Thế là những bông hoa phượng đầu mùa đã thoáng lấp ló sau những cành lá phượng xanh non, báo hiệu mùa hè sắp đến. Đây là thời gian các em học sinh chuẩn bị cho kì thi học kì cuối cùng, cũng là dịp các bậc phụ huynh gia tăng lo âu.
– Trẻ con bây giờ khó dạy thật! Nghỉ hè tới rồi hổng biết “tính” sao đây?
Vì sao mà các phụ huynh lại lo lắng thế? Các em có “khó dạy” không? Người lớn cần phải “tính” gì khi trẻ về gia đình quản lý trong dịp nghỉ hè?
Có thể nói, so với thời gian trước đây thì các trẻ thời nay được chăm sóc rất chu đáo, từ vật chất đến tinh thần. Các em được học tập, vui chơi trong tổ chức; được xã hội quan tâm đầu tư, bảo vệ bằng hệ thống pháp luật có giá trị pháp lý trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Điều duy nhất trẻ thiếu, sa sút so với trước đó là “kỹ năng sống” kém. Nguyên nhân do đâu? Chính sự bảo bọc dưới danh nghĩa “quan tâm, chăm sóc” của người lớn hiện nay làm cho trẻ mất khả năng tự chủ, ứng xử kém, chỉ lo trông chờ sự “trợ giúp”. Hoặc thấy điều gì không an toàn là né tránh luôn “cho chắc ăn” vì thế trẻ trở nên thụ động nấp mình dưới cái vỏ bảo vệ rất tinh vi ấy. Những trẻ được kêu ca là “khó dạy” là các em đang làm những hành động bên ngoài với cái vỏ bọc của người lớn.
Vậy thì giải pháp nào để dạy trẻ đi vào quỹ đạo của giáo dục mà cả phụ huynh, nhà giáo dục và người học đều thấy thoải mái? Về việc này, với kinh nghiệm giáo dục của người tư vấn tâm lý, tôi đề nghị phụ huynh hãy quan tâm giúp trẻ một số kỹ năng:
- Tự quyết định
Trước tiên, người lớn cần phải cởi bỏ quan niệm “cấm đoán” một chiều đối với trẻ mà hãy cho chúng biết: nguyên nhân, hậu quả để trẻ TỰ QUYẾT ĐỊNH.
Các em phải được phân tích, cho ví dụ, tiếp cận thực tế. Tránh được các khả năng nguy hại được thì tốt nhưng giúp trẻ có kỹ năng thích ứng, đón nhận, xử lý chủ động và chịu trách nhiệm trước những gì mình đã chọn, đã quyết định là điều tốt hơn giúp trẻ có trách nhiệm với bản thân.
Phải tạo cho trẻ có thói quen tự đối phó, cần lắm thì kêu gọi trợ giúp từ người lớn nhưng phải do trẻ tự điều khiển sự trợ giúp chứ không phải “trợ giúp” làm hết, trẻ chỉ đứng nhìn.
Ví dụ: Ở miền Bắc có khi vào mùa rét đậm, rét hại cần phải có bếp sưởi cho trẻ con trong nhà. Khi người lớn phải ra ngoài làm việc, trẻ ở nhà tự chăm sóc nhau. Than củi tàn, cần phải châm vào. Các em có thể nhờ người giúp lấy củi vào và hãy giúp cháu để như thế này, xếp như thế kia để củi dễ bén, ít gây khói độc.
- Tự tin vì được đồng hành
Khi trẻ được giao một nhiệm vụ, người lớn cứ để trẻ chủ động. Tuy nhiên, để trẻ an tâm người lớn nên luôn bên cạnh, đồng hành cùng các em để khi cần trợ giúp các em gọi có ngay; hoặc là người lớn có thể dự đoán trước để đưa tay đúng lúc trẻ lúng túng.
Chẳng hạn, cho trẻ thực hiện một chuyến đi dã ngoại tìm hiểu thiên nhiên có lội suối, vào rừng. Dòng suối cạn, ngắn nhưng đá hơi trơn trượt. Các em đã chuẩn bị tâm lý, mang giày rồi nhưng khi lội vẫn thấy khó. Một số bạn sợ không dám đi và chọn giải pháp ở bên đây suối cho an toàn. Khi là người được tham gia cùng, người lớn hãy khéo léo chuẩn bị trước một cuộn dây. Lúc ấy ta sẽ giúp trẻ qua suối bằng cách: các bạn nào lội trước sẽ cầm một đầu sợi dây qua bên kia suối, tìm điểm tựa cột dây vào. Người lớn sẽ giữ đầu dây còn lại. Các bạn tuần tự qua suối, bám vào dây như vậy sẽ an toàn, lỡ trượt vẫn còn dây để bám vào và có người lớn trợ giúp ở phía sau.
- Biết điều chỉnh và tự điều chỉnh
Khi giao việc cho trẻ nhận, người lớn hướng dẫn, bày cẩn thận rồi khi làm trẻ có thể chu toàn không đạt yêu cầu đặt ra. Thay vì trách mắng, quở phạt hay chê bai trẻ, ta thay vào đó bằng cách nói, phân tích cho trẻ nguyên nhân, hành vi nào làm kết quả hỏng. Gợi ý để trẻ rút ra kinh nghiệm đề xuất hướng khắc phục lại hoặc điều chỉnh khi gặp những trường hợp tương tự. Điều đó giúp trẻ an tâm, tự tin và sẽ lưu ý hơn ở lần sau. Bên cạnh đó cũng phải tập thói quen kiên nhẫn chờ đợi sự điều chỉnh, đừng vội kết luận: “Ôi, đã năm lần, bảy lượt rồi vẫn cứ sai. Từ rày về sau chớ hòng đụng vào nhé!”. Điều này có thể làm cho trẻ mất hết tự tin, đôi lúc thành căm ghét sự việc ấy, không muốn nhắc tới hay dính líu nữa.
Ví dụ: Hôm nay mẹ giao con ở nhà nấu canh. Con nêm mặn quá! Lúc khác con nấu canh nhạt quá! Góp ý rồi con làm hoài vẫn không được như ý. Hãy phân tích xem trẻ nêm gia vị liều lượng thế nào, gia giảm ra sao để trẻ điều chỉnh sẽ tốt hơn.
Còn như mẹ rít lên: “Con ơi, thôi , mẹ sợ con quá! Để mẹ nấu cho xong”. Trẻ sẽ không nói gì mà âm thầm: “Tự hứa với lòng mình từ nay không bao giờ nấu ăn, không đụng đến bếp nữa”.
- Được lắng nghe và biết lắng nghe
Đây là nội dung hiện nay gây bức xúc nhiều nhất ở trẻ dẫn đến cao trào là những phản ứng tiêu cực của trẻ làm người lớn lo âu. Chúng ta có thói quen “cấm” làm cái này, “cấm” làm cái kia. Hoặc Bố đã quyết như thế rồi không ý kiến gì hết”. Nghe đây mẹ nói…Im nghe, không được cải. Láo à!… Cô giao rồi đấy, làm đi…
Trẻ cũng là con người, cũng có nhu cầu, nguyện vọng trình bày lý do, nguyên nhân, hoặc đề xuất ý kiến bản thân để người lớn xem xét. Vì thế đừng nóng vội hoặc phán quyết khi trẻ có nguyện vọng muốn trình bày. Chậm một tý, lắng nghe quan điểm của trẻ về một quyết định, về một hành vi, về một sự việc. Sau khi lắng nghe, hãy phân tích giúp trẻ nhận ra đâu là ý nghĩa đúng, ở góc nhìn và quan điểm nhìn nhận sự việc ra sao. Trẻ hài lòng sẽ ngoan ngoãn lắng nghe!
Ví dụ:
Trong trường, một học sinh xả rác bị bắt gặp và mời gặp cô giáo. Cô hỏi: em vừa có hành động gì? Hành vi đó đúng hay sai? Vì sao? Đã như vậy rồi em sẽ làm gì? Hãy chọn mức phạt nào mà em thấy phù hợp. Nếu trẻ chọn phạt nặng quá thì cô hãy đưa ra mức nhẹ để trẻ thấy được sự giáo dục. Đây là phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực đang được áp dụng rất hiệu quả. Các gia đình, phụ huynh cũng có thể áp dụng điều này. Vì trẻ “tự phạt” sẽ hài lòng sửa lỗi không phản kháng.
- Được chia sẻ
Hãy nói với trẻ những suy nghĩ của mình và ước mong với trẻ. Có khi là sự chia sẻ chính kinh nghiệm, chính đời sống và tuổi thơ của mình để trẻ thấy gần gũi, đồng cảnh hoặc cảm thông. Từ đó trẻ sẽ có kế hoạch bản thân.
Đừng sợ là bài học này không áp dụng cho con mình được vì không phù hợp với lứa tuổi. Đây chính là cơ sở đầu tiên của “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, đồng hành và hợp tác xây dựng hình mẫu, người mẫu, gia đình kiểu mẫu!
Hy vọng với chia sẻ này sẽ giúp cho phụ huynh yên tâm trong việc giáo dục con!
Xuân Mai