Vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1864, trong chín bài “huấn từ tối”, Don Bosco đã dạy cho học sinh chín bí quyết thành công ở nhà trường. Ngài ghi khắc vào tâm hồn chúng trước khi đi ngủ bằng những nét bút vô hình. Ngài luôn bắt đầu bằng một câu chuyện hay; đến kết thúc mới nêu các bí quyết. Ngài chúc chúng “ngủ ngon” và chúng đáp lại “cám ơn cha”. Chúng hớn hở nhìn ngài không ngớt đang khi ngài âu yếm nhìn chúng.
1. Phương thế thứ nhất: để học tốt là lòng kính sợ Chúa. Sự khôn ngoan của loài người đến từ sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì thế, tại sao các con lại muốn vượt qua những khó khăn học đường mà không cần sự trợ giúp của Thiên Chúa? Và rồi, làm sao các con có thể vui thú trong việc học được khi mà tâm hồn các con bị dằn vặt bởi những đam mê?
2. Phương thế thứ hai: là không bao giờ để mất một chút thời giờ nào cả. Các con hãy kìm hãm trí tưởng tượng.
3. Phương thế thứ ba: tập cho có thói quen không nhảy từ trang này sang trang khác, từ môn này sang môn khác.
4. Phương thế thứ tư: ăn uống đúng giờ. Kẻ đi học với bụng quá no lập tức sẽ cảm thấy khó chịu, ươn lười, nặng đầu.
5. Phương thế thứ năm: năng lui tới các bạn chăm chỉ và chuyên cần.
6. Phương thế thứ sáu: chơi, nhưng có tổ chức và điều độ. Nhờ giải trí các con sẽ lấy được những năng lực mới để học tốt hơn.
7. Phương thế thứ bảy: cương quyết vượt qua những khó khăn gặp phải trong khi học. Đừng nản lòng, đừng bỏ học nửa chừng.
8. Phương thế thứ tám: chỉ lo đến những gì liên quan tới việc học.
9. Bây giờ, cha nói cho các con phương thế thứ chín: luôn chạy đến với Đức Mẹ bằng kinh nguyện. Mẹ Maria là Tòa Đấng Khôn ngoan và là Mẹ của chúng ta. Trước khi bắt đầu học, đừng bao giờ quên đọc một kinh Kính mừng kính Đức Mẹ.
* Don Bosco dựa vào một quan niệm hoàn bị về nhà trường: trẻ em phải được sống ở trường như nơi nối dài cuộc sống gia đình. Giống như trong gia đình, tình thương cũng phải ngự trị nơi học đường. Bằng không, thật tai hại.
* Nhiều cha mẹ hành động một cách hết sức vô lý khi dựa vào thành quả tốt đẹp mà con cái họ thỉnh thoảng đạt được để nói với nó: “Lần trước con được điểm rất tốt. Tại sao bây giờ lại không được? Con có lười biếng không? Cha mẹ buộc phải cảnh cáo con đấy”. Cậu học sinh, trước kia đứng nhất lớp, nay bị cha mẹ ép phải học thêm bốn tiếng vào buổi chiều thay vì hai tiếng như trước đây: họ sợ em mất vị trí đầu lớp. Em tiếp tục làm bài rất khá trong một thời gian, nhưng sau đó, em phản kháng. Em bắt đầu nói dối cha mẹ. Cuối năm em thi rớt. Cha mẹ buồn rầu. Đứa trẻ lại bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Mỗi lần bị điểm xấu, nó liền bị nhốt trong phòng khóa cửa. Một phương pháp thật phi lý. Chính tình yêu điều khiển tất cả, chớ không phải hiệu quả.
* Cha mẹ phải nhớ rằng đứa trẻ tới trường không chỉ có nhiệm vụ học; nó còn phải gia nhập vào xã hội (và đây là điều khó nhất). Khi 6 tuổi, phần lớn các trẻ em hầu như chưa hiểu gì về đứa bạn ngồi cùng bàn; ở trong cộng đoàn học đường, chúng sống như những cá thể riêng biệt. Khi 8 hoặc 9 tuổi, chúng bắt đầu họp thành nhóm liên kết với nhau để chống lại thầy cô. Thời kỳ lập nhóm bắt đầu: bên trong các nhóm ấy, một qui luật được thiết lập cách âm thầm. Qui luật đó giống với qui luật trong chuồng gà: nó ấn định mỗi nhóm viên phải biết cho và nhận như những con gà mổ lông nhau. Đây là lúc mà đứa trẻ, nếu muốn thành đạt trong việc học, phải cần đến chín phương thế Don Bosco đã đề nghị: bằng không, sẽ thất bại.
* Trong thời kỳ niên thiếu, một vài cá tính tiêu biểu bắt đầu được phát hiện:
– có em gương mẫu, không bao giờ mất trật tự, được thầy cô khen, nhưng không được các bạn ưa;
– có em khôi hài, hay làm cho mọi người cười, thường chọc thầy cô và gieo rắc sự mất trật tự; nói chung, đó là em đi tìm các lời khen, sự chú ý, làm cho mình được yêu mến; có lẽ ở nhà, em ít được thương yêu;
– có em lanh lẹ, bị mọi người ghen ghét; đứng đầu trong thể thao, hay đánh những đứa xấu, nhưng cũng dễ trở nên cứng cỏi;
– có em hay quấy rầy, không bao giờ hết “quậy” vì em muốn biết tất cả mọi sự;
– có em vô hại, là bạn của mọi người; em cần được khích lệ vì em dễ dàng sinh ra lười biếng;
– và có em hay lường gạt, không ai chơi đùa với em, em bị bỏ rơi và là nạn nhân của tất cả.
Tất cả những em ấy đều cần đến tình thương, nếu người ta muốn chúng thành công ở nhà trường.
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB