Chuyên mục:
“DON BOSCO: KỸ THUẬT SỐ VÀ THỰC TẾ ẢO”
Bài viết số 01:
“Gioan Bosco: Tầm nhìn và sự giáo dục thời thơ ấu –
Khởi điểm của một Nhà truyền thông vĩ đại.”
_______________
Anh chị em thân mến!
Trong vòng 12 tháng tới kể từ thời điểm này, cha sẽ giới thiệu cho anh chị em một loạt bài viết trong chuyên mục với nhan đề “Don Bosco, Kỹ thuật số và thực tế ảo”. Trong tháng này, cha sẽ chia sẻ với anh chị em bài viết đầu tiên có tiêu đề là: “Gioan Bosco: Tầm nhìn và sự giáo dục thời thơ ấu – Khởi điểm của một Nhà truyền thông vĩ đại.”
Trong bài viết này, cha tập trung vào việc tìm hiểu cách mà nghệ thuật và trò chơi đóng vai trò quyết định và quan trọng như thế nào trong việc giáo dục của Gioan Bosco khi còn là một cậu bé và một thiếu niên.
Vì nghệ thuật và trò chơi rất quan trọng đối với Don Bosco, nhà truyền thông, cha tin rằng nó tiếp tục đóng một vai trò trung tâm trong cuộc sống của những người trẻ ngang qua các phương tiện kỹ thuật số và mạng xã hội.
Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu Don Bosco bắt đầu tham gia vào nghệ thuật và trò chơi khi nào và như thế nào, cũng như cách Ngài phát triển các kỹ năng giao tiếp của mình.
Một chìa khóa cần thiết giúp chúng ta trả lời câu hỏi này là quay trở lại với thời thơ ấu và thời niên thiếu của Gioan Bosco. Khả năng giao tiếp của cậu bắt nguồn từ nghệ thuật và các mối tương quan mà Gioan Bosco đã phát triển khi còn là một cậu bé nhà quê ở Castelnuovo d’Asti, gần Tôrinô.
Gioan Bosco lớn lên với sự chăm sóc của mẹ mình, mẹ Magarita; bà là người hướng dẫn và là cố vấn của cậu. Với tình yêu, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc của mẹ Magarita, Gioan Bosco được huấn luyện để thể hiện chính mình cách trọn vẹn và cố gắng hết sức để làm chủ cuộc sống của mình cũng như phát triển về mặt nghệ thuật và tinh thần như một con người đích thực.
Trước tiên, cha muốn nhấn mạnh rằng nghệ thuật và các mối tương quan trong thời niên thiếu của Gioan Bosco đã đóng góp nhiều như thế nào trong việc phát triển khả năng giao tiếp của Gioan Bosco.
Trong câu chuyện về cuộc đời mình được miêu tả trong Hồi Ký Nguyện Xá, Don Bosco viết một cách rất đơn giản và minh bạch về những gì ngài thích làm, và cách ngài phát triển các kỹ năng của mình trong lĩnh vực âm nhạc, trò chơi, sân khấu, may vá, cũng như năng lực của ngài đối với các mối quan hệ xã hội và khả năng lãnh đạo giữa các bạn đồng trang lứa.
Don Bosco mô tả một cách đơn giản rằng ngài thích âm nhạc như thế nào, năng khiếu ca hát của ngài cũng vậy!
“Vì tôi có một giọng hát tốt, tôi đã toàn tâm toàn ý theo đuổi âm nhạc, và trong một vài tháng nữa, tôi có thể cùng anh [Gioan Roberto] thành công rực rỡ trong lĩnh vực này.” (Hồi ức về Nguyện xá [MO], trang 49)
Nghệ thuật âm nhạc và biểu diễn là một trường học thực sự, nơi một cá nhân mở ra và bắt đầu một cuộc hành trình nội tâm. Thông qua âm nhạc, cậu bé Gioan Bosco đã đáp lại khát vọng lớn lao được thể hiện bản thân, nói theo tiếng nói của trái tim, tạo chỗ cho trí tưởng tượng và sự sáng tạo của cậu.
Khi đối diện với nhu cầu học nhạc, Gioan Bosco nhận ra tầm quan trọng của tính kỷ luật: nghệ thuật hát đòi hỏi sự cam kết, và học chơi piano cũng vậy. Cậu bắt đầu hiểu rằng mọi thứ diễn ra theo từng bước rằng, học tập là cuộc gặp gỡ giữa đam mê bên trong và sự rèn luyện, trực giác và quy tắc, tài năng và các bước cần thiết khi bắt đầu học một điều mới.
Nhận thức giáo dục tiềm ẩn này rất quan trọng đối với Gioan Bosco. Đó là lúc cậu bắt đầu nhận thức rằng mọi thứ trong cuộc sống đều đòi hỏi tài năng, sự sáng tạo, cam kết và rèn luyện.
Ngoài âm nhạc, Gioan Bosco còn nói về kỹ năng trò chơi của mình. Điều thú vị là cậu mô tả âm nhạc, trò chơi, kịch nghệ là những thứ cậu đã làm trong quá trình học tập của mình như thế nào. Nó cho thấy Gioan Bosco bắt đầu phát triển sự rèn luyện và nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển các hoạt động thể chất, nghệ thuật, tâm linh và học tập cùng nhau như thế nào. Don Bosco nói rằng:
“Trong quá trình học tập và các sở thích khác, chẳng hạn như ca hát, âm nhạc, học cách diễn thuyết và kịch nghệ mà tôi đã toàn tâm đảm nhiệm, tôi cũng học được nhiều trò chơi mới: biểu diễn bài, bắn bi, ném vòng, đi cà kheo, nhảy bật xa, tất cả những thứ mà tôi thích thú và trong đó, tôi hoàn toàn không tầm thường, ngay cả khi tôi không phải là nhà vô địch.” (MO, trang 66)
Sự quan tâm và cống hiến to lớn của Don Bosco đối với các trò chơi chứng tỏ điều gì đó tuyệt vời hơn về khả năng và cách giáo dục của Ngài.
Khi viết về tầm quan trọng của trò chơi đối với Gioan Bosco, tác giả Arthur J. Lenti (2014) đã viết rằng:
“Don Bosco không chỉ nhận ra sự hữu ích của trò chơi khi giải trí, mà còn đối với sự phát triển toàn diện của người trẻ. Đối với ngài, giáo dục có nghĩa là giúp người trẻ trưởng thành. Trò chơi là một hoạt động cần thiết để người trẻ đạt đến sự trưởng thành. Để giúp họ thăng hoa những khuynh hướng nhất định, hiểu biết nhau qua sự cạnh tranh với người khác, và nhận ra và kiểm soát những bất đồng của chính họ.” (Don Bosco, Lịch sử và Tinh thần, tập 1, trang 99)
Bằng cách học nhạc, biểu diễn, ca hát và tham gia các trò chơi, Gioan Bosco đã học được cách thể hiện bản thân một cách tự do và chân thực. Bằng cách tiếp xúc với âm nhạc vô danh và những rủi ro liên quan đến trò chơi, chạy và nhảy, cậu đã có được một ý thức thực tế và mạnh mẽ về những gì cậu có thể hoặc không thể làm. Gioan Bosco phát triển ý thức nỗ lực hết mình để đạt được điều gì đó, và để hoàn thành điều gì đó đã thúc đẩy cậu tiếp tục, học hỏi thêm, và để trở nên tốt hơn.
Nghệ thuật như âm nhạc, sân khấu và ca hát, đòi hỏi các cá nhân phải bộc lộ con người thật của họ, đặc biệt là khi họ biểu diễn những điều này trước những người khác. Đó là những dịp để đánh giá, tán thưởng, phê bình và khen ngợi. Nghệ thuật không mở ra bất cứ không gian nào cho sự phân biệt hoặc bộc lộ điều gì đó về cái chính mình không đúng sự thật. Nếu người ta nói rằng họ có thể chơi một loại nhạc cụ, thì họ phải chơi được nó, chứng tỏ rằng họ biết họ đang làm gì, nếu không, họ ngay lập tức đón nhận những lời phê bình. Nghệ thuật thực sự bộc lộ con người đích thực.
Nghệ thuật và trò chơi cũng cho phép cá nhân trải nghiệm cảm giác tự do trong khuôn khổ. Ví dụ, để học âm nhạc, người ta phải tuân theo các nguyên tắc của âm nhạc, ‘tính toán’ của âm nhạc, logic của trò chơi, các bước mà tất cả các môn nghệ thuật và thể thao đòi hỏi.
Thông qua nghệ thuật và trò chơi, các cá nhân thể hiện trí tưởng tượng sáng tạo của mình. Kỹ năng nghệ thuật của Don Bosco tiết lộ nhiều về khả năng giao tiếp của Ngài. Pietro Broccardo (2005) nói: “Nó có thể nêu bật sự táo bạo, can đảm và trí tưởng tượng sáng tạo của Don Bosco.” (Don Bosco rất thánh và rất người, trang 7)
Bằng cách phát triển trí tưởng tượng phong phú của mình phù hợp với nguồn cảm hứng, kỷ luật và các nguyên tắc của nghệ thuật khác nhau, cậu bé Gioan Bosco đã bắt tay vào một con đường có giá trị để phát triển bản thân trong các lĩnh vực khác như học tập và các mối tương quan với người khác.
Khi chuyển sang mô tả về những kỹ năng của mình, Don Bosco tiết lộ động lực quan trọng cho việc biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật và trò chơi:
“Ở Becchi có một cánh đồng với nhiều cây cối. Trong số chúng, một cây lê vẫn đứng ở đó, rất hữu ích đối với tôi vào thời điểm đó. Tôi đã từng buộc một sợi dây vào nó từ một cái cây khác ở một khoảng cách xa. Tôi có một cái bàn với một cái ba lô trên đó, và trên mặt đất là một tấm thảm để nhảy. Khi tôi đã chuẩn bị xong mọi thứ và mọi người háo hức ngạc nhiên trước những chiến công mới nhất của tôi, tôi sẽ mời họ đọc kinh mân côi và hát một bài thánh ca.” (MO, trang 39)
Gioan Bosco là một người hướng ngoại. Cậu thích tiếp cận với mọi người, làm quen với họ, thiết lập mối quan hệ với họ. Do đó, nghệ thuật và trò chơi trở thành những con đường quan trọng để cậu thu hút khán giả và giúp rèn luyện những người bạn của cậu.
Đầu đời, Gioan Bosco bắt đầu hiểu tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc truyền đạt thông điệp Kitô giáo. Nghệ thuật đã trở thành một thứ ngôn ngữ đối với cậu. Trò chơi trở thành một cách thức giao tiếp. Tương tác đã trở nên một cách chia sẻ và giảng dạy một điều gì đó. Cuối cùng thì mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau đã đóng một vai trò cơ bản trong việc thông truyền của Don Bosco.
Ngoài ra, bằng cách phát triển mối quan hệ với bạn bè của mình, Gioan lớn lên với ý thức hiểu biết bản thân và người khác, cách đàm phán trước những quan điểm của người khác, cách thuyết phục và lãnh đạo với tinh thần tự giác, đưa ra sáng kiến, học hỏi từ những sai lầm của mình, đánh giá mọi thứ và trải nghiệm niềm vui trong hội nhóm cùng với những người khác.
Bằng cách tiếp xúc với nghệ thuật và các mối quan hệ, Gioan Bosco khi còn là một cậu bé bắt đầu chơi với các ô chữ, thổi vào chúng một ý nghĩa, liên kết các từ với biểu tượng của chúng, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, liên kết cảm xúc với lời nói, thể hiện trí tưởng tượng của mình thông qua các hành động nghệ thuật, định hình suy tư của mình và các ý tưởng đang được triển khai, đạt được sự can đảm để tương giao với các bạn cùng trang lứa và thậm chí chấp nhận rủi ro để thực hiện tốt bất cứ điều gì cậu đã làm một cách nghệ thuật. Bằng cách trải qua những bước này, Gioan Bosco đã dấn thân vào hành trình dài dẫn đến việc cậu trở thành một nhà truyền thông chính hiệu và đích thực.
Don Bosco học cách giao tiếp thông qua nghệ thuật và trò chơi. Ngài nhanh chóng hiểu rằng ngôn ngữ là chìa khóa để giao tiếp. Ngài đặt cả trái tim vào lời nói của mình. Ngài đã trải nghiệm cảm giác tốt đẹp và vui tươi khi làm tất cả những điều này. Don Bosco có một tầm nhìn về điều bí ẩn đã hướng dẫn Ngài. Điều này trở thành động lực truyền cảm hứng cho Ngài từ bên trong.
Trong thế giới kỹ thuật số, những khía cạnh này là rất cần thiết. Những người trẻ luôn nhận biết được điều đó.
Rôma, ngày 09 tháng 09 năm 2021
Cha Gildasio Mendes, SDB
Tổng Cố Vấn Truyền thông Xã hội
Gia Thi, SDB chuyển ngữ