“Ồ, con bé / cậu bé dễ thương, lịch sự quá!” Đó là lời tán thưởng rất tự nhiên của một người khi tiếp xúc với những đứa trẻ lễ phép, biết chào hỏi, biết cảm ơn, xin lỗi, biết kính trên nhường dưới, nói tắt, đó là đứa trẻ biết cư xử cách ý nhị. Với năm tháng, chắc chắn em sẽ trở thành một thanh niên, thanh nữ lịch thiệp trong giao tiếp, được mọi người mến mộ và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.
Phong cách lịch thiệp ấy không từ trời rơi xuống nhưng là một sự lặp đi lặp lại những hành vi tốt mà đứa trẻ được cha mẹ hướng dẫn cho tới khi trở thành một tập quán. Cũng cần biết rằng nó không đơn thuần chỉ là thói quen tốt, mà đúng hơn sự lịch thiệp chính là “hương thơm của tình yêu, của lòng biết ơn, lòng kính trọng” mà con người có từ bên trong tâm hồn của mình, làm lan tỏa ra trong lối ứng xử trong đời thường.
Vậy phải giúp con trẻ có những hành vi ứng xử lịch thiệp từ tuổi nào? Hãy dậy trẻ có những hành vi lịch thiệp ngay từ tuổi thơ. Tại sao thế? Như đã biết, nhân cách nơi con trẻ được hình thành từ tuổi 0 đến 6, những ứng xử với hành vi lịch thiệp sẽ giúp em dần hình thành từ bên trong bản thân nguyên tắc sống và trở thành lối ứng xử tự nhiên của cá nhân.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng trẻ còn nhỏ, cứ chiều chuộng mà không bắt trẻ phải thế này thế kia vì tội nghiệp cho bé! Đó là một suy nghĩ sai lầm, và vô hình chung, cha mẹ gieo những hạt giống ‘nhân cách khó ưa’ cho con trẻ mà không lâu đâu, cha mẹ là người hái trái đầu tiên. Ông bà ta nói ‘đừng uốn khi cây đã cứng, nó sẽ gẫy hoặc chỉ cong nhất thời, mà hãy uốn từ khi cây non’.
Từ suy tư này, Chuyên đề Don Bosco xin chia sẻ với quý phụ huynh những nguyên tắc giúp trẻ biết cư xử tử tế dựa theo tài liệu “Cẩm nang của trẻ lịch thiệp” do tác giả Paola Dessanti viết. Nội dung trình bày không dưới dạng những nguyên tắc lý thuyết, mà đưa ra những hành vi cụ thể gợi ý để phụ huynh rèn dậy trẻ. Sử dụng cuốn Cẩm nang này, quý phụ huynh lưu ý đến vài điều sau: 1/ dậy trẻ ít điều thôi. 2/ dậy cách rõ ràng và thuyết phục, 3/ theo dõi và kiên trì nhắc trẻ. Quan trọng hơn, hãy để em được sống trong bầu khí gia đình trong đó mọi người cư xử với nhau theo lối ứng xử này.
Trong số 31, “Cẩm nang của trẻ lịch thiệp” dừng lại trên một số hành vi ứng xử trong gia đình. Các đề mục trình bày gồm: Với ba mẹ, với anh chị em, với ông bà, và sau cùng là những lời kỳ diệu.
VỚI BA MẸ
Thật may mắn khi em có ba và mẹ!
Hãy nói chuyện với trẻ, cho em nhận ra ba mẹ thương em biết chừng nào. Ba mẹ tỏ lộ tình thương ấy cho em qua những lo lắng như làm việc để kiếm tiền nuôi cho em ăn học; ba mẹ lau dọn cho nhà sạch sẽ, thứ tự; ba mẹ còn mua sắm, nấu nướng, giặt giũ và ủi đồ em mặc cho tươm tất.
- Ba mẹ giúp em xỏ giầy, đi dép nè.
- Ba mẹ an ủi vỗ về khi em bị té bị trần xước đầu gối.
- Ba mẹ la rầy khi em thọc bàn tay vào đã để bốc đồ ăn thay vì dùng muỗng.
- Ba mẹ dậy em đi xe đạp nè.
- Ba mẹ lắng nghe em nói, vuốt ve em, đọc sách cho em nghe, và chơi đùa cùng em.
Em cư xử tử tế với mẹ khi …
- xin phép mẹ trước khi bật tivi.
- lấy khăn lau mồ hôi cho mẹ khi mẹ mệt, hay ôm hôn khi mẹ buồn sầu.
- để quần áo dơ cách gọn ghẽ trong sọt đựng đồ giặt.
- phụ mẹ dọn bàn ăn.
- đến bàn ăn ngay lập tức khi mẹ gọi.
- ăn tất cả những gì được dọn lên, rồi nếu không thích ăn thì ít nhất hãy nếm qua một chút.
- xếp gọn lại đồ chơi sau khi chơi xong.
- không mè nheo khi mẹ trả lời không trước điều em xin.
Em cư xử lịch thiệp với ba khi …
- không gây rối khi ba chọn chương trình tivi.
- ôm lấy ba khi thấy ngài lo lắng.
- luôn sẵn sàng khi đến giờ tới trường.
- không tru tréo khóc lóc đòi đi theo khi ba có việc phải ra ngoài.
- không giậm chân vung tay khi không được phép chơi game.
VỚI ANH CHỊ EM
Thật may mắn khi em có các anh chị!
Hãy giáo dục trẻ biết rằng có các anh chị là điều may mắn cho em. Gia đình là môi trường tốt để giáo dục trẻ biết sống với người khác, biết cùng nhau làm việc chung và kiến tạo tương quan tốt đẹp. Hãy cho trẻ thấy rằng với các anh chị thì em sẽ không phải ở một mình, nhưng luôn có người khác để cùng nhau vui đùa, cùng nhau sáng tạo những trò chơi mới, cùng nhau chuẩn bị những thứ làm cho ba mẹ ngạc nhiên vui thích.
Người anh hay người chị của em không bao giờ là ‘kẻ quấy rầy’. Nhưng trong khi chung sống, giữa anh chị và em chưa luôn luôn hài lòng vì nhau, nên đôi khi có những cãi cọ bất đồng.
Lời khuyên để em luôn có sự hòa hợp với các anh, chị
- khi có quà bánh, em đừng đòi hơn mọi người, những biết chia sẻ cho mọi người đồng đều.
- em đừng giành lấy đồ chơi để chơi một mình, mà hãy mời anh chị cùng chơi.
- khi coi tivi, đừng đòi mở chỉ một chương trình em thích, nhưng biết nhường cho các anh chị nữa.
- biết chia sẻ thời gian dùng vi tính, ipad với các anh chị.
- không lấy một cuốn sách hay món đồ chơi của người khác mà không xin phép.
- tìm cách để không chê bai, ganh tị hay nổi cáu.
- khi có chuyện làm em không hài lòng, thử nói chuyện nhẹ nhàng với nhau chứ không lập tức đánh người khác.
- nếu lỡ đánh nhau, em hãy mau mắn xin lỗi và làm hòa.
VỚI ÔNG BÀ
Thật may mắn khi em có ông bà!
Ông bà dành nhiều thời gian cho em và rất kiên nhẫn với em. Ông bà luôn lắng nghe em, kể chuyện cho em nghe, nựng nịu em và chăm sóc em rất tận tụy.
Em ước muốn đối xử tử tế với ông bà chứ?
- Khi ông bà đưa em đến trường, hãy cúi chào ông, bà tử tế trước khi vào lớp.
- Ông bà thích kể chuyện ngày xưa của mình nên em hãy lắng nghe một cách chăm chú.
- Khi em gặp bạn bè của ông bà thì hãy biết vui vẻ cúi đầu chào và ngoan ngoãn để ông bà nói chuyện.
- Khi ông bà đã mệt thì em đừng đòi ông bà phải chơi tiếp với em.
- Nếu bà hay ông đang nằm nghỉ, em đừng làm ồn nhé!
NHỮNG LỜI KỲ DIỆU: “làm ơn, cảm ơn, xin lỗi, xin phép”
Có một vài lời tế nhị nho nhỏ có sức ma thuật khiến cho những người khác thương mến em hơn. Em có biết không?
- Khi em ước muốn một điều gì đó, chẳng hạn một món quà, hãy nói “Xin làm ơn”.
- Khi mẹ chuẩn bị cho em một bữa ăn em thích thú, hãy nói với mẹ: “Con cám ơn mẹ!”
- Khi em nhận ra mình làm điều gì không hay không tốt đối ai đó, em hãy nói với họ: “Con xin lỗi”
- Khi phải đi ngang qua ai, em hãy nói: “Xin cho phép con đi qua” thay vì xô đẩy.
Bí mật cho em
Nếu em học để sử dụng những câu thần chú tại gia đình, em cũng dễ dàng sử dụng được nói khi em gặp gỡ những người khác!
Trích Chuyên đề Don Bosco số 31