Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ, bởi lẽ nhiều nhu cầu của con người gắn liền với công nghệ: làm việc cũng công nghệ, học tập cũng công nghệ, rồi vui chơi, giải trí, ăn uống và kể cả ngủ nghỉ. Có công nghệ, dường như mọi thứ được đơn giản hóa, chất lượng cuộc sống và công việc cũng được nâng lên, tiết kiệm được công sức và thời gian; nhưng liệu rằng công nghệ có làm phát triển đời sống đạo đức, thiêng liêng của con người, đặc biệt là người Kitô hữu không.
Đối với nhiều người, đặc biệt là đối với người trẻ hôm nay, những khái niệm về đời sống nội tâm, thinh lặng, cầu nguyện đang dần trở nên xa lạ. Trong khi đó, trang mạng xã hội Facebook lại được biết đến và sử dụng với hơn 2 tỷ người dùng, không phân biệt tuổi tác, trình độ hay giai cấp. Con người hôm nay chọn nó như một cách để gặp gỡ, để giao tiếp và có vẻ như cũng là một cách để thể hiện và để sống. Thật ra, tự thân nó chẳng có hại gì, cũng chẳng xấu xa gì; nhưng khi quá lệ thuộc vào nó, chúng ta lại mất đi sự tương quan thật, hay còn gọi là mối tương quan hiện hữu giữa người với người, đặc biệt là giữa chúng ta với Thiên Chúa, bằng đời sống nội tâm. Vậy đời sống nội tâm có tầm quan trọng nào?
1. ĐỜI SỐNG NỘI TÂM, ĐỂ THẤY CHÚA
Đời sống nội tâm là cách thức đầu tiên để thấy Chúa, bằng chính việc cầu nguyện, đó không phải là lời độc thoại, nhưng là cuộc đối thoại, cuộc trò chuyện với Chúa. Khi thực sự cầu nguyện, nghĩa là chúng ta đang dành thời gian cho Chúa và đang muốn thực sự xây dựng mối tương quan với Chúa cách mật thiết. Bên cạnh đó, cầu nguyện là lúc chúng ta nhận ra Thiên Chúa đang ở bên, đang nhìn và lắng nghe chúng ta; để từ đó, Thiên Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta vượt qua những khó khăn nơi cuộc sống này.
Cũng có nhiều người than phiền vì chẳng bao giờ thấy Chúa trả lời cũng như đáp ứng lời cầu nguyện của mình. Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định và xác tín cách chắc chắn rằng Chúa sẽ trả lời và đáp ứng tất cả những lời khẩn nguyện của chúng ta, nhưng là theo cách của Chúa. Qua đó, chúng ta cũng phải xem lại nội dung và cách thế chúng ta cầu nguyện, đặc biệt là chúng ta đã cầu nguyện trong tâm tình nào, đó có phải là tâm tình phó thác không.
Và tốt nhất, chúng ta hãy học nơi Đức Giêsu, người thầy chí thánh của chúng ta về mẫu gương cầu nguyện. Nơi Đức Giêsu, chúng ta học được thái độ khiêm nhường khi cầu nguyện, để tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa Cha; kế đến, Ngài cầu nguyện để có được nguồn năng lượng cho đời sống phục vụ tha nhân; và sau hết, cầu nguyện là lúc vun trồng mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa. Cầu nguyện không chỉ là nói, là độc thoại, mà còn phải là lắng nghe; khi có đủ 2 yếu tố ấy, thì việc cầu nguyện của chúng ta mới trở nên trọn vẹn.
2. ĐỜI SỐNG NỘI TÂM, ĐỂ THẤY CHÍNH MÌNH
Chúng ta vẫn thương nghe nói không ai hiểu mình bằng chính mình, nhưng chúng ta cũng phải biết rằng người mà chúng ta không thể hiểu được cũng chính là bản thân mình. Biết mình là có thể đưa ra được những điểm mạnh điểm yếu, biết được cơ hội và những thách đố, để từ đó, chúng ta sẽ có những kế hoạch phù hợp cho chính bản thân mình.
Biết mình là cách chấp nhận bản thân. Đó là điều không dễ, sự khiêm nhường phải luôn hiện hữu nơi mỗi người chúng ta, phải trở nên đức tính căn bản để từ đó chúng ta học được cách đón nhận và chấp nhận. Chúng ta sẽ không thể thay đổi nếu như chúng ta không học cách chấp nhận, vì chỉ khi chấp nhận, chúng ta mới nhận ra đôi khi có những điều tự nhiên mà tự thân chúng ta không làm được mà phải nhờ vào ơn Chúa giúp, “không có Thầy, anh em không thể làm được gì.” (Ga 15, 5)
Kế đến, chấp nhận bản thân là lúc chúng ta nhìn ra được những giới hạn của mình, để từ đó thay đổi và hướng tới những điều hoàn thiện hơn, hay chúng ta còn có thể gọi đó là ý thức về sự giới hạn của bản thân. Chấp nhận bản thân cũng là lúc chúng ta sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta không thể chấp nhận mình nếu như chúng ta không nhìn nhận kiếp người tro bụi với nhiều yếu đuối; nếu chúng ta không chấp nhận mình, nghĩa là chúng ta cũng không chấp nhận và tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên ta.
3. ĐỜI SỐNG NỘI TÂM, ĐỂ THẤY THA NHÂN
Con người mang trong mình xã hội tính, tức là mối tương quan với mọi người xung quanh; khi ấy, đời sống nội tâm giúp chúng ta nhìn ra những nhu cầu của mọi người xung quanh bằng tình yêu thương. Nếu chúng ta ích kỷ, nghĩa là chúng ta đã đóng toàn bộ những cánh cửa để không nhìn thấy tha nhân, và sau cùng, chúng ta chỉ còn sống một mình trong sự đơn độc.
Khi không thấy được những nhu cầu người khác, nghĩa là chúng ta không thực sự quan tâm tới họ, không dành tình yêu cho những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Trong cuộc sống thường ngày, đời sống nội tâm làm cho con người đi vào sự bình an, hy vọng và tin tưởng; từ đó mở ra tầm nhìn rộng hơn tới mọi người bằng chính tình yêu của Thiên Chúa và coi họ như là một hồng ân Chúa ban (xem Sứ điệp Mùa Chay 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô). Cuối cùng, chúng ta hãy nhớ rằng, có 2 điều răn trọng nhất mà chính Chúa Giêsu đã truyền dạy là mến Chúa và yêu người. Dĩ nhiên, chúng ta không thể nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét bỏ anh em mình, vì ngay cái chúng ta nhìn thấy được mà chúng ta còn chưa yêu mến, thì làm sao chúng ta có thể yêu mến Đấng không nhìn thấy được.
Các bạn rất thân mến, chúng ta được mời gọi để trở nên hoàn thiên, nghĩa là sống trong tình yêu và ân sủng của Chúa. Bạn có thể cảm nhận được điều ấy khi bạn có đời sống nội tâm tốt, để có thể gặp gỡ được Thiên Chúa, hiểu được chính mà và yêu mến tha nhân. Hãy trở thành một Kitô hữu tốt và một công dân lương thiện, hãy tập cách xây dựng đời sống nội tâm, khi ấy cuộc chạy đua của bạn mới thực sự tăng tốc và sau mau chóng chạm đích nơi tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh hằng.
Giuse Lưu Hành, SDB
(Nguồn: Don Bosco Việt Nam)