Chiều 15 tháng 4 năm 1885, tại Marseille, Don Bosco dùng bữa với một luật sư danh tiếng của thành phố. Đó là luật sư Michel, vừa mới trở về sau một cuộc hành trình dài qua nhiều nước trên thế giới. Trong cuộc nói chuyện hai người đã bàn về vấn đề tinh thần ngoại giáo nơi các trường học của một số nước trước đây là Kitô giáo thực thụ. Don Bosco ngồi nghe; thình lình ngài nêu lên một câu hỏi:
– Thưa luật sư, theo ngài thì đâu là nguyên nhân của sự sai lầm như thế?
Ông luật sư đưa ra hết lời cắt nghĩa này tới lời cắt nghĩa khác; nhưng không một lời cắt nghĩa nào có sức thuyết phục hoàn toàn. Một lúc sau, Don Bosco mới nói thêm vào:
– Không đâu, thưa luật sư. Tình trạng tệ hại ấy chỉ có một nguyên nhân thôi: đó là do người ta đưa việc giáo dục ngoại giáo vào các trường học. Nếu được dạy toàn các tác phẩm cổ điển ngoại giáo, nếu theo phương pháp ngoại giáo, thì trường học sẽ không bao giờ tạo nên được những Kitô hữu đích thực. Tôi đã chiến đấu suốt đời để chống lại việc giáo dục mất phẩm chất ấy, vì nó làm hư hỏng tinh thần và tâm hồn của trẻ em; lý tưởng của tôi luôn luôn là cải tổ trường học dựa trên nền tảng kitô giáo một cách rõ ràng. Giờ đây tôi đã già, sức khỏe tôi đang đi xuống, tôi sẽ chết với nỗi đau đớn này là mình không được người ta hiểu cho đủ.
Những ai nghe ngài, sẽ nhận thấy trong giọng nói của Don Bosco có một âm sắc “dịu dàng và tự hào”. Người chép sử về ngài nhấn mạnh: Don Bosco muốn rằng trường học phải như một đền thánh nhỏ và một gia đình.
* Trường học có thể quyết định số phận của trẻ em, trong điều tốt cũng như trong điều xấu. Nếu người ta không nhớ rằng trường học phải như một đền thánh nhỏ và một gia đình, thời gian đi học sẽ trở nên một chuỗi những khủng hoảng. Trẻ em muốn học vì tình yêu. Chúng mang lại cho thầy cô những thành quả học tập của chúng như là quà tặng. Những nghiên cứu của các nhà tâm lý cho thấy rằng giữa những thành quả học tập và mối tương giao tình cảm rõ ràng có một sự liên hệ mật thiết. Có phải điều ấy chỉ xảy ra cho các học sinh? Tại Mỹ, người ta đã thí nghiệm tại một trường học để tìm xem máy chữ nào mang lại hiệu suất cao nhất. Trong suốt hai năm, những người đánh máy chữ giỏi nhất bắt tay vào việc với những máy chữ khá nhất. Những khác biệt thật đáng chú ý. Nhưng một ngày kia người ta đổi người trưởng nhóm; hậu quả là tất cả mọi kết quả đều đảo lộn. Hiệu suất của nhóm liền tăng ngay và mức độ tổng quát chấm dứt để duy trì cái mức mà trước đây chưa một người đánh máy giỏi nào đã đạt được với cái máy khá nhất. Người ta quyết định sẽ định kỳ đổi trưởng nhóm. Với người trưởng văn phòng khó tính, hiệu suất sẽ thấp. Các lời quở trách và cảnh cáo vẫn không hiệu quả. Với một người điềm tĩnh và thân tình, biết luôn mau mắn khích lệ, trình độ cao và bầu khí an lành, người đánh máy sẽ làm việc vui vẻ và chỉ cảm thấy mệt vào lúc cuối ngày.
* Trẻ em gặp phải số phận hẩm hiu, sẽ khó hòa mình vào nếp sống nhà trường không có chút gì là gia đình và kitô giáo. Câu nói danh tiếng: “Không học cho nhà trường, mà học cho cuộc sống” có thể gây ấn tượng nơi các sinh viên đại học, nhưng vẫn khó hiểu đối với các học sinh trung học. Điều người lớn gọi là “cuộc sống” không có ý nghĩa gì đối với trẻ em. Trẻ em học vì nhà trường, vì thầy cô, vì làm vừa lòng cha mẹ, và vì tự ái, nhưng chắc chắn không vì một mục tiêu xa và đang phai dần như cuộc sống vậy.
* Phần lớn những khó khăn và khủng hoảng học đường phát xuất từ những đòi hỏi quá đáng và các tham vọng của cha mẹ: con tôi phải đứng nhất. Tại một bệnh viện nhi đồng, người ta đã đưa đến một em gái mười tuổi. Bà mẹ muốn nó phải được chữa bệnh, vì ở nhà trường, từ hạng nhất nó đã tụt xuống hạng ba. Vì bị khích động, bà mẹ đã nói với thầy giáo trước mặt đứa bé: “Cuối năm nay, nếu con tôi thi trượt, có lẽ tôi sẽ chết vì đau khổ. Tôi chấp nhận con tôi có thể xấu xí, nhưng không bao giờ chấp nhận nó ngu dốt”. Người ta có thể tưởng tượng điều gì đã xảy ra nơi một đứa trẻ khi nghe được những câu nói thuộc loại ấy. Những dấu hiệu báo động của em bé đó là: nhức đầu trong các giờ lớp, đau lưng, đau thận. Các bác sĩ nói về bệnh nhức đầu và nôn mữa học đường.
Thế nhưng, cội rễ của tất cả các thứ đó là do thiếu tình thương. Don Bosco hay nhắc đi nhắc lại: “Hãy làm cho mình được yêu mến”. “Trường học phải như một đền thánh nhỏ và một gia đình Kitô giáo”.
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB