Trong thời gian gần đây, không chỉ trong giới Công giáo mà cả thế giới toàn cầu đang chăm chú dõi theo những diễn biến trong Giáo Hội, cụ thể là những hoạt động và những lời dậy của Đức Thánh Cha Phanxicô. Có điều gì đó mới mẻ, ngoạn mục không ngờ trong lối ứng xử của ngài, hay nói đúng hơn, một cái gì đó khác với truyền thống vẫn có trong Giáo Hội.
Phải chăng đó là một ‘phá cách’? Quả là có điều gì đó rất mới mẻ, truyền cảm hứng, nhưng không phải là sự cấp tiến trong tư tưởng hay lối hành động ngẫu hứng của thế hệ mới, mà là sự cuốn hút hùng biện của vẻ đẹp Tin mừng thuần khiết. Nói tắt: Đó là sự “chân thành” rạng ngời hằng chiếu tỏa trong Lời dạy của Chúa Giêsu.
Có lẽ đã từ lâu, Giáo hội đã trực giác rất rõ ràng về điều này trong nhận xét của Đức Thánh Cha Phao-lô VI: Giáo hội đã bị bao phủ bởi chiếc áo hoàng vương từ thời Constantin.[1] Giáo hội cần cởi bỏ nó để mặc lại chiếc áo hoàng vương của người tôi tớ mà Đức Giêsu cũng như các tông đồ đã mặc. Giáo Hội cần hành động như Đức Giêsu: Ngài đứng dậy, cởi áo ra, lấy dây thắt lưng, đổ nước vào chậu và rửa chân cho từng môn đệ. Thời Giáo Hội tiên khởi, các tông đồ cũng chỉ làm một điều duy nhất: “Nhân danh Đức Kitô, anh hãy đứng dậy mà đi”. Tại chính lối ứng xử này toát ra sự chân chất của Chân Lý, và sự chân thành có sức biến đổi thế giới nhân loại.
Nhưng trực giác mà Đức Phaolô VI đề cập đến hình như vẫn chưa tìm được lối diễn đạt cụ thể. Vẫn còn có nhiều cồng kềnh và nặng nề của cơ cấu, của hình thức. Dĩ nhiên, có những lúc thế giới tìm thấy sự gần gũi nơi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị chủ chăn có những đường hướng cởi mở, thân thiện trước thế giới và cảm thấy thoải mái giữa giới trẻ như ở nhà mình.
Nhưng khi Đức Phanxicô lên ngôi Giáo Hoàng, hình như Giáo hội thấy hướng đi cụ thể của mình hơn. Quả thực, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hấp dẫn thế giới và mọi người bằng những điều đơn sơ nhưng gây ngạc nhiên và đầy chấn động. Vào buổi cử hành thứ năm tuần thánh lần đầu tiên trong tư cách giáo hoàng, Đức Phanxicô đã làm thế giới kinh ngạc khi cởi bỏ phẩm phục hoàng vương để rửa chân và hôn chân cho những tù nhân, trong đó có cả người phụ nữ Hồi giáo. Ngài đã đến thăm và cử hành phụng vụ với những người già cả, bị bỏ rơi trong những nhà hưu dưỡng. Ngài vẫn từng ở trong Vatican như ở trong nhà trọ, như người lữ hành. Đó là những cử chỉ bộc lộ một đời sống của đơn giản và chân thành. Ngài cho thấy rõ: “Chúng ta sống trong một thế giới vốn thường nhân tạo, một văn hóa “làm ra đồ vật”, của “lợi nhuận”, nơi đó không chút ý thức, chúng ta loại Thiên Chúa khỏi chân trời chúng ta”. Ngày nay, trao ban tự do không là thành phần của đời sống hằng ngày, nơi đó mọi sự đều được mua và bán, nơi đó mọi sự được tính toán và đo lường.”
Trong sinh hoạt, Giáo hội dường như còn xa lạ với thế giới. Giáo lý của Tin mừng cũng nhiều khi bị che lấp vì những ngôn ngữ quá cao như thể chỉ dành cho một số phần tử tri thức. Xin đừng hiểu lầm điều này như một lời đả phá những tìm tòi, nghiên cứu bác học của các nhà thần học và của toàn thể giáo hội. Đức Phanxicô viết: “Những người công giáo thông thường đơn giản không hiểu những ý tưởng cao cả như thế và cần nghe sứ điệp tin mừng đơn giản hơn về tình yêu, sự tha thứ, lòng thương xót vốn ở tận lõi tủy của đức tin công giáo. Đôi khi chúng ta mất dân chúng bởi vì họ không hiểu điều chúng ta nói, bởi vì chúng ta quên mất ngôn ngữ của sự chân thành và nhập khẩu một chủ nghĩa tri thức xa lạ với dân chúng. Không có văn phạm của sự đơn giản, Giáo hội mất chính những điều kiện vốn làm cho việc thả lưới bắt cá cho Thiên Chúa ở chỗ nước sâu của mầu nhiệm ngài thành có thể được.”
Ngôn ngữ của tính chân thành “hâm nóng trái tim” con người thời đại, vì sự chân thành, sự đơn giản đến từ Thiên Chúa và thuộc về bản tính của Thiên Chúa. Con người, hình ảnh của Thiên Chúa, sẽ luôn bén nhạy trước những gì là chân thành và sẽ được cứu nhờ sự chân thành. Có thể nói, sự bén nhạy trước sự chân thành là dấu chỉ về vẻ đẹp luôn có nơi con người như hình ảnh của Thiên Chúa. Trải qua bao thế hệ, nhân loại trong mọi thời đại luôn bị hấp dẫn trước sự chân thành của một nhân vật có tên là Giêsu làng Nadarét.
Sự chân thành của Tin mừng luôn hấp dẫn và có sức mạnh giáo dục. Đức Giáo hoàng cho thấy rõ điều này khi ngài khích lệ các chủng sinh và tu sĩ sống chân thành, cách riêng trong việc thú lỗi. Hãy luôn hành động như một đứa trẻ, luôn xin lỗi vì những lỗi cụ thể. Đức Phanxicô nói bằng một ngôn ngữ rất ‘tâm lý’ như sau: “Trẻ nhỏ thật khôn ngoan: khi một đứa trẻ thú lỗi, nó không nói chung chung, nhưng luôn nói, thưa ba, con đã làm cái này cái kia cho chị con… Chúng có được sự chân thành của chân lý. Còn chúng ta luôn có khuynh hướng dấu thực tại lầm lỡ của mình. Nhưng có một điều gì đó thật đẹp: khi chúng ta thú tội như trẻ nhỏ trước nhanThiên Chúa, chúng ta cảm nhận ân sủng của sự xấu hổ. Xấu hổ trước nhan Chúa là một ân sủng. Đó là một ân sủng: ‘con xấu hổ với chính mình'”.
Sự thay đổi bắt đầu từ sự chân thành này.
Văn Am, SDB
______________________
[1] Sau chiếu chỉ Milan “Tự do tôn giáo” năm 313, Giáo Hội thoát khỏi thời bách hại khoảng hai thế kỷ rưỡi của chính quyền La Mã, và được Hoàng Đế Constantin ban nhiều đặc quyền đặc lợi. Năm 380, Kitô giáo trở thành quốc giáo khiến cho thế lực của Giáo Hội ngày càng lớn. Cũng từ đó, sinh hoạt Giáo Hội đôi lúc vương mầu phong kiến.