Hồi đó, ở Ancôna, bao nhiêu người chết vì dịch tả, nhiều trẻ em mất cả cha lẫn mẹ.
Đầu tháng 8 năm 1866, sáu em bụi đời được đưa tới Nguyện xá[1] Tôrinô. Nhưng Don Bosco đi vắng hôm sau mới về. Khi Don Bosco về, chúng nhìn thấy Ngài, nhưng không bỏ mũ chào Ngài. Với nụ cười trìu mến, thánh nhân đặt tay trên đầu chúng và hỏi:
– Các con có khỏe không?
– Không!
– Ủa, tại sao thế, các con?
– Vì bị đàn áp. Chúng con muốn về nhà!
– Bị đàn áp!? Nhưng như thế nào?
– Ở đây không có gì ăn hết. Cái người ta cho ăn thật là tồi…
– Nhưng cháo các con ăn, các học sinh khác cũng ăn, các bề trên[2] cũng dùng và chính cha cũng dùng…
– Cha thích món cháo ấy thì tùy cha, còn chúng con thì…
Khó chịu trước những câu trả lời thô lỗ ấy, nhưng nét mặt Don Bosco không tỏ ra mất bình tĩnh. Ngài bình thản quay sang các trẻ khác đang vây quanh Ngài rất đông.
Còn sáu em kia, sau khi rút được nỗi uất ức, đã nhún vai bỏ đi và rút vào một góc sân.
Sử liệu ghi lại cách thức Don Bosco cảm hóa thanh thiếu niên: “Nhiều lần tôi nhìn thấy những cảnh tượng thật lộn xộn. Nhưng Don Bosco đã thành công trong việc uốn nắn dần dần những con vật hung dữ, luôn miệng chửi thề ấy, thành những con chiên hiền lành, đồng thời làm nổi bật bản chất tốt vốn có nơi tâm hồn mỗi em. Don Bosco không nôn nóng, không xua đuổi. Với lòng nhân từ, Ngài trấn an các tâm hồn. Ngài khám phá, khơi lên cái tốt nơi mỗi em và dẫn đưa tới “Thiên Chúa”. Ngài cũng làm như thế với sáu em kia. Ngài gặp riêng từng em. Với lời lẽ dịu dàng Ngài đã chinh phục được tâm hồn chúng và làm cho chúng cảm thấy chúng được yêu mến. Rồi, Ngài dịu dàng dẫn chúng tới nhà thờ, giải tội cho chúng. Những em ấy đã được hoán cải.
Đây là một bản xét mình. Có một bản năng tự nhiên liên kết chúng ta với con cái; nhưng tình yêu đích thực còn là cái gì cao hơn bản năng. Ta hãy thử xét xem:
* Có phải ta yêu con cái như người ta yêu búp-bê hay yêu đồ chơi? Ta yêu chúng chỉ vì thích ôm hôn hay vuốt ve chúng? Nếu vậy, thật là một lòng yêu mến nghèo nàn. Mỗi đứa trẻ còn là con của Thiên Chúa mà Đức Kitô đã hiến mạng sống trên thập giá cho nó.
* Hay ta yêu mến chúng vì chúng nhân đức, vì chúng xinh đẹp, lễ phép và thông minh? Yêu mến như vậy thì cũng quá tầm thường, dễ đi đến chỗ thiên vị.
* Hay ta yêu mến chúng vì chúng thuộc về ta và ta muốn đào tạo chúng theo sở thích của ta? Nếu thế, ta sẽ thất vọng, vì chúng sẽ sớm tỏ ra độc lập và thoát khỏi ảnh hưởng của ta.
* Hay ta chỉ yêu mến chúng khi thành công trong việc dạy cho chúng biết cách xử sự vừa lòng ta? Đây cũng là một lòng yêu mến thuần nhân loại. Đức Hồng Y Mercier nói: “Hỡi các bậc làm cha mẹ, đừng chiếm chỗ của Thiên Chúa”.
Lòng yêu mến đích thật phải dẫn đến Thiên Chúa. Định nghĩa đúng đắn nhất về Thiên Chúa chính là định nghĩa của thánh Gioan: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Bí quyết giáo dục của Don Bosco chính là: “Dùng lòng tốt mà xoa dịu các tâm hồn, khám phá ra cái tốt nơi mỗi em, làm cho nó tỏa sáng và dẫn chúng đến với Thiên Chúa”.
“Trẻ phải được yêu, nhưng không chỉ có thế, mà chúng còn phải nhận ra chúng được yêu… Các bề trên phải yêu thích những gì thanh thiếu niên yêu thích, rồi chúng sẽ thích những gì bề trên thích. Có như thế bề trên mới nhẹ bớt gánh nặng… Ai muốn được yêu, cần phải tỏ ra mình yêu. Ai được yêu mến, sẽ được mọi sự, nhất là nơi thanh thiếu niên. Tín nhiệm là dòng điện lưu hành giữa thanh thiếu niên và bề trên. Thanh thiếu niên sẽ cởi mở, giãi bày những ưu tư, lầm lỗi của mình. Chính nhờ có tình yêu đó mà bề trên chịu đựng mọi lao nhọc, nhàm chán, vô ơn, quấy phá, thiếu sót, cẩu thả của thanh thiếu niên” (Don Bosco).
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB
———-
[1] Nơi Don Bosco tụ tập thanh thiếu niên lại để giáo dục chúng.
[2] Những người cộng tác với Don Bosco trong việc giáo dục thanh thiếu niên.