Hắn lồm cồm gượng dậy sau một pha bóng bị đối phương đốn ngã.
Dù tay chân đầy những vết trầy xước, nhưng việc đầu tiên hắn nghĩ đến là lao về phía thằng Huy. Hắn muốn trả đũa vì màn chơi xấu vừa rồi. Nhưng tiếc thay! Ý định điên rồ của hắn đã bị ngăn lại bởi các bạn và thầy phụ trách – là tôi. Thấy không thể làm gì được, hắn vùng vằng, chửi bới lung tung.
Tôi nhớ không thể quên kinh nghiệm này, dù đã mười năm trôi qua: Tôi muốn rửa vết thương cho hắn, nhưng hắn giận lẫy, không cho rửa. Chắc hắn nghĩ tôi không bênh hắn, không để cho hắn ăn thua đủ với thằng Huy. Hắn hất tay tôi ra, bảo: Không cần! Anh ra chỗ khác đi. Từ nay đừng có đến chơi với thằng này nữa!
Đúng thật! Kể từ đó, hỏi gì hắn cũng không nói. Nhìn hắn trông vậy mà đáo để thiệt. Trước giờ, tôi không hề để ý đến hắn. Thi thoảng có gọi hắn là thằng Đen, như để ghẹo hắn vì trông hắn đen như cột nhà cháy. Ấy vậy mà từ hôm đó, hắn đã khiến tôi phải nghĩ nhiều về hắn. Một thằng bé đen đủi, thân hình mảnh khảnh, ốm yếu, chân tay mình mẩy chi chít những vết sẹo, nhưng lại ẩn chứa bên trong một sự phản kháng mãnh liệt, một sự đấu tranh, phản ứng tự vệ, có lúc lại trầm ngâm đến lạ thường.
Mãi sau này, khi đã lấy lại được niềm tin, hắn mới kể. Tuổi thơ hắn phải chịu vô khối những đòn roi. Từ ngày có trí khôn, hắn mới biết mẹ hắn đã bỏ hắn khi hắn mới tròn 3 tháng tuổi. Hắn phải ở với cha và dì ghẻ. Ấy thế mà có ngày nào hắn được đối xử như là con đâu. Mỗi lần tức giận, đánh đập thì cha hắn lại bảo: “Mày là cục nợ, mẹ mày lang chạ rồi bỏ đi, bắt tao phải nuôi”. Chính vì nghĩ như thế, lại thêm lời ra tiếng vào của dì, mà không ít lần hắn phải những trận đòn chí tử. Hắn nói, những vết sẹo trên người hắn là do cha và dì đánh: nào là xích chân tay, phơi nắng, thả xuống giếng, quì vỏ mít, roi mây, dây thun… không thể đếm xuể. Không thể chịu đựng mãi, lên 8 tuổi, hắn quyết bỏ nhà ra đi. Đi đâu? Hắn chưa biết, nhưng trước hết phải có tiền.
Giữa trời đông gió rét. Hắn chui vào quán tạp hóa của bà Bảy nhà cạnh bên. Hắn vội vơ vét những gì hắn thấy. Ngay trong đêm, cầm trong tay 150 ngàn và một ít bánh vào túi, hắn vội vàng chạy như ma đuổi. Mưa phùn gió buốt, hắn mặc kệ. Hắn bỏ làng ra đi. Đi đâu, hắn không cần biết.
Sau những ngày rong ruổi, số phận đã đưa hắn đến chốn Sài thành. Trong suốt những năm ở đó, hắn sống trôi nổi, đầu đường xó chợ. Hắn lang thang, phiêu bạt, lúc gầm cầu, khi ở ga xe lửa, có lúc thì ở bên hông văn phòng uỷ ban. Ai cho gì hắn ăn nấy, không có thì hắn ăn xin, không xin được thì ăn cắp. Nghề gì hắn cũng làm, miễn là có tiền. Cuộc sống đã sớm dạy cho hắn cách sinh tồn. Mới tí tuổi, nhưng nghề bẩn gì hắn cũng biết, từ xách thuê chất trắng, thuốc lắc, hàng đá, đến canh chừng (ăng-ten công an) cho sòng bạc, quán hớt tóc ma, rồi lượm ve chai, vé số, đánh giày… thứ gì hắn cũng biết. Duy chỉ có một thứ hắn không biết, đó là tình thương của gia đình.
Trong một lần hắn sốt nặng. Cô Năm bán vé số đánh gió cho hắn. Hắn nằm im thim thíp. Hắn thấy dễ chịu. Hắn ước ao: giá mà mẹ hắn đừng bỏ hắn, để mẹ cũng cạo gió cho hắn. Hắn thèm đôi bàn tay săn sóc của người mẹ. Khổ thân hắn. Cũng kể từ trận ốm thập tử nhất sinh đó, hắn về ở và đi bán vé số với Cô Năm. Đó là lần đầu tiên trong đời hắn cảm nghiệm được thế nào là tình thương, dù hắn vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì đó mà hắn không diễn tả được.
Nhưng cuộc sống nào có theo ý hắn! Một lần nọ đi chơi game về khuya, lại theo bạn đi ăn trộm đồ trong chợ. Thế là hắn bị bắt. Vì chưa đến tuổi thành niên, nên hắn bị đưa vào một Trung tâm Thanh Thiếu Niên C, ở Gò Vấp. Trung tâm Thanh Thiếu Niên là trại giáo dưỡng dành cho những đứa trẻ phạm pháp. Đây là lần thứ ba hắn phải vào nơi này; hai lần trước ở được ít tháng hắn tìm đủ mọi cách để trốn.
Trong lần thứ ba sinh hoạt tại Trung tâm này, hắn gặp được nhóm các anh Tập sinh Sa-lê-diêng đi làm tông đồ vào mỗi chiều thứ bẩy. Hắn được cùng chơi, được các anh quan tâm hỏi han, được nghe chia sẻ những điều tốt đẹp đầy hy vọng mà hắn chưa từng nghe. Cũng kể từ đó, hắn thấy vui hơn, yêu đời hơn và quyết tâm học để có cuộc sống tốt hơn. Ngày đó, hắn bảo: Em sẽ không trốn nữa, em sẽ ở đây cho đến 18 tuổi, để có CMND, có nghề nghiệp để sau này tự nuôi sống bản thân.
Hôm nay, sau gần 10 năm gặp lại, hắn dắt theo một cô gái xinh xắn đến để gửi tôi tấm thiệp hồng. Mở ra, tôi mới biết hắn tên là Nguyễn văn Đày chứ không phải thằng Đen mà tôi vẫn gọi. Tôi trộm nghĩ, cuộc sống hắn trước đây không chỉ đen mà còn bị đày đọa trong đầm lầy nữa. Nay tôi vui và cầu chúc cho hắn được như lời hắn nói: Mời anh đến chung vui và chúc phúc cho chúng em. Em hiểu những gì em đã phải chịu, tụi em sẽ gắng sống bên nhau để cho con cái em được hạnh phúc.
Khanh Quốc, SDB