trong những nét đặc biệt của đặc sủng Salêdiêng, trong đó liên quan đến khả năng trực giác sư phạm tuyệt vời là hệ thống giáo dục dự phòng Don Bosco .
Như tất cả mọi sự can thiệp của Thiên Chúa , ngay cả đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria cũng đã xảy ra theo Thánh ý, là chủ đề của lễ kỷ niệm và là lời tạ ơn Thiên Chúa, Đấng giữ gìn tỳ nữ ở Nazareth khỏi tội Nguyên tổ. Bằng cách này, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta nhìn thấy trong kế hoạch ban đầu của Ngài: “để cho ta được trở nên thánh thiện và vô tội trước Thánh nhan ngài trong tình yêu, Người đã tiền định cho chúng ta thành những đứa con thừa tự nhờ Đức Giêsu Kitô”, như áng văn chương và thần học sâu sắc của Thư gửi tín hữu Êphêsô (x. Ep1, 3-6, 11-12 ).
Thiên Chúa đã dành riêng Mẹ Maria và mời gọi Mẹ cộng tác vào công việc cứu độ của Ngài, chọn làm mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, theo tường thuật về Truyền tin của Tin Mừng Thánh Luca (x. Lc 1, 26-38). Như vậy, nơi Đức Maria Vô Nhiễm, Thiên Chúa muốn phục hồi “thiên đường bị đánh mất” do sự bất tuân của người đàn ông và người phụ nữ đầu tiên trong câu chuyện Cựu ước (theo sách Sáng thế), và giới thiệu một “nhân loại mới” thông qua một “Eva mới” là Đức Maria và Đức Giêsu-Con của Mẹ, một “Adam mới”.
Đối với người Salêdiêng, lễ Mẹ Vô nhiễm rất thân thiết và quan trọng vì nó đánh dấu nguồn gốc của Tu Hội Thánh Phanxicô Salê. Chúng ta đều biết rất rõ Don Bosco đã hoàn toàn tin tưởng về tầm quan trọng của sự kiện này: “Tất cả những gì lớn lao nơi công cuộc của Tu Hội chúng ta đã được khởi sự và hoàn thành vào ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội” ( MB XVII, 510 ).
Có một lý do sâu xa hơn mà Don Bosco yêu mến Đức Mẹ Vô Nhiễm và điều đó nằm ở sự độc đáo của ơn gọi “là nhà giáo dục thanh thiếu niên” của chúng ta, vì Don Bosco nhìn thấy nơi Đức Maria – Mẹ Vô Nhiễm – khuôn mẫu và hoa trái hoàn hảo nhất của “Hệ thống dự phòng của chính Thiên Chúa”. Nếu nguồn gốc của lời nguyền bắt đầu từ sự bất tuân của người đàn ông và người phụ nữ đầu tiên (x. St 3, 9-15 ) thì khởi đầu cho những lời chúc là sự vâng phục của một người phụ nữ – người đã đồng ý hợp tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu rỗi của Ngài và do đó trở thành người “tôi tớ của Thiên Chúa” – Đức Maria.
Theo Tin mừng của Thánh Luca, ngoài những gì được nói tới về “kinh nghiệm tâm linh của Mẹ Maria”, tác giả muốn nói với chúng ta “phương pháp sư phạm của Thiên Chúa”, phương pháp cứu độ của Ngài. Từ đây chúng ta có thể học biết để cảm thấy “được yêu thương”, “được đầy ân sủng”, để khám phá kế hoạch của Thiên Chúa đối với chúng ta rồi từ đó nhận lấy kế hoạch này, và như Đức Maria, biến thành chương trình sống của cá nhân chúng ta, để Thiên Chúa nhập thể vào trong cuộc sống của chúng ta, thông qua lòng thương mến biến kế hoạch cứu độ này trở nên cụ thể và có thể tiếp chạm được từ phía những người trẻ – những người cần tình yêu của Thiên Chúa.
Trong câu chuyện Truyền Tin theo Thánh Sử Luca, có ba yếu tố mang tính chất thần học quan trọng về Đức Maria (Thánh Mẫu học). Đầu tiên, đó là lời chào của Thiên sứ Gabrien. Công thức thông thường lời chào mừng “Ave” (Kính Chào!) được thêm vào danh hiệu “Người đầy ân sủng”. Đó là cách mô tả “thân thế của Đức Maria” và tình trạng “được đầy ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa”, xác định việc Mẹ được Thiên Chúa yêu thương qua sự hiện diện của Ngài – “Thiên Chúa ở cùng bà”. Lời chào bắt đầu một cuộc đối thoại về ơn gọi: nó tiết lộ cho Đức Maria biết rằng Thiên Chúa tin yêu và mời gọi sự cộng tác của Mẹ.
Yếu tố thứ hai là trung tâm của lời truyền tin – “Mẹ Đồng trinh”. Câu hỏi của Mẹ: “Điều đó thế nào được? Tôi không biết đến người đàn ông” – Đức Maria không thể hiện bất kỳ sự phản đối hay một cảm giác của sự hoài nghi nào theo ý muốn của Thiên Chúa. Ngược lại, Mẹ nhấn mạnh việc “không thể” theo ý kiến của Mẹ về kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho mình (một kiểu “đặt lại vấn đề” điển hình trong các tường thuật Kinh Thánh về ơn gọi). Người Con mà Mẹ sẽ cưu mang là có thể bởi vì “không có gì là không thể đối với Thiên Chúa”: đặc ân làm Mẹ Đồng trinh của Đức Maria là khía cạnh đặc biệt khác nơi việc làm người của Con Thiên Chúa, theo nghĩa là việc làm người của Chúa Giêsu là một công trình sáng tạo của Chúa Thánh Thần.
Cuối cùng, yếu tố thứ ba rất quan trọng cho hình ảnh của Đức Maria theo Thánh Luca, đó là sự chấp nhận của Mẹ về kế hoạch của Thiên Chúa muốn dành cho mình: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy làm cho tôi theo lời của Ngài”. Đây không phải là sự cam chịu để “phải chấp nhận việc không thể tránh khỏi”. Đức Maria chỉ muốn Thiên Chúa thực hiện điều Ngài đã nói với Mẹ. Thái độ của Mẹ rất khác so với Adam và Eva! Trong trường hợp của Đức Maria, việc chấp nhận sự lệ thuộc chính bản thân và các dự án cuộc sống của Mẹ hoàn toàn vào lời mời gọi của Thiên Chúa song hành cùng tình trạng “đầy ơn phúc” của người tôi tớ Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói rằng ân sủng đã dẫn đường, mở cửa tâm hồn Đức Maria cho Thiên Chúa và đã làm trổ sinh Đức tin nơi Mẹ. Thần học gia Hans Urs von Balthasar viết rằng “Chỉ có tình yêu là xứng đáng với niềm tin”. Mẹ Maria đã tin vào tình yêu. Đây cũng chính là sự vĩ đại và niềm hạnh phúc của Mẹ: “Phúc cho bà là kẻ đã tin” ( Lc 1, 45).
Hình ảnh Đức Mẹ Vô Nhiễm dẫn chúng ta đến việc chiêm ngưỡng và cảm phục Chúa Thánh Thần, vì “ nơi Đức Maria, Chúa Thánh thần đã xây dựng sự hiệp nhất giữa bản tính con người và bản tính Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời”. Chắc chắn việc trở thành “Mẹ Đồng trinh” của Đức Maria là một hoạt động của Chúa Thánh Thần, và điều đó được thực hiện trong tâm hồn “người nữ vâng phục”, nơi “con người và Thiên Chúa kết hợp nên một”. Cũng cần nói thêm rằng qua hình ảnh Đức Mairia, những gì thực sự mới mẽ và thực sự tốt lành mà chúng ta có thể khám phá ra được đó là: sứ mệnh của tất cả mọi người được Thiên Chúa kêu gọi không hoàn toàn khác lạ so với kinh nghiệm của Đức Maria – Làm sao để trong cuộc sống và trong cõi lòng chúng ta, Thiên Chúa và con người, Thần khí và xác thịt, tạm thời và vĩnh cửu, lịch sử nhân loại và ơn cứu độ gặp gỡ nhau. “Mang Chúa đến cho con người và mang con người đến với Thiên Chúa” là sứ mệnh đậm nét “Maria” và cũng mang tính cách Saledieng.
Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và hệ thống giáo dục dự phòng của Don Bosco
Ngoài các chiều kích tinh thần như chúng ta đã đề cập, hình ảnh Đức Mẹ Vô Nhiễm còn biểu lộ những điểm khác nữa và có thể minh họa cho phương pháp sư phạm của Thiên Chúa. Đó là những gì đã giúp Don Bosco khi ngài đã chọn Mẹ làm Bà giáo cho công cuộc của mình, và những điều ấy trở nên nền tảng thần học của Hệ thống giáo dục Dự phòng: tình yêu “đi bước trước”, sự yêu thích và đồng cảm, sự hiện diện và làm cho mình trở thành dễ gần, thể hiện qua cử chỉ, hành động, qua lời nói có sức mang lại ý nghĩa cho những cử chỉ và hành động, và qua hành động được thực hiện cách cụ thể có thể tạo nên cho người khác cảm giác được yêu thương. Đó là sức mạnh biểu lộ động lực của tình yêu.
Như một thụ tạo được đặc ân vô nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria làm tỏa sáng sức mạnh của tình yêu mà Mẹ sở hữu, có khả năng mở trái tim của con người. Từ đây, Don Bosco cũng đã học được cách sống với người trẻ để làm cho họ “cảm thấy được yêu thương” – như Don Bosco từng nói – và ngài đưa dẫn họ đến việc “học cách nhìn thấy tình yêu trong những điều mà với họ cách tự nhiên là “những gây điều khó chịu”, như việc tuân giữ kỷ luật, việc học hành, việc khổ chế bản thân, để rồi các bạn trẻ tự nguyện làm những điều này với tình yêu” (MB XVII, 110).
Tất cả dựa trên quan điểm sư phạm, theo những gì Thánh Gioan viết: “Đây là tình yêu thật: không phải chúng ta yêu Thiên Chúa trước, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và đã sai Con của mình đến với chúng ta…” (1 Ga 4, 10); và điều này cũng có nghĩa là kinh nghiệm sống bác ái và nhận ra tình yêu thương sẽ giúp con người giải phóng từ trong bản thân mình những gì là tốt nhất, những gì đến từ trái tim.
Chúng ta chẳng phải ngạc nhiên gì khi biết rằng trong kinh nghiệm sư phạm của mình, Don Bosco luôn tập trung nơi Đức Ái và lòng thương mến Salêdiêng (amorevolezza). Điều này thúc đẩy ngài hành xử theo hệ thống giáo dục Dự phòng, trong đó ngài tập trung vào việc gặp gỡ những người trẻ, luôn “đi bước trước”, dành ưu tiên những người trẻ nhỏ bé và bị quên lãng. Ngài yêu thương các bạn trẻ và làm cho họ cảm nghiệm được tình yêu của mình. Với Don Bosco, Đức Mẹ Vô Nhiễm là hiện thân của tình yêu mang tính chất “dự phòng” của Thiên Chúa, một tình yêu giúp ngăn chặn những tác hại đe dọa đến cuộc sống, hạnh phúc và sự trưởng thành viên mãn của tuổi trẻ và là động lực thúc đẩy họ tìm kiếm những điều tốt đẹp để trưởng thành hơn, để phát triển hết mọi tiềm năng của mình và để đạt được tầm vóc của con người hoàn hảo.
Chúng ta hãy xin Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ân sủng để cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa – Đấng đã chọn và mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài trong công trình cứu độ; ân sủng để học biết và đáp trả cùng một đức tin đã dẫn Đức Maria đến việc đón nhận Con Thiên Chúa trong cung lòng mình và mang tặng Người Con ấy cho thế giới. Xin Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội dạy chúng ta hiểu phương pháp sư phạm của Thiên Chúa, cũng là chính cách thức đã dẫn Don Bosco khám phá và thực hành hệ thống giáo dục dự phòng với thanh thiếu niên.
(Tô-ri-nô 12.2013 – Tuần 9 ngày kính Me Vô nhiễm.
Lê An Phong, SDB – lược dịch từ bài giảng
của cha Bề Trên Cả P. Chavez – 2005).