Có những cuộc gặp gỡ bạn bè cũ mang lại cho ta niềm vui và sự hạnh phúc vì được hội ngộ và vì được gợi nhớ lại những chuyện xưa. Cũng có những lần gặp gỡ “cố nhân” khiến ta bàng hoàng, giật mình suy nghĩ. Tôi không muốn nói về người yêu cũ hay những gì đại loại như thế. Tôi muốn kể về một người bạn cũ.
Bạn của tôi tên là Lê Hồng Ân. Ân là một cậu bé con út khá ngoan trong gia đình. Bố mất trong thời chiến tranh khốc liệt ở miền Trung. Gia đình chạy loạn sau đó vào miền Đông Nam Bộ. Ân lớn lên với mẹ và hai chị gái. Họ đùm bọc nhau, bươn chải để kiếm sống và cuối cùng, mọi khó khăn dần qua và đời sống gia đình cũng tương đối dễ chịu hơn!
Tôi vẫn luôn nhớ lại rằng thời niên thiếu, cậu chưa bao giờ làm điều gì trái ý mẹ mình. Chỉ có một lần, đó là khi mẹ Ân đã so sánh cậu với anh bạn con nhà hàng xóm là chính tôi đây. Ban đầu, cậu làm bộ dửng dưng với chuyện ấy, nhưng càng lúc càng cảm thấy khó chịu và đã không nhịn được nữa. Cậu bực bội rồi to tiếng với mẹ. Tôi nghĩ chuyện của tuổi thiếu niên vẫn vậy, khi mình bị đem ra so sánh với người khác. Tôi chẳng hơn gì Ân, chỉ biết rằng mình phải tỏ ra ngoan ngoãn thôi, vì vốn là anh trai cả, nên phải làm việc giỏi giang hơn để làm gương cho các em nhỏ của mình.
Thực ra, việc học hành với Ân không là vấn đề. Tôi phục Ân vì trí thông minh của cậu ấy. Chỉ có chuyện nhỏ khác. Có lẽ vì anh chàng là con út, các chị lớn đã bao hết việc nhà, nên cậu ít có cơ hội để hy sinh mà làm những việc lặt vặt khác. Ngoài giờ học ra, việc vặt hay mọi sự loanh quanh cũng chỉ là nhặt rau, đun nước và chơi đủ mọi trò. Tuổi thơ một thời như vậy là yên bình rồi!
Bẵng đi một thời gian, chúng tôi không gặp nhau. Gia đình tôi vì cớ sinh nhai phải chuyển lên tận miền cao nguyên bụi mù. Xa quê, xa cả bạn bè thuở xưa.
Sau đại học, tôi đi làm cho một công ty. Một dịp, tôi về thăm người bà con còn ở quê xưa, và trong lúc lang thang quán cà phê với mấy người bạn, tôi gặp lại Ân. Tôi không thể nhận ra Ân. Có lẽ vì sau nhiều năm tôi chỉ còn nhớ gương mặt với vầng trán cao và đôi mất tinh nhanh. Bây giờ, trước mặt tôi là một anh chàng tiều tụy, tóc lơ thơ, quần áo nhàu nát, đôi mắt thất thần, chân đi khập khiểng; và hình như mới sáng tinh sương mà người đã thoang thoảng mùi men rồi! Tôi bàng hoàng vì sự thay đổi này.
Tôi hỏi người em họ về chuyện đã xảy ra với Ân. Hai chị gái đi lấy chồng, Ân sống với mẹ. Việc đồng áng càng lúc càng nặng bà không làm hết nên đã bán bớt đất. Ân đi học và đã tốt nghiệp cấp III nhưng lại thi trượt đại học. Có người khuyên anh nên đi học trung cấp kỹ thuật nhưng Ân lại không thích. Ân muốn học ngành kinh tế hoặc bách khoa. Và rồi nhiều mùa hè đã qua, nhiều lớp đàn em đã ra trường mà vẫn còn đó một “gã khờ” chờ đợi. Có lẽ ước mơ của anh thật lớn và khả năng học hành cũng có thể biến ước mơ đó thành hiện thực, nhưng mẹ già đã không lo được những gì là “cần thiết ban đầu”, nên mọi sự tạm ngủ yên cho đến hôm nay. Một lần, sau khi đã có hơi men, Ân chạy xe máy và gây tai nạn. Từ độ ấy, tính tình cũng trở nên bất thường.
Tôi chào Ân nhưng anh chẳng buồn nói chuyện lại, chỉ nhếch mép cười gượng. Ân ầm ừ hỏi tôi xin lửa châm thuốc hút rồi lại ra ngồi vật vờ trên ghế đá dưới một gốc cây si, lim dim nhìn khói thuốc thả vào không gian ồn ào và chẳng quan tâm đến ai xung quanh. Anh đang sống trong thế giới của mình, dửng dưng với mọi sự đời.
Cuộc đời có những đổi thay. Phận người có những ngày buồn ngày vui. Tôi cũng vậy, Ân có lẽ cũng thế. Ai cũng mơ ước vượt qua số phận để sống đẹp hơn, nhưng không phải lúc nào cũng là điều khả thể. Tôi thấy đắng lòng và khi nhắp một ngụm cà phê cũng thấy đắng hơn dù đã bỏ vào ly cà phê khá nhiều đường. Giá như, vâng, giá như đó là một câu chuyện tưởng tượng thì hay biết bao.
An Phong, SDB