“Vô trách nhiệm…”, đây là một câu được nghe rất nhiều người nói đến khi chứng kiến những ca cướp giật trên đường, trong nhà; hoặc khi nghe những vụ gây tai nạn, những vụ thất thoát ‘ngàn tỉ’ rộ lên trong những năm gần đây. Những ai có bổn phận giáo dục ít nhiều đều tự vấn: Tại sao thái độ này lại trở thành nổi bật đến thế?
Lắng nghe cuộc sống
Mảnh đời 1. Có em học sinh lớp 1 phổ cập, 12 tuổi mới vào học được 2 tháng, nhưng đã “đi bụi” ba lần, mỗi lần một tuần, nên tôi quyết định gặp em để tìm hiểu. Khuôn mặt em linh lợi, già dặn và cảm giác ấy càng tăng lên khi em nói chuyện.
“Em học ở trường mấy tháng rồi nhỉ?” – “Hai tháng”. “Em học thế nào?” – “Chậc…! được”. “Cô nghe nói em nghỉ một vài lần gì đó. Nhà em bận việc phải không?”. “Bận hả? Thực ra không phải là bận…!”, em kéo dài giọng ra vẻ người lớn. “Ở nhà chán quá. Đi bụi sướng hơn”.
“Em không muốn ở nhà, lại thích đi bụi sao? Em không sợ ba mẹ lo à? Ai sẽ cho em ăn, em ngủ….?”. “Đi bụi tự do hơn. Ở nhà chán, ổng bả hổng có nhà, cứ đi bán vé số miết hà. Ở nhà với đi bụi cũng thế. Mà cô biết không, em tự nuôi em. Em đi nhặt bịch ni-lông, hơn mười ngàn một ký, một ngày cũng gần trăm ngàn…”. “Thế à? Nhưng nếu em ở nhà, em sẽ không phải đi lượm bao ni-lông…”. “Em cũng chẳng ở nhà. Em đi bán vé số” – “Ba mẹ bắt em đi à? Cô có thể….”, tôi nóng nảy nói.
“Tự đi. Ở nhà chán…! – em kéo dài giọng – đi bán cũng được vài chục ngàn. Đưa ổng bả một nửa, còn lại em mua đồ ăn, chơi nét… Mà sao em chán ghê. Chậc! Đời em có gì vui đâu…” – Mắt em nhìn xa xôi như một người lớn…
Mảnh đời 2. Một trưa nọ, một nữ sinh trung học đến nhà nhà tôi chơi với đứa cháu. Thấy em nấn ná hoài nên tôi giục em về, sợ ba mẹ mong.
“Cô cho em ở nhà cô bữa nay nghe. Em không muốn về nhà…” . Thấy em có “vấn đề”, tôi ngồi chuyện vãn với em và được biết lý do là vì em muốn đi tìm ‘một chút tự do’, ‘một chút thở’. Em nói: “Ba mẹ em cứ như cái trực thăng suốt ngày bay lượn quanh em. Em không thở được… Cách đây hai ngày, nhỏ bạn em mời ăn sinh nhật tối, ba mẹ không cho, lại còn lải nhải về sự nguy hiểm khi đi tối, khi tiệc tùng bè bạn. Em nhất quyết đi thì mẹ nói sẽ chở đi, rồi cứ đậu xe ở ngoài chờ… làm cho bọn bạn em chọc ghẹo em là con nít, là ‘người đẹp bị nhốt trong lâu đài’. Bực mình quá, em ra về luôn… rồi em giận mẹ cho đến hôm nay”.
Mảnh đời 3. Một thanh niên đang trong giai đoạn tìm hiểu đời tu có tâm sự rằng em luôn bị dằn vặt bởi tư tưởng “Tôi có phải là một nô lệ” hay không. Em cảm thấy trong đời sống chung, thời gian cứ trôi và em như thể một con rô-bốt… em hay sợ bề trên để ý, em chạy đua với giờ giấc như một cái máy, cứ chuông là thay đổi công việc. Nhìn bên ngoài không ai có thể chê em về việc gì, nhưng tận thâm tâm em tự hỏi: Tôi là một người tự do không hay một nô lệ?”.
Lắng nghe hơn nữa, cuộc sống còn nói nhiều điều nữa, nhưng cảm nhận chung nơi tôi đó là ‘tiếng thét gào của tự do’, tiếng thét gào vô vọng, như sự giằng co giữa cái muốn và cái không thể, giữa cái muốn thênh thang và cái nặng nề đè nén. Tôi chợt nghĩ đến chiếc vòng “kim cô” siết chặt trên đầu của Tôn Ngộ Không.
“Chiếc vòng kim cô” của tự do
Trong hành trình thỉnh kinh, Đường Tam Tạng đã dùng chiếc vòng kim cô để khống chế mỗi khi Tôn Ngộ Không làm loạn. Hình tượng chiếc vòng kim cô trên đầu của Tôn Ngộ Không rất quen thuộc trong lối nói tượng hình, khi bàn về những cương tỏa, về luật lệ và nó được sử dụng đa nghĩa. Tuy nhiên, một cách bất cập, tôi vẫn thích dùng hình ảnh chiếc vòng kim cô để suy diễn về tâm trạng đầy nghịch lý trên, ngang qua các mảnh đời.
Theo cho rằng dù ở trong hoàn cảnh nào thì vấn đề mấu chốt trong giáo dục là phải cho các bạn trẻ nhận ra họ tự do. Ở đây, không muốn nói đến một ‘khẳng định lý thuyết’, nhưng cần một trải nghiệm. Bạn trẻ cần được giúp để nhận ra họ tự do: tự do trong tư duy, tự do chọn lựa hành vi. Cả khi bị ép buộc, bị ở trong hoàn cảnh khó khăn… thì em vẫn có tự do chọn lựa suy nghĩ và hành động. Và khi không có nhiều khả thể để chọn, em vẫn có thể chọn “có” hoặc “không”. Nhà giáo dục cần giúp em trải nghiệm qua thực tế cuộc sống hàng ngày, với bài tập là các tình huống của đời thường. Ngoài ra em cần được giúp để nhận ra rằng mỗi chọn lựa đều có hệ quả của nó.
Từ suy nghĩ trên, ta thấy cái có thể giúp các bạn trẻ vượt qua những giằng co của tâm trạng ‘tự do hay nô lệ’, vượt qua sự kiềm tỏa nơi chiếc vòng kim cô của tự do chính là thái độ trách nhiệm nơi em.
Giáo dục về trách nhiệm
Đối với các bậc cha mẹ, giáo dục con về trách nhiệm là một bổn phận phải lẽ và quan trọng. tuy thế, điều này không dễ dàng vì dường như người trẻ hôm nay là con đẻ của ‘sở thích’, các em quen có mọi sự và có ngay lập tức. Các em tin rằng ngay cả sự phạm pháp đôi khi cũng là tự do, vì bản thân mình muốn thế.
Một phản ứng thông thường của phụ huynh trước những ‘cái chướng’ nơi các em là cấm đoán, kiểm soát. Nhưng như thế sẽ không giúp các em trưởng thành, tức là tự lập và trách nhiệm, dám tin vào sức mạnh bản thân.
Mục tiêu việc giáo dục trách nhiệm chính là giúp các em đào luyện một lương tâm đúng đắn. Trang bị cho các em về lương tâm tức là giúp cho các em một thứ dụng cụ quan trọng nhất để các em sống như một con người thực thụ. Lương tâm có thể ví như chiếc la bàn nội tâm hướng dẫn cho hành trình đời người. Lương tâm là vùng thâm sâu nhất, bí mật nhất, nơi con người nhìn thấy mọi sự với trí óc của mình, nơi con người thực hiện sự đánh giá của mình: “Điều này là tốt, điều kia là xấu…, điều nọ là đúng, là chính đáng…”. Lương tâm là “hạt nhân” bí mật nhất và thánh thiêng nhất của con người. Nơi mà chỉ có Thiên Chúa và cá nhân biết, nơi thẳm cung ấy vọng lại tiếng của Thiên Chúa.
Để có thể bước đầu xây dựng cho điều tế nhị này cần phải có một cơ sở vững chắc, chính vì thế mà ngay từ bé, các em cần được giáo dục về bổn phận. Bổn phận không là một lệnh phải thi hành nhưng là biểu lộ về sự vĩ đại nơi con người. Chỉ có quyền lợi khi gắn liền với bổn phận.
Điều quan trọng là phụ huynh nên có một dự phóng, một tư tưởng để giúp con cái phát triển, tìm ra con đường thực sự cho riêng mình, nếu không, thật khó cho em vì vốn kinh nghiệm và hiểu biết của em về thế giới còn quá hạn chế. Trong thực tế, rất nhiều người trẻ không có trách nhiệm trong học tập vì thấy có học nhiều rồi cũng thất nghiệp. Nhiều em chỉ biết nghĩ đến quyền lợi bản thân mà không nghĩ đến trách nhiệm đối với gia đình, nhóm bạn, hay cộng đồng, xã hội.
Vì thế, cha mẹ hãy cống hiến cho con cái một mẫu gương về tinh thần trách nhiệm để con cái dõi theo. Điều kế tiếp quan trọng không kém là phụ huynh phải nói, phải giải thích về trách nhiệm nhưng vô cùng cụ thể. Nói chung, khía cạnh trách nhiệm cần phải được đặt cơ sở và xây dựng một cách cẩn thận. Chắc chắn có một vài quy tắc tạo thành những cấm đoán, và dường như chúng được đặt ra để làm cho trẻ em và các thanh thiếu niên tránh khỏi những lời nói hay hành vi phá hoại đối với bản thân hay người khác, dù ở mức độ thể lý hay cảm xúc. Nhưng khía cạnh trách nhiệm cần được làm một cách rất rõ ràng đối với bổn phận học đường, mối tương quan với bạn bè hay người khác phái, việc sử dụng phương tiện giao thông, việc sử dụng tiền bạc, chất kích thích như rượu, bia, ma túy. Phụ huynh cần nhớ rằng người trẻ không được mơ hồ về điều này.
Trong một gia đình, mỗi người đều có một trách nhiệm nào đó phải hoàn thành để cho cuộc sống được trôi chảy tốt đẹp. Trẻ em, người trẻ cần có những bổn phận thực sự đóng góp trong gia đình cùng với các thành viên khác như trông em, giúp dọn bàn ăn, rửa chén, lau dọn nhà cửa, may vá… Cha mẹ cần luôn đồng hành với con cái trong bổn phận, khích lệ và giúp em dần thành thạo với công việc, chu toàn cách trung thành với các bổn phận dù nhỏ bé.
Cha mẹ có thể đo lường độ lớn về tinh thần trách nhiệm của con cái qua việc em có hay đổ lỗi hay không. Một khi trẻ em hay thiếu niên xác tín được rằng mỗi chọn lựa của em luôn có hệ quả đi kèm, thì lúc em mới thôi đổ lỗi cho người khác về những hành vi của em.
Vậy, để giáo dục tinh thần trách nhiệm, cha mẹ cần giúp con cái thức tỉnh về chọn lựa của mình, giúp các em tự do chọn lựa và thực sự dám trách nhiệm trên suy nghĩ, chọn lựa, lời nói, hành vi của mình.
Trích Chuyên đề Don Bosco số 33