Đã biết bao ngày tôi tự hỏi “thế nào là chữ Tâm trong giáo dục. Tôi “lang thang” khắp chốn mà chẳng tìm được điều gì để sẻ chia. Rồi một buổi, tôi gặp câu chuyện sau đây. Nó để lại trong tôi nhiều điều và tôi hy vọng nó cũng giúp ích cho bạn trong nghệ thuật giáo dục.
Một ngày kia, Don Bosco đến thăm một gia đình giàu có. Đó là gia đình của một vị tướng đã về hưu. Bạn có thể tưởng tượng hẳn đây là một gia đình giàu có. Lúc tới, ngài thấy đứa nhỏ đang chơi bên một đống đồ chơi. Nhưng đôi lúc không hài lòng, cậu bé văng tục. Don Bosco đến gần cậu để làm quen và rồi chẳng mấy chốc chiếm được cảm tình của cậu. Ngài cùng chơi với cậu. Rồi khi cuộc chơi không như ý muốn, cậu văng tục như thói quen. Don Bosco lại gần và nói với cậu: “Con không được nói như vậy. Điều đó không tốt tí nào. Nó xúc phạm đến Thiên Chúa đấy”. Vị tướng lúc ấy cũng đang ở đó. Ông họa vào: “Con không được văng tục như thế!”. Cậu nhỏ xìu mặt xuống, miệng làu bàu, song cũng đủ để những người ở đó nghe rõ: “Bố vẫn thường làm như thế mà!”. Vị tướng đã đỏ mặt thẹn thùng. Ông thú nhận rằng mình đã từng làm như vậy, cứ tưởng không có gì xảy ra. Rồi cả hai người đều đến trước Don Bosco và đoan hứa từ nay sẽ không làm như vậy nữa.
Câu chuyện xem ra chẳng lớn lao như thể chẳng có chi đáng nói, và dường như chỉ đề cập đến vấn đề giáo dục bằng gương sáng. Đúng là thế! Nhưng ta có thể suy nghĩ như thế này: Có một lúc nào đó các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục đã lãng quên mục tiêu của mình, không toàn tâm toàn lực cho sứ vụ giáo dục, và thế là các hành động của chúng ta “lạc điệu” trong giáo dục. Tâm hồn các thanh thiếu niên sánh ví như một tờ giấy trắng, đã được in lên những điều không nên ấy. Trong câu chuyện ở trên, người cha đã không để cho “cái tâm giáo dục” chi phối cách sống, thái độ, và lời nói của mình. Thế là Vô tình và bất hạnh thay, nó như thể nói cho đứa nhỏ rằng “hãy trở nên như thế”. Còn đứa nhỏ “tưởng” rằng làm theo như bố là tốt.
Nếu điều trên là đúng, thì quả thật chữ tâm trong giáo dục không xa vời chút nào. Giáo dục với tâm hồn không chỉ nói đến việc giáo dục với sự hiền lành, mà còn muốn đòi phải dành “một lòng một trí” cho việc giáo dục. Như vậy, chữ tâm đi liền với mọi sự. Nó chi phối mọi sự. Nó thấm nhập vào mọi hành vi, cử chỉ, tâm tình và suy nghĩ. Ta chẳng từng nhận xét một người cẩu thả là “làm việc mà chẳng có tâm” đó sao? Điểm nổi bật nơi diện mạo và gương sáng của Don Bosco trong giáo dục chính là điểm này, và nó đã làm cho ngài nên sống động và hấp dẫn. Chuẩn bị mừng 200 năm ngày ngài sinh ra mời gọi chúng ta cam kết hết lòng cho nghệ thuật ‘đào tạo những con người tuyệt vời’ cho tương lai của quê hương đất nước chúng ta.
Huệ Nhẫn