“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

ĐẾN VỚI ĐẤNG TUYỆT ĐỐI

Trong niềm thao thức giáo dục thế hệ trẻ đến với những giá trị cao đẹp trong cuộc sống, chúng ta muốn trau dồi cho chúng những kiến thức, những khả năng tư duy, những kỹ năng về nghề nghiệp hợp thời, tân tiến, và hiệu quả. Làm được như thế hẳn thật tốt đẹp, nhất là trong một bối cảnh xã hội đang trên đà phát triển về nhiều mặt… Đó là chất xám của đất nước, rất quý, nhưng đó cũng chính là một cạm bẫy lớn nếu chúng ta không nhận ra và trân quý một thứ chất xám khác cao quý hơn, đó là chất xám của cõi lòng. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta: “Tình yêu, sự phục vụ, sự kiên nhẫn, tử tế, nhân hậu là những kho tàng tuyệt đẹp”.

Cõi Lòng

Chỉ khi thế hệ trẻ sở đắc được những kho tàng này qua nghệ thuật giáo dục, thì mới mong đem đến một tương lai tươi sáng cho đất nước, xã hội và nhân loại. Bởi lẽ, giáo dục là chuyện của trái tim, của cõi lòng. Nói cách mạnh mẽ hơn: nếu con người là tinh hoa của vũ trụ thì cõi lòng là tinh hoa của con người vậy.

Tuy nhiên chỉ một mình Thiên Chúa mới là chủ cõi lòng. Điều này muốn xác nhận rằng một nền giáo dục không dẫn tới chiều sâu nhất của tâm linh con người, thì sẽ chẳng mang đến một kết quả nào. Thật vậy, xét cho cùng, giáo dục không phải là chuyện đối diện với việc làm hay nghề nghiệp nào, nhưng là đối diện với quyết tâm trở nên nhân hậu, hiền lành, vui tươi, kiên nhẫn, tử tế… trong chính những việc làm hay nghề nghiệp đó.

Từ xác tín này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói cho chúng ta rằng nghệ thuật giáo dục không hệ tại ở việc làm cho người trẻ có một trái tim an vị với một tài khoản ngân hàng ổn định nào đó, nhưng hệ tại ở việc những người trẻ có được một con tim không ngủ yên, một con tim hằng gia tăng tìm kiếm những sự thuộc về Thiên Chúa. Ngài viết: “Điều quan trọng nhất phải làm là tự hỏi chính mình: ‘Đâu là kho tàng của tôi?’ Chắc chắn nó không phải là sự giàu có, như Chúa Giêsu có lần đã nói: ‘Đừng thu tích cho mình những kho tàng dưới đất, bởi vì rốt cục sẽ mất chúng’. Đâu là kho tàng mà ta có thể mang theo với mình lúc cuối đời? Câu trả lời thật đơn giản: Bạn có thể mang theo với mình điều bạn cho đi, và chỉ có điều đó thôi”.

Thanh tẩy những ngẫu tượng khỏi cõi lòng

Nếu ta dùng hình tượng để mô tả, thì ta có thể hình dung rõ ràng là một thế hệ trẻ được giáo dục chân chính, sẽ xác tín rằng kho tàng quý giá chất chứa trong lòng không thuộc lớp vỏ bề ngoài, nhưng buộc phải đào thật sâu. Giáo dục phải xuyên thủng được những tầng lớp đá sỏi để đi tới tận nguồn vọt trào ra giếng dầu. Chính Đức Giáo hoàng cũng nói phải đào bỏ những lớp đá sỏi của ngẫu tượng. Phải lật tẩy mặt nạ của những tượng thần đẹp nhưng giả dối. Chúng ẩn tàng rất kín và khéo léo trong những nơi thẳm sâu của nhân cách, hay nói theo ngôn ngữ của tâm lý, chúng chìm sâu vào trong vô thức và khiến chúng ta nên kẻ đối nghịch của Đấng Siêu Việt. Ngài nói rõ, hẳn nhiên “không ai trong chúng ta đứng trước một cây cổ thụ và bái thờ nó như một tượng thần. Cũng chẳng ai giữ những tượng để sụp lạy ở nhà. Nhưng thờ ngẫu tượng thật tế vi; chúng ta có những thần tượng kín ẩn và con đường xuyên qua cuộc sống để tới vương quốc Thiên Chúa đòi phải khai quật những ngẫu tượng ẩn kín”.

Như thế cần biết giáo dục để có được một nhân cách kết hợp mật thiết với Đấng Cao Cả, gắn liền với cuộc sống, vì niềm tin ấy không hệ tại ở lời nói rồi lại cứ tiếp tục “sống như thể không có Thiên Chúa độc nhất và như thể những thần minh khác đều sẵn đó cho chúng ta. Nguy hiểm của ngẫu tượng là thế đó, chúng sẽ lấp đầy tâm hồn chúng ta bằng tinh thần của thế gian”. Giáo dục xét cho cùng chính là để cho Đấng Tối Cao giáo hóa tâm hồn con người. Vì thế, “con đường yêu mến Thiên Chúa… là một con đường tình yêu, một con đường của sự trung thành”. Giáo dục chỉ đạt mục đích chân thực khi dẫn tới một đức tin vào Thiên Chúa.

Văn Am, SDB

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG