“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

ĐÔI LẦN, CON TRẺ NÓI… VÀ CHÚNG NÓI NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ

Biết lắng nghe là bổn phận đầu tiên của tình yêu. Lắng nghe không chỉ là quyền lợi của cha mẹ, nhưng nó còn là “bổn phận” nữa. Khi biết lắng nghe, người ta sẽ nhận thấy các trẻ biết nói những điều rất thú vị. Dưới đây là một vài ví dụ:

An-na (12 tuổi) nói: “Người lớn có nhiều điều mâu thuẫn. Họ nói: “Đừng có mà lấy ngón tay ngoáy lỗ mũi”. Nhưng rồi chính họ lại làm. Họ bảo: “Đừng hút thuốc”. Rồi chính họ lại hút. Họ nói: “Đừng uống rượu!”. Nhưng sau đó họ lại uống như hũ chìm. Họ nói: “Phải luôn đi ngủ sớm!”. Nhưng sau đó họ thức khuya như chim cú. Họ cấm bọn trẻ xem phim trinh thám. Nhưng rồi họ lại thức để xem nó đến mãi tận khuya. Càng già thì họ càng nói điều mà họ không làm”. Gương sáng không chỉ là điều chính yếu để giáo dục con trẻ nhưng còn là điều duy nhất. Con cái yêu thương và ngưỡng mộ cha mẹ. Một khi các em nhìn thấy cha mẹ luôn luôn mỏi mệt, vội vàng, cố chấp hoặc thô lỗ, thì chắc chắn lúc ở trường hoặc trong cuộc sống, các em cũng sẽ hành xử giống như cha mẹ vậy. Nếu các bậc cha mẹ bận tâm về lối hành xử của con cái, thì cách tốt nhất là hãy nhìn lại về cách sống của chính mình. Cách thức tốt nhất để chăm sóc con cái là chăm sóc chính bản thân mình.

Bé Lô-rê-na (5 tuổi) nói với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ phải vui thì con mới vui được!”. Người ta trở thành cha mẹ và con cái ngay trong cùng một lúc, như tục ngữ có câu:“Sinh con rồi mới sinh cha”. Và kể từ giây phút ấy, niềm vui của người này trở thành niềm vui của người kia. Chẳng một ai ở trong gia đình mà lại có thể nói: “Tôi chẳng có can hệ gì!”. Cris-ti-na (4 tuổi) nói: “Mẹ ơi, mẹ biết không? Con muốn con sinh em bé, bởi vì con muốn làm mẹ giống mẹ ấy!”. Nếu suy nghĩ kỹ về điều này thì ta có thể góp phần nhỏ để xây dựng hạnh phúc cho những người đang cùng chung sống. Vậy thì, tại sao ta không làm điều ấy? Câu nói: “Cảm ơn vì sự có mặt của con / của em / của anh…” có một sức mạnh hết sức to lớn.

An-rê (5 tuổi) nói với bố: “Bố biết không, đêm qua con chỉ muốn bố phát cho con một cái vào mông, khi con cứ nhèo nhẹo khóc. Bố phải giúp con thôi khóc chứ con không tự nín được!”. Còn Fran-cô (13 tuổi) phát biểu: “Đối với bố tôi chẳng là cái thá gì cả!”. “Tại sao?”. “Bởi vì chẳng bao giờ ông ấy rầy la tôi”. Con cái “muốn” được sửa dạy, các em muốn được giúp đỡ để biết kiểm soát chính mình. Các em biết rõ rằng kỷ luật là một hình thái đích thực và vĩ đại của tình yêu. Em Ca-ta-ri-na (11 tuổi) có một nhận xét khá trưởng thành : “Gia đình lý tưởng là một gia đình mà ông bố lên giọng, bà mẹ thôi càu nhàu và con cái tự nguyện giúp đỡ bố mẹ. Chỉ có con mèo là muốn làm gì thì làm”.

Cùng chung sống là một niềm vui thú

Hiện diện, ở giữa con cái phải là niềm vui sướng sâu xa nhất và làm cho các cha mẹ được xả hơi, nó là chất dưỡng nuôi, làm cho ấm lòng. Bé Ô-ri-nen-na nói: “Mẹ lúc nào cũng nói: Để cho bố nghỉ ngơi, bố đã phải làm biết bao việc rồi. Nhưng con có là một công việc đâu mà làm cho ba mệt!”. Các gia đình bị gãy đổ khi nó bị căng thẳng trong chính công việc. Không nên biến đời sống gia đình và việc làm cha mẹ trở thành khổ hình“thập giá”.

Ma-ri-en-la (4 tuổi) khi được hỏi “Có thứ gì mà cháu thích hơn cả ba cháu?”, thì bé đơn sơ trả lời là “Mẹ cháu”. Điều tốt nhất mà một người cha có thể làm cho con cái mình là yêu mến mẹ của chúng. Và ngược lại. Mát-ti-na (13 tuổi) xác nhận: “Khi người ta còn thấy ba và mẹ hôn nhau, thì họ biết rằng gia đình đó thật sự tuyệt vời!”.

Vào ngày em gái được sinh ra, Um-ber-tô (4 tuổi) vừa khóc mếu vừa nói: “Ba ơi, ít ra vẫn có ba ở với con chứ?”. Còn Ca-rô-lô (5 tuổi) nói: “Cháu biết một phép thuật, khi cảm thấy buồn cháu đem kèn ra thổi và nỗi buồn bay mất. Cháu cũng đã thử đem kèn thổi vào mặt của em cháu, nhưng nó không bay đi. Nó vẫn nằm đó!”. Có một người em gái hay em trai, có nghĩa là đứa trẻ sẽ phải chia sẻ cùng một người cha và người mẹ ấy. Đối với đứa trẻ, điều này thật khó khăn, nhưng nó thật tinh tế và tuyệt vời. Chẳng hạn cậu bé Lê-ô-nar-đô (4 tuổi) phát biểu: “Cháu có chiếc xe tăng, em cháu có băng đen bịt mắt, chúng cháu là một đội quân làm cho mọi người khiếp sợ”.

Nỗi sợ hãi thì chẳng bao giờ thiếu. Bé Mát-ti-na (5 tuổi) nói: “Bởi vì các bạn lớp mẫu giáo của cháu đều đi ngủ với ngọn đèn nhỏ còn cháu thì không, vì thế, cháu trở về nhà và khóc với bố mẹ. Cháu nói rằng chẳng có ai thương cháu hết. Bố mẹ giải thích rằng cả bố và mẹ cũng đều ngủ không có đèn như thế. Cháu mới nói với bố mẹ rằng cho dù không có đèn nhưng hai người ngủ chung nên chẳng có gì phải sợ!”.

Cậu bé Mác-cô (14 tuổi) bày tỏ: “Tôi thiết nghĩ vấn đề không ở chỗ các kỳ thi hay trường lớp. Vấn đề là tôi… là dường như… như thể tôi không muốn lớn lên!”. Ngày nay, dường như việc trở nên một đứa trẻ thông minh thì quan trọng hơn là trở nên tốt và lành mạnh! Nhưng nên nhớ người ta không thể đo lường một đứa con dựa trên thành tích học tập, ngang qua một hệ thống “điểm số” đáng sợ của nhà trường. Điều quan trọng đối với con cái không chỉ là điểm số cao trong sổ học bạ, cho bằng việc học biết để hài lòng với chính mình, chấp nhận chính mình, hầu có thể xây dựng một con người toàn diện với những giá trị luân lý, tâm linh và nhân bản.

Bé người nhưng phẩm giá lớn

Trời mưa. Người mẹ trẻ bước đi cách dứt khoát: Một tay bà cầm dù, tay kia dát đứa trẻ 5 tuổi. Sau một lúc đứa trẻ nói: “Mẹ ơi, bây giờ chúng ta thay đổi một chút đi, con sẽ cầm dù còn mẹ chịu ướt một chút được không?”. Chúng ta rất hay đơn giản cho rằng trẻ em là một phần của chính chúng ta, vì thể, để chỉ cho đứa trẻ một con đường phải đi, thì đôi lúc các bậc phụ huynh cũng phải thử đi trên đó xem thế nào. U-gô (4 tuổi) nói: “Tối đến, mẹ cháu cứ mệt là bắt cháu đi ngủ”. Và như ở đây thật khó để công dân nhỏ tuổi khẳng định phẩm giá mình: Evelina (6 tuổi) luôn miệng nói: “Không, không, không, không, không, không, không…”. Giáo dục không thể thiếu sự tôn trọng. Như Yeats từng nói: “Tôi nghèo chỉ có ước mơ. Bạn hãy nhón gót bước nhẹ vì bạn đi trên những ước mơ của tôi”.[1]

Trong mọi sự, con cái đều biết rõ bổn phận làm cha mẹ thì khó khăn: Ông bố tống cậu con Gióc-giô 6 tuổi vào phòng do tội thường nghịch ngợm suốt ngày. Lát sau, ông trở lại xem nó thế nào. Ông bố thấy cậu bé quỳ bên cạnh giường. Nó cầu nguyện: “Lạy Chúa của con, xin hãy làm cho con nên tốt hơn, ngoan hơn. Bố và mẹ không làm được điều đó đâu”.

Tôi sẽ tìm thời gian để nói chuyện diện đối diện, với từng người con của mình.

Ngọc Yến, FMA
(Chuyển dịch từ “Genitori felici con il Sistema di Don Bosco”
của Bruno Ferrero, SDB)

______________________________

[1]  Bài thơ He wishes for the Cloths of Heaven – Ước ao bộ áo Thiên đình của tác giả Richard J. Finneran (The collected poems of W. B. Yeats, Simon & Schuster Inc, New York 1996, 74.) tạm dịch như sau:

Had I the heavens’ embroidered cloths,
Enwrought with golden and silver light,
The blue and the dim and the dark cloths
Of night and light and the half-light,
I would spread the cloths under your feet:
But I, being poor, have only my dreams;
I have spread my dreams under your feet;
Tread softly because you tread on my dreams.
Áo thiên đình lung linh tôi có,
Thêu bằng muôn kim tuyến bạc vàng,
Màu thiên thanh pha chút mây đen,
Chút nắng vàng, bình minh, đêm tối,
Áo trải dài gót hài bạn đi:
Nhưng tôi nghèo chỉ có ước mơ;
Trải ước mơ dưới gót hài bạn đi;
Ước mơ tôi giúp bạn lướt bước.

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG