Giáo dục không bao giờ là thành quả của chỉ một hoạt động giảng dạy và truyền trao kiến thức, sự hiểu biết. Công tác giáo dục chỉ đạt được mục đích khi làm cho con người biết yêu mến thực sự, tức là có khả năng sống sự nhất quán giữa “con người nghĩ, con người nói và con người làm” nơi chính bản thân họ. Nói tắt đi, việc giáo dục phải đưa người ta đến thái độ trung tín, đáng tin trong cuộc sống. Do đó, trong số này, xin chia sẻ với quý độc giả cái nhìn của Giáo hội về chữ tín trong Giáo dục của ngày hôm nay.
Tuổi trẻ ngày nay nghĩ gì về chữ tín?
Có thể nói, người trẻ hôm nay không muốn nói tới sự trung thành. Họ thường lập luận: Có gì bắt ta phải trung thành khi thời gian đổi thay mau lẹ; rồi điều tôi quyết định lúc này liệu có còn hợp lý khi mà thời cuộc sẽ hầu như hoàn toàn thay đổi vào mười năm tới? Vậy tại sao lại giữ điều ấy? Hơn nữa chẳng có điều gì sẽ đúng mãi trong mọi lúc!
Đây cũng là suy nghĩ của nhiều con người hôm nay khi sống trong một thế giới thay đổi hàng ngày. Chính kinh nghiệm thay đổi ấy đặt niềm tin con người vào cái bấp bênh phù du, cho nên, trong việc giáo dục đức tin và nhân bản cho ngày hôm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý rằng một trong những vấn đề trọng yếu là hãy giáo dục người trẻ đến sự trung thành với giá trị vĩnh cửu.
Để hiểu rõ hơn điều này, chúng ta hãy bắt đầu với một nhận định bên lề. Chẳng hạn, chúng ta nói ta yêu quê hương Việt Nam, nhưng đất nước này đâu chỉ là địa dư từ Nam Quan tới Cà Mau, ấy vậy mà nếu chúng ta chỉ trao lại cho con cháu mình một địa đư không đầy đủ, thì ngay lập tức ta cảm thấy mình có lỗi. Đi xa hơn địa lý, nước Việt Nam sẽ thế nào nếu những người dân không trung thành giao lại cho các thế hệ kế tiếp những truyền thống tốt đẹp, những giá trị nhân bản và văn hóa… Cùng một lý luận đó, ta liên tưởng đến khía cạnh giáo dục những con người. Trong giáo dục, cần trung thành với các giá trị sống để nên người. Đức tính trung tín chỉ có nơi người trưởng thành, bởi con nít mới dễ dàng thay đổi.
Lối hành xử của niềm tin bao hàm sự trung tín
Trong giao tiếp, ta nói đến sự tin tưởng. Trong tâm linh, ta nói đến đức tin, niềm tin. Độ chân thật, tính bền vững của lối sống, giáo huấn, giáo lý là nền tảng cho việc gắn kết. Tục ngữ có câu: “Một sự bất tín vạn sự bất tin”, mối tương quan thực sự giữa người với người, giữa con người với Thiên Chúa phải đặt trên niềm tin.
Chính thế mà giáo lý của Đức Ki-tô phải được trung thành lưu tồn lại cho những thế hệ kế tiếp. Giáo lý ấy sẽ ra sao nếu không được truyền lại cách trung thành và không được tuân giữ cách cẩn thận? Lý luận này làm cho ta hiểu hơn thái độ thẳng thắn của Giáo Hội trước những trào lưu xã hội. Cho nên, dù nhiều người lên án rằng “Giáo hội lỗi thời, cứng ngắc…!” thì Giáo hội vẫn trung thành với lời dậy của Chúa Giê-su, bởi lẽ ‘đức tin không thể bị thương lượng’.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng chất vấn các tín hữu rằng khi chọn lựa sống niềm tin trở nên ‘khắc nghiệt’, chúng ta có cản đảm như Phêrô hay xuôi theo lối sống hờ hững và nguội lạnh?. Ngài khẳng định: ‘ Suốt lịch sử, Dân Chúa luôn bị cám dỗ để chặt bỏ đi một chút đức tin’. Hơn kém, mọi người đều bị cám dỗ ‘không quá khắt khe’, nhưng khi chúng ta bắt đầu cắt bỏ đức tin, thỏa hiệp đức tin, bán nó cho người đấu giá cao nhất – thì có nghĩa chúng ta đã đi vào con đường bội giáo, chúng ta bắt đầu thiếu đức tin, thiếu đức tin vào Chúa’.
Tin thật thì Yêu thật
Trào lưu văn hóa hôm nay chấp nhận chỉ cần yêu mến, tức là tình yêu không cần cam kết. Chỉ yêu thôi và tùy theo đó mà lựa chọn và thay đổi. Nếu quan niệm như thế thì quả thật trung thành là mồ chôn của tình yêu. Và đây chính là hậu quả của việc ‘chặt bớt’ niềm tin.
Nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô vạch rõ cho ta thấy rằng chính một tình yêu không cam kết, không trung thành mới phá đổ tình yêu. Khi một tình yêu ‘có date’ (có hạn sử dụng) thì đồng nghĩa với sự tạm bợ, nên ngài nói: “Chúng ta là những nạn nhân của thứ văn hóa tôn sùng cái tạm bợ” mà ta lại không biết.
Giáo dục đến tình yêu đi liền với giáo dục tới sự nhất quán. Một con người trưởng thành là thế đấy. Họ nhất quán với những giá trị trường cửu, là những giá trị làm nên ý nghĩa đích thực của đời sống. Điều này cần tới bốn cột trụ cơ bản: đời sống tâm linh, học hành, sự dấn thân vượt ra khỏi chính mình và đời sống cộng đoàn xã hội. Thiếu những yếu tố này, sự nhất quán chẳng khi nào đạt được.
Hoa quả của sự nhất quán là niềm vui. Niềm vui đích thực không đến từ thú tiêu khiển hay những cuộc ăn chơi thâu đêm, cũng chẳng đến từ những sở hữu hay những cảm giác mạnh, hay từ thành công gặt hái được, hoặc thay đổi bạn trai bạn gái. Thật ra, đó chỉ là một lối thử nghiệm với tình yêu mà chẳng đi đến đâu. Niềm vui thực sự đến từ một thực tại khác, vững bền, từ một giá trị được ôm ấp với tất cả sức lực, từ sự hiến mình không chút ngại ngần. Niềm vui ấy tìm thấy nơi Thập Giá Đức Ki-tô, Đấng hiến mình vì yêu thương.
Theo ánh sáng đó, “mầu nhiệm Vượt Qua phải luôn đập trong trái tim của Giáo hội”. Nếu chúng ta ở lại trong mầu nhiệm của ‘sự dâng hiến cả mạng sống vì yêu thương’ này, chúng ta sẽ ra khỏi quan điểm trần tục và chiến thắng sự nản lòng sinh ra do những khó khăn và thất bại mà ra. Hoa trái của Tin mừng không được đo lường bằng thành công hay thất bại theo những tiêu chuẩn lượng giá của con người, nhưng bằng việc đồng hình dạng với logic Thập Giá Đức Giêsu, là luận lý của việc bước ra khỏi chính mình và tiêu hao chính mình, luận lý của tình yêu. Thập giá phải được gắn kết với Đức Ki-tô mới bảo đảm sinh ra hoa trái trong sứ mệnh chúng ta, nhưng đôi khi ta chỉ trao cho người khác một thập giá không có Đức Ki-tô, nên hậu quả là sự đau khổ, thất tín, nặng nề. Sự trung thành của Đấng hiến dâng không tính toán minh chứng ý nghĩa đích thực về chữ tín trong giáo dục.
Văn Am, SDB