“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

ĐAU KHỔ THANH LUYỆN TÌNH YÊU

Là con người, ai cũng từng trải qua nhiều nỗi buồn đau khác nhau, như khi bị té ngã, bị bắt nạt, bị tẩy chay, bị hiểu lầm,… Cuộc đời của cha Rua cũng từng trải qua nhiều biến cố tương tự như thế. Trong tâm tình mừng kính chân phước Micae Rua, xin chia sẻ đôi điều về vị cha đáng kính với chủ đề: “Đau khổ thanh luyện tình yêu”.

Sau giờ chơi, tôi đứng xếp hàng đợi nhận quà. Nhìn những người bạn nhận được quà, mặt họ hớn hở vui tươi rồi rảo chân về nhà, lòng tôi cũng rạo rực vui lây. Sắp đến lượt tôi, chỉ còn một người nữa. Chỉ một người nữa mà thôi! Khi anh bạn vừa nhận quà xong, ngay lập tức, tôi đã đứng trước mặt người phát quà. Nhưng kỳ lạ quá, sao mà người phát quà lúng túng, mò tay hết túi này đến túi khác, rồi nhúng vai, lắc tay. Tôi hiểu ngay: “Xin lỗi con, cha hết quà rồi!”

Lớn lên, khi người mà tôi yêu mến nhất qua đời, người ấy đã để lại cho tôi một gia tài khá lớn, một gia tài mà tôi chưa từng nghĩ đến bao giờ. Nhiều người nghĩ rằng, tôi không đủ khả năng để quản lý gia tài ấy, họ đề nghị tôi phải cùng người khác quản lý.

Đó là câu chuyện ngắn phác họa lại hai biến cố khá đặc biệt trong cuộc đời cha Rua. Hẳn trong những lúc gặp chuyện như trên, ngài cũng buồn và đau khổ. Buồn vì khả năng hạn hẹp và bản thân yếu đuối; đau khổ vì chưa nhận ra Thánh ý Chúa qua biến cố cuộc đời, cũng như chưa nhìn ra được công trình kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện.

Có nhiều lúc trong cuộc đời, tôi cũng đã từng cảm thấy đau khổ. Đau lắm khi phải rời xa mái nhà để cắp sách đến trường. Đau lắm khi phải luôn giữ thành tích tốt trong nhà trường. Đau lắm khi không được học trường mình muốn. Đau lắm khi mình phải làm trái nghề. Đau lắm khi phải bỏ việc. Đau lắm khi phải sống tình huynh đệ với nhiều người xa lạ. Đau lắm khi mình cứ mải bước theo con đường mà nhiều người trong xã hội này cho là “khác biệt”.

Cùng một sự kiện nhưng cảm nhận “đau” của mỗi người lại khác nhau. Đau ít hay đau nhiều nhưng nỗi đau rồi cũng sẽ qua đi, nó đi qua để lại “vết sẹo kinh nghiệm”. “Vết sẹo” đó chứng tỏ con người ngày một “nếm trải” cuộc sống hơn. Với người Kitô hữu, “vết sẹo” đó là một “kinh nghiệm” sau giây phút kết hợp cùng Thiên Chúa.

Nhìn lại biến cố cuộc đời cha Rua, tuy không nhận được món quà vật chất nhưng lại được một món quà tinh thần mà Don Bosco trao cho qua hình ảnh “bàn tay chia nửa”. Ngài đau vì nhiều người muốn Tu hội thánh Phanxicô Salê phải sáp nhập vào hội dòng khác nhưng ngài lại có nguồn an ủi động viên là chính các anh em Salêdiêng và đặc biệt trong đối thoại với Chúa, ngài tìm ra được hướng đi cho Tu hội. Khi Ngài qua đời, Tu Hội Salêdiêng đã gia tăng số hội viên từ 773 đến 4000, từ 57 cộng thể tăng lên 345, 6 tỉnh dòng lên đến 34, và các hội viên Salêdiêng hiện diện trong 33 quốc gia trên toàn thế giới.

Đau khổ là một cơ hội. Ngay lúc nhận được cơ hội đó, ít người có thể chấp nhận được ngay, vì nó thường đi ngược với sự đòi hỏi của bản thân. Đau khổ giúp nhìn lại mục đích hành động của con người, tôi làm mọi việc vì ai? Vì cái tôi của mình hay vì một điều gì khác? Hay là chứng tá cho Tình Yêu! Đau khổ giúp kết hợp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Đau khổ đến khi tình yêu chưa được thanh luyện.

Cảm nhận về tình yêu sẽ đến khi ta dành thời gian để nhìn lại những điều kỳ diệu xảy ra trong biến cố đã qua. Qua đau khổ, tình yêu sẽ nên “tinh tuyền”. Tình yêu khi được thanh luyện là niềm hạnh phúc khao khát thực thi Thánh ý Chúa.

Trong đối thoại với Chúa, Don Rua đã nên một với Tin mừng và Hiến Luật, tình yêu của ngài chỉ còn hướng về Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn. Học hỏi nơi ngài để tình yêu của mỗi người chúng ta ngày càng được tinh tuyền hơn và để đau khổ không cản bước đường nên thánh của mỗi người.

Không Ngủ

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG