Tại Giê-ru-sa-lem có gì đó rất lạ xảy ra, trên các con đường, từng nhóm người vội vã vừa đi vừa bàn tán. Không khí mùa xuân với làn gió nhẹ mang theo chút hơi ẩm làm cho những chiếc áo khoác và những bộ cánh rung lên theo nhịp đi. Bầu trời trong xanh, chỉ có đám mây tụ lại ở góc trời phía Đông. Những thương nhân đang thả sức quảng cáo cho sản phẩm của họ, những người phụ nữ vây kín bàn thu ngân để thanh toán cho mau số hàng hóa đã mua được. Ngày lễ trọng Vượt Qua sắp bắt đầu.
Nhưng không chỉ ngày lễ gây nên sự hỗn độn và kích động đám đông. Một biến cố mới được thông báo khiến cho từ già đến trẻ đều tò mò, đó là cuộc hành hình một tội phạm nguy hiểm sẽ diễn ra tại Giê-ru-sa-lem.
Kẻ bị tra tấn
Người thợ rèn đang ra sức nện búa để đập dẹp lưỡi cày với cánh tay giơ cao, chính xác và mạnh mẽ. Mỗi nhát búa nện xuống, cái đe nẩy lên và tóe ra những tia lửa chói mắt.
“Bác ơi, bác ơi!”
Tiếng gọi làm cho người thợ rèn phải dừng tay. Một cậu bé 12 tuổi có khuôn mặt lanh lợi và kháu khỉnh chạy ào vào.
- Cháu đấy à, Dan! – người thợ rèn kêu lên.
- Cha cháu sai cháu đến lấy đinh cho người Roma – cậu bé thở hổn hển.
Người thợ rèn nhặt những chiếc đinh to mới tinh ở trong cái chậu bằng đất sét đựng đầy cát. Ngước mắt lên, ông hỏi:
- Ba người đàn ông phải không?
- Vâng, cha cháu nói là có ba người đàn ông.
Đưa đôi bàn tay thô ráp, người thợ rèn cẩn thận đếm những cái đinh rồi đặt chúng vào tay cậu bé. Những ngón tay mỏng manh của Dan cong xuống dưới sức nặng của những chiếc đinh. Cậu nói:
Cha cháu sẽ trả tiền bác sau nhé! Cám ơn bác.
Được rồi…
Người thợ rèn lẩm bẩm rồi với tay lấy chiếc búa, tiếp tục nện từng nhát như đang giận dữ ai đó. Ông chẳng thích người Roma lẫn án tử đóng đinh vào thập tự.
Cậu bé chạy nhanh hết sức như cậu có thể, tìm cách rẽ đám đông đang chen chúc tìm chỗ đứng tốt nhất để xem cuộc hành hình.
“Kìa, họ đến rồi kìa”. Nhiều người cố vươn dài cổ ra hay nhón gót hết cỡ để nhìn xem. Một đoàn diễu hành do viên bách quản người Roma dẫn dầu, hai tên lính và một đám người rồng rắn theo sau, gồm lũ trẻ tinh nghịch vừa đi vừa nhảy nhót, những người đàn ông ồn ào quát tháo và những người phụ nữ khóc lóc sướt mướt. Hai người lính khác đang xô đẩy và dùng roi quật tới tấp vào người tử tội đang oằn lưng dưới sức nặng của thanh ngang cây thập tự, hai tay người ấy quàng vào thanh gỗ, bước chân xiêu vẹo.
Những người Roma đã chọn con đường dài hơn để đến đồi Golgotha, là nơi hành hình. Họ cố tình bỏ qua những con đường sầm uất của thành phố vì số phận của kẻ nổi loạn có thể là mối đe dọa cho mọi người.
Cha của cậu bé Dan bị viên bách quản tuyển mộ và bắt phải giúp những người lính. Ông là một thợ mộc lành nghề, ông đem đầy đủ đồ nghề đến và sai cậu con trai đến nhà ông anh thợ rèn để lấy đinh. Rồi thì cậu bé Dan cũng đến gần được chỗ cha của mình và đưa cho ông số đinh cần dùng. Lúc ấy, cậu có thể nhìn kỹ lưỡng khuôn mặt của các tử tội.
Cậu đứng như trời trồng, cặp mắt đầy khiếp sợ dán chặt vào người trẻ nhất trong ba tên tử tội. Người trẻ này trông có vẻ đau đớn nhất. Có lẽ người này đã bị tra tấn không thương tiếc, một chiếc vòng gai phủ trên khuôn mặt nhòe nhoẹt máu, chân lê lết từng bước. Viên bách quản bắt một người đàn ông tên Simon vác thanh ngang thập tự thay cho người tử tội. À, ông Simon thì Dan biết quá rành, ông là cha của hai cậu bạn học tên Alessandro và Rufo.
Ngay lúc này, Dan chợt nhớ ra, cậu gào lên: “Không thể là Ngài được, không thể nào!”. Cậu nói với cha trong nước mắt: “Ba ơi, không thể là Ngài được!”. Bàn tay của người cha bấu vào vai cậu con đang nức nở: “Con trai, không thể làm khác được, con biết thế không?”
“Nhưng Ngài là vị thầy ở Galile, là Giê-su… Chính Ngài đã hóa bánh và cá của con ra nhiều để nuôi ăn cho biết bao nhiêu người”.
Một ngày ở Ga-li-lê
Câu chuyện chưa hề phai trong tâm trí của Dan, cậu nhớ như in rằng tại Galile một năm trước, cậu đi theo đám đông đến nghe Thầy Giê-su rao giảng. Mẹ của cậu đã chuẩn bị bữa ăn trưa mà cậu ưa thích, gồm có năm chiếc bánh mì làm bằng lúa mạch và hai con cá, đặt trong túi vải nhỏ.
Đám đông tụ họp trên ngọn đồi trông như đàn kiến. Khi cảm thấy đói bụng, Dan cũng nhận ra rằng đám người này chẳng mang theo gì để ăn, cậu nghĩ, có thể cả Thầy Giê-su cũng đã cảm thấy mệt và đói. Cậu đi đến gần và mở túi, lấy bánh và cá mời thầy ăn cùng. Lúc ấy, Thầy Giê-su quay lại nhìn cậu, Ngài mỉm cười hiền hậu và cậu không bao giờ quên được ánh mắt sâu thẳm ấy.
Rồi, mọi sự diễn ra chỉ trong chốc lát. Thầy Giê-su cầm lấy bánh, cá và mời tất cả ngồi xuống bãi cỏ. Dan thầm nghĩ: “Tiêu rồi bữa trưa của mình!”. Nhưng lạ chưa, bánh và cá trên tay Thầy Giê-su bỗng chốc đã nhân thêm ra mười, rồi hàng trăm, hàng ngàn. Những người bạn của Thầy Giê-su chia sẻ bánh và cá cho mọi người hiện diện. Trên đồi Galile hôm ấy, hàng ngàn người đã được no nê và được thưởng thức hương vị thơm ngon của bánh và cá mà mẹ cậu đã tự tay làm. Mọi người trở nên thực khách của một phép lạ bất ngờ. Đó là một ngày đáng nhớ trong đời cậu, và cả người ấy cậu cũng không thể quên.
Cái đinh
Nhưng bây giờ, mọi sự đều thay đổi.Vị thầy tại Galile chỉ còn là tiếng kêu đau thương của tiếng đinh đóng vào thập giá. Những người lính thản nhiên chơi trò xúc xắc để bắt thăm áo của Ngài. Chỉ có viên bách quản để mắt đến dân chúng và những người bị kết án. Ở đó, có những người Pha-ri-sêu và những người có máu mặt ở Đền Thờ, họ đang gào lên thỏa mãn và cười nhạo Giê-su.
“Mau lên, chúng ta về nhà thôi”. Bàn tay to lớn của người cha nắm lấy tay Dan, ông kéo cậu đi theo mình. Cậu nhảy xuống khỏi mô đất, trong lúc ấy, một ánh chớp lóe lên, bầu trời kéo mây u ám đen kịt như nhựa đường. Khoảnh khắc run khiếp len lỏi vào giữa lòng dân chúng.
Vị thầy trên thập giá kêu lên tiếng gì đó. Dan lấy tay bịt chặt lấy hai tai. Cậu chạy một mạch về nhà và kể cho mẹ nghe mọi chuyện trong nước mắt. Đưa tay vuốt mái tóc quăn của cậu, bà dịu dàng nói: “Con ăn một chút gì đi và đừng nghĩ đến chuyện đó nữa”. Nhưng Dan chẳng thể nghĩ đến một chuyện nào khác. Rồi, sau vài giờ, cậu trở lại nơi xảy ra cuộc tử hình.
Trời tối như thể đã giữa đêm, gió lạnh quất từng cơn lạnh buốt. Có dăm ba người ở đó. Xác Thầy Giê-su đã được đem xuống khỏi cây thập tự. Họ trao xác Ngài lại cho người mẹ và các bạn của Ngài. Dưới chân thập tự còn có viên bách quản đang trông coi, vì đây là quy định của luật La Mã.
Dan lấy hết can đảm đến gần ông. “Thưa ông, cháu có thể giữ một trong những cái đinh của người bị đóng đinh ở giữa không?”. Viên bách quản hỏi: “Có phải người được gọi là Vua dân Do Thái không?”.
“Vâng”
“Nhưng cháu giữ nó làm gì? Hãy quên ông ta đi”. Viên bách quản trả lời khô khốc.
“Xin ông vui lòng mà” – Dan vừa nói vừa mếu máo.
“Trời đất… đúng là bọn Do Thái” – Viên bách quản ném một cái đinh gần chân cậu bé. Dan cầm lấy cái đinh, chạy biến đi.
Về tới nhà, cậu cuốn cái đinh trong một miếng vải và đặt nó dưới gối. Trên cái đinh, còn đọng lại vết máu thẫm của Thầy Giê-su. Từ đó, cái đinh trở thành bảo vật đối với cậu.
Kho báu
Sau đó ít thời gian, cha của cậu trở về nhà, ông đặt thùng đồ nghề ở một góc nhà, rồi đột nhiên nói: “Viên bách quản sắp hết hy vọng rồi. Ông ta bị sốt nặng lắm, chắc là không qua khỏi đâu. Ngày mai ba sẽ phải chuẩn bị mọi sự cho việc an táng ông ấy”.
Một quyết định thoáng qua trong đầu cậu bé Dan. Cậu lấy vội ‘kho báu’ của mình rồi chạy đi. Cậu hổn hển chạy đến doanh trại của những người lính Roma. Lính tráng ở đây đều biết mặt cậu nên họ để cậu tự do vào. Sau vài phút, cậu vào tới phòng của viên bách quản. Ông đang nằm trên giường, run rẩy dưới lớp chăn dầy cộm. Mặt ông vàng vọt, thiếu sức sống. Cơn sốt đang lên cao.
Dan đến gần và đưa chiếc đinh đến trước mặt ông. Cậu hỏi: “Thưa ngài, ngài có nhớ cái này không?”
Cặp mắt viên bách quản động đậy, ông gật gật đầu. Cậu bé nói: “Ngài hãy cầm lấy!”. Tay của viên bách quản nắm trọn chiếc đinh. Đôi môi nứt nẻ của ông mấp máy lời “Cảm ơn”. Có một cái gì đó như cơn gió nhẹ tươi mát thoáng qua khuôn mặt bị tàn phá của ông. Những nếp nhăn giãn ra, nhịp thở đều đều trở lại và nét mặt ông trở nên thanh thản, nhẹ nhàng.
Cậu bé Dan dõi theo từng chi tiết, và cậu vừa khám phá ra bí mật sâu kín: “Giê-su, con biết Thầy là ai rồi!”. Và thế là cậu âm thầm trở về nhà, lòng phơi phới niềm vui.
NHỮNG CHỈ DẪN SƯ PHẠM
Kinh nghiệm ẩn giấu trong câu chuyện
Cậu bé tên Dan người thành Giê-ru-sa-lem được cuốn vào câu chuyện của Đức Giê-su. Cậu không chỉ là một nhân chứng, nhưng sự hiện diện của cậu còn mang ý nghĩa “tham dự” nữa. Đây là điều mà cả các em học sinh giáo lý cũng cần trải nghiệm. Thực sự, các em không chỉ “lắng nghe” về lịch sử của Đức Giê-su, nhưng các em còn được mời gọi tham dự và sống lại những sự kiện đó, vì chúng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống các em.
Trong câu chuyện kể, Dan đi tìm để biết xem thực sự Giê-su là ai. Con đường của đức tin thật dài, và câu hỏi này thực sự là vấn nạn lớn trong cuộc đời cậu. Mỗi học sinh cũng hãy để mình bị chất vấn bởi câu hỏi này.
Câu hỏi đối thoại
Cậu bé Dan là một nhân vật không có thật, nhưng em thấy sự kiện nào trong Kinh Thánh có nhắc đến những tình tiết này?
Theo Kinh Thánh, còn nhân vật nào trong câu chuyện là chứng nhân của cuộc Thương Khó của Đức Giê-su?
Tại sao cuộc Thương Khó của Đức Giê-su là quan trọng? Nó có ý nghĩa gì?
Chiếc đinh của thập giá Đức Giê-su đã cứu sống viên bách quản người Roma. Theo em, vì sao thế?
Người Ki-tô hữu thường làm gì để nhớ về cuộc Thương Khó của Đức Giê-su? Tại sao trong nhà của các Ki-tô hữu lại treo tượng Chúa Giê-su chịu chết trên Thánh Giá?
Hoạt động
Đàng Thánh Giá là một hình thức đạo đức bình dân được làm ra để cho giáo dân cảm thấy được tham dự vào cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Giáo Lý Viên có thể soạn một Đàng Thánh Giá ngắn gọn cho các em tham dự. Cuối cuộc cử hành, Giáo Lý Viên có thể trao cho mỗi em một cái đinh dạng cổ xưa hay một cây thánh giá.
Kinh Thánh cũng kể lại
Phúc Âm thánh Mác-cô 14, 51-52 kể về một cậu bé, cả cậu ấy cũng là nhân chứng cho cuộc Khổ Nạn của Đức Giê-su.
Trích Chuyên đề Don Bosco