“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

DẠY TRẺ EM TẬP NHỮNG THÓI QUEN TỐT

Năm 1861, Don Bosco giảng tĩnh tâm cho các chủng sinh ở Bergamo. Nhiều năm sau, cha Scaini, dòng Tên, đã kể: “Trong số các chủng sinh ấy, có cả tôi nữa. Tôi còn nhớ rằng trong một bài giảng Don Bosco đã nói, đại ý: “Đã có lần, cha xin Đức Mẹ một ơn là có được hàng ngàn trẻ em lên Thiên đàng với cha (có lẽ ngài đã nói con số hàng vạn, nhưng tôi không nhớ rõ); Đức Mẹ đã nhận lời và hứa với cha điều đó. Như vậy, các con đã thuộc về con số đó, cha rất sung sướng vì được ghi danh các con, nhưng với một điều kiện: các con phải có thói quen mỗi ngày đọc một kinh Kính mừng trong suốt cuộc đời của các con”.

Tôi không biết các bạn khác thế nào, nhưng từ ngày ấy tôi bắt đầu tập thói quen đọc kinh Kính mừng ấy. Nhiều năm trôi qua. Một ngày nọ, khi ở Torinô, tôi đến thăm Don Bosco và hỏi ngài: “Xin cha vui lòng cho con biết về nỗi thao thức con hằng ấp ủ trong lòng. Cha có nhớ khi cha đến chủng viện Bergamo để giảng tĩnh tâm cho chúng con không?” “Cha có nhớ cha đã nói với chúng con về một thói quen không?”, và tôi lặp lại những lời của ngài. “Có, cha nhớ”. “Thưa cha, con đã tập thói quen đó và con vẫn luôn duy trì, con luôn đọc kinh Kính mừng ấy. Nhưng cha nói là hàng ngàn học sinh; từ nay về sau, con sẽ ở ngoài số học sinh ấy, do đó con sợ mình không còn thuộc về con số may mắn đó nữa”. Don Bosco mỉm cười, và sau đó trả lời cho tôi một cách chắc rằng: “Con hãy tiếp tục thói quen tốt đó, con hãy tiếp tục đọc kinh Kính mừng ấy và chúng ta sẽ cùng nhau ở trên Thiên đàng”.


Công tước Wellington, người đã đánh bại Napoléon ở Waterloo, vào chính năm Don Bosco sinh ra, đã nói: “Quí vị hỏi tôi rằng thói quen có phải là một bản tính thứ hai không? Tôi xin nói thêm: thói quen là bản tính gấp mười lần”.

Thói quen là tay lái của chiếc xe xã hội, là yếu tố bảo tồn quí báu nhất. Để dạy cho trẻ em có những thói quen tốt, phải khuyên dạy chúng bốn điểm căn bản này:

* Trẻ em phải bắt đầu tập thói quen tốt bằng cách hết sức nhiệt tình, với sức bật ban đầu giống như người chạy trăm mét. Sức bật này sẽ làm cho em xuất phát đúng lúc và thúc giục em mãnh liệt đến độ em sẽ không bị cám dỗ bỏ cuộc sớm; đàng khác, sẽ làm cho em có thể thành công. Mỗi ngày thắng được sự tái phạm, thì có khả năng là sẽ không bao giờ em để điều ấy xảy ra nữa.

* Phải dạy cho trẻ em không được nhượng bộ trước bất cứ một sự miễm chước nào, ít là bao lâu thói quen mới chưa đâm rễ vững chắc trong cuộc đời em. Mỗi lần vi phạm là một lần để cho cuộn chỉ ta đang cuộn thật cẩn thận bị rơi xuống đất: cuộn chỉ mở ra bao nhiêu vòng, thì ta sẽ phải cuốn lại bấy nhiêu. Nếu một người nào đó muốn bắt đầu một sáng kiến can đảm, mà lại nghi ngờ về những năng lực của mình, họ hãy đi tìm lời khuyên nơi ông Goethe, một thi sĩ Đức vĩ đại. Họ sẽ nghe thấy ông trả lời: “À, bạn chỉ có việc thổi vào bàn tay của bạn”. Nếu mỗi ngày lại thay đổi một quyết định thì chẳng khác nào một người phải nhảy qua miệng hố, nhưng mỗi lần tới miệng hố lại dừng chân và trở lui để bắt đầu lại.

* Phải dạy cho trẻ em biết lợi dụng dịp đầu tiên để thực hành quyết định đã chọn. Như vậy, có thiện chí thôi không đủ: phải hành động ngay, cho tới khi máy nổ. Theo ngạn ngữ thì hỏa ngục được lát bằng những thiện chí.

* Phải dạy cho trẻ em biết gìn giữ sức mạnh ý chí của mình được toàn vẹn nhờ tự ý thực hành một vài hy sinh nhỏ hay sự từ bỏ hằng ngày. Như vậy, hãy dạy cho trẻ em biết sống anh hùng cách triệt để trong những việc nhỏ không cần thiết. Hãy khuyên bảo trẻ em mỗi ngày làm một việc nào đó chỉ vì nó không thích làm, để ngày mai, trong giờ thử thách hay khen thưởng, nó được mạnh mẽ và chuẩn bị để đương đầu. Sự hãm mình này có thể được coi như một sự bảo hiểm cho ngôi nhà của mình. Số tiền mà người ta phải trả có vẻ không đem lại một lợi ích trực tiếp nào và có lẽ sẽ không bao giờ thu lợi gì. Nhưng, nếu hỏa hoạn bộc phát thực sự, số tiền bảo hiểm sẽ cứu khỏi thảm họa. Điều tương tự như thế cũng xảy ra cho người biết hằng ngày kiên trì tập thói quen tập trung chú ý, ý chí cương quyết, từ khước những điều không cần thiết.

Nếu chúng ta biết được chúng ta chịu ảnh hưởng các thói quen đến mức độ nào, chúng ta sẽ cố gắng tập những thói quen đó tốt hơn.

Don Bosco đã có lý khi nói: “Con hãy tiếp tục thói quen tốt đó và chúng ta sẽ cùng nhau ở trên Thiên đàng”.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG