“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

CUỘC CHIẾN VỚI CÁI BÓNG

Con người đang chiến đấu với “cái bóng” của mình. Có lạ không khi nghe khẳng định này? Napoleon Bonaparte đã nói: “Chiến thắng cả châu Âu còn dễ hơn chiến thắng bản thân mình”. Trong quá trình sống ơn gọi làm người, ta không ít lần day dứt giữa cảm thức về sự vĩ đại và yếu đuối tột cùng nơi bản thân. Chỉ có “tự do” mới đưa con người ta thoát khỏi nỗi day dứt ấy.

Trả lại cho tôi tự do

‘Tự do’, một câu nói trên đầu môi, một quyền lợi được đòi hỏi và truy tìm, một ý thức để sống. Tự do được gắn liền với phẩm chất làm người, và người nào càng tự do thì họ càng là người hơn. Tuy nhiên, dù được dựng nên với phẩm giá cao cả là tự do, nhưng không phải con người hiểu hết nghĩa được hai chữ tự do. Chính thế mà nhiều người trẻ vẫn không ngớt kêu gào: “Trả lại tôi…”

Tự do phải chăng là muốn làm gì thì làm? Là không bị cầm tù? Là không bị khống chế bởi luật lệ? Là không bị ngăn cản từ bất cứ ai? Là có thể hy sinh quyền lợi và làm điều tốt? Là thực hiện được lý tưởng? Là không bị lôi kéo trì trệ bởi nết xấu?…

Thật khó để trả lời cách rốt ráo và toàn bộ cho vấn đề này, vì chắc gì tôi ngồi tù mà đã không tự do? Hoặc tôi đang bay nhẩy trong vùng trời tự do mà đã thực sự tự do! Nước Mỹ được gọi là “Vùng đất tự do”, nhưng để ý mà xem, đó lại là một nơi nhiều luật lệ nhất, nghiêm túc nhất. Tại đó, bạn được tự do sống, nhưng trong khuôn khổ của luật lệ. Vậy thì, tự do thật nằm ở chỗ nào?

Từ câu chuyện ‘Su Su và cái bóng của mình’

Có một chuyện rất kỳ lạ đã bắt đầu xảy ra trong một ngày nắng đẹp. Hôm ấy Su Su đến trường sớm 5 phút. Nó muốn tránh mặt cu Bin và cu Bo, bởi hai đứa này luôn trêu chọc nó. Nhưng kìa hai đứa đang sắp tới nơi rồi. Su Su vội nép mình sau cái cột ở cổng. Lạ chưa, dưới ánh nắng, Su Su thấy cái bóng của nó không thu mình lại như nó đang làm, nhưng cái bóng ấy đưa tay mở khuya áo khoác với vẻ đe dọa, rồi giơ nắm đấm lên và khi hai đứa kia vừa bước vào cổng, cái bóng liền đấm vào mũi cu Bin và mắt của cu Bo.

 “Cứu con với”, cu Bin ôm cái mũi máu chảy vừa đi vừa hét. Còn cu Bo bịt mắt ré lên: “Thầy ơi, Su Su nó đấm con mù mắt rồi!”.

Mọi người đổ dồn ánh mắt nhìn Su Su. Thầy giáo nói: “Su Su! Thầy không chờ đợi điều này nơi con”. Khuôn mặt giận dữ của thày làm Su Su phát hoảng. Nó kêu lêu: “Con đâu có làm! Đó là do cái bóng của con”. Mọi người phá lên cười. Su Su bối rối. Nó nhìn thấy cái bóng của nó in rõ mồn một trên tường, đang xoa xoa bụng cười nghặt nghẽo.

Nửa giờ sau, trong lúc Su Su đang cố gắng theo dõi bài học, thì một tia nắng từ ngoài cửa sổ tràn vào, dọi cái bóng của nó trên tường. Su Su vội quay qua cái bóng nói: “Không. Dừng lại!”. Nhưng cái bóng đã đang lấy miếng giấy cuộn nhỏ lại như viên đạn giấy, rồi móc vào sợi thun giăng giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ như chiếc ná. Vúp!…. Viên đạn giấy bay thẳng vào tai của Bé Sam. Cô bé hét lên đau đớn.

Cả lớp im lặng trong giây lát. Rồi như bừng tỉnh, cậu bạn thân nhất chỉ Su Su nói: “Su Su đã làm đấy thưa cô. Chính mắt em đã thấy!”. Su Su mấy máy môi bào chữa: “Không phải mình…” Nhưng chẳng ai tin. Cô giáo quát lên: “Hãy nói cho cô biết: em lấy đâu ra sợi dây thun đó?”.

Su Su nhìn vào hai tay mình. Nó cũng giống như người khác thôi. Chập ngón cái và ngón trỏ lại. Ồ hay quá, tự nhiên trên tay nó lại có sợi thun mầu đỏ! Ở đâu thế nhỉ? Đến nước này Su Su chỉ biết cúi đầu yên lặng. Cô giáo kết luận: “Lớp trưởng làm ơn đưa cho cô sổ đầu bài!”.

Ánh mắt buồn vời vợi của mẹ

Trên đường về Su Su cũng không được yên. Cái bóng của nó qua đường khi đang đèn đỏ, hét vào tai của một bà lão đang qua đường và trả lời với những lời lẽ thô lỗ, mà chính Su Su cũng chưa bao giờ dám thốt ra.

Rồi trong giờ học buổi chiều tại nhà. Su Su vừa định mở tập ra thì có tiếng khe khẽ của cái bóng nói: “Này, học trên trường đủ rồi. Chẳng bao giờ mà hết cái để học cả. Tại sao cậu lại không chơi game đi. Game ‘Liên minh huyền thoại’ không hấp dẫn à?”. Cứ như bị mê hoặc, thay vì mở tập, Su Su mở máy chơi game.

Buổi tối, sau khi mệt nhoài với cuộc chơi, Su Su chợt nhớ đến đống bài chưa học chưa làm. Nó cũng nghĩ đến cái góc tường dành cho học sinh lười. Chỉ có thế thôi cũng đủ làm nó vừa bấn loạn vừa giận mình. Tâm trạng ấy theo nó vào bàn ăn. May mà bé Tôm cứ liến thoắng: “Ba ơi, tại sao gọi là trăng đầy?”, “Mẹ ơi, con ong làm thế nào để có mật vậy?”, “Ba ơi, ba dặn không được nhận kẹo của người lạ. Vậy có được nhận kem  không?”.

Trong lúc ba bận giải thích cho bé Tôm, mẹ hỏi Su Su về việc học ở trường. Như mọi khi Su Su kể cho mẹ nghe chút ít về việc xảy ra, nhưng chỉ chút ít thôi để ba mẹ không lo lắng. Rồi tự nhiên, tiếng nói của cái bóng lại rầm rì: “Kể đi, kể đi. Bây giờ đến lượt cậu í. Cậu kể cho họ nghe chuyện của cậu đi!”. Bực mình, Su Su vất chiếc muỗng, đấm mạnh trên bàn, cậu hét lớn: “Đủ rồi. Làm ơn im đi. Tao chán những lời vô nghĩa rồi. Tại sao không để tao yên?”.

Mẹ Su Su nhìn con thảng thốt nói: “Su Su…ơ…”, nét mặt bà buồn rười rượi. Ba thì đùng đùng giận dữ, còn bé Tôm thút thít khóc. Ngày hôm sau, Su Su nhặt được miếng giấy với hàng chữ ngây ngô của bé Tôm: “Ứ chơi với Su nữa. Không thèm nói chuyện nữa”.

Đến trường, buổi sáng có hai tiết trống. Su Su định đi một dạo một vòng. Qua tiệm sách Thần Đồng, Su Su nhìn thấy cái bóng của nó đi vào trong nên vội vã đi theo. Cái bóng đưa tay lên kệ, hất tung cả một dẫy các bình hoa giả xuống đất. Đi thêm một chút nó ranh mãnh nhón hai vỉ pin rồi bình thản đi ra ngoài. Lúc này, Su Su chặn cái bóng lại và nói: “Bỏ xuống”. Cái bóng đáp: “Đừng to chuyện thế bé! Ai cũng làm như vậy mà!”. “Nhưng tớ không muốn”.

Trong lúc Su Su đang giằng co với cái bóng thì bà chủ tiệm đi tới:

“Này, cháu đang làm gì thế?”

“À, cháu đang trả lại hàng vì không thích nữa”.

“Đưa đây!”, bà chủ tiệm gằn giọng.

Su Su rời khỏi đó, xấu hổ. Nó hậm hực bước tới cái ghế trống trong công viên, hai tay bưng đầu khổ sở: “Mình phải làm gì bây giờ?”

Chiến thắng cái bóng

Ông lão ngồi tại băng ghế gần đó bỏ tờ báo xuống, trầm giọng hỏi: “Có chuyện gì xẩy ra thế cháu?”

Ông lão khá thân thiện, với bộ tóc bạc trắng, ánh mắt vui tươi chân thành khiến Su Su thấy mình được hoàn toàn thông cảm. Nó kể tất cả mọi sự cho ông lão nghe. Cuối cùng ông lão nói: “Chẳng có gì lạ lùng cả cháu ạ. Mỗi người chúng ta đều có một cái bóng phải kiểm soát, kiềm chế!”.

“Mọi người à?”, Su Su ngạc nhiên hỏi lại.

“Chắc chắn. Rất nhiều người phải mất hầu như cả cuộc đời để có thể kiềm chế được cái bóng của mình”.

“Vậy ông đã làm gì?”

“À, ông làm thế này: mỗi lần mà ông nhận ra rằng cái bóng của mình sắp sửa muốn gây ra điều gì đó như nó thích, ông liền dừng lại và im lặng đếm chậm trong đầu từ một cho đến năm. Thế là, cái bóng bắt buộc phải đến đứng dính vào ông”.

Su Su đứng lên, giọng dứt khoát: “Cháu cũng muốn thử làm như thế!”.

“Chúc may mắn, cậu bé con!”, ông lão trả lời và tiếp tục đọc báo.

Phụ huynh làm gì trong cuộc chiến với cái bóng

Cái bóng của Su Su là “phần tối” của mỗi con người, đó là sự tinh nghịch, ranh mãnh, hiếu động mà mỗi người chúng ta mang trong mình. Nó được hình thành từ bản năng, từ những thúc đẩy thỏa mãn nhu cầu, từ những dồn nén, từ tính khí và những thói quen xấu. Những ma mãnh này nếu không được kiểm soát sẽ gây ra nhiều phiền toái.

Thực tế ngày nay cho thấy viêc đồng hành với người trẻ trong ‘cuộc chiến với cái bóng’ không đơn giản. Trước tiên, do con người hôm nay trở thành nhanh vội trong mọi sự, bên cạnh đó, xã hội tiêu thụ và phương tiện truyền thông dễ thổi phồng, đánh mạnh vào những thứ thuộc bản năng để có thể tìm được nhiều lợi nhuận, vô hình chung, họ cổ võ cho tính “con” nhiều hơn tính “người” nơi cá nhân và tập thể.

Để giúp người trẻ chiến thắng cái bóng của mình, nói cách khác là giúp người trẻ sống tự do, thì điều tiên quyết là các phụ huynh phải coi lại cách giáo dục của mình.

  • Trẻ có thói quen được trao đổi, phát biểu về các suy tư của mình?
  • Trẻ có được hướng dẫn để biết tôn trọng kỷ luật, nội quy của trường học, cộng đồng, quốc gia?
  • Trẻ có được nghe nói về môi trường mình sống, những tập quán, kỹ năng sống đẹp?
  • Trẻ có được tham gia giải quyết vấn đề của gia đình, trường học?
  • Trẻ có được trao nhiệm vụ và thường xuyên kiểm thảo về nhiệm vụ mình nhận?
  • Trẻ có được lắng nghe, tôn trọng và được tự do chọn lựa điều mình muốn? …

Thực ra, có nhiều yếu tố liên quan đến việc giúp các em sống sự tự do đúng nghĩa, nhưng thiết nghĩ, những yếu tố không thể thiếu cho khía cạnh tự do, đó là chọn lựa, bổn phận, trách nhiệm, lương tâm… Vì con người sống thành xã hội, nên tự do cần được đặt trong mối tương quan với chính mình, với người khác và với cộng đồng xã hội.

Để trở thành một con người trưởng thành, mỗi người trẻ phải học để kiểm soát và làm chủ những thúc đẩy bản năng; chỉ có như thế các em mới sống được với những người khác và làm những gì những mà em mơ ước; chỉ như thế em mới có thể hạnh phúc.

Hành động theo hứng tức là để cho cái bóng chiến thắng, điều này chắc chắn sẽ đem đến xung đột không thể tránh được và dẫn đến không còn kính trọng chính bản thân, cứ loay hoay giống như trong một vòng luẩn quẩn. Và đó là điều mà Su Su đã trải nghiệm từ khi để cho cái bóng của mình chiến thắng.

Trích CĐ Don Bosco số 33

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG