“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

Cuộc sống tròn đầy: ước mơ của mỗi người và cho mọi người

Có thể đo lường được hạnh phúc không? Rõ ràng là có theo bản “Báo cáo Hạnh phúc trên Thế giới”. Đó là một cuộc khảo sát thường niên của “Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc”, được công bố từ năm 2012. Báo cáo xếp hạng các quốc gia trên thế giới theo các tiêu chí về hạnh phúc và sức khỏe, sử dụng 14 lĩnh vực để đánh giá: kinh doanh và kinh tế; quyền công dân; truyền thông và công nghệ; các vấn đề xã hội; giáo dục và gia đình; sức khỏe cảm xúc; môi trường và năng lượng; thực phẩm và nhà ở; chính phủ và chính trị; luật pháp, trật tự và an toàn; sức khỏe; tôn giáo và đạo đức; giao thông; công việc.

Nghị quyết 65/309 vừa được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua với tiêu đề “Hạnh phúc: Hướng tới định nghĩa phát triển toàn diện” khẳng định việc mưu cầu hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của con người. Theo đó họ công nhận rằng chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không phản ánh đầy đủ hạnh phúc và sức khỏe của người dân. Nghị quyết cũng nhắc lại cần phải có một cách tiếp cận toàn diện, công bằng và quân bình hơn đối với sự tăng trưởng kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo nhằm mang lại hạnh phúc và sức khỏe cho các dân tộc.

1- Hạnh phúc chạm đến con người và tất cả mọi người

Ánh nhìn về hạnh phúc, được đo lường với 14 lĩnh vực thuộc về tinh thần, cho rằng cần phải có một cách tiếp cận toàn diện và tích hợp. Một thực tại không thể tách rời khỏi bối cảnh và lịch sử của nó. Theo nghĩa này, có thể nói rằng hạnh phúc là sự thưởng nếm trọn vẹn cuộc sống. Trong Tin mừng theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói: “Tôi đến để họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Sự sống dồi dào mà Chúa Giêsu đề cập đến, là di sản và là quyền của tất cả mọi người. Đó là một cuộc sống đang sống ở đây và bây giờ, nhưng nó còn đi xa hơn. Đó là một quà tặng và cũng là một thành tựu, bởi vì nó đòi hỏi sự cộng tác của mỗi người và của tất cả mọi người.

Trong các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, có những câu chuyện về sự sáng tạo thế giới và con người. Thông qua những câu chuyện này, chúng ta có thể trực giác được được ý nghĩa mà nền văn hóa hoặc tôn giáo này mang lại cho toàn thể tạo thành, đặc biệt con người, vì đó là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Các câu chuyện đều có điểm chung: mục đích tối hậu của con người là chiến thắng sự ác bằng sự thiện và vượt qua những trở ngại của cuộc đời để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng cuộc sống hạnh phúc không phải là mục tiêu duy nhất. Mỗi ngày chúng ta đều được mời gọi để sống một cuộc sống trọn vẹn, với những điều bất ngờ mà đời sống hàng ngày mang lại.

2- Cuộc sống tròn đầy cho mọi người

Trải nghiệm về đại dịch cho thấy rõ ràng hơn mọi thứ đều được kết nối với nhau. Chỉ bằng cách hợp lực, cùng nhau cộng tác, vượt lên trên lợi ích của bản thân, thì đại dịch này mới có thể chấm dứt. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, ngày càng xuất hiện nhiều thiên tai, nạn di cư cưỡng bức do hạn hán hoặc bạo lực làm gia tăng nạn nghèo đói và thất nghiệp. Đại dịch chỉ làm cho sự bất bình đẳng và sự mong manh của cơ cấu xã hội trở nên rõ ràng hơn.

Triều đại của Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô được đặc trưng bởi những cử chỉ và sáng kiến đến với những con người và những thực tại bên ngoài Giáo hội Công giáo để kết dệt nên những liên minh có lợi cho sự sống, một cuộc sống đáng sống hơn cho tất cả mọi người.

Đây chẳng phải là sứ mệnh thực sự của Giáo hội sao? Như chúng ta đọc thấy trong Hiến chế về mục vụ của Giáo Hội- Gaudium et Spes: “Vui mừng và hy vọng, đau buồn và lo lắng của những con người thời đại này, đặc biệt là những người nghèo khổ hoặc đang ở trong bất cứ hoàn cảnh xung đột nào, cũng là niềm vui và hy vọng, u sầu và lo lắng của những môn đệ Đức Kitô. Thật vậy, không có gì thực sự là của con người lại không gây âm vang trong trái tim họ.” (GS số 1)

3- Chăm sóc

“Chăm sóc” là một chủ đề được lặp đi lặp lại trong các thông điệp, bài giảng và các bài huấn dụ của ĐTC Phanxicô. Bài giảng khi bắt đầu sứ vụ Phêrô của ngài đã trình bày hình ảnh của Thánh Giuse như là một người bảo vệ. ĐTC Phanxicô nói rằng ơn gọi bảo vệ thuộc về tất cả, bởi vì đơn giản chúng ta là những con người. Ơn gọi đó là bảo vệ toàn bộ thụ tạo, chăm sóc mọi người, đặc biệt những người mỏng manh nhất.

Đây là một bài giảng mang tính chiến lược, bởi vì nó cho thấy một tầm nhìn về những điểm cần chú ý trong triều đại giáo hoàng của ngài, “chăm sóc cho công trình sáng tạo và cộng đồng con người”.

Chăm sóc nghĩa là gì? Bằng việc thu thập một số câu trả lời tự phát, cho thấy có những cách diễn tả khác liên quan đến việc “chăm sóc” đó là: quản trị tốt; tin tưởng; bảo vệ; thể hiện sự trìu mến và chú ý đến; ngăn ngừa một mối nguy hiểm; trao ban giá trị; chịu trách nhiệm; dành thời gian; yêu thương.

4- Laudato Si’: nguồn cảm hứng

Thông điệp Laudato Si’, xuất bản vào năm 2015, liên quan đến “việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”, những gì đang xảy ra trên thế giới chắc chắn gây sự chú ý. Mặc dù chương đầu tiên đề cập đến những gì đang xảy ra trên thế giới, nhưng thông điệp không phải là một khảo luận về sinh thái học. Tài liệu này không đưa ra các giải pháp kỹ thuật; ngược lại, chỉ rõ rằng việc tin tưởng vào các giải pháp kỹ thuật thuần túy sẽ là một thất bại lớn. Cha Giacomo Costa SJ và Paolo Foglizzo khẳng định “Laudato si” không phải là một bản văn để học hỏi, bởi vì đó không phải là cách thức xử lý hoàn chỉnh và dứt điểm về một chủ đề nhưng đúng hơn thông điệp là nguồn cảm hứng và là khung hướng dẫn của một dự án được làm rõ dọc theo tiến trình mà nó được đưa vào hoạt động.

Trên thực tế, Laudato Si’, được đọc và nghiên cứu trong các môi trường khác nhau, truyền cảm hứng cho các dự án mang tính táo bạo, sáng tạo cũng như cho thấy những phong cách sống cá nhân và cộng đồng mới. Nó gợi lên một cách thức mới để đọc thực tại và tìm kiếm những câu trả lời cụ thể, có tầm nhìn xa và toàn diện.

5- Hoán cải đến một nền sinh thái học toàn diện

Bằng cách khám phá những giáo huấn về đức tin dưới ánh sáng của cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay, Laudato Si’ dạy rằng “mọi thứ đều được kết nối với nhau” (LS n. 91). ĐTC Phanxicô tiến thêm một bước cho thấy mối liên hệ giữa những suy tư của Giáo hội về sinh thái học. Ngài nhắc lại rằng đó là một thực tế cần được giải quyết dưới nhiều chiều kích được liên kết với nhau. Chương thứ tư dành riêng cho chủ đề sinh thái toàn diện, với các đề mục sau: 1) sinh thái môi trường, kinh tế và xã hội; 2) sinh thái văn hóa; 3) sinh thái học trong cuộc sống hàng ngày; 4) nguyên tắc của các thiện ích chung; 5) công bằng giữa các thế hệ.

Các sa mạc bên ngoài của thế giới được nhân lên bởi vì các sa mạc bên trong đã trở nên quá lớn (LS n. 217). Khi mối tương quan với Đấng Tạo Hóa bị bỏ quên, thì những mối quan hệ giữa con người cũng bị phá vỡ, và thế giới trở nên thù địch. Mọi người đều đau khổ, cách riêng những người nghèo khổ nhất và dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng phức tạp: môi trường xã hội.

Cần phải có một cuộc “hoán cải sinh thái”, để hiệu quả của cuộc gặp gỡ với Đức Kitô trở nên rõ ràng hơn trong mối tương quan với thế giới. Sống ơn gọi làm người, bảo vệ Tạo thành là điều thiết yếu của một đời sống đạo đức. Đó không phải là một khía cạnh tùy chọn hay thứ yếu trong kinh nghiệm Kitô giáo. Mối tương quan lành mạnh với tạo vật là một sự hoán cải cá nhân mang tính toàn diện bao gồm việc nhận ra những sai lầm, tội lỗi và thất bại của bản thân, dẫn đến sự sám hối chân thành và ước muốn thay đổi.

Sự phong phú không phải là câu trả lời; nhưng đúng hơn là sự hoán cải của của trái tim khiến chúng ta có khả năng chia sẻ, cảm thấy có trách nhiệm với anh chị em trong hiện tại và tương lai. Kahlil Gibran, trong cuốn sách “Nhà tiên tri”, đã nói như sau: “Và người thương gia nói: Hãy nói cho chúng tôi biết về việc mua và bán. Nhà tiên tri trả lời rằng: Trái đất sinh hoa kết trái cho anh em, và anh em sẽ không bị bỏ rơi trừ khi anh em biết thế nào là đủ. Đó là một sự trao đổi những quà tặng trên trái đất và anh em sẽ được dư dật và rồi anh em sẽ hài lòng. Nhưng nếu trao đổi mà thiếu tình yêu và sự công bằng dịu dàng thì sẽ chỉ dẫn đến tham lam và đói khát.”

6- Hy vọng cho mọi người

Cách tiếp cận toàn diện nhìn nhận những giới hạn của tất cả các hệ thống kinh tế – xã hội và gốc rễ nhân bản của cuộc khủng hoảng sinh thái. Nó đòi hỏi một cuộc cách mạng văn hóa và thiêng liêng. Chìa khóa để giữ cho niềm hy vọng sống động là gì?

Đó là phát triển các thái độ nhằm kích hoạt mối quan tâm đại lượng, đầy sự dịu dàng. “Ngay từ đầu, nó bao hàm lòng biết ơn và sự nhưng không”, tức là thừa nhận rằng thế giới và tạo thành này là quà tặng chúng ta nhận được từ tình yêu của Thiên Chúa Cha, từ đó dẫn đến cách biểu lộ sự cho không như từ bỏ và quảng đại (x. LS. s. 220).

Đó là công nhận rằng “cuộc sống con người được đặt trên ba mối quan hệ cơ bản, gắn bó chặt chẽ với nhau: với Thiên Chúa, với người thân cận và với trái đất.” (x LS s. 66). Đó là thừa nhận rằng “Thiên Chúa đã tạo thành thế giới, Ngài đã ghi vào đó một trật tự và một năng động lực mà con người không có quyền bỏ qua”. (LS n. 221)

“Mục đích cuối cùng của những thụ tạo khác không được tìm thấy trong chúng ta. Đúng hơn, mọi tạo vật cùng tiến bước với chúng ta và thông qua chúng ta hướng tới một mục tiêu chung, chính là Th iên Chúa. Trong sự viên mãn siêu việt ấy, Đức Kitô Phục sinh ôm ấp và chiếu sáng muôn loài. Con người, được ban tặng cho trí thông minh và tình yêu, được thu hút bởi sự viên mãn của Đức Kitô, được mời gọi để dẫn dắt mọi loài thụ tạo trở về với Đấng Tạo Hóa của chúng”. (LS s. 83)

Runita Borja, FMA
(trích Tạp chí FMA, số 1/2022)

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG