“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

CHỮ TÂM TRONG GIÁO DỤC

Thời gian đều đều trôi qua dễ mang đến nguy cơ biến đời sống chúng ta thành đơn điệu. Mọi sự cứ tà tà thôi. Thứ hai, thứ ba, rồi lại đến Chúa Nhật; và chu kỳ lặp lại. Có gì mới đâu. Chúng ta chào nhau ngày mới, nhưng xem ra có gì mới đâu, vẫn chừng ấy công việc và bổn phận; vẫn chừng ấy những người trong văn phòng, khung cảnh. Trước bối cảnh đó, chỉ lễ hội hay biến cố bên ngoài nào đó mới phá được sự đơn điệu, tẻ nhạt. Dự tiệc, khiêu vũ, ăn nhậu mới đổi mới ngày đời chúng ta. Thế nhưng, chúng ta lầm to. Thật vậy, những cái bên ngoài chẳng thay đổi gì chúng ta đâu. “Chúa mới biến đổi lòng chúng ta. Chỉ Thiên Chúa mới làm cho những mảnh trái tim cứng như đá nên trái tim con người, trái tim bằng thịt mà thôi. Chính ngài mới truyền vào trái tim chúng ta một sự âu lo lành mạnh để tiến lên phía trước, tìm ngài trong mọi sự và để ngài tìm kiếm chúng ta.” Hãy tìm cái mới ở “cái tâm” của mình. Lòng biến đổi, mọi sự nên mới.

Điều này được nên thật trong nghệ thuật giáo dục. Câu hỏi quan trọng trong nghệ thuật này mà Đức Giáo hoàng Phanxicô nêu lên cho các nhà giáo dục là: “Điều quan trọng nhất phải làm là tự hỏi: “Kho tàng của tôi là gì?”” Câu hỏi này sẽ xác định mối quan tâm ưu tiên hàng đầu nào của nhà giáo dục. Nếu con cái và việc giáo dục chúng là gia sản và kho tàng duy nhất của ta, thì lòng chúng ta sẽ ở đó. Nghệ thuật giáo dục sẽ không thể đẹp như nó đáng, trừ phi chúng ta toàn tâm toàn lực cho việc đó. Chắc chắn và không sai lầm là TC muốn chúng ta giáo dục con cái và thế hệ trẻ nên người. Không tập trung vào đây, “lòng của chúng ta sẽ không yên… Một tâm hồn mỏi mệt muốn ổn định bằng ba hay bốn điều, bằng một tài khoản tốt đẹp trong ngân hàng.” Nhưng tất cả sẽ là giả tạo, như một chứng nhân nói kinh nghiệm ấy cho Đức Giáo hoàng: “Lúc đầu con đã nghĩ việc làm là quan trong nhất. Nhưng rồi, con đã thấy không phải có việc làm là quan trọng nhất. Yêu thương mới là điều quan trọng nhất chúng ta trao cho con cái và chúng yêu thương lại chúng ta.” Chỗ khác, Đức giáo hoàng khẳng định: “Tình yêu, đức ái, phục vụ, kiên nhẫn, ân cần, hiền dịu”: Đấy là những “kho tàng tốt đẹp.” (21 tháng Sáu, bài chia sẻ tại nhà nguyện Domus Sanctae Marthae).

Nhưng có gì mới đâu? Chúng ta đã chẳng nói đến tình yêu trong giáo dục quá nhiều đó sao? Đúng là thế, song điểm ta cần chính là để cho chân lý này thành nguồn mạch của những sáng kiến cụ thể trong giáo dục. Đức Giáo hoàng chỉ dẫn cách thức làm cho tình yêu ấy thành có thể thấy được. Chữ tâm trong giáo dục phải xuyên qua mọi việc chúng ta làm, mọi lời chúng ta nói, mọi sự sửa dạy chúng ta trao ban, mọi tâm tưởng chúng ta suy nghĩ. Cụ thể, tình yêu đó đòi buộc chúng ta đi ngược lại dòng đời. Ngài nói cho những nhà giáo dục trẻ: “Các bạn của cha: hãy đi ngược dòng; đây là điều tốt cho cõi lòng, nhưng chúng ta cần can đảm dám bơi ngược dòng… Chúng ta được Thiên Chúa chọn không phải dành cho những việc ti tiện; các bạn hãy đẩy mình tới những nguyên tắc cao cả nhất. Các bạn hãy đặt cược vào những lý tưởng cao thượng.”

Tại sao thế? Ngài nói:

“Rất thông thường, qua kinh nghiệm của mình, người ta không chọn sự sống, không chấp nhận “tin mừng sự sống”. Người ta để cho những ý thức hệ và những lối suy nghĩ cản chặn sự sống dẫn lối. Bởi lẽ ích kỷ, tư lợi, lợi nhuận, quyền lực và khoái lạc, chứ không phải tình yêu, sự quan tâm đến thiện ích của tha nhân, sai khiến người ta. Nhân loại muốn xây dựng một thành đô của riêng mình, không Thiên Chúa yêu thương và sống động, một tháp Babel mới. Chính tư duy chống lại Thiên Chúa mới dẫn tới tự do, tới sự hoàn thành con người hoàn toàn. Như thế, Thiên Chúa hằng sống và yêu thương bị thay thế bằng những ngẫu tượng mau qua của con người; chúng vốn  mang đến sự nhiễm độc cho một sự tự do giây lát mà rốt cục chỉ mang tới những hình thức mới của nô lệ và chết chóc.” Biết thế, chúng ta hãy nói “vâng” cho yêu thương, chứ đừng cho ích kỷ, cho sự sống, chứ đừng cho sự chết. Chúng ta hãynói “vâng” với tự do, chứ đừng cho sự nô lệ vào những ngẫu tượng của thời đại chúng ta.”

Đức Giáo hoàng nhắc nhớ rằng chúng ta đã được ban cho Thần khí của Đức Kitô phục sinh. Chúng ta hãy hứng theo đó mà tiến bước. Ngài nói:

“Chúng ta là những người ‘thần thiêng’. Điều này không muốn nói rằng chúng ta là những kẻ sống “trên mây”, xa khỏi đời thực, như thể đó là một thứ ảo ảnh. Không. Kitô hữu là một người suy nghĩ và hành động trong đời sống hằng ngày theo ý Thiên Chúa, một người cho phép cuộc đời mình được Thần khí hướng dẫn và nuôi dưỡng, thành một đời sống sung  mãn, xứng đáng với con cái Thiên Chúa. Điều này kéo theo sự phong phú thực tiễn, làm chúng ta biết tìm tòi và lượng giá thực tại, mang sự sống mới đến chung quanh mình.”

Để làm được thế, chúng ta hãy thực hành một điều quan trọng trong giáo dục: sự chân thực. “Bất cứ khi nào chúng ta muốn xác định chính mình, khi chúng ta chỉ nghĩ đến sự ích kỷ của chính mình và đặt mình vào chỗ của ThiênChúa, chúng ta kết thúc đẻ ra sự chết. Sự ngoại tình của Vua Đavít là một thí dụ về điều này. Ích kỷ dẫn tới dối trá, khi chúng ta cố gắng lừa dối chính mình và những người chung quanh. Nhưng Thiên Chúa không thể bị lừa dối.”

Như vậy, chữ tâm trong giáo dục đâu phải là một cái gì mông lung hay trừu tượng. Nếu đặt hết tâm vào giáo dục, chúng ta sẽ tìm thấy mình bị đòi hỏi phải thay đổi làm sao. Chỉ  khi nhà giáo dục thay đổi chính mình trong não trạng, suy nghĩ và yêu thương, trong cách sống và lời nói, hoa quả giáo dục sẽ trổ bông ngay cả trong vùng sa mạc cỏ cháy.

Văn Am, SDB

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG