“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

“CON THẸO”

Tối rồi. Tối thế này người đi bên cạnh còn khó nhận ra nhau, thế mà cánh tay nhỏ nhắn của Viên vẫn chuyển động thoăn thoắt, như thể tất cả các đầu ngón tay đều có mắt vậy! Cứ mỗi lần chuyển động là cái bao bên cạnh Viên lại đón thêm một vỏ chai C2 bẹp dúm, hay một cái lon Coca hoặc một cái ly bể nói chung là bất cứ thứ gì có thể bán được. Chẳng mấy chốc mà cái bao đã đầy cứng. Viên túm cái miệng bao bằng sợi kẽm nhỏ nhét sẵn trong túi áo, rồi thẳng chân đạp cái bao lăn long lóc giữa đống rác ngổn ngang, đang bốc lên cái mùi khó chịu. “Chúc mừng tụi mày được hoá kiếp!” – Viên mỉm cười. “Tối nay quả là may mắn” – Viên lôi thêm một cái bao khác từ cái Xe Càng Kéo, tiếp tục những thao tác quen thuộc.

Hai tháng nay, từ hôm biết con Hạnh cần tiền để mổ mắt, chiều nào Viên cũng lượm ve chai chỗ bãi rác này. Nhớ lại những ngày đầu, cô bé vừa xấu hổ, vừa lúng túng không biết phải bắt đầu thế nào để lấy cho được mấy cái chai nhựa lẫn trong đống rác thải, hì hục toát cả mồ hôi mới moi được một cái. Nhìn chằm chằm vào đống rác dơ bẩn, nhầy nhụa, Viên cảm thấy nghẹn ứ cổ họng, cô cứ nhổ nước miếng liên tục. Sợ nhất là cái mùi rác đang phân huỷ, cứ bốc lên từng đợt theo cái cây sắt dùng để móc rác. Cái mùi đặc trưng của rác thải, mỗi lần ngửi phải thì muốn nôn ra ngay cho bằng được. Mấy lần Viên định bỏ cuộc, nhưng nghĩ lại, chỉ có cách này là hay nhất để kiếm tiền, lại tận dụng được thời gian rảnh rỗi.

Chẳng mấy chốc, lại thêm được một bao đầy, Viên chất cả hai cái bao đen thui lên chiếc Xe Càng Kéo rồi kéo thẳng tới nhà bà Dịu ve chai. Chiếc xe càng kéo lúc trước là của mẹ Viên, dùng để kéo cà chua đi bán, nhưng bây giờ mẹ Viên không còn sử dụng để kéo cà chua được nữa, nó đã quá cũ. Viên tận dụng chiếc xe này để kéo những “chiến lợi phẩm” thu được từ bãi rác. Chiếc xe đi tới đâu thì ồn ào tới đó. Hai cái bánh xe làm bằng sắt, mỗi vòng lăn kêu ken két, chói tai, khó nghe. Thế mà những tiếng động đó không làm cho Viên khó chịu, Viên không quan tâm gì tới điều đó, cô mải miết theo đuổi một ý nghĩ đã được ấp ủ nhiều ngày, cô đang thực hiện một việc khó làm, một việc làm của con tim chứ không phải là việc của những lao nhọc thể lý. Cũng bởi vì vậy mà mỗi lần kéo những bao ve chai về, Viên cảm thấy trong mình trào dâng một niềm vui khó tả.

Ở cái góc phố này, người ta chỉ mắc có vài bóng đèn, đủ để cho mọi người nhận ra những chiếc xe rác khổng lồ thay nhau đến trút những thứ thừa cặn trong thành phố. Nhưng bấy nhiêu ánh sáng cũng đủ cho người ta thấy được vết sẹo dài chạy ngang khuôn mặt xinh xắn của Viên. Nó là hậu quả của một trận ẩu đả nữ sinh, Viên trở thành nạn nhân chỉ vì bài làm văn của Viên hôm đó được cô giáo khen ngợi hết lời. Hôm đó, vừa ra khỏi cổng trường, Viên nghe một tiếng hét lớn: “Đứng lại. Con quỷ cái. Muốn chơi nổi hả!”. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì đầu Viên bị một cánh tay túm lấy, đấm tới tấp. Đám bạn chung quanh toàn là những đứa lười biếng vỗ tay đồng tình, chẳng hề can ngăn lại hò vào khiến Hạnh – cô bạn “giang hồ” được phen lên máu. Kết quả của trận đánh kẻ “nhìn mà thấy ghét” ấy làm cho Viên mang một vết thẹo dài trên má, còn Hạnh phải ra Hội đồng kỷ luật. Và Viên có thêm cái tên mới – “Con Thẹo”.

Với cái sẹo đó, mỗi lần nhìn đến là oán giận lại lên tiếng. Thấy Hạnh, Viên quay đi ngay, trong lòng lại dâng lên nỗi bực tức, oán giận, tâm hồn chẳng chút bình an. Dịp trả thù cũng đã đến. Trong giờ chủ nhiệm, cô giáo thông báo về việc Hạnh phải tạm nghỉ để mổ mắt và kêu gọi sự đóng góp vì nhà Hạnh nghèo, không có điều kiện để chữa trị. Thật là hả dạ! Nhiều bạn đến “chia vui” và nói với Viên: “Mày thấy không: Trời có mắt mà!”. Nhưng thay vì vui, tự nhiên Viên lại cảm thấy bồn chồn, xót xa trong lòng. Ừ thì Viên đã từng mong Hạnh gặp chuyện gì đó cho đáng, tuy nhiên, đến lúc có thể thì Viên lại thấy thương cảm cho bạn. Thế là “cái Thẹo” cố nghĩ một cách thức mới để vá lại cái sẹo trên mặt và trong lòng mình!

Tiếng ken két của Xe Càng Kéo ngưng hẳn. Con Thẹo lách qua đống ve chai chất cao như cái núi trước nhà bà Dịu, giọng nói trong trẻo:

  • Bà Dịu ơi, hôm nay được tới hai bao.
  • Con Thẹo hả! Hôm nay tao nghỉ sớm, không mua nữa!

Bà Dịu vừa nói vừa xua xua cái tay, nhưng bà vẫn không giấu được niềm vui sướng trong lòng. Không hiểu sao lúc nào gặp con Thẹo, bà cũng vui như vậy. Có lẽ bà là người duy nhất biết cái mục đích việc lượm ve chai của con Thẹo. Bà cảm phục con Thẹo không phải vì nó dễ mến cho bằng cái tâm trong sáng, chân thật và cương nghị của nó. Từ lúc biết con Thẹo chiều chiều đi lượm ve chai, tích góp tiền để giúp mổ mắt cho con Hạnh, bà Dịu tìm cách giúp con Thẹo đạt được mục đích, bà như bị thôi miên vì tấm lòng cao thượng của con Thẹo. Dù vậy, bà vẫn không hiểu nổi cái nghịch lý trong việc này, bà trộm nghĩ “sao thời này lại có chuyện một con bé dám bỏ thời gian, đi lượm ve chai, kiếm tiền để mổ mắt cho đứa đã từng cào rách mặt mình.”

  • Bà không mua thì con biếu bà làm kỷ niệm, con không có kéo về đâu. Thẹo cười khúc khích.
  • Cũng ghê nhỉ! Ai cướp công của mầy chắc Trời đánh cho nát đầu. Thôi bỏ lên cân xem thử!… 12 ký rưỡi. 15 ký. Tất cả hôm nay là 27.05. Bà Dịu viết con số tiếp theo vào dãy số trên vách tường.
  • Bà ơi, hôm nay con lãnh lương được không?
  • Tất nhiên rồi!… 2.300.000 tất cả.
  • Được nhiều thế hả bà?
  • Nó xứng với công của mầy mà! Bà góp thêm cho đủ 3.000.000, mầy cấm lấy mà giúp cho con Hạnh, nói với nó: có mắt mới thì đừng có đi đánh người nữa đấy!
  • Con cảm ơn bà.
  • Chẳng ai điên như mầy! hơi đâu lại… thôi về đi, tối lắm rồi!
  • Dạ, con chào bà Dịu, con cám ơn bà. Mai con đi bệnh viện, không có ve chai nghe bà.
  • Tao biết rồi!

Cái Xe Càng Kéo lại kêu ken két. Nhưng nghe vui hơn hẳn, vui như tâm trạng của Viên bây giờ. Cầm nắm tiền trong tay, Viên hình dung ra đôi mắt sáng ngời được chữa trị trên khuôn mặt Hạnh. Rồi thì ánh mắt của Hạnh nhìn Viên sẽ nồng ấm chứ không phải bằng ánh mắt hung dữ như cái buổi tan học ấy. Lúc đó, cả hai sẽ nhìn nhau trong cảm thông, chứ không lảng tránh, trách móc hay hận thù nữa.

Lòng rộn ràng niềm vui, bước nhanh trên con đường về nhà, Viên nhận ra mình đang hành động đúng! Đúng thật! Thời gian có thể chữa lành nhiều vết thương thể xác, như thể bác sĩ sẽ chữa lành được cặp mắt của Hạnh trong nay mai. Còn đối với những vết thương tâm hồn, thì thời gian chỉ có ý nghĩa khi ta ra sức hành động làm cho các trái tim sát lại gần hơn. Khi ta biết dùng thời gian để yêu thương, tha thứ và cảm thông, thì lúc đó thời gian mới là liều thuốc bổ dưỡng, chữa lành những vết thương tâm hồn. Còn nếu như ta cứ ù lỳ trong cố chấp, hận thù, thì chỉ làm cho vết thương tâm hồn thêm nặng mà thôi.

Huy Khiêm, SDB

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG