Đây là câu nói thường xuyên ở cửa môi của những người đang trong cơn nóng giận, và thông thường, đối với những người lớn, kết quả sau đó không mấy tốt đẹp. Tuy nhiên, câu chuyện mà tôi được chứng kiến giữa con gái tôi và bạn của cháu đã làm tôi phải suy nghĩ.
Bé Ti, con gái tôi vừa tròn tám tuổi, ngày sinh nhật cháu, tôi tặng bé chiếc xe đạp. Cháu thích món quà này lắm nên chiều nào cháu cũng chạy xe vòng trong sân cùng với cô bạn thân là cháu Hân ở gần nhà. Tôi thường nghe tiếng cười nói ríu rít của chúng ồn ào vọng vào. Nhưng hôm nay, bất chợt tôi nghe thấy tiếng bé Ti la to rồi tiếng khóc ầm vang. Ngay lập tức, tôi mở cửa và chạy ào ra sân xem sự thể thế nào.
Cảnh tượng thật là thảm hại. Bé Ti khập khiễng đi về phía tôi với vết thương đỏ lòm ở đầu gối, vừa đi vừa khóc. Bé Hân đi ở phía sau, dắt chiếc xe đạp của bé Ti. Tôi ân cần hỏi chuyện gì đã xảy ra, bé Ti không trả lời mà càng khóc to hơn. Lúc ấy, tôi bồng cháu và đưa vào nhà. Bé Hân dựng xe sát tường và cùng vào nhà với chúng tôi. Vừa thấy Hân, bé Ti hét lên:
- Cậu không được vào! Cậu gây ra mọi sự! Cậu không còn là bạn của tớ nữa, không bao giờ!
Bé Hân bỏ ra ngoài, vừa đi vừa khóc. Tôi muốn chạy đến để an ủi cô bé, nhưng trước hết phải lo cho đầu gối bé Ti trước đã. Trong khi tôi lau rửa vết thương cho cháu, bé Ti ấm ức kể:
- Tại bạn Hân chạy xe gần con quá, lúc ấy con phát hoảng, tay lái loạng quạng, thế là con té xuống rách đầu gối. Bạn ấy cố tình làm như thế! – Bé Ti kết luận với vẻ tức giận.
Các bạn có tin không? Tôi không tin câu chuyện hoàn toàn như thế, và tôi cố gắng giải thích cho Bé Ti rằng có thể do con chạy nhanh, tay lái lại không vững nên dễ sợ hãi, thêm vào đó là Hân là người bạn tốt và không khi nào bé lại có ý định đó. Tuy nhiên, bé Ti không chịu nghe.
Để an ủi bé, tôi xoa bóp, vuốt ve cháu và kể cho bé nghe một câu chuyện vui về tình bạn, sự hiền lành. Đột nhiên, tiếng chuông cửa vang lên. Khi tôi mở cửa thì trước mặt tôi là bé Hân, cháu tỏ ra dè dặt, nhút nhát. Bé hỏi thăm tôi xem bé Ti có đỡ hơn không và xin phép vào thăm bạn. Tôi gật đầu và nhường bước cho bé bước vào.
Bé Hân đến gần bên giường bé Ti, và nói:
- Thực sự mình không cố ý. Cậu bỏ qua nhé!
Bé Ti không trả lời, nhưng bé Hân tiếp tục:
- Tớ muốn mời cậu đi ăn kem, ăn xong tớ còn phải đem chiếc xe đạp của tớ về nhà nữa.
- Tớ đã bớt đau một chút rồi – Bé Ti trả lời và cháu khẽ ngồi dậy cách thận trọng.
- Chờ đấy, để tớ giúp cậu! – Bé Hân vừa nói vừa cầm tay bé Ty khoác lên vai mình. Như thế bé Ti có chỗ dựa, rồi tiếp tục khẩn khoản hỏi – Cậu đi ăn kem với mình chứ?
- Chắc chắn rồi! – Bé Ti trả lời. Cháu quay sang tôi nói – Chào mẹ, con đi với bạn Hân đây!
Hai đứa trẻ dìu nhau đi ra khỏi nhà, dù có chút khó khăn, lúc này không chỉ bé Ti khập khiễng, mà cả bé Hân cũng bước đi khập khiễng khi dìu bạn đi.
Cho đến bây giờ, cả hai cháu vẫn là những người bạn thân của nhau.
Câu chuyện này khiến tôi suy nghĩ, cả hai chỉ là những đứa trẻ, rất nhỏ, nhưng lối cư xử của chúng thật dễ thương. Cái gì đã giúp chúng dễ dàng vượt qua khó khăn trong tương quan hơn là người lớn? Có lẽ thế giới người lớn của chúng ta bị vây bọc quá chặt bởi lòng tự ái, thói tự mãn và đôi chút mưu mô, thành thử chúng ta không dám thành thực để chân nhận sự thật, và cũng không dám bước đi khập khiễng do sợ mất đi vẻ hoàn hảo tự tạo.
Thế giới người lớn cần chút hương vị vô tư, hồn nhiên, chân thành của trẻ thơ biết bao!
Trích Chuyên đề Don Bosco số 31