ĐƯỢC THÔI THÚC BỞI NIỀM HY VỌNG:
“Này Đây, Ta Đổi Mới Mọi Sự.” (Kh 21,5)
Phần giới thiệu
Ở khắp nơi trên thế giới, bất kỳ quốc gia hay tôn giáo nào, ‘hình ảnh của năm’ vẫn mãi khắc ghi trong tâm trí nhiều người là hình ảnh một người cao niên, mặc chiếc áo trùng trắng, một mình trong khu vực rộng lớn của Quảng Trường Thánh Phê-rô ở Rô-ma vào một buổi chiều mưa lúc mặt trời lặn ngày 27 tháng 3 năm 2020. Người đàn ông đó chính là Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, một người chưa từng đơn độc như thế khi chủ sự các buổi cầu nguyện, và cũng chưa bao giờ đồng hành với toàn thể nhân loại theo cách như thế. Với hành động này, ngài nhắc nhở thế giới này, thế giới của chúng ta, được tạo nên từ các chủng tộc, nền văn hóa, quốc gia và tôn giáo khác nhau rằng, Thiên Chúa có thể làm cho những điều tai hại và đau khổ cùng cực thành những điều tốt đẹp. Và ngài mời gọi chúng ta hãy nhìn đến lòng trắc ẩn với đức tin yếu kém của chúng ta.
Không còn nghi ngờ gì nữa, những gì chúng ta đã trải nghiệm trong mười một tháng qua là thách đố chúng ta phải đối diện, và chúng ta không thể phớt lờ như thể không có chuyện gì xảy ra hoặc như thể nó đã xảy ra trong quá khứ cách này hay cách khác.
1. BỐI CẢNH TOÀN CẦU THÁCH ĐỐ CHÚNG TA VÀ ĐIỀU CHÚNG TA KHÔNG THỂ PHỚT LỜ
Cha không thể viết một trang bình giải về Hoa Thiêng 2021 mà phớt lờ đi những gì đã và đang ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại ở tất cả các quốc gia vào lúc này. Chúng ta đang trải qua những thời gian rất khó khăn; chúng ta đã trải nghiệm một điều gì đó mà chúng ta không bao giờ có thể tưởng tượng hoặc nghi ngờ. Chúng ta có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời và chúng ta nghe thấy ngày được công bố là sắp kết thúc đại dịch này mặc dù thực tế không có sự chứng thực về điều đó. Tất cả điều này đã xảy ra vì COVID-19: một căn bệnh truyền nhiễm do một loại vi-rút gây ra cho con người cho đến hôm nay.
Trạng thái khác thường của khoảnh khắc hiện tại ảnh hưởng đến chúng ta một cách sâu sắc. Nó nhiều đến nỗi mà ngay cả những cuộc khủng hoảng xã hội, chính trị và kinh tế trong những thập niên gần đây cũng không gieo rắc nỗi sợ hãi trên thế giới như đại dịch này. Nỗi sợ hãi, đau buồn, thiếu an toàn, nước mắt, mất mát và tuyệt vọng đã tràn ngập con tim của người giàu cũng như người nghèo, người nổi tiếng cũng như người bình dân, người già cũng như trẻ nhỏ. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang đối phó với một trong những cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn nhất trong bảy mươi năm qua. Và những quyết định mà các chính phủ cần thực hiện sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới trong một thời gian dài, không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, văn hóa, và cả viễn cảnh về con người.
Trong những tháng vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều cử chỉ biểu lộ sự cống hiến và hy sinh quảng đại. Trong số đó, dường như rất đúng khi nhắc lại sự cam kết anh dũng của các nhân viên y tế, những người đã làm việc đến kiệt sức; những người đảm bảo việc phục vụ thiết yếu và cần thiết cho sự chung sống xã hội; những người chăm sóc trật tự xã hội và một số chính trị gia, nhưng không phải tất cả, những người đã chân thành đảm nhận trách nhiệm của mình với tầm nhìn xa, bỏ qua sự ganh đua sang một bên.
Tuy nhiên, cũng đã có một số tình huống đáng xấu hổ cần lưu tâm đến từ sự ích kỷ, những nơi không sẵn sàng chia sẻ các vật dụng hoặc thiết bị y tế, cũng như không hiểu rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu này đòi hỏi và sẽ đòi hỏi một sự đáp trả toàn cầu.
Ở bất kỳ mức độ nào, các số liệu tự nó đã nói lên tất cả. Vào cuối năm 2020, 80 triệu người đã bị nhiễm bệnh và hơn 1,8 triệu người chết. Bên cạnh đó, COVID-19 đã cho thấy khía cạnh tồi tệ nhất của nó – sự cô lập, cái chết trong sự cô đơn hoàn toàn, trái tim tan nát của rất nhiều gia đình.
Không nghi ngờ gì nữa, điều này đã làm lung lay nhiều sự chắc chắn được coi là của chúng ta. Mỗi quốc gia đều tìm cách chuyển tải cho công dân của mình cảm giác an toàn. Ngôn ngữ được sử dụng là những ngôn từ ẩn dụ về một cuộc chiến: “Hãy chiến đấu với vi-rút! Chúng ta sẽ chiến thắng nó”, người ta khích lệ nhau như thế. “Không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ vượt qua nó”. Nhiều tháng trước, cha rất ngạc nhiên bởi thực tế là nhiều thành phố trên khắp thế giới đã động viên công dân của họ bằng những khẩu hiệu khác nhau nhằm xua đuổi nỗi sợ hãi. Chúng ta có thể tìm thấy các thông điệp từ các khẩu hiệu khác nhau:
– Gấu Paddington ở Bristol với thông điệp trên một tòa nhà có nội dung: “Nghệ thuật để sống sót. Hãy giữ an toàn”.
– Tại Tokyo, tòa nhà “Tokyo Skytree” cho thấy thông điệp: “Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng”.
– Khách sạn Barceló ở Thành phố Mexico đã trưng ra một thông điệp nói rằng: “Một Mê-xi-cô đoàn kết chiến đấu và vươn lên mạnh mẽ hơn”.
– Ở thành phố Antwerp của Bỉ, người ta có thể đọc được thông điệp này trên một ngôi nhà: “Điều này cũng sẽ qua đi. Thời gian tốt hơn sẽ đến. Và mọi thứ sẽ tuyệt vời”.
– Ở Ontario, Canada, nhiều khách sạn gần thác Niagra đang sử dụng đèn chiếu sáng trong phòng để tạo ra trái tim và thông điệp hy vọng.
– Và ở Vancouver, thông điệp được vẽ trên bức tường của một cửa hàng đóng cửa ở trung tâm thành phố cho thấy rằng: “Chúng tôi yêu bạn, Vancouver. Hãy giữ an toàn. Cố lên. Mọi thứ sớm trở lại. Hãy xa nhau nhưng luôn kết nối. Chúng ta sẽ thành công. Chúng ta sẽ vượt qua điều này”.
Cha hẳn nhiên ghi nhận tất cả điều này một cách trân trọng. Không thể khác được. Nhưng dường như nó quá ít, quá ít, không đủ để hiểu, giải thích và thậm chí chưa diễn tả được cõi lòng và cuộc sống của chúng ta. Cha cảm thấy rằng chúng ta cần một điều gì đó sâu sắc và quan trọng hơn, cho phép chúng ta đọng lại những gì chúng ta đang trải qua ngày hôm nay sẽ được lắng đọng trong trái tim và trấn an chính bản thân chúng ta; mặt khác, chúng ta đừng quên rằng có nhiều đại dịch khác đang tiếp tục phát triển trong thế giới và gây ảnh hưởng nặng nề, mặc dù không phải tất cả chúng, và bởi vì chúng ở xa chúng ta nên không gây ra nhiều tiếng ồn. Chúng ta với tư cách là những Ki-tô hữu và là Gia đình Sa-lê-diêng Don Bosco, không thể bỏ qua hoặc quên chúng. Cha đang đề cập đến 32 vụ nổ chiến tranh đang xảy ra vào lúc này khi COVID-19 vẫn đang hoằnh hành; Cha đang nói đến việc buôn bán vũ khí không được ngó đến hoặc giảm đi nhưng mỗi lúc tăng lên. Cha đang nghĩ đến những bối cảnh đặc hữu khủng khiếp khác không kém phần nghiêm trọng như đại dịch ngày nay, mặc dù chúng không ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia, và do đó không được tính đến. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chỉ ra điều này một cách đúng đắn bằng những từ ngữ dành cho những người trẻ, nhưng lại đụng đến những người trưởng thành và đôi khi là toàn bộ các gia đình. Đức Thánh Cha nói rằng, những người trẻ đang sống trong “vùng chiến sự và kinh qua bạo lực dưới vô số hình thức khác nhau: bắt cóc, tống tiền, tội phạm có tổ chức, buôn người, nô lệ và bóc lột tình dục, hiếp dâm thời chiến, v.v… Nhiều người trẻ, bất kể bằng vũ lực hoặc thiếu các phương thức thay thế, đang sống bằng cách phạm tội ác và các hành động bạo lực: lính trẻ em, băng đảng tội phạm có vũ trang, buôn bán ma túy, khủng bố,…” [1]
Sau đó, cha tự hỏi bản thân rằng: “chuẩn tắc mới” mà chúng ta nghe nói đến là gì? Điều gì sẽ còn lại với chúng ta sau năm nay? Liệu sẽ có một cơn sốt điên cuồng để phục hồi “thời gian đã mất”, một nền kinh tế đã suy yếu? Nó sẽ chỉ là một cơn ác mộng khủng khiếp, hoặc ngược lại nó sẽ để lại điều gì tích cực trong lòng nhiều người, trong cách tổ chức xã hội? Liệu “chuẩn tắc mới” có mang lại một cái gì đó thực sự mới, thay đổi một số thứ cho tốt hơn không?
Cha không biết điều gì đang chờ đợi chúng ta, nhưng cha cảm thấy rằng có một cuộc hành trình mà chúng ta với tư cách là một Gia đình Sa-lê-diêng có thể theo đuổi và giúp chúng ta nhiều điều tốt lành, đồng thời cống hiến sự đóng góp khiêm tốn của chúng ta cho những người khác.
2. CHÚNG TA MUỐN NÓI LÊN ĐIỀU GÌ KHI TRÌNH BÀY VỀ NIỀM HY VỌNG?
“Hãy xem đây, tôi đã phát hiện ra điều này trong vài tháng qua: niềm hy vọng giống như máu chảy trong chúng ta: chúng ta không nhìn thấy nhưng nó cần phải có. Máu là sự sống. Hy vọng là như thế này: nó là thứ gì đó lưu chuyển bên trong, phải làm như thế, khiến chúng ta cảm thấy mình đang sống. Nếu bạn không có nó, bạn đã chết, mọi sự kết thúc, không còn gì để nói … Khi không còn hy vọng thì coi như bạn không còn giọt máu nào … Bạn có thể là nguyên vẹn về thân xác nhưng bạn đã chết. Hy vọng chính là như thế.” [2]
Trong những tháng này, cha thường nghĩ rằng cách giải thích mà chúng ta thực hiện trong thời gian chúng ta trải qua không thể giống như những cách giải thích khác. Chúng ta không bị thúc đẩy bởi việc quan tâm đến chuỗi khách sạn hoặc công ty hàng không. Không phủ nhận rằng bản thân những gì hợp với luân thường đạo lý tạo ra việc làm và kế sinh nhai là tốt đẹp, nhưng việc tái thiết ngành du lịch không phải là trọng tâm của chúng ta, cũng như việc tăng trưởng năng suất (chúng liên tục nói với chúng ta hai lần để bù đắp thời gian đã mất và vượt qua những thất bại mà chúng ta đã trải qua).
Điều này có thể đúng, tuy nhiên, có gì đó vẫn còn thiếu trong cách nhìn của chúng ta, trong cách diễn giải của chúng ta và trong những gì thúc đẩy chúng ta, và thôi thúc chúng ta hành động. Đây là lý do tại sao cha có thể thấy rất rõ rằng, chúng ta không thể giải quyết “những gì đến sau”, không thể đối đầu với “chuẩn tắc mới”, nếu không sống trong niềm hy vọng. Không có tương lai nào là tuyệt đối hay chắc chắn nếu nó chỉ phụ thuộc vào con người. Con người là dọi phóng và luôn hướng đến một điều gì đó khác. Có vẻ như những gì đạt được luôn ở nửa chặng đường dẫn đến một điều gì đó mới mẻ. Chúng ta luôn khao khát điều gì đó hơn thế nữa và chúng ta luôn mong đợi.
Đây là lý do cho việc lựa chọn chủ đề Hoa Thiêng của năm nay.
Vậy hy vọng là gì? Chúng ta đang đề cập đến điều gì khi chúng ta nói đến niềm hy vọng? Và chúng ta đang nói về loại hy vọng nào?
Đó là điều lôi cuốn cha. Đã có rất nhiều, rất nhiều tác giả suy tư về niềm hy vọng từ nhiều khía cạnh khác nhau. [3] Chúng ta có thể nói về hy vọng như một thái độ của con người. Chúng ta có thể nói về sự kỳ vọng, để mong đợi và để hy vọng. Cha sẽ không đi sâu vào tất cả những khác biệt phức tạp – chẳng hạn như nếu chúng ta chú ý đến ý nghĩa theo Thánh Tô-ma A-qui-nô bằng cách phân biệt giữa hy vọng như đam mê, hy vọng và sức mạnh [hoặc tính cao thượng], và hy vọng như một đức tính thần học; đây không phải là thời gian cũng như là nơi để dành cho việc đó. Điều cha muốn nói là con người được kêu gọi để hy vọng. Và dù muốn hay không, họ cần phải lựa chọn, với nhận thức có ý nghĩa nhiều hơn hay ít hơn, giữa việc mở ra một chân trời viên mãn hay khép mình trong giới hạn của “niềm hy vọng” đích thực, loại hy vọng mà chúng ta có thể cảm nhận và chạm vào.
Sự chân thực mang tính tự nhiên này của con người để hy vọng không giống với niềm hy vọng của Ki-tô giáo, ngay cả khi nó là một phần của chính căn tính con người, người nam hoặc người nữ.
Cũng giống như chúng ta nói trong triết học, sử dụng nguyên lý Descartes: “Tôi suy tư, vì thế, tôi hiện hữu”, chúng ta cũng có thể nói: “Tôi sống, do đó, tôi hy vọng”. Bởi vì nếu không có hy vọng, cuộc sống sẽ không phải là cuộc sống, tự nó sẽ mất đi ý nghĩa, vì trên thực tế, sự hiện hữu của con người không thể chịu được việc sống trong sự tuyệt vọng, hay nói cách khác là “không có hy vọng”.
Tuy nhiên, hy vọng không chỉ đơn giản là sự mong muốn vì mong muốn luôn hướng tới những gì cụ thể và xác định. Cũng không thể giảm thiểu hy vọng thành sự lạc quan đơn thuần mà mục tiêu của nó nằm ở sự trù tính và dự đoán một kết quả tích cực. Mặt khác, niềm hy vọng hoàn toàn liên quan đến con người và phải thực hiện với sự tận tâm và tin tưởng. Quả thực, con người là sự dọi phóng và có xu hướng vươn tới “cái gì đó hơn thế nữa”, hướng đến những gì có thể dự đoán trước, hướng tới một cái gì đó thực sự mới.
Những gì cha đã mô tả trước đó để nói về một thế giới có nhiều dấu vết của sự vô nhân đạo đối với chính nó. Cha tin rằng điều này là không thể phủ nhận và rõ ràng với tất cả mọi người. Chúng ta không muốn nó xảy ra như thế nhưng thực tế là như vậy. Ngay cả trong thế giới có rất nhiều dấu vết của sự vô nhân đạo này, chúng ta vẫn có thể sống với một thái độ khác. Có những người sống bằng cách oán trách, tiêu cực, với trái tim khô cằn sỏi đá. May mắn thay, cũng có nhiều người cố gắng sống được thôi thúc bởi một nguồn năng lượng dẫn dắt họ đi tìm kiếm sự sống, cố gắng làm những gì tốt nhất, chú tâm vào việc sống bằng tình yêu và sự phục vụ (chữa lành theo cách riêng của họ), làm việc theo sự thôi thúc của niềm hy vọng. Khi chúng ta sống được thúc đẩy bởi niềm hy vọng, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương, sự phục vụ và một trái tim đầy ắm tình người và tràn ngập ý nghĩa trong một thế giới vẫn còn trải qua quá nhiều, quá nhiều điều vô nhân đạo. Theo quan điểm của chúng ta, niềm hy vọng đối với con người là thành phần của tình yêu. Đây là điều mà Thánh Phao-lô muốn đề cập khi ngài nói trong bài ca đức ái tuyệt vời gửi cho các tín hữu thành Cô-rin-tô rằng, đức mến “hy vọng tất cả mọi sự” (1Cr 13,7).
3. VIỆC GIẢI THÍCH NÀO CHÚNG TA CÓ THỂ ĐỀ NGHỊ VỚI TƯ CÁCH LÀ NHỮNG NGƯỜI TIN?
Chắc chắn trong một vài tháng nữa đại dịch này sẽ chấm dứt. Nhưng những “đại dịch” khác mang theo tai họa của sự vô nhân đạo cùng với chúng sẽ không biến mất khi có vắc-xin. Việc nghiên cứu đại dịch coronavirus và tìm ra vắc-xin chắc chắn là việc làm đúng đắn. Sớm muộn gì rồi cũng sẽ có. Chúng đang dần hiện thực và chúng ta rất vui vì điều đó.
Nhiều câu hỏi đau lòng đã được đặt ra nơi nhiều con tim trong những tháng ngày này. Câu hỏi về ý nghĩa hay mặt trái của tất cả điều này đã có sẵn. Đó là một câu hỏi chính đáng và rất nhân văn. Thực tế khắc nghiệt về sự đau khổ và bệnh tật mà thế giới đang trải qua ngày nay dường như hướng con người tới sự phẫn nộ và phản đối hơn là niềm tin; nghi ngờ hơn là tin tưởng. Nhưng cũng giống như thế, đối mặt với tiếng kêu than của con người hoặc cùng với nó, thì luôn có (đối với chúng ta là những người tin) Thiên Chúa.
Đức tin Ki-tô giáo không ngừng cho thấy rằng Thiên Chúa, nhờ Thần Khí của Người, luôn đồng hành với lịch sử nhân loại, kể cả trong những bối cảnh bách hại và bất lợi nhất. Ngài là Thiên Chúa không đau khổ nhưng có lòng trắc ẩn, theo cách diễn đạt tuyệt vời của Bernard of Chiaravalle: “Impassibilis est Deus, sed noncompassibilis” (Thiên Chúa không đau khổ nhưng Người không thiếu lòng trắc ẩn). [4] Chúng ta đọc trong lịch sử cứu độ rằng, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người nhưng luôn liên kết với họ, nhất là khi nỗi đau của họ trở nên quá lớn. Thiên Chúa không bỏ chúng ta, không rời xa, nhưng đang đau khổ trong và với những người đau khổ vì tai họa này, và Ngài tiếp tục cứu độ cũng như Ngài đã cứu vớt rất nhiều người liều mình vì người khác, những người phục vụ và cống hiến bản thân cho người khác theo con đường riêng của họ.
Trong suốt thời gian này, dường như nhiều người nghĩ rằng quyết định của Thiên Chúa, Đấng chỉ can thiệp bằng tiếng gọi thầm lặng của tình thương, là không thể chấp nhận được. [5] Tuy nhiên, đây là thực tại đích thực của Thiên Chúa, Đấng biểu lộ sự liên đới trong việc đồng hành với chúng ta, làm cho Người trở nên gần gũi; khác xa với hình ảnh của vị Thiên Chúa đầy quyền năng can thiệp để thay đổi mọi thứ một cách “kỳ diệu”.
Thay vào đó, chúng ta nói về Thiên Chúa, Đấng đang “làm cho mọi sự trở nên mới mẻ” (xem Khải huyền 21,5), bởi vì đây là kế hoạch của Ngài. Nhờ công trình cứu chuộc của Con Ngài, con người cùng với các sinh vật khác bước vào sự sống, bỏ lại sau lưng những tiếng rên rỉ và đau khổ mà thụ tạo đã phải chịu đựng trước đó, và điều đó giờ được đổi mới nhờ sự can thiệp tái tạo của Ngài. Như thể chính Thiên Chúa đang mời gọi loài người nhìn lại những gì Ngài đạt được trong lịch sử và Ngài sẽ hoàn tất vào tận cùng của thời gian. Như là các cộng đoàn Ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi để nhận thức hiện tại và giải thích hành động của Thiên Chúa khi Ngài giữ lời hứa trong Giao ước rằng, Ngài sẽ đồng hành với Dân (và mỗi cá nhân) bằng sự hiện diện đầy quyền năng của Ngài khi đối mặt với sự dữ, và đồng thời trở nên dịu hiền đối với những người tin tưởng vào Ngài.
Đối diện với điều này, chúng ta, những người tin cảm thấy được soi sáng bởi đức tin trở thành niềm hy vọng. Như Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã nói: “Ơn cứu chuộc được ban cho chúng ta theo nghĩa là chúng ta đã được trao cho hy vọng – một niềm hy vọng đáng tin cậy, qua đó, chúng ta có thể đối diện với thực tại của chúng ta: thực tại mà cho dù là cam go đi nữa cũng có thể sống được và chấp nhận được nếu nó dẫn đến một mục đích, nếu chúng ta có thể được bảo đảm về mục đích này, và nếu mục đích này cao cả đến mức biện minh được cho nỗ lực cam go của cuộc hành trình”. [6]
Niềm hy vọng của Ki-tô giáo có tính lịch sử và dựa trên niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa, Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng không bao giờ bỏ rơi dân tộc mình và luôn ở bên họ.
Đó là niềm hy vọng vượt xa bất cứ điều gì có thể thỏa mãn sự mong đợi của con người gắn liền với “ở đây và bây giờ”, thời điểm hiện tại này, chỉ được duy trì bởi nguồn lực của chúng ta hoặc bởi con người và vật chất theo ý sắp đặt của chúng ta. Niềm hy vọng mà chúng ta đang nói đến dựa trên lời hứa của Thiên Chúa và đây là sự đảm bảo tốt nhất.
Niềm hy vọng thôi thúc chúng ta, làm cho mọi hy vọng nhỏ nhoi của con người đơm hoa kết trái, cho thấy những giá trị to lớn mà nhân loại đã đầu tư bằng mọi sức lực: sự thật, lòng tốt, công lý, liên đới, hòa bình, tình yêu, v.v…, và chúng không biến thành điều không tưởng mà trở thành cụ thể và sự nhận thức một phần về kế hoạch vĩ đại mà Thiên Chúa luôn chuẩn bị cho toàn thể nhân loại và điều đó trở nên chung cuộc trong Đức Ki-tô. Đây là niềm hy vọng thôi thúc chúng ta.
Niềm hy vọng đích thực, vĩ đại của con người luôn vững vàng bất chấp mọi thất vọng chỉ có thể là Thiên Chúa – một Thiên Chúa đã yêu chúng ta và tiếp tục yêu chúng ta “cho đến cùng”, đến khi tất cả “được hoàn thành” (x. Ga 13,1 và 19,30). Bất cứ ai bị rung động bởi tình yêu bắt đầu cảm nhận được “sự sống” thực sự là gì … bắt đầu nhận thức ý nghĩa của lời hy vọng. [7]
Niềm hy vọng đáng tin cậy khiến chúng ta sống trong sự chắc chắn vì tương lai hoàn toàn được đảm bảo. Do đó, niềm hy vọng được liên kết với việc có Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Niềm hy vọng như thế thay đổi hoàn toàn hiện tại, không chỉ vì khi tương lai được coi là một thực tại tích cực thì hiện tại trở nên dễ chịu hơn, mà bởi vì sự nhận biết về tương lai, ngang qua đức tin, thay đổi cách sống của chúng ta. Sống với Thiên Chúa không giống như sống không có Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa mở ra một con đường ngay cả trong sa mạc của cuộc sống, thách thức ảo tưởng và hoài nghi, sợ hãi và thất vọng. Đây là lý do tại sao niềm hy vọng thôi thúc chúng ta, dẫn chúng ta đến khẩn nài Thiên Chúa ban cho món quà đức tin, cầu xin sự tin tưởng vào Ngài, Đấng đạt được mọi sự trong mọi người, và tín nhiệm người khác.
Thời gian thử thách là thời điểm chọn lựa [8]
Việc tin tưởng đáp lại niềm hy vọng mà Thiên Chúa ban tặng dựa trên Tin Mừng là sức mạnh của Thiên Chúa đối với sự biến đổi và tái sinh liên tục của cuộc sống.
Bằng thứ ngôn ngữ rõ ràng, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi chúng ta trở thành “những người của mùa xuân hơn là mùa thu”. [9] Người Ki-tô hữu nhìn thấy “chồi non” của một thế giới mới hơn là “lá vàng” trên cành. Chúng ta không nương náu trong sự luyến tiếc và than phiền, bởi vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành người thừa kế của lời hứa và là người nuôi dưỡng ước mơ không mệt mỏi. Với một niềm tin chắc chắn vào Thiên Chúa, Đấng “đến” và can dự [ad-viene và inter-viene].
Với vòng tay hy vọng của người Ki-tô hữu – vòng tay thập giá của Đức Ki-tô – chúng ta đón nhận toàn thể thế giới và coi không có điều gì hoặc không ai là mất mát hoặc thất bại.
Một số câu hỏi vẫn tiếp tục là những câu hỏi chính đáng: Chúng ta muốn trở thành ai khi đối diện với thực tế mà chúng ta được kêu gọi để sống? Và làm thế nào chúng ta muốn sống ngang qua tất cả những điều này? Bởi vì chúng ta sẽ đánh mất cơ hội vĩ đại nếu chúng ta không tận dụng những kinh nghiệm mà chúng ta đang trải qua, bao gồm cả nỗi đau.
Chắc chắn có nhiều người với tư cách là công dân và từ góc độ dân sự, với nhận thức rõ ràng về nhân loại chúng ta và không có bất kỳ quan điểm đức tin nào, đang cố gắng giải quyết tình trạng này và cuộc khủng hoảng này. Hoàn toàn hợp pháp như vậy.
Nhưng trong số này có cả chúng ta. Thế giới ngày nay cần nhân chứng cuộc sống của chúng ta; chứng nhân của chúng ta, những người đã tìm thấy ý nghĩa cuộc đời trong việc gặp gỡ với Chúa Ki-tô và trong Thiên Chúa của Chúa Giê-su Ki-tô. Thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu thành Ê-phê-sô rằng, trước khi gặp Chúa Ki-tô, họ sống “không có hy vọng” và “không có Thiên Chúa trên đời” (Ep 2,12). Đúng là ngài biết họ đã từng có các thần minh, nhưng không có bất cứ hy vọng nào đến từ các vị thần ấy. Bất kể các vị thần, họ không có Chúa. [10] Tuy nhiên, biết Thiên Chúa ngang qua Con Ngài có nghĩa là nhận được niềm hy vọng đối với họ, và điều đó cũng có nghĩa đối với những người nam và người nữ ngày nay. Điều này là do đức tin trở thành niềm hy vọng, “Đức tin là Hy vọng”. [11]
Cái nhìn của đức tin trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su Ki-tô là điều tạo nên cách nhìn của chúng ta về đức tin, cách cảm nhận nó trong cõi lòng chúng ta. Do đó, cách thức đưa ra quyết định và phân định điều gì có giá trị hay không được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ giữa ngôi vị với Ngôi vị. Đây là lý do tại sao một nhà thần học suy tư rất nhiều về hy vọng như J. Moltmann đã nói rằng, “khi đức tin được biến đổi thành niềm hy vọng, nó không làm cho con người nguôi ngoai mà khiến họ thao thức, không khiến họ kiên nhẫn mà thiếu kiên nhẫn. Thay vì tuân theo một thực tế đã định, họ bắt đầu chịu đựng nó và kháng cự nó”. [12]
4. NHÌN VỀ CỘI NGUỒN CHÚNG TA VÀ NHỮNG NHÂN CHỨNG CỦA ĐỨC TIN TRONG GIA ĐÌNH SA-LÊ-DIÊNG
Khi nhìn vào kinh nghiệm trong cuộc đời của Don Bosco, chúng ta nhận thức được rằng niềm hy vọng như một cây đã từ lâu được đâm rễ sâu; cội rễ trở nên mạnh mẽ hơn qua các thời kỳ khó khăn và những cách thức đòi hỏi nhiều hy sinh.
Đây là trường hợp của Gio-an trong những năm đầu tiên ở Becchi, mất cha, và mẹ Magarita, người đã phải đối diện với thời kỳ của nạn đói và tất cả các vấn đề cuộc sống cùng với nhau ở gia đình. Khi Gio-an đặt hy vọng vào một người để có thể có một tương lai với cậu, người mà cậu mơ ước, có thể trông cậy vào sự giúp đỡ và bảo vệ của cha Calosso, thì cái chết của vị linh mục quản xứ già đã làm tan biến hy vọng đó. Hoàn cảnh gia đình và dõi theo cách chu đáo và nhạy bén của một người mẹ luôn tìm kiếm điều tốt nhất cho con trai mình – mặc dù trái tim của người mẹ luôn đau khổ vì điều đó – đã khiến Gio-an trở thành một người di cư từ năm 12 tuổi.
Nhưng chính trong những hoàn cảnh đó, lời nói và thậm chí hơn thế nữa, tấm gương của mẹ Ma-ga-ri-ta đã mở rộng tầm mắt của Gio-an đến một chân trời rộng lớn hơn, và khiến cậu có khả năng nhìn về phía trước và thẳng tiến.
Điều đó cũng xảy ra một lần nữa vào thời điểm quan trọng trong sự lựa chọn ơn gọi của Gio-an, mẹ Ma-ga-ri-ta khuyên nhủ Gio-an đừng lo lắng cho bà và tương lai của bà, và cũng đừng bao giờ dính chặt con tim mình vào sự an toàn của trần thế: “Nếu con quyết định trở thành một linh mục triều và không may trở nên giàu có, Mẹ sẽ không bao giờ một lần đến thăm con! Hãy nhớ kỹ điều đó!”. [13]
Nhiều năm sau, chính Don Bosco, hướng ánh mắt về cây Thánh Giá, người sẽ làm sống lại trái tim của người mẹ kiệt sức, mệt mỏi, thắp lên trong mẹ niềm hy vọng đó sẽ khiến mẹ luôn trung thành cho đến khi chết với sứ mệnh đã chia sẻ với con trai của mẹ từ những ngày đầu tiên của nguyện xá tại Valdocco.
Niềm hy vọng bén rễ cách mạnh mẽ này sẽ rất cần thiết cho tất cả những gì Don Bosco trải qua và nó đã hình thành từ khi còn ở Tô-ri-nô cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Nhìn quả sẽ biết cây. Cách thức mà cuộc sống của rất nhiều người trẻ đã thực hiện để vươn lên từ những hoàn cảnh bị bỏ rơi và tuyệt vọng đến mức đạt được sự thánh thiện, cho thấy bao nhiêu hy vọng đã dưỡng nuôi trong trái tim của Don Bosco; chính từ sự phong phú này, ngài đã tiếp cận và thay đổi cuộc sống của những người mà ngài gặp gỡ.
Ngay cả trong những năm làm việc nhiều áp lực nhất của mình, Don Bosco không bao giờ là một người hùng đơn độc. Ngài luôn có bên cạnh mình một Người đã làm sống lại ngọn lửa niềm tin, hy vọng và lòng mến trong ngài. Đó là một sự đồng hành giống “như hình với bóng”. Sự tin tưởng tuyệt đối vào Đức Maria cũng là niềm hy vọng không ngừng nuôi dưỡng Don Bosco. Sự tin tưởng này càng được thể hiện trong những dự tính bất khả thi của con người – chúng ta nghĩ đến việc xây dựng Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Phù hộ các Kitô hữu và sự khởi đầu của các cuộc truyền giáo ở Nam Mỹ – Don Bosco là người đầu tiên đã “xem thấy phép lạ là gì”.
Tin tưởng rằng luôn có một đích điểm hướng đến điều tốt đẹp trong mỗi trái tim, trong mỗi trải nghiệm cuộc sống, ngay cả một điều tưởng chừng như khá chênh lệch, là kết quả của sự hòa hợp với trời cao, nhưng nó cũng là kết quả của kinh nghiệm căn bản về đồng hành và coi sóc mà vị linh mục Bosco đã trân trọng ngay trên trần gian này. Chính tại trường của cha Cafasso, Don Bosco đã học cách đồng hành với những người tuyệt vọng nhất trong các nhà tù và ở những vùng nghèo nhất của Tô-ri-nô vào thời điểm đó. Đây là cách Don Bosco không chỉ “học để trở thành một linh mục”, [14] mà còn trở thành vị mục tử của đàn chiên với trái tim của người gieo rắc niềm hy vọng mãnh liệt đã cùng ngài đi trên các con đường ở những vùng ngoại biên nghèo nhất của Tô-ri-nô: Cafasso, Cottolengo, Murialdo. Niềm hy vọng được hình thành và tạo nên cùng với nhau: hoa trái của sự hiệp thông giữa các vị thánh “như hình với bóng”.
Có một khoảnh khắc trong lịch sử của nguyện xá mà chúng ta phải nhắc đến, bởi vì nó rất giống với những khó khăn trên thế giới mà tất cả chúng ta đều nhận ra khi chìm ngập trong đại dịch này. Đó là cuối tháng 7 năm 1854. Nạn dịch tả bùng phát ở Tô-ri-nô. Chúng ta đã biết đến câu chuyện này nên không cần nhắc lại ở đây. Tầm nhìn về đức tin và việc thực thi bác ái, kể cả một cách anh hùng, không phải là nhân đức mang tính cá nhân, là đặc điểm của Don Bosco hoặc một vài kiểu siêu hào phóng nào đó; đó là lối sống của cộng đoàn giáo dục nhỏ bé. Niềm hy vọng là một nhân đức mang tính cộng đồng, một nhân đức được nuôi dưỡng qua gương sáng của nhau và qua sức mạnh của tình hiệp thông huynh đệ. Đây cũng là bằng chứng của nguyện xá Valdocco trong thời kỳ dịch tả, giống như kinh nghiệm của rất nhiều cộng đoàn giáo dục và mục vụ trong thời gian COVID, và đi đầu là cộng đồng các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế, những người đã cống hiến và tiếp tục cống hiến cuộc sống của họ để cứu sự sống những người khác.
Những khoảnh khắc khủng hoảng như thế cho thấy một đặc điểm khác của niềm hy vọng như Don Bosco đã sống nó. Ngài tin chắc vào Sự Quan Phòng. Đức tin và niềm hy vọng ngày càng lớn hơn theo năm tháng. Đó là một sợi dây kéo dài suốt cuộc đời của ngài và xuyên suốt mọi thứ mà ngài đã cống hiến cho cuộc sống. Đó có lẽ là cách hữu hình nhất để người ta có thể chiêm ngưỡng “sự hòa hợp tuyệt diệu giữa tự nhiên và ân sủng” nơi chính Don Bosco: [15] những gì ngài đã tin tưởng trong cõi lòng đã khiến cho những bước đi và lựa chọn hàng ngày của ngài chuyển động, mở ra những con đường hy vọng cho rất nhiều người, ngay cả khi nó dường như không còn lối thoát nào nữa.
Những chứng nhân khác của niềm hy vọng
Chúng ta tìm thấy những mẫu gương quý giá và kiểu sống trong sự thánh thiện Sa-lê-diêng khuyến khích chúng ta hy vọng như một nhân đức và thái độ sống với Thiên Chúa. Cho phép cha nêu ra cách ngắn gọn và nhanh chóng một số nhân chứng sau đây.
Người hội viên của chúng ta Chân phước Stefan Sandor (1914-1953): cung cấp cho chúng ta một mẫu gương thực tế về ý nghĩa của việc dịch chuyển từ chia rẽ sang hiệp nhất, và sau đó là sự hiệp thông. Ý thức mạnh mẽ về ơn gọi của mình như một người Sa-lê-diêng Sư huynh đã đưa ngài đến một sự chọn lựa thực sự để bảo vệ sự sống; ngài xác tín cách sâu sắc rằng cuộc sống của ngài phải được sống giữa dân tộc và nền văn hóa, vốn đang trải qua những khoảnh khắc bất định và hoang tàn. Thái độ ngay thẳng của ngài định dạng lại quan điểm của chúng ta về việc “biết cách ở lại” với lĩnh vực truyền giáo của chúng ta là soi sáng cho những người có nguy cơ mất hy vọng, củng cố những ai cảm thấy mình đang thất bại, và trở nên dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa khi Người “dường như” vắng bóng trong lịch sử. Chân phước Stefan đã vượt qua những bức tường được tạo ra bởi sự chia rẽ giữa các dân tộc và sự nô dịch cho chủ nghĩa toàn trị tư tưởng, đi ra để gặp gỡ người khác và vượt qua mọi nỗi sợ hãi cá nhân hoặc xã hội.
Câu chuyện về nữ tu Chân phước Maddalena Morano (1847-1908) là một câu chuyện tuyệt vời. Mẹ nổi bật với tư cách là nữ tu Con Đức Maria Phù hộ các Giáo hữu vì sự gan dạ tông đồ, khiến mẹ trở thành điều mà Don Bosco luôn mong ước những người con của mẹ theo tinh thần Mornese: trở thành những tượng đài sống động của Đức Trinh Nữ Maria. Như là “nhà giáo bẩm sinh”, mẹ biết rằng hành động tự do trong sứ mệnh Sa-lê-diêng có nghĩa là dạy các nữ tu của mẹ mở ra biên giới của con tim và khối óc để vượt qua những giới hạn chật hẹp của một nền văn hóa áp bức về nghèo đói và thiếu cơ hội. Mẹ biết cách dạy tính kiên trì và không buông lời đe dọa; sức mạnh nữ tính của mẹ đã trở thành sự diễn tả tử tế và thuyết phục nhất về trách nhiệm mà chúng ta có đối với những anh chị em dễ bị tổn thương. Như một giải pháp cho những khoảng thời gian tai họa mà mẹ phải chịu đựng, mẹ đã chỉ ra những hướng đi mới cho những người bị đe dọa bởi sự cô lập và dạy họ về sự bao la của lòng tốt của Thiên Chúa.
Với tôi tớ Chúa, cha Charles Braga (1889-1971), chúng ta tìm thấy một tấm gương về trí thông minh mục vụ, có thể là trong sự tận hiến không mệt mỏi của ngài trong sứ mệnh hoặc trong việc đồng hành với các thành viên của Gia đình Sa-lê-diêng. Không đánh mất tâm hồn, nhưng với niềm hy vọng của những ai đặt niềm tin vào Đức Ki-tô, Chúa chúng ta, ngài có được sự kiên nhẫn mà Don Bosco đã khuyên rất nhiều vì biết cách đồng hành với người trẻ khi họ xây dựng nhân cách trưởng thành. Sự kiên nhẫn này là hoa trái của tình thương tuôn chảy trào tràn trong trái tim truyền giáo của ngài, giúp ngài có thể xây dựng những cầu nối hơn là những rào cản giữa các nền văn hóa. Lời kêu gọi mà ngài cảm thấy để thúc đẩy sự hợp nhất giữa mọi người đã giúp ngài vượt qua những khác biệt có thể nảy sinh giữa những người khác, tin chắc rằng ngài luôn được nâng đỡ bởi ân sủng thiêng liêng tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ.
Một gương sáng đáng quý khác là Chân phước Joseph Kowalski (1911-1942). Cần biết bao niềm tin và sự can đảm để đem lại sự bình an cho người khác ngay cả khi ngài không còn gì khác ngoài cuộc sống của mình! Tình thương đáng kính của Chúa Giê-su khi hiến dâng mạng sống của Ngài cho nhân loại đã cho chúng ta tấm gương yêu thương vĩ đại nhất. Điều đó được Chân phước Joseph Kowalski lặp lại một cách sâu sắc: một người hội viên đã từng là nhân chứng cho sự bình an giữa chiến tranh, sự thanh thản giữa xáo trộn và sự nhân từ giữa hận thù.
Tôi tớ Chúa Antonino Baglieri (1951-2007) là một gương mẫu khác. Con đường nên thánh thường đòi hỏi sự thay đổi các giá trị và tầm nhìn. Đây là con đường mà ngài đã trải qua, người mà sau một thời gian dài đau khổ, đã khám phá ra cơ hội tuyệt vời để được tái sinh sang một cuộc sống mới nơi Thập giá. Ngài luôn được đồng hành bởi mẹ của ngài, người mẹ với tình thương và lòng trắc ẩn luôn tin tưởng vào ngài và cuộc đời đầy tài năng của ngài; ngài cũng được bao quanh bởi những người giáo dân và tu sĩ, những người nhắc nhở ngài về vẻ đẹp của sự hiệp thông. Ngài thật cảm động bởi cộng đoàn đã gia tăng sức mạnh cho ngài, cả về nhân cách và đức tin của ngài, và đã cứu ngài. Ngài hiểu rằng bằng cách cho phép mình gặp gỡ những người khác, ngài đã khám phá ra mình là ai và mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của ngài, được ghi khắc hoàn toàn bởi lòng Chúa thương xót – ngay cả khi ngài nằm trên giường bệnh – để trở thành một ‘nghệ nhân của bình an và niềm vui’.
Những con người này và rất nhiều người khác là những mẫu gương phi thường về đức tin, những người đã sống một cuộc sống đức ái và hiểu ý nghĩa của niềm hy vọng trong tất cả ý nghĩa của nó. Những người luôn hy vọng biết rằng họ không bước đi một mình, và họ cũng biết rằng họ cần những người đồng hành và hướng dẫn họ trên con đường của họ. Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã diễn tả điều này rất hay: “Những ngôi sao đích thực trong cuộc đời chúng ta là những người đã sống tốt lành. Họ là những ánh sáng của hy vọng. Chắc chắn, Chúa Giê-su Ki-tô là ánh sáng thật, là mặt trời đã vượt lên trên mọi bóng tối của lịch sử. Nhưng để đến được với Ngài, chúng ta cũng cần những ánh sáng gần bên – những người tỏa sáng bằng ánh sáng của Ngài và dẫn dường cho chúng ta”. [16]
5. VIỆC GIẢI THÍCH SA-LÊ-DIÊNG VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ HIỆN DIỆN
Đây là thời gian của chúng ta. Đó là thời gian chúng ta được trao ban để sống. Có thể là thích hợp nhất để tự hỏi bản thân xem cách tốt nhất nên làm gì để đối phó với thời kỳ hậu đại dịch, và có lẽ, việc khám phá ra giá trị của niềm hy vọng vào thời điểm mà hầu hết mọi người đang trải qua nỗi sợ hãi hoặc không thể chờ đợi thời điểm sắp đến khi họ có thể quên những gì đã xảy ra trong năm nay. Nhưng liệu chúng ta có thể thực sự quên đi những gì đã xảy ra, quên đi những gia đình đã mất đi người thân? Quên gần hai triệu nạn nhân? Quên khuôn mặt của những người yếu đuối nhất trong xã hội của chúng ta? Quên rất nhiều người đã từng phục vụ ở tiền tuyến? Phải chăng sẽ là đúng khi quên tất cả những điều này? Không, chắc chắn là không. Quả thực, đó sẽ là điều tồi tệ nhất nếu chúng ta phải làm.
Vì vậy, chúng ta tự hỏi bản thân rằng liệu những gì chúng ta đã trải qua có thể dạy chúng ta điều gì, và liệu chúng ta đã sẵn sàng thay đổi điều gì đó, để suy nghĩ lại về một số giá trị hoặc quan điểm sống của chúng ta…
=> Chúng ta hy vọng rằng sự giam hãm mà chúng ta trải qua sẽ giúp chúng ta mở lòng ra.
Chúng ta thường xuyên chuyển động cách vội vàng để đáp ứng mọi thứ theo một nhịp điệu điên cuồng. Thật bất ngờ, “sự trầm lặng bắt buộc” đã đến với chúng ta, và có lẽ nó đã làm chúng ta khép lại một chút nơi chính mình, trong ngôi nhà chúng ta, gia đình chúng ta, trong sự cách ly bắt buộc nhưng cần thiết. Nhiều loại sợ hãi xuất hiện: sợ hãi người khác, đặc biệt là khi người khác ở gần hoặc không ở quá xa; nỗi sợ lây lan đến từ người biết nơi đâu phát ra và gây ra sự không chắc chắn lớn nhất.
Đây là lý do tại sao “mở ra” phải là vấn đề trọng tâm hiện nay. Mở ra không gian, khung cảnh, cửa sổ đi vào cuộc sống. Mở lòng để gặp gỡ người khác. Từ bỏ mọi thứ khép kín chúng ta, tìm lại ý nghĩa của sự mở ra, trái tim rộng mở của chúng ta. Khôi phục tầm nhìn về một chân trời rộng lớn hơn.
=> Từ chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển đến tình liên đới và tình bằng hữu cao quý.
Dấu ấn của Thiên Chúa đối với nhân loại đặc biệt rõ ràng ở khả năng hướng đến người khác bằng hành động liên đới với thụ tạo của Ngài. Sự ích kỷ là một hành vi ngược lại, bởi vì nó tìm kiếm sự thỏa mãn cho bản thân, khiến chúng ta tự quy chiếu, tạo ra và nuôi dưỡng nền văn hóa ngày càng phát triển của chủ nghĩa cá nhân mà cuối cùng lại cho thấy chúng ta nhỏ mọn dường nào. Trong thời gian đại dịch, chúng ta chắc chắn nhận ra rằng chúng ta rất dễ bị tổn thương, mong manh và phụ thuộc. Tất cả chúng ta. Không chỉ một vài người. Cùng chịu một mối đe dọa không thể tưởng tượng và thực sự mang tính cộng đồng, tất cả nhân loại cảm thấy cần những người khác. Chúng ta sống cần nhau, cần sự quan tâm lẫn nhau. Chúng ta không muốn ở một mình. Ước mong rằng thời gian này dạy chúng ta biết quý trọng hơn về tình liên đới và tình bằng hữu khi đối mặt với “vi-rút của chủ nghĩa cá nhân”. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thật đúng làm sao! Tình liên đới là chiến thắng tốt nhất trước sự cô độc. “Tình liên đới được thể hiện cụ thể trong việc phục vụ, có thể thực hiện những hình thức rất khác nhau trong việc chăm sóc người khác. Phục vụ có nghĩa là quan tâm đến những người yếu đuối trong gia đình chúng ta, của xã hội chúng ta, của người dân chúng ta. Trong nhiệm vụ này, mỗi người có khả năng “gác lại những tìm kiếm, lo lắng, khát khao quyền lực của mình, trước cái nhìn cụ thể của những người dễ bị tổn thương nhất… Phục vụ luôn nhìn vào khuôn mặt của họ, đụng đến da thịt của họ, cảm nhận sự gần gũi của họ, và thậm chí, trong một số trường hợp, phải ‘chịu đựng’ sự gần gũi đó và cố gắng giúp đỡ họ. Phục vụ không bao giờ có tính ý thức hệ, vì chúng ta không phục vụ các ý tưởng, mà chúng ta phục vụ những con người cụ thể”. [17] Có nhiều người đang chờ đợi nụ cười, lời nói, sự hiện diện của chúng ta.
=> Dịch chuyển từ sự cô lập sang văn hóa gặp gỡ
Chắc chắn không dễ dàng để thoát ra khỏi sự cô lập của chính mình, đặc biệt khi chúng ta nghĩ rằng đó là một giá trị. Thực tế thường dễ bị cô lập hơn vì sợ người khác đến gần mình. Nhưng trong trái tim con người luôn cháy lên ngọn lửa đang bùng cháy sự cần thiết tuyệt đối phải ở bên nhau: trong gia đình, với bạn bè, trong đoàn thể địa phương, trong một nhóm tình nguyện, với bạn cùng trường, với đồng nghiệp tại công sở, với đội bóng của mình. Thời gian dễ bị tổn thương này cung cấp cho chúng ta cơ hội dành cho những loại cảm thông mới và sự tái kết nối. Đó là “văn hóa gặp gỡ” với người khác. “Cô lập và thu mình vào tư lợi sẽ chẳng bao giờ là cách thức để khôi phục lại niềm hy vọng, cũng chẳng đưa tới sự đổi mới. Đúng hơn, đó là sự gần gũi; văn hoá của gặp gỡ. Hãy nói ‘không’ với thái độ cô lập, thưa ‘vâng’ với sự gần gũi. Nói ‘không’ với xung đột văn hoá; nhưng thưa ‘vâng’ với văn hoá gặp gỡ”. [18]
=> Từ chia rẽ đến đoàn kết và hiệp thông hơn.
Từ quan điểm này, chúng ta nhận thức rằng không thể tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ mà không duy trì sự đoàn kết; cùng một sự hiệp nhất mà Thần Khí Thiên Chúa ban cho những ai hiệp thông với Ngài, và điều đó liên kết và thúc đẩy chúng ta sống cùng một lời kêu gọi: trở nên con yêu dấu của Thiên Chúa. Một bài học mà chúng ta đã học được từ trải nghiệm khắc nghiệt của sự cô lập, cuộc hành trình xa nhau trên con thuyền cuộc đời vì những biên giới khép kín (về địa lý và thậm chí cả về tinh thần), đã cho phép chúng ta nhận ra rằng cuối cùng ‘chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền’. Chúng ta được liên kết bởi tính nhân đạo mà chúng ta đang có. Nhưng đó là tính nhân đạo đã bị ảnh hưởng. COVID là cuộc khủng hoảng đầu tiên tấn công tất cả mọi người trên toàn thế giới mà không có sự phân biệt. Đó là một nghịch lý rất lớn: một loại vi-rút đã tạo ra sự chia rẽ thông qua nỗi sợ hãi, giờ đây lại mang chúng ta đến với nhau, thôi thúc chúng ta quan tâm đến nhau. Nó gắn kết chúng ta trong một sự đồng cảm được tạo nên từ lòng vị tha, tình liên đới và sự quan tâm. Chúng ta hy vọng công ích, lòng trắc ẩn và sự thương xót được diễn tả càng nhiều càng tốt. Nó cũng mang chúng ta đến với nhau trong việc tìm kiếm các giải pháp. Có lẽ tính ích kỷ và sự chia rẽ là một căn bệnh cổ xưa và nguy hiểm hơn nhiều so với đại dịch COVID, một căn bệnh đã tồn tại từ lâu và phải được chữa lành. Cha hy vọng rằng với sự xuất hiện của một loại vắc-xin cho vi-rút, cuối cùng chúng ta có thể tự tiêm ngừa để chống lại sự thiếu hiệp thông, đạt được chiến thắng trước sự chia rẽ. Điều hiệp nhất chúng ta là liều thuốc Tin Mừng của niềm hy vọng và niềm vui làm cho tất cả chúng ta trở nên con người và con cái của Thiên Chúa hơn.
=> Từ sự chán chường, trống rỗng và vô nghĩa đến sự siêu việt.
Từ việc tuyên bố rằng chúng ta là “chủ nhân tuyệt đối cuộc sống của chính mình và của mọi thứ đang tồn tại”, chúng ta đã cảm thấy rằng chúng ta rất mong manh. Nhiều gia đình nhận thấy cần thiết phải sáng kiến hàng nghìn câu chuyện khác nhau để giải thích cho trẻ em hiểu tại sao chúng phải ở nhà, xa cách ông bà, bạn học và hàng xóm, không được đi xa quá hai tuần hoặc hơn hai mươi ngày. Cha nhớ lại hình ảnh trong bộ phim “Cuộc sống tươi đẹp” (1997), một người cha (Benigni), trong hoàn cảnh bất hạnh nhất khi họ ở trong trại tập trung, đã sáng kiến một trò chơi để biện minh cho những gì họ đang trải qua cho con trai mình. Trò chơi đó trở thành cứu cánh của ông.
Sự trống rỗng của thời gian này đã gây ra nhiều tai hại. Chúng ta đã chuyển từ những điều chắc chắn sang những điều không chắc chắn của một địa thế không ổn định và không an toàn. Một sự trống rỗng khác với những ý thức hệ hư không và trong mọi trường hợp, mở ra cho chúng ta nhu cầu về sự siêu việt.
Thiên Chúa nói với chúng ta trong thời gian này. Ngài đang mời gọi chúng ta điều gì? Ngài đang cung cấp cho chúng ta những gì? Chúng ta đón nhận chúng như thế nào? “Giữa cơn bão táp này, mặt nạ của những cách thức mà chúng ta đã dùng để ngụy trang cho cái tôi của mình, luôn lo lắng về dáng vẻ bề ngoài đã bị rơi xuống, một lần nữa để lộ ra ý thức hiển nhiên và đáng chúc phúc này: chúng ta là thành phần của nhau, chúng ta là anh chị em với nhau”. [19] Chúng ta đang ở đây: trong những tình huống khắc nghiệt, Thiên Chúa tiếp tục nói với chúng ta qua trái tim của những người chúng ta nhìn thấy và đáp trả một cách độc đáo, khác biệt, cũng như cách tạo ra sự khác biệt.
Chúng ta được cứu không phải bởi sức mạnh của riêng mình. Không ai được cứu một mình.
“Bi kịch toàn cầu như trận đại dịch COVID-19 tức khắc thay đổi cảm thức rằng chúng ta là một cộng đồng thế giới, tất cả đang trên một chiếc thuyền cuộc đời, nơi mà mọi vấn đề của một người cũng là của chung. Lần nữa, chúng ta nhận ra rằng không ai được cứu độ một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu rỗi cùng nhau. Như cha đã từng nói trong thời gian đó, ‘bão tố sẽ giật tung, phơi bày các thương tổn của chúng ta, và mở toang vô số những tất định sai lầm thừa thải ấy, mà xoay quanh nó, chúng ta đưa ra chương trình hằng ngày, đề án, thói quen và những điều ưu tiên… Giữa trận bão cuồng phong này, vẻ bề ngoài rập khuôn mẫu mà chúng ta dùng để nguỵ trang cái tôi bản thân, và nỗi bận tâm lo lắng về diện mạo ấy sẽ vỡ tan tành, lộ ra lần nữa nhận thức diễm phúc, song chẳng thể nào lãng tránh được một sự thật rằng chúng ta là bộ phận của nhau, và chúng ta là anh chị em với nhau’”. [20]
Đã qua rồi cái thời tin tưởng rằng chúng ta có thể tự mình làm mọi thứ bằng chính nguồn lực của riêng mình, giống như những ‘gã khổng lồ hư danh’ mà với người đó, không gì là không thể.
Chúng ta phải vượt qua lòng tự ái phiến diện đã thuyết phục chúng ta rằng vũ trụ cúi đầu trước chúng ta, đánh lừa rằng chúng ta sở hữu một “siêu năng lực” đối với mọi thứ và mọi người… Chúng ta đã học biết rằng, vì căn bệnh này, chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào; chúng ta cần nhau biết mấy và chỉ riêng điều đó cho thấy rằng, chúng ta không là gì cả. Chúng ta nhận ra ra rằng người hàng xóm bên kia đường rất quan trọng: chào hỏi mọi người mà chúng ta gặp gỡ; để xóa bỏ sự ẩn danh và tin tưởng vào “chúng tôi” như một phần của tôi, nếu không có chúng ta không thể sống. Những người khác là “tôi” từ chối với tư cách là “chúng tôi”, phụ thuộc nhiều hơn vào sự phong phú của con người trong các giá trị vẻ đẹp và cuộc sống chung. Chúng ta hãy từ bỏ nỗi sợ hãi. Chúng ta hãy tạo nên sự liên kết. Chúng ta hãy lớn lên. Chúng ta đừng chối bỏ người khác vì họ khác biệt và xa lạ, v.v… Chúng ta hãy bắt đầu từ “chúng tôi” kết nối cái chung và khác biệt với cái riêng biệt, phong phú, độc đáo, không thể lặp lại và đẹp đẽ thuộc về mỗi người, đối với mỗi chúng ta, quý giá như chúng ta đang ở trong chính chúng ta.
Chúng ta không thể sợ hãi khi khám phá lại tình huynh đệ gắn kết chúng ta với tư cách là con Thiên Chúa, được yêu thương rất nhiều trong Chúa Con (x. Ep 1,5). Vì thế, chúng ta hiểu tình liên đới, tình huynh đệ, quan tâm đến người khác, tôn trọng giá trị sống, phẩm giá của con người, sự thật của người khác, đó là một nhân đức hơn bao giờ hết. Chúng ta quá quý giá khi phải nhượng bộ sự ích kỷ trống rỗng của một căn bệnh gọi là thờ ơ, và tự suy ngẫm hay tự quy chiếu. Đặc biệt là đối với những người trẻ thân yêu của chúng ta, những người là “bụi cây đang cháy”, “đất thánh” cứu chúng ta. Chính người trẻ, niềm hy vọng lớn lao của chúng ta, là những người hướng chúng ta tới tương lai chung bằng nhiều tấm gương về sự chia sẻ và những kế hoạch chung: trân quý thụ tạo và môi trường, ngôi nhà chung của chúng ta, công lý và tự do; hòa bình và tình bằng hữu phổ quát.
Sự đáp trả mới mẻ là cần thiết. Cuộc sống can đảm là người mang cái gì đó thực sự mới. Cuối cùng để giống như Don Bosco ngày nay, khi căn bệnh dịch tả được gọi là “coronavirus”, thật là cần thiết để lên đường, ra đi, hiện diện và đáp trả.
Hơn bao giờ hết: sự hiện diện chính là chứng tá!
Điều đó hoàn toàn đúng: hơn bao giờ hết, sự hiện diện và chứng tá là cần thiết. Sự hiện diện của chúng ta, và như một minh chứng, niềm vui đến từ đức tin của chúng ta là “hy vọng”, bởi vì “đức tin và hy vọng tiến bước cùng nhau”. [21]
Điều này đặc biệt đối với những người trẻ mà chúng ta không thể tự mình rời đi (bây giờ hơn bao giờ hết!): Họ đang chờ đợi chúng ta với vòng tay rộng mở để chúng ta có thể một lần nữa sống trong cuộc sống của họ, với sức mạnh của tình yêu có khả năng chinh phục mọi thứ, bởi vì trong tất cả, tình yêu này có thể chiến thắng! Chúng ta một lần nữa phải mơ giấc mơ của tuổi trẻ. Chúng ta phải đặt mình vào tình huống đó để có thể vượt qua những gì mà nỗi sợ hãi đã ngăn cản đang trở thành hiện thực. Nguyện xá, trung tâm trẻ, trường học, trung tâm huấn nghệ, công tác xã hội, giáo xứ: chúng ta phải làm cho mỗi công cuộc của chúng ta tràn ngập bởi con tim sống động, quảng đại và hồi sinh của mỗi người trẻ, những người biến ngôi nhà (bức tường im lặng) thành không gian của cuộc sống (cuộc sống của những người trẻ). Chúng ta muốn cuộc sống đó! Đó là cuộc sống đã cứu chúng ta! Chúng ta lắng nghe tiếng kêu của những người trẻ mời gọi sự hiện diện, sự quan tâm, sự đồng hành, sự sẵn sàng và những người cũng đề nghị chúng ta cho họ thấy khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa. Nếu chúng ta chú ý đến họ, nếu chúng ta lắng nghe họ, họ sẽ mời gọi chúng ta với cường độ cao hơn để nói với họ trước hết về Thiên Chúa, Đấng làm sống động niềm hy vọng của chúng ta và là Đấng không cho phép chúng ta nản lòng hoặc bỏ cuộc (xem 1Pr 3,15). Họ sẽ thỉnh cầu chúng ta cung cấp cho họ “bánh sự sống” nuôi dưỡng “sự sống cho họ” và “sự tồn tại giữa họ” của chúng ta, để tạo ra sự sống mà Thiên Chúa muốn ban vào thời điểm này trong lịch sử: sự sống sẽ không có kết thúc. Tin mừng về sự phục sinh làm sống lại niềm hy vọng của chúng ta và biến chúng ta thành những con người mới trong một thời kỳ mới. Bởi thế giới này sẽ kết thúc. Và chỉ những gì chúng ta đã yêu mến sẽ tồn tại mãi mãi.
6. GIA ĐÌNH SA-LÊ-DIÊNG LÀM CHỨNG CHO NIỀM HY VỌNG
Như chúng ta đã có dịp trải nghiệm, những hoàn cảnh liên quan đến đại dịch trong những tháng này đã cho thấy một số dấu hiệu của sự mờ nhạt hy vọng. Nhưng cha muốn nhấn mạnh và chỉ ra một số dấu chỉ được hiểu cách đầy đủ về vẻ đẹp của niềm hy vọng tin mừng mà chúng ta đã trải qua, những dấu chỉ đặt chúng ta trên con đường mà chúng ta có thể biểu lộ sức mạnh của đặc sủng Sa-lê-diêng khi nó được sống trong niềm hy vọng. Cha cảm thấy rằng với tư cách là Gia đình của Don Bosco trong Giáo hội và thế giới, đây là bằng chứng mà chúng ta mong đợi: khả năng sống trong niềm hy vọng.
Một số đề xuất để tiếp tục đi trên con đường này.
6.1. Chúng ta hãy khám phá lại “niềm tin và hy vọng cùng nhau tiến về phía trước”. [22]
Lời cam kết: chúng ta hãy noi gương Don Bosco và khả năng tuyệt vời của ngài trong việc lôi cuốn những người trẻ sống cuộc đời như là ngày lễ và “đức tin như là hạnh phúc”. [23]
Tất cả chúng ta đều được nâng đỡ không phải bởi những ý tưởng trừu tượng và những lời hứa đẹp đẽ, nhưng bởi niềm hy vọng được đặt nền tảng dựa trên kinh nghiệm về tình thương của Thiên Chúa tuôn đổ trên chúng ta qua Chúa Thánh Thần, Đấng hướng mọi thứ theo chiều hướng tốt lành.
Nhưng niềm hy vọng không đi về phía trước một mình. Để hy vọng, chúng ta cần có niềm tin. Niềm hy vọng của người Ki-tô hữu làm cho đức tin trở nên bền bỉ, có thể chống chọi với những cú sốc của cuộc đời; nó cho phép chúng ta nhìn xa hơn mọi trở ngại, nó mở mắt chúng ta và cho phép chúng ta đặt cuộc sống và lịch sử của mình trong một cách giải thích được thực hiện dưới ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa. Vì vậy, hy vọng đang chờ đợi món quà sự sống mỗi ngày, chờ đợi sự hiện diện của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha (Abba), là Đấng thân mật và cá vị. Ngài là Thiên Chúa quan tâm và lo lắng đến số phận của chúng ta, và cùng ở trên con đường của chúng ta với sự kiên nhẫn và lòng thương xót của Ngài. Trong khi chúng ta nhận ra sự mọn hèn và mong manh của mình, Thiên Chúa vẫn ban cho chúng ta trái tim của Người. Cuộc gặp gỡ của nghèo khó cá nhân và cộng đồng với trái tim của người cha làm cho lòng thương xót tỏa sáng.
Vì vậy, ý thức được sự mong manh của chúng ta và nhiệm vụ ngày nay khó khăn như thế nào trong việc giáo dục và đào tạo con người, hơn bao giờ hết, chúng ta cần trở thành những người gieo rắc niềm hy vọng, những người khơi dậy niềm hy vọng đích thực, những người âm thầm truyền bá cùng niềm hy vọng này. Don Bosco đã làm điều này một cách say mê và hết sức tự nhiên. Chúng ta tham gia vào sứ mệnh này bởi vì chúng ta thực sự tin rằng niềm hy vọng duy trì sự sống, chăm sóc và bảo vệ sự sống. “Đó là điều thiêng liêng nhất có thể tồn tại trong sự nhiệt huyết của con người”. [24] Trong bài giáo lý này, Đức Thánh Cha nhắc đến nhà thơ vĩ đại người Pháp Charles Péguy, người đã để lại cho chúng ta những vẫn thơ rất đẹp về niềm hy vọng. Ông đã viết ở một trong những trang đó một cách thơ mộng rằng Thiên Chúa không quá ngạc nhiên trước đức tin của con người, thậm chí không phải vì lòng mến của họ. Điều khiến Thiên Chúa thực sự ngạc nhiên và khiến Ngài cảm động là niềm hy vọng của con người, “những đứa trẻ đáng thương đó”, ông viết, “hãy xem mọi thứ đang diễn ra như thế nào và tin rằng chúng sẽ tốt đẹp hơn vào ngày mai”.
Với sự tin tưởng trong tư cách là những nhà giáo dục và những người đồng hành với các gia đình, người bình dân và dân Thiên Chúa nói chung, cha mời gọi anh chị em: chúng ta đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng; chúng ta hãy nuôi dưỡng cái nhìn về cuộc sống giàu hy vọng, và đừng bao giờ để nó tàn lụi trong cõi lòng chúng ta. Chúng ta hãy là những tia sáng mời gọi hy vọng qua những lời chứng về cách chúng ta sống. Chúng ta hãy chuyển giao hạnh phúc bằng cách sống đức tin cách đơn sơ nhưng chân thật của chúng ta.
6.2. Chúng ta hãy học biết rằng cầu nguyện là trường học của niềm hy vọng [25]
Lời cam kết: chúng ta hãy đồng hành với những người trẻ và gia đình của họ bằng cách cầu nguyện, học cách cầu nguyện hiệu quả và thực hành sống hy vọng bằng cách cầu nguyện mỗi ngày cách tốt hơn.
“Nền tảng thiết yếu đầu tiên để học hy vọng là cầu nguyện.” [26]
Một đặc điểm của linh đạo Sa-lê-diêng của chúng ta là cảm nhận Thiên Chúa rất gần gũi, hiện diện rất nhiều trong các sự kiện và với người, trong sự đơn sơ của chúng ta, chúng ta có thể tham gia đối thoại “bằng trái tim của mình”, một cuộc đối thoại đơn giản như trẻ thơ.
Là thành viên của Giáo hội, chúng ta ý thức rằng chúng ta được sinh ra giống như Mẹ Giáo Hội trong sự cầu nguyện, và lời cầu nguyện đó nâng đỡ sự phát triển của Giáo hội và của chúng ta. Cầu nguyện là trường học của niềm hy vọng. Bằng cách thể hiện sự mong manh của mình trong cuộc gặp gỡ cá vị với Tình yêu, chúng ta học cách để mình được yêu bởi Thiên Chúa. Cuối cùng, chúng ta được kêu gọi để phát triển bầu không khí tin cậy bên trong vào Thiên Chúa, phó thác mình cho Ngài như là trung tâm của mọi sự. Người làm cho chúng ta có thể sống trọn vẹn. Vì vậy, chúng ta hãy đặt những suy nghĩ, khao khát, hoạt động, đau khổ, hy vọng, ước mơ của mình vào trái tim của Thiên Chúa, kéo chúng đến gần trái tim của Ngài.
Đời sống thiêng liêng được nuôi dưỡng bởi cầu nguyện chính là sự hiệp nhất, nó mang lại ý nghĩa cho các sự kiện, ý nghĩa cho những việc khác nhau mà chúng ta thực hiện và trải nghiệm, và với lời cầu nguyện, chúng ta khám phá ra ý nghĩa của sự cho không của cuộc sống, cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của những người được giao phó cho chúng ta. Viễn cảnh cầu nguyện này như một món quà rất cần thiết cho cuộc hành trình tâm linh, khi biết rằng mọi sự đã được Thiên Chúa trao ban cho chúng ta.
Trong thông điệp mà Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã gửi đến cho Giáo hội, có một số mẫu gương cụ thể của niềm hy vọng khi cầu nguyện, chẳng hạn như kinh nghiệm của Đức Hồng y người Việt Nam Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, người mà trong suốt mười ba năm bị giam cầm – chín năm bị biệt giam, trong bối cảnh con người đã từng là nơi mà bất kỳ người nào cũng sẽ tuyệt vọng của việc lắng nghe Thiên Chúa, có thể nói chuyện với Ngài – chính sức mạnh của niềm hy vọng đã cho phép ngài, sau khi được thả, trở thành một nhân chứng thực sự của niềm hy vọng, “để niềm hy vọng lớn lao đó không suy yếu, ngay cả trong những đêm tĩnh mịch của cuộc đời”. [27]
Là gia đình của Don Bosco, Gia đình Sa-lê-diêng, chúng ta sẽ thực hiện những bước đi quan trọng, nếu trên tất cả các cành cây sum xuê được Chúa Thánh Thần yêu thương này, chúng ta tiến bước trong trường hy vọng sinh ra từ lời cầu nguyện này, và nếu chúng ta cũng đồng hành cùng những người trẻ của chúng ta và những người khác.
6.3. Chúng ta trưởng thành bằng việc sống ý nghĩa của sự lao nhọc trong cuộc sống thường ngày.
Lời cam kết: chúng ta hãy giúp những người trẻ và gia đình của họ, và Dân Thiên Chúa khám phá những món quà mà Thiên Chúa ban cho chúng ta mà không phàn nàn, đề xuất những mục tiêu khiến họ say mê và loại bỏ sự đơn điệu và tầm thường.
Chúng ta hãy làm cho cuộc sống hàng ngày trở thành một cơ hội quý giá để trải nghiệm, mặc dù mệt mỏi và chán chường, rằng có một Tình yêu vượt trội chúng ta và trong sự ý thức rằng công việc của chúng ta không phải là loại xoàng trước mắt Thiên Chúa và do đó cũng không thấp kém đối với sự phát triển của đời sống, của cuộc sống chúng ta, và của chính lịch sử mà chúng ta đang cố gắng xây dựng, cũng như của Vương quốc Thiên Chúa mà chúng ta muốn cộng tác mang lại.
Cha tin rằng đây có thể là một chân trời tuyệt vời để giáo dục niềm hy vọng. Trong trường hợp đầu tiên, vì sự chắc chắn đến từ đức tin, điều đó xác nhận rằng Thiên Chúa không những không cho phép mình bị khuất phục trước sự quảng đại, mà còn hành động và luôn gây bất ngờ, ngay cả khi chúng ta gặp khó khăn.
Sự phi thường chỉ xảy ra khi chúng ta bắt đầu trải nghiệm những điều bình thường nhỏ bé; cuộc sống hàng ngày, cuộc sống của mỗi người Ki-tô hữu, được tạo nên từ những cử chỉ lặp đi lặp lại, làm việc chăm chỉ và không có quá nhiều cảm giác thỏa mãn, nhưng nó cũng được tạo nên từ những niềm vui sâu sắc, những cuộc gặp gỡ thực sự, và những điều kinh ngạc khiến tâm hồn phải ngạc nhiên.
Ngày tháng trôi qua đòi hỏi người bệnh phải trở lại với mình, ý thức về cuộc sống của mình. Hy vọng và kiên nhẫn là hai thái độ cần được làm chứng với tư cách là Ki-tô hữu trong thế giới có nhịp độ nhanh chóng của chúng ta. Do đó, sự gia tăng của nỗi sợ hãi trong xã hội của chúng ta cũng là do chúng ta đã đánh mất cảm giác chờ đợi, sự kiên nhẫn và hy vọng. Vì lý do này, hy vọng và kiên nhẫn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, và hành động hy vọng đã góp phần khắc phục thời gian thử thách.
Điều này cũng có thể xảy ra bởi vì có một “sự tin tưởng tự nhiên” đặc trưng với tinh thần Sa-lê-diêng dẫn chúng ta đến sự tin tưởng vào các nguồn lực tự nhiên và siêu nhiên của mỗi cá nhân, đặc biệt là của mỗi người trẻ, và điều đó thúc giục chúng ta không than thở về những lúc chúng ta sống, nhưng đánh giá cao những giá trị trong thế giới và trong lịch sử (kể cả trong thời điểm khó khăn này), và để “giữ lấy những gì tốt đẹp” (1Tx 5,21). Thực tế, chúng ta chia sẻ niềm tin với Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận rằng, thói quen phàn nàn, oán trách giống như một thứ bệnh truyền nhiễm mà triệu chứng của nó là bi quan, bất an, sợ hãi và đánh mất sự say mê đối với cuộc sống đến từ việc được kết hợp với Thiên Chúa.
Don Bosco đã trải nghiệm rằng không gì có thể bù đắp được giá trị của những mối quan hệ đích thực, của cảm giác được yêu thương, cảm giác là một phần của gia đình, như ở nhà. Những mối quan hệ này là một hình thức bảo vệ mạnh mẽ khi đối diện với sự nghèo đói và cô đơn của những người con của ngài. Trên thực tế, Don Bosco là bậc thầy trong việc khám phá lại bản chất cụ thể của hạnh phúc trong những điều nhỏ nhặt, trong việc quan tâm đến mọi người, khám phá bao nhiêu kho báu của Hệ thống Dự phòng đã được gìn giữ trong những cuộc gặp gỡ trìu mến và trong việc nhìn thấy mối quan hệ khăng khít. Những cử chỉ nhỏ nhặt mà đôi khi mất đi sự ẩn danh của cuộc sống hàng ngày; những cử chỉ ân cần, trìu mến, lòng trắc ẩn mang tính quyết định và quan trọng cũng giống như hy vọng của người khác. Đó là những cử chỉ quan tâm quen thuộc đến từng chi tiết và tỉ mỉ của mỗi ngày và chúng đảm bảo rằng cuộc sống có ý nghĩa và có sự hiệp thông và tương giao giữa chúng ta.
6.4. Chúng ta sống niềm hy vọng, đặc biệt trong những lúc khó khăn và mất mát.
Lời cam kết: Chúng ta hãy để cho mình được Thiên Chúa chỉ dạy. Chúng ta hãy đặt niềm tin vào Ngài, đặc biệt là trong thời kỳ tăm tối.
Thánh Teresa of Avila, một nhà thần nghiệm vĩ đại đã nhận ra rằng sự lạnh nhạt (thinh lặng) là lời mời gọi của Thiên Chúa để “tiến về phía trước”.
Tất cả chúng ta đều đã trải qua những khoảng thời gian khó khăn và mất mát trong cuộc sống. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta được kêu gọi phải đương đầu với những trải nghiệm cá nhân khó khăn và đau đớn nhất định. Đôi khi trong ngày sống của chúng ta, các hoạt động, lời cầu nguyện của chúng ta và tất cả cuộc sống hàng ngày, có thể dường như trống rỗng, buồn tẻ đến không ngờ.
Nhưng với nỗi thống khổ và nỗi đau hiện hữu trong cuộc đời mỗi người, chúng ta lại có một chút ngỡ ngàng và hy vọng. Thật vậy, “sự vĩ đại của con người về cơ bản được xác định bởi mối quan hệ của nó với đau khổ và với những người đau khổ”. [28]
Đau khổ và đau đớn dường như là một phần trong cuộc sống của mỗi người vào lúc này hay lúc khác. Chúa Giê-su không yêu mến sự đau khổ, và cũng không bao giờ biện minh cho điều đó. Thật vậy, khi gặp những người bị sự đau khổ giam hãm, ngài cảm động và thường chữa lành người đau bệnh, cho thấy rằng đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa. Đối mặt với điều này, thay vì thu mình vào bản thân một cách thụ động, vào tất cả sự mệt mỏi và chán nản, chúng ta được mời gọi trau dồi lòng can đảm, điều mà trong đời sống đạo đức và tinh thần được chỉ ra bằng thuật ngữ lòng dũng cảm.
Trên thực tế, sức mạnh không thể thiếu đối với chất lượng cuộc sống này được liên kết với nhận thức về đức tin.
Nhiều tín hữu được nhận biết chính xác trong những thời điểm họ gặp khó khăn và đau khổ nhất, khi họ xuất hiện gánh nặng bởi những vấn đề lớn hơn của chính họ. Những thử thách này không được giải thích là những rủi ro đặc biệt, mà là một thời điểm thanh tẩy cần thiết và là một lời mời gọi từ bỏ các tiêu chuẩn được tuân thủ cho đến nay, để có kinh nghiệm sâu sắc hơn về Thiên Chúa, cho phép họ được Ngài giáo dục và theo cách này để hoàn thành sứ mệnh đã lãnh nhận. Chúng ta được mời gọi bước đi trong sự tin tưởng, ngay cả trong những khoảnh khắc đen tối của cuộc sống.
Là những người tin vào Thiên Chúa, chúng ta tin chắc rằng chỉ có Thiên Chúa mới có quyền năng biến những khoảnh khắc cùng cực và khó khăn nhất trong cuộc đời chúng ta thành niềm hy vọng chắc chắn, rằng những đau khổ, đau đớn và nỗi buồn của chúng ta không phải là hão huyền hay vô ích.
Nó giống như thể cá nhân tìm thấy chính mình trước ngã ba đường, nơi họ phải quyết định từ bỏ hay thay vào đó để cho những năng lượng mới của con người và tinh thần xuất hiện. Trong trường hợp thứ hai này có đấu tranh, căng thẳng, xung đột nhưng chúng là vô ích; chúng ta được mời gọi để giữ hy vọng trong thời kỳ đen tối bởi vì Tin Mừng luôn loan báo tin tốt lành: cuộc sống có thể bắt đầu lại, chúng ta luôn có thể được tái sinh. “Spes ultima dea”, người xưa thường nói: “Hy vọng là giây phút sau cùng trước cái chết”. Hy vọng là pháo đài cuối cùng của cuộc đời. Nó giống như ánh sáng lúc hoàng hôn: nó vẫn cố gắng truyền sự sống cho các thụ tạo trước khi chúng hòa vào bóng tối và cho phép chúng ta nhìn thấy đường về nhà trước khi màn đêm buông xuống và tất cả bị bao trùm trong bóng tối.
6.5. Hy vọng như là một quyết định trở lại với người nghèo khổ và bị bỏ rơi.
Lời cam kết: trong gia đình chúng ta, lòng trung thành với Thiên Chúa, với Don Bosco vượt trên tất cả, ngang qua sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo khổ nhất, bị bỏ rơi và bị loại trừ.
Đây là lý do tại sao ngày nay hơn bao giờ hết, với một cách thuyết phục, chúng ta được mong đợi để tự nhận ra mình là Gia đình Sa-lê-diêng bằng lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo khổ và bị loại trừ, bị bỏ rơi, không có tiếng nói cũng như những người phẩm giá không được tôn trọng. Không có cách nào khác cho chúng ta. Lòng trung thành với Thiên Chúa nơi Don Bosco đòi hỏi chúng ta phải nhận ra mình trong nỗi đau của người khác.
Trong sự hiệp thông trọn vẹn với truyền thống và giáo huấn tinh tuyền của Giáo Hội, từ các giáo phụ La-tinh và Hy-lạp đầu tiên đến các vị Giáo Hoàng gần đây nhất, chúng ta không thể không có và cảm thấy có trách nhiệm đối với thế giới này và với cuộc sống của mỗi người. Mọi bất công đối với người nghèo là một vết thương hở, là một cuộc tấn công công khai (ngay cả khi chúng ta không tin điều đó) vào nhân phẩm của chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng chúng ta không chỉ sống cho riêng mình. Đây là lý do tại sao hy vọng làm cho hoạt động bác ái được bền bỉ. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đến với tình yêu không thể lay chuyển này, hãy giữ cho tâm trí và trái tim của chúng ta mở rộng nhất để đón nhận hành động của Người đến bất ngờ như những tình huống tiêu cực mà chúng ta đối diện; trở thành và trở nên một ‘bệnh viện dã chiến’ hiệu quả cho tất cả mọi người và đặc biệt là cho những người trẻ bị tổn thương. Điều này đòi hỏi chúng ta phải can đảm hơn, tin tưởng hơn và cam kết hơn nữa. Đây không phải là lúc để “kéo mái chèo trở lại con thuyền”!
Là một gia đình tu sĩ được sinh ra từ tấm lòng mục tử của Don Bosco, chúng ta là “niềm hy vọng cho những người không có hy vọng”: những người trẻ thiếu thốn và dễ bị tổn thương nhất, những người luôn là trung tâm của sự quan tâm và chăm sóc của Thiên Chúa, và phải luôn là những người thụ hưởng đặc ân của chúng ta.
Họ không phải là “bức tường” đối với chúng ta mà là “cánh cửa”: những gì người nghèo dạy chúng ta chính là sức mạnh của những người đau khổ và bị gạt ra bên lề xã hội. Chúng ta hãy cam kết mang hy vọng vào trái tim của những người này, để mang lại cho họ sự an ủi, nâng đỡ những người yếu thế và thiếu thốn, để đáp ứng những nhu cầu khác nhau về vật chất và tinh thần đang thách thức chúng ta mỗi ngày. Hy vọng đi theo hướng dẫn của đạo đức và hoạt động. Về điều này, niềm hy vọng của Ki-tô giáo khác với sự lạc quan mơ hồ – như cha đã nói.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói với chúng ta rằng chúng ta không được đánh mất niềm hy vọng, cũng như không được giết chết các dấu chỉ hy vọng và sự tái sinh khác xuất hiện từ thế giới. Thật vậy, có bao nhiêu người hạnh phúc khi yêu mến Chúa Giê-su khi phục vụ ngài trong những người nghèo, những người quảng đại và cảm thông cung cấp cho chúng ta những lời dạy quý báu được thể hiện qua cuộc sống của họ! Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa về những tấm gương sống kiên định và yêu thương này. Những người nam và người nữ đối với người nghèo, một dấu chỉ của niềm hy vọng mà Thiên Chúa đã đặt trên hành trình của chúng ta: họ là cuộc sống đã dành và ban tặng cho anh chị em của họ bởi những người “bình thường” nhưng anh hùng, một chủ nghĩa anh hùng đơn giản nhưng sắt đá, được xây dựng trên Tin Mừng đã sống và được loan báo.
6.6. Nhận ra chính mình trong sự đau khổ của người khác.
Lời cam kết: trung thành với Don Bosco ngày nay, người Cha của Gia đình Sa-lê-diêng chúng ta, có nghĩa là tích cực đứng về phía những người đang gánh chịu bất kỳ hình thức bất công nào.
“Tình trạng này nguy hiểm và tai hại biết bao, bởi nó làm cho chúng ta mất đi sự kinh ngạc, phấn khích và nhiệt huyết để sống Tin Mừng của tình huynh đệ và công lý!”, [29] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã viết trong tông huấn Evangelii Gaudium của mình. Và điều này liên quan nhiều đến những bất công, bắt nguồn từ các hệ thống kinh tế là nguyên nhân của rất nhiều sự nghèo đói, cũng như với tất cả các loại đau khổ của con người.
Đọc Tin Mừng, không nghi ngờ gì, nền kinh tế và hàng hóa phải phục vụ con người, nhất là những người sống trong điều kiện nghèo khổ thực sự. Do đó, một Ki-tô hữu có lương tâm xã hội đích thực và ý thức công bằng, và hơn thế nữa chúng ta là những người thánh hiến và giáo dân của Gia đình Don Bosco, không thể chấp nhận một hình thức kinh tế chỉ dựa trên “logic của sự tăng trưởng” (rất được hy vọng sau đại dịch), nếu đây là nguyên nhân chắc chắn của sự gia tăng nghèo đói và những người nghèo: hai thực tế luôn song hành.
Vì vậy, nói không với một nền kinh tế loại trừ là nói không với bất kỳ sáng kiến kinh tế và chính trị mà quên đi những yếu kém nhất. Các Ki-tô hữu và các thành viên của Gia đình Sa-lê-diêng hẳn chắc cảm thấy bất an trong bối cảnh này. Đối mặt với những thực tế này, người ta không thể giữ thái độ “trung lập” hoặc “không có ý kiến”. Phẩm giá của các anh chị em chúng ta đang bị đe dọa và chúng ta chắc chắn sẽ phải “rời khỏi” ngai an toàn của mình để nhìn vào thực tế của chúng mà không xấu hổ. Đây là điều mà Chúa Giê-su đã làm, mặc dù ngài bị coi là không đúng về mặt xã hội và chính trị.
Và ngay cả khi cha biết rằng những gì cha sẽ nói sau này sẽ gây khó chịu cho chúng ta – trước hết là đối với cha – cha tin vào lương tâm rằng chúng ta phải cảm thấy lương tâm của mình không thể chịu được nỗi đau mà người khác cảm thấy và điều đó chuyển thành hoàn cảnh của những người vô gia cư, di cư cách cưỡng bức, những người “không còn quan trọng nữa”, chiến tranh, tấn công, bắt bớ vì động cơ chủng tộc hoặc tôn giáo, lạm dụng tình dục, buôn bán người và nội tạng, mạng lưới mại dâm, trẻ vị thành niên bị bỏ rơi, lính trẻ em: một chuỗi thực tại vô tận gây ra sự đau khổ.
Đó là bởi vì chúng ta yêu thế giới tuyệt vời này, nơi Thiên Chúa đã đặt chúng ta và bởi vì chúng ta yêu nhân loại mà chúng ta thuộc về – với những bộ phim truyền hình mà cha vừa mô tả và với nỗ lực nhận ra rằng dường như không có gì thay đổi hoàn toàn – bởi vì chúng ta cũng yêu những khao khát và hy vọng và trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, bởi vì đây là ngày hôm nay của chúng ta, ngày hôm nay của thế giới hậu đại dịch của chúng ta… vì tất cả những điều này, đây là cơ hội quý giá để định vị bản thân cách rõ ràng và để giáo dục những người trẻ của chúng ta trong cam kết xã hội và chính trị dưới ánh sáng của Tin Mừng và niềm hy vọng mà nó tỏa ra.
6.7. Chuyển đổi thành niềm hy vọng là tin vào kế hoạch của Tin Mừng.
Lời cam kết: vì lý do này, với tư cách là Gia đình Sa-lê-diêng Don Bosco, chúng ta không thể không cho thấy ai là lý do cho Niềm hy vọng của chúng ta, Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô và Tin Mừng của Người.
Trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất, rất nhiều điều chắc chắn biến mất, “những điều chắc chắn” mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta có, những ý nghĩa được gán cho mà trên thực tế, hóa ra lại không đáng tin cậy. Thực tế cho thấy, những giá trị tuyệt vời của Tin Mừng và chân lý của nó vẫn còn khi những triết lý và tư tưởng cơ hội hoặc nhất thời suy tàn. Các giá trị của Tin Mừng không biến mất, chúng không trở nên “hay thay đổi”, chúng không biến mất. Vì lý do này, với tư cách là Gia đình Sa-lê-diêng Don Bosco, chúng ta không thể từ bỏ việc thể hiện những gì chúng ta tin tưởng.
Loan báo Tin Mừng phải mang lại cho chúng ta một niềm vui hiện sinh và đích thực, bắt nguồn từ Mầu nhiệm Chúa Ki-tô, Thiên Chúa nhập thể, chết và sống lại, Thiên Chúa đi xuống tận cùng của thực tại nhân loại. Tin Mừng là sứ điệp tuyệt đối của niềm vui, truyền sức mạnh và sự dũng cảm để vượt qua mọi nỗi buồn (x. Rm 9,2): Tin Mừng là hơi thở sống động của niềm hy vọng: hãy hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng đang ở giữa chúng ta và là Đấng luôn đến gặp chúng ta; một niềm hy vọng tạo ra niềm vui, một niềm hy vọng khích lệ chúng ta và đưa chúng ta vào sự cam kết cụ thể đem lại ích lợi cho người khác và lịch sử, một niềm hy vọng khiến chúng ta, với tư cách là Gia đình Don Bosco, rằng chúng ta là trung gian của Thiên Chúa cho những người khác, những dấu chỉ và những người mang tình yêu của Ngài: niềm hy vọng mở ra cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu từ đây.
“Đức tin cũng có nghĩa là tin vào Thiên Chúa, tin rằng Ngài thực sự yêu thương chúng ta, Ngài vẫn sống, Ngài có khả năng can thiệp một cách nhiệm mầu, Ngài không bỏ rơi chúng ta và Ngài đem điều tốt lành ra khỏi điều ác bằng sức mạnh và sự sáng tạo vô biên của Ngài… Chúng ta hãy tin vào Tin Mừng khi nó cho chúng ta biết rằng Vương quốc của Thiên Chúa đã hiện diện trên mặt đất này và không ngừng lớn mạnh, ở đây và ở kia, và theo những cách khác nhau”. [30]
Chúng ta nên được khuyến khích như thế nào khi nghĩ rằng không phải chúng ta là hy vọng nơi chính mình, nhưng mỗi chúng ta có thể là tiếng vang của niềm hy vọng cho người khác, niềm hy vọng đích thực đó là thực tại thiêng liêng nhất có thể tồn tại trong trái tim con người.
Bởi vì “Nếu Chúa Giê-su chiến thắng thế gian, thì Ngài có khả năng chiến thắng nơi chúng ta tất cả những gì chống lại sự tốt lành. Nếu Thiên Chúa ở với chúng ta, không ai có thể lấy nhân đức mà chúng ta cần cho cuộc sống. Không ai cướp đoạt được niềm hy vọng của chúng ta”. [31]
6.8. Lời cam kết cụ thể để tiếp tục là gia đình Sa-lê-diêng
Chúng ta hãy phân phát và đọc (một mình, trong gia đình, hoặc theo nhóm) thông điệp mới nhất, Fratelli Tutti, đặt tình huynh đệ vào trung tâm của mọi sự. Nó cung cấp cho chúng ta sự suy tư tuyệt đẹp về cách hàn gắn thế giới, phục hồi ngôi nhà chung khỏi những thiệt hại từ con người và môi trường, cũng như giảm thiểu hậu quả của sự bất bình đẳng xã hội và kinh tế đang gia tăng. Cùng với Đức Thánh Cha, chúng ta chắc chắn rằng chúng ta sẽ thành công trong việc bảo vệ di sản mà Đấng Tạo Hóa đã đặt trong tay chúng ta, chỉ với tư cách là anh chị em, vượt qua cám dỗ chia rẽ và chiếm hữu lẫn nhau. Chỉ có cùng nhau, chúng ta mới xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, mang lại hy vọng cho thế hệ tương lai.
6.9. Một sự thật cần được khám phá như là thành quả của Hoa Thiêng này
Với mục đích rõ ràng là để lại một ký ức rất đặc biệt, cha kết thúc bài bình giải về Hoa Thiêng 2021 bằng một vài dòng thể hiện rất rõ những gì cha đã chia sẻ trong những trang này và cha mời gọi anh chị em tham khảo, trước khi đưa ra lời cuối cùng liên quan đến Mẹ của chúng ta, Đức Maria, người đang chờ đợi Con yêu dấu của Mẹ ra đời, đắm chìm không chút yêu sách trong kế hoạch cứu chuộc vĩ đại.
“Người Ki-tô hữu chúng ta sống bằng niềm hy vọng: cái chết chỉ là lời áp chót, nhưng lời cuối cùng là của Thiên Chúa, lời của sự phục sinh, của sự sống viên mãn và sự sống vĩnh cửu. Khi chúng ta từ bỏ chính mình để tin cậy vào Thiên Chúa và trông cậy vào Người, chúng ta có một sự chắc chắn mang lại cho chúng ta sự thanh thản, đó là chúng ta không có gì trong tay, nhưng mọi sự ở trong tay Thiên Chúa. Người Ki-tô hữu định hình cuộc sống của họ không phải bằng sức riêng nhưng bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trong những lúc không chắc chắn, chúng ta phải tin tưởng phó thác chính mình theo sự hướng dẫn của Thần Khí.” [32]
7. ĐỨC MARIA NGƯỜI NA-GIA-RÉT, MẸ CỦA THIÊN CHÚA, NGÔI SAO HY VỌNG
Lạy Mẹ Maria, Mẹ biết rõ ý nghĩa của việc phó thác và hy vọng khi không còn hy vọng, tin cậy vào danh Thiên Chúa.
Lời “xin vâng” của Mẹ đối với Thiên Chúa đã đánh thức mọi hy vọng cho nhân loại.
Mẹ đã trải qua sự bất lực và cô đơn khi sinh Con của Mẹ; Mẹ đã giữ trong lòng lời loan báo rằng một thanh gươm sẽ đâm thấm tim Mẹ (x. Lc 2,35); Mẹ đau khổ khi nhìn thấy Con mình là “dấu chỉ của sự mâu thuẫn”, bị hiểu lầm, bị từ chối.
Mẹ biết sự thù địch và sự loại trừ nhắm vào Con của Mẹ cho đến khi, dưới chân thập giá của Người trên đồi Golgotha, Mẹ hiểu rằng niềm hy vọng sẽ không biến mất. Đó là lý do tại sao Mẹ ở lại với các môn đệ như một người mẹ. – “Này bà, đây là con bà” (Ga 19,26) – với tư cách là Mẹ của Hy vọng.
“Kính chào Đức Maria,
Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của chúng con,
Xin dạy chúng con tin tưởng,
hy vọng và yêu mến với Mẹ.
Xin chỉ cho chúng con nẻo đường đến Vương Quốc của Thiên Chúa!
Ngôi Sao Biển,
Xin chiếu sáng chúng con
và hướng dẫn chúng con trên con đường của chúng con.”
Amen.
Cha ÁNGEL FERNÁNDEZ ARTIME, S.D.B.
Bề Trên Cả
Rô-ma, ngày 25 tháng 12 năm 2020
Ngày Sinh Nhật Chúa Cứu Thế
Gia Thi, SDB chuyển ngữ
__________________
[1] Francis, Christus Vivit, 72.
[2] G. Colombero, La Malattia, una stagione per il coraggio [Illness, a Season for Courage], Paoline, Rome 1981, p. 66.
[3] Just to quote some of those we find in theology and the history of philosophy, we could begin with St Paul, St Augustine of Hippo, St John of the Cross, Luther, Bultmann and J. Moltmann. And then R. Descartes, E. Kant, Baudelaire and M. Heidegger, G. Marcel and J.P. Sartre, Le Senne, Bollnow; and some Spaniards like Miguel de Unamuno, Ortega y Gasset and the great writer Manuel Machado.
[4] Bernard of Chiaravalle, Sermons on the Canticle of Canticles, XXVI, 5 in PL 183, 906.
[5] As we also read in a well-known expression of Christian Duquoc in which he affirms the total autonomy of history.
[6] Benedict XVI, Spe Salvi, 1.
[7] Ibid, 27
[8] Francis, The Holy Father’s meditation at the extraordinary moment of prayer at the time of the pandemic, Vatican City, 27 March 2020.
[9] Francis, General audience, Wednesday, 23 August 2017.
[10] Cf. Benedict XVI, Spe Salvi, 2.
[11] This is the title Pope Benedict chose for the first part of his Encyclical Spe salvi.
[12] J. Moltmann, Experiencias de Dios, Sígueme, Salamanca 1983, pp. 103-104.
[13] BM I, 221-22 [English edition].
[14] G. Bosco, Memorie dell’Oratorio di San Francesco di Sales, in ISS, Fonti Salesiane: Don Bosco e la sua opera, LAS, Roma 2014, p. 1233 [Note: also available in the English edition of Salesian Sources, Bangalore]
[15] Costituzioni e Regolamenti SDB, 21.
[16] Benedict XVI, Spe Salvi, 49.
[17] Francis, Fratelli tutti, 115.
[18] Ibid., 30.
[19] Francis, Fratelli tutti, 32.
[20] Ibidem.
[21] Francis, General audience Wednesday, 20 September 2017.
[22] Ibidem.
[23] 20th Special General Chapter of the Salesians of Don Bosco, no. 328.
[24] Francis, General audience Wednesday, 27 September 2017.
[25] Cf. Benedict XVI, Spe Salvi: title of the first part of the Encyclical, no. 32.
[26] Benedict XVI, Spe Salvi, 32.
[27] Ibidem.
[28] Francis, “Un plan para resucitar” a la Humanidad tras el coronarivus [A plan to restore humanity after the Coronovirus] (PDF), in Vida Nueva Digital, 17 April 2020, p. 38.
[29] Francis, Evangelii Gaudium, 179.
[30] Ibid., 278.
[31] Francis, General audience Wednesday, 27 September 2017.
[32] W. Kasper – G. Augustin, Comunione e Speranza. Testimoniare la fede al tempo del coronavirus, [Communion and Hope: Witnessing to faith at the time of the coronavirus] LEV, Vatican City 2020, p. 121.