Đã lâu lắm rồi, có một ngôi làng tuyệt đẹp, được bao quanh bởi những ngọn đồi xanh tươi, cây cối xum xuê. Lại có cả dòng suối uốn khúc làm cho ngôi làng thêm hấp dẫn. Suối cung cấp nguồn nước uống ngọt ngào. Dân làng hiền hòa. Ban chiều, khi mặt trời ngả bóng và làn gió mát hiu hiu thổi, dân chúng đi dạo chung quanh làng. Họ vui vẻ chào hỏi nhau, kể chuyện làm ăn trong ngày, nói về những người đang đau yếu bệnh tật. Còn trẻ em từng đám nô đùa trên những thửa ruộng. Chúng chạy nhảy hò la mặc sức. Cảnh thái bình ngự trị. Yêu thương lên ngôi bởi không một ai lo cho riêng mình.
Nhưng rồi, một hôm, ông phù thủy già trong làng cảm thấy những tiếng la hét làm cho mình nhức đầu, không tập trung vào việc luyện những phép thuật thần thông. Ông bắt đầu ra lệnh xây tường đắp lũy cho khu vườn của mình. Ruộng của ông được quây lại, và ông đề một tấm bảng to tướng: KHU ĐẤT CỦA PHÙ THỦY MA LANH – CẤM VÀO. Thấy thế, những người dân trong làng cũng bắt đầu rào giậu chung quanh tài sản mình. Ruộng được chia lô, rào giậu và đề bảng “Cấm trẻ con lui tới. Ai vi phạm sẽ bị phạt nặng”. Không chỉ như thế, mỗi gia đình trong làng cũng bắt đầu xây những chiếc cổng thật cao cho nhà ở của mình, như thể sợ có ai đến quấy phá chăng. Chỉ tội nghiệp cho những đứa trẻ, chúng chẳng có chỗ chơi đùa. Và rồi, chúng cũng bắt đầu nhiễm thói ‘chỉ lo cho mình mà thôi’. Những tiếng cười biến mất. Chúng sẵn sàng thụi nhau nếu có đứa này chạm đến quyền lợi của đứa kia.
Từ ngày đó, khí hậu của ngôi làng cũng thay đổi nhiều. Gió bấc tràn về từng cơn. Những cơn bão tuyết phủ khắp dân làng. Nhiều ngày mặt trời như đi ngủ thật lâu mới dậy. Và khi dậy, mặt trời dường như cũng lười biếng không muốn tỏa ra sức nóng và ánh sáng để xuyên thấu những làn sương mù dày đặc. Băng tuyết năm này tháng nọ như càng đông cứng dày đặc hơn. Các mảnh vườn bị băng tuyết bao phủ đến độ chẳng cây rau cỏ nào sống được. Tệ hại hơn, dân làng cũng đóng kín lại với nhau. Nhà nào cũng cửa đóng then cài thật chặt. Lạnh lẽo, chẳng ai ra khỏi nhà và cũng vì lạnh quá chẳng ai thèm mở miệng chào hỏi ai. Băng tuyết trong lòng người lại làm cho giá lạnh ngoài trời như càng lạnh giá thêm. Dường như mất đi rồi cái thuở yên hàn yêu thương an bình thuở trước.
Một hôm, có một người lữ khách đi qua. Ông ta xem ra thật phong trần. Ông khoác một chiếc áo lông thú để chống lại cơn rét. Mệt mỏi và đói, bước chân ông loạng choạng đi không vững. Ông thất thểu lang thang từ nhà này đến nhà khác, gõ cửa từng nhà để xin tá túc vì cơn bão tuyết sắp đến. Các cửa đóng im lìm. Đôi khi có một con mắt tò mò ngó qua khe hở của các tấm ván. Nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Cửa vẫn khóa chặt. Người ta ngại để tiếp người khách vì lòng họ quá băng giá. Vị khách đi đến ngôi nhà cuối thôn. Giơ tay lên, ông toan gõ cửa. Nhưng khi ông còn chưa kịp gõ, thì cánh cửa đã mở ra. Một giọng nói thốt lên:
– Con hãy ra mời người khách vào cho mẹ.
Một thiếu niên bước ra, chìa tay nắm lấy tay người khách. Cậu ta thốt lên:
– Mẹ cháu mời ông vào. Ông hãy nắm tay cháu và đi cẩn thận vì nhà tối lắm.
Đúng thế, trong nhà chỉ có một ngọn đèn leo loét. Ngọn đèn chỉ đủ để ông khách nhìn thấy một thiếu phụ bên trong đang cặm cụi khâu vá. Thế nhưng thật lạ, ngọn đèn bé đó dù nhỏ bé nhưng dường như nó cũng đủ nóng để sưởi ấm ngôi nhà trong bầu trời giá lạnh như vậy. Chính ông khách cảm nhận như thế. Cởi chiếc áo khoác bằng lông cừu ra, ông khách bông đùa:
– Đã đến lúc tôi phải giũ bỏ chiếc áo nặng trịch này đi rồi. Ngọn đèn sao mà nóng thế. Nó làm tôi hết run rồi này. Ồ bà chủ, xin cảm ơn bà đã cho tá túc. Cơn bão sắp đến rồi. Nếu không có bà và cậu nhỏ, tôi chẳng biết phải làm sao.
Thiếu phụ cất tiếng nói trong khi hai tay vẫn thoăn thoắt khâu vá:
– Có gì đâu. Thế giới là nhà. Thế giới là của chung. Mà nhà cũng là thế giới, nên cũng là của chung. Ông cứ việc ở đây. Này con, hãy đi lấy nước nóng mời khách và coi xem có gì cho khách dùng không?
Cậu thiếu niên đi vào bên trong. Mấy phút sau, cậu trở ra, trên tay cầm một ly nước nóng. Cậu nói:
Mẹ ơi, nhà chúng ta chẳng còn gì ngoài một chén cơm thôi. Con đã hâm nóng lên rồi. Xin ông thứ lỗi. Khách đến nhà mà mẹ con cháu chẳng có gì đãi hết.
Ông khách xua tay:
Như vậy là quí lắm rồi. Gia đình đã lấy hết những gì mình có để cho tôi. Trái tim của gia đình đã xua tan mọi khí lạnh. Tôi đã được hưởng sức nóng mãnh liệt của nó. Nay tôi cũng chẳng gì nhiều cho lại gia đình. Nhưng tôi đảm bảo rằng gió bấc sẽ không vào đây được. Khí lạnh sẽ luôn dừng ở bên ngoài kia. Băng tuyết sẽ không bao giờ được bén mảng tới đây. Gia đình này sẽ luôn rực nóng như mặt trời để rồi sẽ làm cho băng giá chết người của ích kỷ dần dần không còn ngự trị nơi ngôi làng này nữa. Nó sẽ đốt cháy những hàng rào để cho những thiếu niên lại có những sân chơi, và tại đó chúng học để nhường nhịn nhau, để vui tươi và hạnh phúc.
Ngày hôm sau, ông khách lại rảo bước ra đi. Nhưng căn nhà ấy sáng mãi tấm lòng nhân ái và hiếu khách.
Mimosa Lan