“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

CHỮ QUỐC NGỮ

Trong khoảng 80 năm bị Pháp đô hộ, dân mình chịu hoạn nạn với vô vàn đau khổ của kẻ bị mất nước. Tuy nhiên, nền ngôn ngữ và văn học của chúng ta lại được cái may lớn. Đó là sự phát minh và truyền bá chữ Quốc ngữ, đến ngày nay trở thành chữ viết chính thức của dân tộc mình.

Chữ Quốc ngữ sử dụng các mẫu tự La-tinh đã được các giáo sĩ Bồ Đào Nha tạo ra từ thế kỷ thứ 16 để tiện việc truyền đạo Thiên Chúa cho dân mình. Đến thế kỷ 17, Giáo sĩ Đắc Lộ(Alexandre de Rhodes)chính thức truyền bá chữ Quốc ngữ khi soạn và phổ biến quyển tự điển An nam-Bồ-La tinh(Dictionarium Annamiticum Lusitanum Latinum). Qua thế kỷ 18, Giám mục Bá Đa Lộc(Pigneau de Béhaine)ra quyển tự điển Annam-Latin(Dictionarium annamatico latinum)và đến thế kỷ thứ 19, Jean Louis Taberd hoàn thiện Quốc ngữ với quyển tự điển Annam-Latin.

Lúc đầu chữ Quốc ngữ chỉ được dùng trong mục đích truyền đạo vì các giáo sĩ không thể dùng chữ Hán để trình bày những bản văn về tôn giáo được. Sau đó chính phủ bảo hộ cũng thấy hết sức bất tiện khi phải dùng chữ Hán để gởi các văn kiện cho dân chúng và cả cho triều đình cùng các quan lại Việt Nam. Trong một bức thư gởi cho Quan Bố Sài Gòn, Paulin Vial, Giám đốc Nội vụ của Súy phủ Nam kỳ đã có nhận xét: “Từ những ngày đầu, người ta đã nhận thấy rằng chữ Hán tạo nên một rào cản giữa chúng ta và những người bản xứ. Chúng ta hoàn toàn bất lực trong việc giáo huấn với phương tiện là những chữ tượng hình đó; lối chữ này quá khó khăn để truyền đạt những khái niệm cần thiết trong tình hình mới mẻ về chính trị cũng như về thương mại…”

Vì vậy, chính phủ bảo hộ buộc phải thay chữ Hán bằng chữ Quốc ngữ, dùng kèm với tiếng Pháp trong các văn kiện chính thức.

Đối với người Việt Nam, chữ Hán tuy được trọng vọng cả ngàn năm nay, nhưng sự sử dụng chỉ hạn hẹp trong cung đình và trong giới văn thân mà thôi. Tuyệt đại đa số dân ta đều mù chữ. Lý do chính yếu là chữ Hán rất khó học. Các nho sinh phải cặm cụi đèn sách đến mười năm hay hơn, may ra mới có thể đọc và viết được chữ Hán. Hơn nữa, chữ Hán, dù sao cũng là của người Tàu cho nên không thể diễn tả được vô số các khái niệm của riêng dân tộc mình. Vì lý do đó, các nhà Nho mới dựa vào chữ Hán để bày ra chữ Nôm. Tuy nhiên, từ khi chữ Nôm được tạo ra, tình trạng mù chữ trong dân chúng cũng không cải thiện được chút nào. Lý do là chữ Nôm còn khó học hơn chữ Hán nữa và phải rành chữ Hán trước mới học được chữ Nôm. Ngoài ra, trải qua mấy trăm năm, kể từ thời ông Hàn Thuyên ở thế kỷ 13, chữ Nôm chưa hề được chuẩn hóa một cách chính thức nên gần như mỗi nhà tự bắt chước chữ Hán và tự qui định cách đọc cho mình. Vì vậy, con cháu ở hậu thế đọc sai hay đọc khác nhau là điều khó tránh khỏi.

Vậy chữ Quốc ngữ có quá nhiều ưu điểm để có thể thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Nhờ có chữ Quốc ngữ, chúng ta đã hoàn tòan chiến thắng được giặc dốt. Thực vậy, chỉ cần theo lớp học “bình dân học vụ” trong ba tháng là đã có thể biết đọc, biết viết. Theo nhiều nhà nghiên cứu, xã hội Việt Nam, tuy vẫn còn là một xã hội chậm tiến, nhưng tỉ lệ người mù chữ thuộc vào hạng thấp nhất trên thế giới. Công dụng chữ Quốc ngữ thực vô cùng to lớn.
Tuy vậy, khi chữ Quốc ngữ được đưa vào thay cho chữ Hán, các sĩ phu thời đó đã phản đối một cách quyết liệt, vì họ cho rằng chữ Hán là linh hồn của nền văn hóa cổ truyền, rằng chữ Quốc ngữ là thứ đáng khinh bỉ, cũng như có thời họ bảo “nôm na là cha mách qué” để công kích việc dùng chữ Nôm thay cho chữ Hán vậy.

Mặc dù thế, cuối cùng người ta cũng phải công nhận ưu điểm tuyệt đối của chữ Quốc ngữ so với chữ Hán và chữ Nôm. Hai thứ chữ Hán và Nôm thực sự vĩnh viễn rút lui vào bóng tối, đánh dấu bằng kỳ thi Hương cuối cùng năm 1915 ở Nam Định và năm 1918 ở kinh đô Huế. Kể từ đó, chữ Quốc ngữ trở thành phương tiện diễn đạt duy nhất của người viết. Chữ Quốc ngữ cũng được dùng để dạy ở bậc tiểu học, sau đó là bậc trung học và đại học. Chữ Hán và chữ Nôm chỉ còn được môt số rất ít người học để nghiên cứu những tài liệu và thi văn xưa mà thôi.
Tóm lại, sự phát sinh, truyền bá rộng rãi và nhanh chóng chữ Quốc ngữ là một sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc ta. Ngoài việc giúp cho mọi người biết đọc biêt viết, chữ Quốc ngữ càng ngày càng được hoàn thiện giúp cho đại chúng nâng cao kiến thức và khả năng tiếp nhận nền văn minh Âu Tây. Cũng nhờ có chữ Quốc ngữ mà các nhà cách mạng, trong thời kỳ Pháp đô hộ, có phương tiện hữu hiệu để truyền bá rộng rãi lòng yêu nước, kích thích tinh thần tự chủ của toàn dân để tham gia vào việc chống quân xâm lược, giành quyền tự chủ.

Võ Phá sưu tầm

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG