Qua nhiều năm làm việc với các bạn trẻ tuổi vị thành niên, Nhật Tâm nhận thấy đây là giai đoạn chất ngất những thắc mắc, những băn khoăn. Và với mớ bòng bong những vấn nạn, tuổi teen cần có một bạn đồng hành để gỡ rối những mối bận tâm ấy. Như một người bạn đồng hành, Nhật Tâm muốn có một trang để lắng nghe và trả lời những thắc mắc của các em, với ước mong giúp các em bước vào cuộc sống cách tự tin và bình an hơn.
Thắc mắc
Chị Nhật Tâm ơi, em là H.A, năm nay em 15 tuổi. Chẳng hiểu vì sao mà em rất hay bực bội với những yêu cầu của ba mẹ. Cũng vì thế mà em rất buồn mỗi khi trở về nhà, buồn vì em cảm thấy mình không được hiểu, buồn vì em cảm thấy mình không còn ngoan ngoãn với cha mẹ như xưa. Chị giúp em hiểu mình hơn được không? Em phải làm gì để vượt qua những cảm xúc tiêu cực đó?
H.A thân mến, cảm ơn em đã chia sẻ với chị. Đọc thắc mắc của em chị hình dung ra khuôn mặt buồn bã của em mỗi khi trở về nhà vì em thường không cảm thấy hài lòng về cách dạy dỗ của ba mẹ. Em nhận ra tương quan của em với ba mẹ trong thời gian gần đây có gì không ổn. Em không chỉ cảm thấy khó chấp nhận với lối hành xử của ba mẹ mà ngay cả với chính mình, em cũng không hài lòng với những thay đổi về thái độ và cảm xúc tiêu cực đang diễn ra nơi bản thân. Có lẽ em đã từng phân vân: em hay ba mẹ, ai thực sự có lý. Từ những băn khoăn suy nghĩ này, em ước muốn không chỉ giải quyết được khó khăn nhưng còn mong hiểu chính mình hơn, có đúng thế không?.
H.A thân, em có biết rằng không chỉ một mình em có những cảm xúc khó chịu như thế, mà không ít bạn bè cùng trang lứa cũng mang nỗi bức xúc giống như em. Có lẽ em biết rằng vấn đề không hiểu được mình và người khác thường dẫn đến việc là không có kiên nhẫn để lắng nghe và đón nhận lẫn nhau. Trong vấn đề này em nên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ, như thế em sẽ dễ đón nhận và tự tìm cho mình những câu trả lời thấu đáo và phù hợp với hoàn cảnh riêng của em.
Chẳng hạn như em cảm thấy mình bây giờ rất khác so với mấy năm về trước, em không còn là một em bé để ba mẹ phải nhắc nhở từng chuyện rất nhỏ. Nhưng trong ánh nhìn của ba mẹ, thì họ thấy em chưa đủ lớn để có thể để tự giác và trách nhiệm trên các bổn phận của em. Có khi nào em nghĩ đến tâm trạng của ba mẹ không? Em hình dung xem ba mẹ có buồn không khi nhớ lại là chỉ mấy năm trước đây thôi, em còn là một đứa bé luôn vâng lời và quấn quýt bên ba mẹ, có chuyện gì về bạn bè hay về thầy cô em cũng hào hứng kể cho ba mẹ nghe, còn bây giờ, em lại dành nhiều thời giờ hơn cho tương quan bạn bè và cho những nhu cầu riêng tư của bản thân? Em biết không, nhiều khi chính những thay đổi này nơi em, một cách vô thức, cũng làm cho những người thân của em trở nên bực dọc, cứng cỏi. Vì thế, có nhiều bạn trẻ ở tuổi của em cho rằng ba mẹ của họ không hiểu những cảm xúc và những suy nghĩ của họ. Cho nên vừa khi về đến nhà, là họ lo làm quấy quá mọi thứ thật nhanh để vào phòng riêng hay đi làm việc riêng.
Nhật Tâm muốn bật mí cho em một điều: Em có biết là trong độ tuổi của em có rất nhiều thuận lợi và cũng không ít nguy cơ trong tiến trình phát triển? Những phản ứng nơi em giúp cho em dần khẳng định về căn tính và sự tự lập của mình. Chính vì thế một cách rất tự nhiên, sự phản kháng này ngầm nói với ba mẹ là em đã lớn và em cần có tự do và trách nhiệm trên những hành động, chọn lựa của em. Và điều này cũng giúp cho ba mẹ dần ý thức hơn rằng em đã lớn, nên không thể nào tiếp tục đối xử với em như cách họ thể hiện trước kia. Ba mẹ cần thời gian và sự giúp đỡ của em để đón nhận những biến chuyển mới nơi em, cũng như em đang cần đến sự thấu hiểu và lắng nghe để đón nhận những cảm thức mới nơi mình.
Rất nhiều nhà tâm lý – giáo dục đã nhận xét rằng hai thái độ sống không phù hợp với sự phát triển lành mạnh ở độ tuổi này đó là: Lệ thuộc hoàn toàn và thụ động, hoặc là trở nên ngoan cố không biết nghe ai. Người gắn bó một cách thái quá vào cha mẹ và gia đình thì rất nhút nhát, không sống cho chính mình, không bao giờ nêu lên ý kiến của mình, đè nén những cảm xúc của mình để theo người khác trong mọi sự. Một thanh thiếu niên quá lệ thuộc như thế thường không dám hòa mình vào trong các tương quan bạn bè và họ thường xuyên cảm thấy buồn phiền. Còn người tỏ ra mình quá tự lập, quá mạnh mẽ, chống đối với mọi thành phần và không bao giờ muốn hạ mình để nghe ai, thì họ lại có nguy cơ là khó làm chủ được tính nóng nảy và hung hãn của mình. Điều đáng tiếc là nhiều khi lối phản ứng này gây ra tai hại lớn cho bản thân và cho người khác…
Để kết lại, Nhật Tâm nhắn nhủ em rằng: Lắng nghe và hiểu biết những cảm xúc đã và đang diễn ra nơi mình và nơi những người đang sống bên mình là con đường tốt để giúp em mỗi ngày khám phá ra chính mình. Sự hiểu biết và đón nhận mình là yếu tố căn bản để bảo vệ những mối dây tình cảm đã có và giúp xây dựng những tương quan mới trong xã hội một cách cởi mở và hiệu quả hơn.
Chúc em vui tươi và thành công trong cuộc sống
Nhật Tâm