Khánh Thy chào đời được năm tháng thì chính thức xuống nhà tôi tọa lạc.
Đó là một cô nhóc xinh xắn với mái tóc hơi vàng xoăn tít, nước da ngăm ngăm, gương mặt bầu bĩnh đáng yêu.
Cô Linh và chú Miên – hàng xóm nhà tôi bận bịu đủ việc, nhà tôi lại khá đông người nên thỉnh thoảng lại đem Khánh Thy xuống nhờ mẹ tôi trông coi giúp. Riết rồi thành quen, từ tháng thứ năm, hơi cứng một chút, Khánh Thy đã ngoan ngoãn nằm trên chiếc võng ở bộ ván nhà tôi say ngủ, khi thức sẽ được chúng tôi thay nhau trò chuyện và cho uống sữa. Quần áo tã giấy mũ giầy…hầu như cái gì của bé cũng ở dưới nhà tôi, từ nhà trên xuống nhà dưới, từ buồng ngủ tới nhà tắm đâu đâu cũng toàn đồ của bé. Được cái bé rất ngoan, không bao giờ quấy khóc ầm ĩ quá lâu. Nhà tôi có bé cũng rộn ràng hơn hẳn. Trưa, cô Linh xuống cho bú sữa, rồi lại tất tả về nhà dọn dẹp, bán buôn, để lại bé say ngủ sau bữa no căng, đến tối mới xuống đón về nhà. Hầu như ngày nào cũng thế, đến nỗi nhiều người hàng xóm không biết đó rốt cuộc là con ai nữa.
Khánh Thy lớn lên với chị em chúng tôi, mọi yêu thương cả gia đình tôi đều san sẻ cho bé như một thành viên trong gia đình. Chủ nhật, mẹ thường sẽ nấu các món ngon hơn một chút, và việc đầu tiên chúng tôi nghĩ tới là lên đón bé xuống ăn cùng, nếu bé ra nhà ngoại thì vẫn để phần ở đó, khi nào về sẽ ăn sau. Hàng xóm xung quanh ai cũng nói cô Linh sướng, sinh con ra có người nuôi giùm, muốn làm gì cũng được, đi đâu cũng được, đã vậy, mẹ tôi là người có kinh nghiệm nhiều trong việc nuôi dạy con nít, nên mọi thứ cô Linh đỡ đi rất nhiều. Mẹ tôi chỉ cười, hàng xóm láng giềng, hai nhà thân thiết, cũng như con mình thôi, có gì đâu mà. Với lại cô Linh phải bận bịu đủ việc để gánh vác gia đình phụ chú, nhà tôi đông người, không người này thì người kia coi bé nên cũng chẳng gặp vấn đề gì to tát. Nhà cô Linh có ông, nhưng ông khó mà giữ được cháu thơ nên cô đành nhờ nhà tôi. Mà, nếu cô không nhờ, mẹ tôi cũng rước xuống. Mẹ nói mỗi lần đi ngang, thấy bé thơ thẩn chơi một mình rồi ngóng ra ngoài cửa, mới có hai tuổi mà như vậy, xót lắm, nên rước về. Bé mừng lắm, xuống nhà tôi là quậy tưng bừng không lúc nào ngơi, làm rộn ràng căn nhà hẳn lên. Hay mỗi lần đi xuống dưới chùa cùng ông nội, bé đều kéo vào con đường rẽ vào nhà tôi như một thói quen, nhất quyết không đi cùng ông lễ Phật.
Khánh Thy coi nhà tôi như nhà mình. Có những khi tối rồi mà chẳng chịu về, cô Linh phải xuống đón, rồi dụ rằng về lấy đồ xuống ở, bé mới chịu theo mẹ về. Chú Miên hay đùa rằng thôi cho đó, đem về làm gì, bé cũng gật đầu luôn. Nói vậy thôi, chứ cô chú xót lắm. Ai mà muốn con mình xa lạ với chính nhà mình, chẳng qua vì hoàn cảnh, nên cô chú đành phải để con dưới nhà tôi. Những ngày về sớm, chú đều xuống nhà tôi, chuyện trò hoặc chơi cờ với cha tôi trong lúc bé đang mải mê chơi đùa cùng chị em tôi.
Mấy chị em tôi luôn coi Khánh Thy là một phần quan trọng của nhà mình, chăm chút cho bé từng ly từng tí, và… cũng giống như tôi ngày trước, các em tôi dạy bé hát “Con cò bé bé”, “Con chim non”, “Cái bống”… những điệu múa đơn giản, kể cho bé nghe những câu chuyện mà tôi kể, hoặc lật sách ra vừa chỉ hình vừa đọc cho bé nghe những câu chuyện trong đó. Khánh Thy thích lắm. Dù chưa biết chữ, nhưng mỗi lần xuống đều lấy đúng cuốn sách đó ra, rồi lại mở từng trang và yêu cầu em tôi đọc. Tôi mua mấy con rối tay về, rồi giả làm con này con nọ kể chuyện để ru bé ngủ, bé luôn chăm chú và thắc mắc ngay vì sao thế này vì sao thế khác, rồi lại nhận xét con sói này ác quá hay tội nghiệp chú thỏ ghê.
Những ngày kỉ niệm sinh nhật, ngày quốc tế phụ nữ, ngày của mẹ, ngày của cha, ngày phụ nữ Việt Nam… chị em tôi đều tổ chức những bữa tiệc nho nhỏ, và dĩ nhiên, đều có sự hiện diện của Khánh Thy. Tôi muốn rằng những đứa em của mình biết trân trọng những giây phút gia đình sum họp và đầm ấm bên nhau, để sau này đi xa đều nhớ về tổ ấm nhỏ nhoi đó mà phấn đấu, mà hạnh phúc. Và tôi cũng muốn Khánh Thy có những kí ức êm đẹp đó. Những ngày đó, chúng tôi thường tíu tít chuẩn bị bánh kẹo, nước ngọt, rồi mua quà, rồi tự tay gói, tự tay làm thiệp, xong tất cả sẽ cùng kí lên và ai nhỏ nhất sẽ đại diện tặng cho cha mẹ. Tôi mời cả chú Miên và cô Linh xuống tham gia, và Khánh Thy cũng được chúng tôi chuẩn bị một phần quà nhỏ để tặng cho cha mẹ của mình. Tuy chẳng có gì to tát, chỉ là cây kẹp hoặc dây cột tóc, chiếc đồng hồ… nhưng hầu như ai cũng vui. Chú Miên nói không biết sau này Khánh Thy có nhớ những ngày này để mà làm như chúng tôi hay không, khi mà chúng tôi đã lớn hết và không có thời gian trở về quây quần như hiện tại. Tôi tin là bé nhớ, những gì thuộc về thói quen mà được hình thành từ bé, thì dĩ nhiên, sẽ in đậm trong kí ức, khó có thể tách rời.
Cô Huệ hàng xóm nói Khánh Thy đã có những tháng ngày thật đẹp, vì cô dạy mầm non, không phải đứa bé nào sinh ra cũng được như thế. Có khi phải thui thủi một mình, có khi chỉ biết ở trường chờ cha mẹ tới đón về đến mòn mỏi mỗi khi tan học. Còn Khánh Thy đã có một gia đình vui vẻ và hạnh phúc, ấm áp dù không phải là ruột thịt, được nuôi dưỡng bởi những kí ức nên thơ và trong trẻo, chắc chắn sau này sẽ không bao giờ quên được những ngày tháng đó của cuộc đời.
Ừ, đó cũng là ước muốn của mọi trẻ nhỏ mà! Không cần giàu có, sung sướng với chăn êm nệm ấm, chỉ là có bạn bè chơi chung, có những câu chuyện đẹp, có những phút giây êm đềm bên cha mẹ, đủ cho một ấu thơ rồi!
Tùy Phong