“Giấc mơ kiến tạo ước mơ”
Trái tim biến đổi “sói” thành “chiên”
Vào năm 2024, chúng ta sẽ kỷ niệm hai trăm năm giấc mơ mà cậu bé Gioan Bosco – trong tương lai sẽ là Don Bosco – đã mơ vào năm 1824, khi cậu được 9 tuổi. Thật thế, giấc mơ đó được Gia đình Salêdiêng chúng ta biết đến như là giấc mơ chín tuổi.
Cha nghĩ rằng việc kỷ niệm 200 năm về một giấc mơ đã “quyết định toàn bộ lối sống và suy nghĩ của Don Bosco; và đặc biệt, cách cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi người và trong lịch sử thế giới”[1], xứng đáng được đặt làm trung tâm của Hoa Thiêng sẽ định hướng cho năm giáo dục mục vụ của toàn thể Gia đình Salêdiêng. Giấc mơ đó có thể được tìm hiểu và đào sâu trong sứ mạng truyền giảng Tin Mừng, trong các can thiệp giáo dục và trong các hành động thăng tiến xã hội ở mọi nơi trên thế giới thuộc về gia đình của chúng ta, một gia đình tìm thấy nơi Don Bosco dung mạo của người truyền cảm hứng và là người cha của chúng ta.
Như mọi năm, vào thời điểm này, cha gửi đến anh chị em bản thảo đầu tiên về những gì sẽ là nội dung của Hoa Thiêng mà cha sẽ trình bày vào dịp cuối năm.
Dù sao đi nữa, những gợi ý đầu tiên này cũng rất quan trọng đối với sự hiện diện của chúng ta ở Bắc bán cầu, nơi mà năm giáo dục mục vụ bắt đầu vào tháng Chín. Do đó, việc nắm bắt những định hướng của Hoa Thiêng 2024 sẽ cho phép mọi người lên kế hoạch với các sáng kiến khác nhau, nhằm giới thiệu chủ đề và quảng bá nội dung được đề xuất trong Hoa Thiêng.
Đến thời điểm này, cha xin cám ơn nhóm anh em hội viên đã giúp cha suy nghĩ về chủ đề và phát triển những suy tư ban đầu này. Cha cũng biết ơn vì những gì mà cha nhận được từ sự đóng góp của Ban Tham vấn cấp thế giới về Gia đình Salêdiêng trong phiên họp hàng năm gần ngày lễ Mẹ Phù hộ các giáo hữu tại Turin-Valdocco. Trong dịp họp mặt ấy, chúng tôi hoàn toàn đồng ý việc lựa chọn chủ đề này, vào dịp 200 năm từ sau giấc mơ chín tuổi.
1. “CHA ĐÃ CÓ MỘT GIẤC MƠ…”: MỘT GIẤC MƠ RẤT ĐẶC BIỆT
Đúng vậy, 200 năm trước, cậu bé Gioan Bosco đã có một giấc mơ, giấc mơ “đánh dấu” cho toàn bộ cuộc đời cậu. Giấc mơ ấy để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong lòng cậu bé Gioan Bosco, và cậu chỉ hiểu đầy đủ ý nghĩa vào cuối đời mình!
Có nhiều tường thuật khác nhau về giấc mơ này trong cuộc đời của Don Bosco. Cha sẽ đề cập đến một phiên bản rất ý nghĩa, được nhiều anh chị em là những chuyên gia về môn học Salêdiêng đánh giá rất đặc biệt. Rõ ràng, nội dung kể về giấc mơ chín tuổi thì giống nhau, nhưng phiên bản này được Don Bosco kể lại cho Cha Barberis vào năm 1875, khi Don Bosco đã ở tuổi sáu mươi. Vào thời điểm đó, Don Bosco đã chứng kiến sự ra đời của Dòng Salêdiêng (ngày 18 tháng 12 năm 1859), Tổng Hiệp hội Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu (ngày 18 tháng 4 năm 1869), Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu (ngày 5 tháng 8 năm 1872) và Hiệp hội đạo đức Cộng tác viên Salêdiêng – theo tên ban đầu do Don Bosco đặt – được phê duyệt vào ngày 9 tháng 5 năm 1876.
Theo lối tường thuật của một câu chuyện, giấc mơ ấy được kể lại như sau:
“Từng giấc mơ riêng lẻ thường hay đến và kéo dài suốt đêm như để khích lệ Don Bosco, theo lời ngài đã kể lần đầu tiên và lần cuối cùng, cho riêng mình Cha Giulio Barberis và với tác giả của những trang viết này, vào ngày 2 tháng 2 năm 1875. Các giấc mơ bí ẩn này xuất hiện với một sự đan xen của các khung cảnh có sự lặp đi lặp lại hay đa dạng và mới mẻ, nhưng luôn tái hiện những giấc mơ trước đó, và tiếp tục với các khía cạnh tuyệt vời khác, đồng thời hội tụ ở một điểm duy nhất: tương lai của Nguyện Xá.
Đây là câu chuyện mà Don Bosco kể lại:
Hình như cha đang ở trong một cánh đồng rộng lớn với vô số người trẻ. Một số đứa cãi nhau, những em khác nói những lời phạm thượng. Ở chỗ này họ ăn cắp, ở chỗ kia, họ lỗi phạm những điều đạo đức. Rồi cha thấy một đám mây bụi mù trong không gian, là các viên đá được ném lên bởi những người đang đánh nhau. Đó là những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi và hư hỏng. Cha chuẩn bị để đi khỏi đó, thì kìa cha nhìn thấy một Quý Bà đứng bên cạnh mình, và bà ấy nói với cha:
- Con hãy tiến gần những đứa trẻ ấy và làm việc đi.
Cha tiến tới, nhưng cha phải làm gì đây? Không có một chỗ để tụ họp chúng lại, dù cha muốn làm điều tốt cho chúng. Cha quay về hướng những người đang đứng nhìn từ phía xa và tìm kiếm mấy người có thể hỗ trợ cho cha; nhưng không một ai quan tâm và cũng chẳng có ai giúp đỡ cha.
Lúc đó cha quay sang Quý Bà kia, và Bà ấy nói với cha:
- Đây là chỗ cho con; và Bà ấy chỉ cho cha một cánh đồng.
- Nhưng ở đây chỉ là một đồng cỏ, cha nói.
Bà ấy trả lời:
- Con của Ta và các Tông Đồ xưa kia không có một nắm đất để gối đầu.
Cha đã bắt đầu làm việc trên cánh đồng đó để chăm sóc, giảng dạy và giải tội cho bọn trẻ, nhưng cha thấy rằng phần lớn mọi nỗ lực đều trở nên vô ích, nếu không có một khu đất có hàng rào với một số tòa nhà nơi thu nhận chúng và nơi qui tụ các em là những đữa trẻ hoàn toàn thiếu vắng cha mẹ, bị bỏ rơi và bị những người dân khác coi thường.
Lúc đó, Quý Bà kia dẫn cha đi xa hơn một chút về phía bắc và nói với cha: Nhìn kìa! Và cha nhìn thấy một ngôi nhà thờ nhỏ và thấp, một khoảng sân bé và một đám rất đông những đứa trẻ đang ở đó.
Cha tiếp tục công việc của mình. Nhưng ngôi nhà thờ ấy đã trở nên chật chội, cha lại quay sang Quý Bà kia một lần nữa, và Bà ấy chỉ cho cha một ngôi nhà thờ khác lớn hơn nhiều cùng với một ngôi nhà gần đó. Sau đó, Bà dẫn cha đi xa hơn một chút, trong một dải đất canh tác, gần phía trước mặt tiền của ngôi nhà thờ thứ hai. Bà nói thêm với cha:
- Tại nơi này, các vị tử đạo vinh quang của thành Turin là Avventore và Octavio đã chịu phúc tử đạo, tại nơi đã được tưới gội và thánh hóa bởi máu của họ, Ta muốn Thiên Chúa được tôn vinh một cách đặc biệt nhất.
Nói rồi, Quý Bà ấy tiến tới đặt một chân lên nơi đã xảy ra cuộc tử đạo và chỉ cho cha chính xác chỗ ấy. Cha muốn tìm một dấu hiệu nào đó để nhận biết khi trở lại cánh đồng sau đó, nhưng cha không tìm thấy gì xung quanh, không một vật gì, không một hòn đá; dù sao cha đã giữ nó trong ký ức với độ chính xác. Nó tương ứng đúng với góc bên trong của nhà nguyện Các thánh tử đạo, mà đầu tiên được gọi là Nhà nguyện thánh Anna, ở bên phía bục đọc Tin mừng, trong Đền thờ Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu.
Cha lại thấy mình được bao quanh bởi một số rất đông những đứa trẻ, và con số các em ngày càng tăng; mỗi khi cha hướng nhìn vào Quý Bà kia, các phương tiện và chỗ ở cũng phát triển. Sau đó, cha lại trông thấy một nhà thờ rất lớn, chính xác ở nơi mà Đức Mẹ đã chỉ cha thấy, là chỗ đã xảy ra cuộc tử đạo của các thánh thuộc quân đoàn Tebea, với nhiều tòa nhà bao quanh và với một tượng đài tuyệt đẹp ở chính giữa.
Khi những điều này đang xảy ra, vẫn trong giấc mơ, cha thấy có rất nhiều linh mục phụ tá và các thầy tư giáo giúp đỡ cha, nhưng sau đó họ lại chạy trốn. Cha vất vả tìm kiếm họ và qui tụ họ lại, nhưng ngay sau đó họ rời đi và để lại cha một mình.
Cha lại quay sang Quý Bà kia, Bà ấy nói với cha:
- Con có muốn biết làm thế nào để họ không chạy trốn nữa không? Hãy lấy dây băng này và buộc vào trán của họ.
Cha cung kính lấy dải băng trắng từ tay Bà và thấy từ này được viết trên đó: Vâng lời.
Cha cố gắng làm theo những gì Quý Bà kia chỉ dạy, cha bắt đầu buộc vào đầu của một số người phụ tá tình nguyện bằng dải băng nhỏ, và cha thấy ngay lập tức hiệu quả kỳ diệu và tuyệt vời, và hiệu quả này luôn gia tăng khi cha tiếp tục sứ mệnh được trao phó, vì họ đã từ bỏ ý định đi nơi khác, và ở lại để giúp cha. Từ đó, Hội dòng được thành lập.
Cha còn thấy nhiều điều khác mà không cần thiết phải cho anh em biết bây giờ (dường như ngài ám chỉ đến những sự kiện lớn trong tương lai), nhưng đủ để nói rằng từ đó cha luôn bước đi trong sự chắc chắn, cả về phía các Nguyện xá lẫn Hội dòng, hay cả đến cách cha đặt mình vào mối quan hệ với những người bên ngoài của bất kỳ thẩm quyền nào. Những khó khăn lớn phát sinh đều đã được thấy trước, và cha biết cách vượt qua chúng. Cha thấy rất rõ từng phần một mọi thứ sẽ phải xảy ra với chúng ta, và cha tiến về phía trước trong hướng có ánh sáng rõ ràng. Sau khi nhìn thấy các nhà thờ, nhà ở, sân chơi, những người trẻ, tư giáo và linh mục đã giúp đỡ cha, và cách để thực hiện tất cả, Cha đã nói với những người khác và kể về điều đó như thể nó đã được thực hiện. Và đó là lý do tại sao nhiều người tin rằng cha bị mất trí và bị cho là điên khùng.
Như vậy từ đó đã khởi phát niềm tin không lay chuyển vào sự thành công của sứ mệnh, sự tự tin gần như liều lĩnh của ngài khi đối mặt với tất cả các kiểu trở ngại, vật lộn với những cam go khổng lồ, vượt trội hơn sức mạnh con người nhưng vẫn dẫn tất cả đến một kết thúc rất có hậu”.[2]
Khi giấc mơ này được thực hiện, như cha đã nói ở trên, Don Bosco đã là một người trưởng thành: ngài trải qua nhiều tình huống, ngài phải đối mặt và vượt qua nhiều khó khăn, ngài đã thấy ân sủng và tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria hoạt động như thế nào nơi các thanh thiếu niên của ngài; ngài đã nhìn thấy rất nhiều phép lạ của Đấng Quan Phòng và đã chịu không ít những đau khổ. Chúng ta biết rất rõ điều đó.
Giấc mơ chín tuổi, được viết bởi chính Don Bosco trong Hồi ký Nguyện Xá [3], (được bắt đầu viết vào năm 1873 và tiếp tục cho đến năm 1875), được đi trước bởi câu chuyện kể về cái chết của cha mình và nạn đói lớn mà gia đình ngài đã trải qua. Bố cục này hàm chứa một thông điệp ý nghĩa. Dường như ngài muốn nói với chúng ta ngay từ đầu rằng chúng ta không được nản lòng trước những nghịch cảnh của cuộc sống, bởi vì khó khăn có thể rất nhiều – và Gioan Bosco đã từng trải nghiệm – nhưng có thể có một giấc mơ, một lý tưởng để theo đuổi, một cực Bắc của la bàn để định hướng.
Chính Don Bosco đã khẳng định điều này từ những dòng đầu tiên nơi bản thảo của mình: “Vậy thì tác phẩm này có thể được sử dụng để làm gì? Đó sẽ là nguyên tắc cần có để vượt qua những khó khăn trong tương lai, nhờ rút ra bài học từ quá khứ; nó sẽ giúp để nhận biết chính Thiên Chúa là Đấng đã hướng dẫn tất cả mọi thứ trong mọi thời đại như thế nào; nó sẽ giúp con cái của cha hiểu về cách thức hành động, khi họ có thể đọc được những điều mà người cha của họ đã trải qua, và họ sẽ đọc những gì được viết một cách sẵn lòng hơn khi họ được Chúa kêu gọi để hiểu những hành động của cha, khi cha sẽ không còn ở giữa họ nữa”.[4]
2. MỘT NĂM VỚI MỘT HOA THIÊNG ĐỂ HỌC HỎI VÀ ĐÀO SÂU VỀ HỒI KÝ NGUYỆN XÁ VÀ GIẤC MƠ CHÍN TUỔI
Có lẽ một số người sẽ ngạc nhiên rằng chỉ trong mấy trang giấy này, cha lại mong muốn đưa ra một số gợi ý ngắn gọn về những gì cha sẽ khai triển rộng hơn sau này, cha xin mời gọi mọi người hãy tận dụng dịp kỷ niệm Hai trăm năm giấc mơ này để nghiên cứu và đào sâu Hồi ký Nguyện Xá và Giấc mơ chín tuổi.
Dù thế nào đi nữa, cha làm việc này với niềm xác tín sâu xa. Bản thân cha đã rất thích thú để đọc lại nhiều trang văn liệu trước khi viết những dòng này, và cha nhận ra một lần nữa rằng, trong lãnh vực liên quan đến linh đạo Salêdiêng, về lịch sử và nền tảng đặc sủng, chúng ta có nguy cơ tập trung và thường dừng lại trên một số lời khẳng định sáo rỗng, đơn điệu, lặp đi lặp lại một vài tuyên bố chung chung nào đó. Một sự phục vụ tuyệt vời mà chúng ta có thể và phải cống hiến cho rất nhiều người, cho Gia đình Salêdiêng trên thế giới, cho rất nhiều giáo dân và người trẻ, chính là việc cố gắng đưa ra một điều gì đó vững chắc hơn khi chúng ta trình bày bất kỳ suy tư cơ bản và quan trọng nào về giấc mơ này.
Cha nhấn mạnh điều này bởi vì, như chúng ta biết, Hồi ký Nguyện Xá là một bản văn tự truyện trong đó Don Bosco có ý định truyền đạt không chỉ các biến cố cơ bản đánh dấu sự ra đời của Nguyện Xá, mà còn nói đến bí mật sâu xa đã làm nảy sinh kinh nghiệm ấy, là điều làm cho ngài có thể thực hiện và tạo nên tính chất đặc biệt của Nguyện Xá một cách thiết yếu. Hồi ký đó không chỉ là một biên niên sử kể về các sự kiện, nhưng tiết lộ rõ ràng ý định lôi kéo người đọc vào cuộc phiêu lưu được tường thuật lại, muốn người ta tham gia vào câu chuyện đó như một sự việc liên quan đến mình và được mời gọi tiếp nối.[5]
“Đặc điểm này đã được Cha Pietro Braido nhấn mạnh một cách đầy ấn tượng khi gọi đó là những ký ức về tương lai, nhằm làm nổi bật đặc tính của một bản di chúc, trước khi xem đó là một tư liệu hàm chứa câu chuyện kể của Don Bosco”.[6]
Đồng thời, chúng ta cảm nhận rằng việc đào sâu nghiên cứu về giấc mơ này – trong cấu trúc của Hồi ký, được xem như là trụ cột mà từ đó kết nối các mái vòm chi tiết của câu chuyện – cũng liên quan đến việc chia sẻ cùng một quan điểm như Don Bosco, khi ngài đọc lại nó theo kiểu “hậu nghiệm, khi đã là linh mục và là đấng sáng lập [và] chỉ có thể hiểu đó như là một dấu hiệu mang tính dự đoán và tiên tri”.[7]
Ở đây cha sẽ không đề cập đến các nhân vật cũng như cấu trúc của giấc mơ, cũng không đề cập đến sự hồi hộp nơi lời tường thuật, cũng như các chuyển động khác nhau và liên tiếp trong tiến trình của giấc mơ, theo cách mà Don Bosco đã kể lại cho chúng ta. Điều này có thể được đào sâu trong các nghiên cứu bài bản và nghiêm túc hơn của các tác giả chuyên ngành Salêdiêng, mà một số tên tuổi của anh chị em chúng ta đã được cha trích dẫn.
Cha giới hạn trong việc liệt kê một số đặc điểm có thể được khai triển (theo cách nhanh gọn và không phải như một nghiên cứu khoa học, nhưng như một lời mời gọi để chuyển dịch nó vào đời sống và đặc sủng của Tu hội và của Gia đình Salêdiêng ngày nay).
Cha muốn đề cập đến các khía cạnh sau:[8]
- Sứ mệnh Nguyện xá đã được thể hiện rõ trong giấc mơ của cậu bé chín tuổi: khung cảnh đầy những bạn trẻ. Những người trẻ đó xuất hiện “rất thật”.
- Một ơn gọi dường như không thể thực hiện, và không thể đạt tới. Cậu bé Gioan Bosco thức dậy mệt mỏi, thậm chí đã khóc, bởi vì khi nghe tiếng gọi của Thiên Chúa (Chúa Giêsu trong giấc mơ), lời hướng dẫn mà tiếng gọi ấy nại tới thì không thể thấy trước và tạo cho cậu sự bối rối.
- Vai trò trung gian của người mẹ nơi Quý Bà trong giấc mơ (liên quan đến tính chất bí ẩn của danh xưng). Đối với Gioan Bosco, người mẹ của cậu và Mẹ của Đấng mà cậu chào ba lần một ngày, cả hai sẽ là một nơi chốn cho nhân loại, là nơi để nghỉ ngơi và tìm thấy trong đó sự an toàn, nơi trú ẩn trong những thời điểm khó khăn nhất.
- Điểm cuối cùng, đó là: sức mạnh của sự hiền lành và sự dễ dạy đối với Chúa Thánh Thần – như chúng ta sẽ nói ngày nay. Sức mạnh có trong giấc mơ hàm chứa nơi thông điệp của việc trở nên mạnh mẽ, khiêm tốn và kiên cường.
3. CÁC YẾU TỐ KHÁC SẼ ĐƯỢC NÓI ĐẾN TRONG VIỆC KHAI TRIỂN NỘI DUNG CỦA HOA THIÊNG
Cha muốn nói đến ở đây các yếu tố và ý kiến đóng góp khác mà cha đã thu thập được từ suy tư của Ban Tham vấn cấp thế giới về Gia đình Salêdiêng 2023 cũng như từ nhóm làm việc của cha. Không nghi ngờ gì nữa, đây là những khía cạnh, bằng cách này hay cách khác, sẽ được trình bày trong bản văn cuối cùng:
- Trước hết, chúng ta phải cẩn thận để không giới thiệu Don Bosco như một lý tưởng không thể đạt tới được. Don Bosco là con người thực tế và cụ thể, với những khó khăn mà ngài phải đối mặt từng bước một, với niềm tin tưởng và hy vọng vào Đấng Phục sinh và vào Mẹ Phù hộ các giáo hữu.
- Chắc chắn chúng ta sẽ phải xem xét giấc mơ chín tuổi như một lời tiên tri sẽ được soi sáng và phải được hiện thực; đó chắc chắn là một ví dụ về cách mà Lời của Thiên Chúa phải được chấp nhận với sự khiêm nhường và tin tưởng, không vội vàng muốn đạt đến ngay lập tức kết quả mà chẳng ai biết là gì.
- Điều rõ ràng hơn nữa đối với chúng ta đó là sau khi suy tư về giấc mơ chín tuổi của Don Bosco, cần nhấn mạnh về niềm tin tưởng của Don Bosco vào Đấng Quan Phòng: “Vào đúng thời điểm con sẽ hiểu mọi sự”.
- Như Cha Pascual Chávez đã từng trình bày trong Hoa Thiêng năm 2012[9], chắc chắn chúng ta sẽ phải “đối mặt với những con sói” muốn nuốt chửng đàn chiên: đó là chủ nghĩa thờ ơ, chủ nghĩa tương đối về luân lý, chủ nghĩa tiêu thụ phá hủy giá trị của sự vật và kinh nghiệm sống, những ý thức hệ sai lầm…
- Giấc mơ đưa chúng ta đến thời hiện tại. Việc “nói không với những trận đấm đá” trong giấc mơ là thách đố và trở nên đòi hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết, khi chúng ta phải tiếp cận với những bạn trẻ nam nữ, bởi vì hận thù và bạo lực đang tiếp tục gia tăng. Thật vậy, thế giới của chúng ta đang ngày càng trở nên bạo lực hơn, và chúng ta, những nhà giáo dục và loan báo Tin mừng cho giới trẻ, phải có giải pháp cho những gì mà cậu Gioan Bosco đã từng trăn trở trong giấc mơ, đó cũng là điều ảnh hưởng và khiến cho chúng ta trăn trở hôm
- Quý Bà (Đức Mẹ) được giới thiệu là Bà giáo và Mẹ. Bà là mẹ của cả hai, của Chúa Giêsu uy nghiêm trong giấc mơ và của chính Gioan Bosco; người mẹ đó – cho phép cha diễn giải – là người đã nắm lấy tay cậu bé và nói:
- “Hãy nhìn“: thật quan trọng đối với chúng ta là việc học biết cách nhìn, và thật là
sai phạm nghiêm trọng khi chúng ta không “nhìn thấy” người trẻ trong hoàn cảnh thực tế của họ, về những gì họ là (cả trong hình thức chân thực và đẹp đẽ nhất cũng như trong sự bi thảm và đau đớn nhất của họ).
- “Hãy học hỏi“: để trở nên khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường, bởi vì chúng ta sẽ
cần sự đơn sơ (khi đối mặt với quá nhiều kiêu ngạo) và sức mạnh (khi đối mặt với rất nhiều điều mà chúng ta phải đương đầu trong cuộc sống). Sự kiên cường là khả năng phục hồi (tức là khả năng không để mình bị nản lòng, không để cánh tay buông xuôi như một dấu hiệu cho thấy mình bất lực và không thể làm gì được).
- “Và hãy kiên nhẫn“: dành thời gian cho mọi sự và để Thiên Chúa là chính Ngài.
4. MỘT GIẤC MƠ KIẾN TẠO ƯỚC MƠ
Tầm nhìn của chúng ta không dừng lại ở giấc mơ như một dự án ơn gọi được trao cho Don Bosco theo quan điểm nhìn về tương lai của ngài sẽ như thế nào, nhưng đó là khả năng nhìn lại, đang khi chú tâm đến cả những giọt nước mắt ngài đã rơi trong khi cử hành Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Tâm ở Roma. Những giọt nước mắt ấy là đọc lại cuộc sống của chính mình, để hiểu được cách thức mà Chúa là nhân vật chính đã thực hiện, quyền năng của Chúa nắm giữ mọi sự trong tầm tay mình, và cách thức mà ngày hôm nay giấc mơ này có liên quan như thế nào đến những giấc mơ của các Salêdiêng, con cái của Don Bosco, của anh chị em trong toàn thể gia đình Salêdiêng và đặc biệt là của người trẻ.
Theo nghĩa này, giấc mơ của Don Bosco tiếp tục làm cho chúng ta mơ ước và mời gọi chúng ta suy nghĩ về điều chúng ta là ai và chúng ta sống vì ai cho ngày hôm nay: ^ Mỗi một lựa chọn của Don Bosco là một phần của một dự án vĩ đại hơn: đó là kế hoạch của Thiên Chúa dành cho ngài (những giấc mơ). Do đó, không có sự lựa chọn nào đối với Don Bosco là tầm thường.
– Nhiều người trong chúng ta không nhận ra rằng Thiên Chúa có một giấc mơ cho mỗi người, một kế hoạch tốt lành, là điều Thiên Chúa mong muốn và được chính Ngài thiết kế phù hợp cho chúng ta. Bí mật của hạnh phúc được mong chờ chính xác nằm trong cuộc gặp gỡ và sự tương ứng giữa hai giấc mơ: giấc mơ của chúng ta và giấc mơ của Thiên Chúa.
o Hiểu được giấc mơ của Thiên Chúa là gì đối với chúng ta trước hết tương đương với việc nhận ra rằng Chúa đã ban cho chúng ta sự sống vì Ngài yêu thương chúng ta như chúng ta là, bất kể chúng ta có cả những giới hạn.
Như thế, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa muốn làm những điều vĩ đại với mỗi người chúng ta!
Tôi quý giá bởi vì nếu không có tôi thì một điều gì đó không thể thực hiện được; vì có những con người mà chỉ riêng tôi mới có thể yêu thương, những lời mà chỉ mình tôi mới có thể nói, những khoảnh khắc mà chỉ bản thân tôi mới có thể cảm nhận được!
– Thiên Chúa nói bằng nhiều cách, thực hiện những điều vĩ đại bằng “những công cụ đơn sơ”, ngay trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta, qua những cảm xúc dâng trào trong lòng chúng ta, qua Lời Chúa được đón nhận với đức tin, được đào sâu với sự kiên nhẫn, được nội tâm hóa với tình yêu, theo đuổi với lòng tin tưởng.
o Đây là lý do tại sao điều quan trọng là học cách để lắng nghe chính mình, để giải mã các chuyển động bên trong, để lên tiếng cho những gì đang khuấy động trong chúng ta, để nhận ra đâu là những dấu hiệu hoặc “giấc mơ” tiết lộ cho chúng ta tiếng Chúa mời gọi và đâu chỉ là kết quả của những lựa chọn sai lầm.
– Trong cuộc sống, lựa chọn, mơ ước, quyết định là tất cả những điều ngụ ý chịu trách nhiệm về hậu quả mà sự lựa chọn này đòi hỏi. Tất cả điều này có thể tạo ra lo lắng, bất tiện và thậm chí sợ hãi.
o Trong những diễn đạt xuất hiện nhiều lần nơi các bản văn Kinh Thánh, chắc chắn có lời khuyên “đừng sợ”. Lời này chủ yếu được tuyên bố bởi Thiên Chúa hoặc bởi một trong những sứ giả của Ngài, trong hầu hết các trường hợp, đó là một lời kêu gọi gắn với ơn gọi, nghĩa là lời mời gọi thực hiện một dự án cuộc sống liên quan đến toàn thể người nhận được nó. Điều thú vị là lời đó thường đi trước hoặc tương ứng với cảm giác sợ hãi xâm chiếm người nhận được thông tin. Điều này phát sinh từ nhận thức của chủ thể về sự bất tương xứng của bản thân đối với nhiệm vụ được đề xuất.
o Theo nghĩa này, những lời rất trìu mến thường được lặp đi lặp lại với giới trẻ của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vẫn còn vang vọng rất mạnh mẽ: “Các con đừng sợ”!
– Lời trong giấc mơ “làm cho mình trở nên khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường” mà chúng ta đã đề cập cũng rất hữu ích, giúp chúng ta vượt qua cám dỗ của việc từ bỏ các cam kết một cách dễ dàng, hoặc chờ đợi cách thụ động cho mọi thứ sẽ đến mà không cảm thấy sự cần thiết của trách nhiệm cá nhân. Mối nguy hiểm này sẽ được đẩy xa nhờ sự dũng cảm và được hoá giải nhờ sự khiêm nhường của những ai nhận thức được những giới hạn của mình, nhưng cũng biết tin tưởng vào sức mạnh và sự hiện diện của Thiên Chúa.
– Những người trẻ thường bị ảnh hưởng bởi ước mơ của người khác: cha mẹ, bạn bè hoặc các điều kiện của xã hội. Với ý thức rằng Thiên Chúa có một ước mơ cho mỗi người, có một dự án được Thiên Chúa chuẩn bị, mong muốn và chính Ngài thiết kế cho mỗi người, chúng ta cần cùng những người trẻ khám phá ước mơ của chính họ: cuộc đời có mục đích để sống và chúng ta phải tin vào vẻ đẹp của những gì nơi con người; chúng ta phải mở lòng mình ra cho những ước muốn lớn lao như giấc mơ lớn lao của Thiên Chúa đối với mỗi người trẻ và phải cố gắng để hiện thực hoá các ước mơ đó.
o Người trẻ được mời gọi để trở thành những gì họ thực sự là: căn tính của họ là sự viên mãn nơi cuộc sống của Đấng kêu gọi họ nên thánh ngay cả bây giờ!
– CHÚNG TA CẦN ĐẾN NHỮNG NGƯỜI KHÁC ĐỂ XÂY DỰNG CHÍNH BẢN THÂN VÀ ƯỚC MƠ CỦA MÌNH. Chúng ta không thể thực hiện sự phân định và cuộc hành trình này một mình. Chúng ta cần tin vào bản thân và cần sự tín thác. Ngay từ khi còn nhỏ, Don Bosco đã học cách phó thác bản thân với lòng tin tưởng nơi sự hướng dẫn của một Bà Giáo. Điều này muốn nói với chúng ta rằng luôn có những người hướng dẫn khôn ngoan và truyền cảm hứng Tin Mừng mà chúng ta có thể tin tưởng và tín thác. Chính ở điều này mà một nhiệm vụ tuyệt vời được giao phó cho chúng ta.
Torino-Valdocco, ngày 25 tháng 7 năm 2023
Don Ángel Fernández Artime, S.D.B.
Chuyển ngữ: Barnaba Lê An Phong, SDB
________________
[1] P. Stella, Don Bosco nella storia della religiosità cattolica. 1. Vita e opere, LAS, Roma 1979, 31s.
[2] MB II, 298-301.
[3] G. Bosco, Memorie dell’Oratorio di S. Francesco di Sales dal 1815 al 1855, in ISS, Fonti salesiane 1. Don Bosco e la sua opera, LAS, Roma 2014, 1170-1308.
[4] G. Bosco, o. c., 1172.
[5] Cfr. A. Bozzolo (a cura di), o.c., 215.
[6] P. Braido, Scrivere “memorie” del futuro, RSS 11 (1992) 97-127, in A. Bozzolo (a cura di), o.c., 215.)
[7] A. Bozzolo (a cura di), o.c., 216.
[8] Cfr. A. Bozzolo (a cura di), o.c., 251-268.
[9] P. Chávez, «Conoscendo e imitando Don Bosco facciamo dei giovani la missione della nostra vita». Primo anno di preparazione al Bicentenario della sua nascita. Strenna 2012, in ACG 412 (2012), 3-39.