Tháng 10 là tháng của Kinh Mân Côi. Đây là cách để biến nó thành một phần quan trọng hơn trong cuộc sống gia đình bạn.
“Để tôn trọng quyền tự do của con cái Thiên Chúa, Giáo hội đã đề xuất và tiếp tục đề xuất với các tín hữu một số thực hành đạo đức mà Giáo hội đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh. Trong đó có việc lần chuỗi Kinh Mân Côi”. Tháng 10 này được gọi là “Tháng Mân Côi”, chúng ta nên ghi nhớ lời mời này của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi ngài nhắc lại những gì Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết vào năm 1974: “Chắc chắn rằng Kinh Mân Côi dâng lên Đức Trinh Nữ Maria phải được coi là một trong những lời cầu nguyện chung tốt nhất và hiệu quả nhất mà gia đình Kitô giáo được mời cầu nguyện”.
Kinh Mân Côi là một lời cầu nguyện rất đơn giản. Hãy nhớ lại rằng Kinh Mân Côi bao gồm việc suy niệm về cuộc đời của Chúa Giêsu, với Đức Trinh Nữ Maria, bằng cách đọc một kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, và một kinh Sáng Danh. Đây là kiểu cầu nguyện thích hợp cho tất cả mọi người, cả người lớn và trẻ nhỏ, và đặc biệt thích hợp cho việc cầu nguyện trong gia đình. Cách thức tốt nhất để giới thiệu hoặc tái giới thiệu Kinh Mân côi vào trong các gia đình là gì?
1- Mười Kinh Mân côi chỉ mất chưa đầy 5 phút
Một điều đáng ngạc nhiên về Kinh Mân Côi là nó quá đơn giản. Kinh Mân Côi không phi thường cũng không “giật gân” và không mất nhiều thời gian để tìm hiểu. Đó là lý do tại sao Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện phổ biến nhất cho người nghèo và trẻ em: khác xa với sự tôn nghiêm cũ, đó là sự lặp lại liên tục và kỳ diệu về tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, qua Đức Trinh Nữ Maria. Khi đọc Kinh Mân Côi, việc lặp đi lặp lại những lời giống nhau khiến chúng ta nhận ra rằng giá trị của lời cầu nguyện không nằm ở những gì chúng ta đọc. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng cầu nguyện qua chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta không được yêu cầu đọc những điều phức tạp hoặc phi thường, chúng ta chỉ được mời gọi ở đó, sẵn sàng và mở lòng để Chúa Thánh Thần hành động trong chúng ta.
Điều quan trọng cần ghi nhớ là chúng ta không đọc Kinh Mân Côi “vì buộc phải làm” và kết thúc nó càng nhanh càng tốt. Đừng quên điều này. Tất nhiên, việc các em nhỏ cầu nguyện vượt qua khả năng của chúng cũng chẳng ích gì. Nhưng Kinh Mân Côi, giống như tất cả những lời cầu nguyện, đòi hỏi chúng ta phải thực sự dừng lại – dừng những gì chúng ta đang làm để có một khoảnh khắc với Thiên Chúa. Cầu nguyện bao hàm sự im lặng và bình an nội tâm, nơi chúng ta thực sự đồng ý đặt những lo lắng và thời gian quá tải của mình vào tay Thiên Chúa.
2- Những ý tưởng thú vị để giữ cho Kinh Mân Côi không trở nên quá đơn điệu
Trẻ nhỏ thích thú khi được lần hạt và học đếm Kinh Kính Mừng qua chuỗi tràng hạt. Có thể dễ dàng tìm thấy những chuỗi tràng hạt rẻ tiền và bền chắc, hay những chiếc vòng tay tràng hạt để trẻ em có thể mang theo bên mình, như cô bé Bernadette ở Lộ Đức, người đơn sơ và ít học như cô, đã học cách lần hạt Mân Côi bằng trái tim (và từ trái tim mình).
Để giữ cho Kinh Mân côi không trở nên đơn điệu, bạn có thể thay đổi cách đọc Kinh Mân Côi trong gia đình. Ví dụ, hãy đọc Kinh Mân Côi như một cuộc đối thoại. Bọn trẻ sẽ nắm bắt rất nhanh và cảm thấy tự hào về bản thân. Hoặc suy niệm ngắn về một số đoạn trong Phúc âm trước mỗi 10 Kinh Mân côi. Bạn có thể chọn một Mầu nhiệm cho mỗi ngày hoặc một cho cả tuần. Một ý tưởng khác là nói một ý định trước mỗi 10 Kinh Mân Côi hoặc trước mỗi Kinh Kính Mừng.
Có rất nhiều sách, dành cho mọi lứa tuổi, giúp chúng ta khám phá và suy gẫm về 15 Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi. Ví dụ, chúng có thể được sử dụng trước hoặc trong giờ cầu nguyện để hướng dẫn suy niệm vào đầu mỗi 10 Kinh Mân Côi. Những hình ảnh minh họa trong sách về Kinh Mân Côi dành cho trẻ em có thể giúp chúng tưởng tượng ra những khung cảnh của Phúc Âm và tập trung sự chú ý của chúng. Bạn cũng có thể đặt một bức tranh lớn về Mầu nhiệm Mân Côi để suy niệm vào ngày đó trong góc cầu nguyện của bạn.
3- Nhưng, tại sao chúng ta nên cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria?
Tại sao chúng ta nên cầu xin Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu cho chúng ta thay vì nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa? Bởi vì Mẹ là Mẹ của Chúa Kitô, và là Mẹ của chúng ta. Bởi vì Mẹ đã thông tri và định hình trước Giáo hội. Trong ngôi vị của mình, Giáo hội cầu xin Cha Trên Trời, cầu xin Con Ngài và vâng lời Thánh Thần do Mẹ kêu gọi. Khi cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, tin tưởng sự can thiệp của Mẹ đối với chúng ta không phải là thêm một bước nữa giữa chúng ta và Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là chúng ta nhận ra, với sự bất toàn của đức tin của mình, sự toàn năng của đức tin của Giáo hội được Thiên Chúa muốn với tư cách là Vị hôn thê đối với Con của Người và điều mà chúng ta dám tin khi chúng ta nhìn vào Đức Trinh Nữ Maria – cội nguồn của Giáo hội, khuôn mẫu của Giáo hội và tiền thân của Giáo hội.
Christine Ponsard
Đồng Hành, SDB chuyển ngữ